Bài nổi bật

Lá chao đỏ – Nguyễn Phú

RadioVn.Com – Chợ huyện Cốc Pài nằm trong thung lũng Pắc Pò, họp nhằm ngày ba, ngày sáu, ngày chín tháng ta.
Hai mươi chín tháng Chạp.
Chợ Cốc Pài họp phiên cuối năm.
Gạo nếp Nàn Ma, Nấm Dẩn trắng xóa, cam sành Thèn Phàng đỏ ối chảy nhấp nhô trên các ngả đường về chợ. Lợn đen. Dê vàng. Gà trắng…theo bước chân hỉ hả của các đôi vợ chồng đàn đàn lũ lũ tràn xuống thung lũng…
Mấy năm nay, nhờ có dự án trồng rừng, nuôi bò, dê mà dân trong vùng giàu lên. Nhiều nhà đã có xe máy. Chợ phiên là vợ chồng con cái cưỡi xe lao vù vù từ trên núi xuống thung lũng Pắc Pò. Những con ngựa già được khiêng ra chợ. Giờ so với cái xe máy thì con vật bốn chân ấy chẳng ăn thua gì, mỗi ngày lại tốn mấy cân ngô. Thành ra, quán thắng cố ngựa của lão Sân lúc nào cũng dập dìu, tấp nập.
Quán lão Sân nằm ở ngã ba, cũng là trung tâm chợ. Một vị trí đắc địa. Mấy tay người Kinh lên làm ăn quanh chợ, nhìn cái quán của lão mà sôi máu mắt. Nhưng làm gì được lão. Lão ghét những thằng người xuôi lên đây. Bọn chúng chỉ tổ làm lão ngứa mắt. Lão là thổ địa ở đây. Sóng gió cuộc đời lão cũng từ đây.
Lão Sân vớ được con ngựa bạch quý chiều qua. Người đàn bà có chồng sắp chết đã dắt nó đến cầu xin lão. Giá định xong, lão còn quẳng cho mụ ta vài cân thịt và quả tim ngựa. Mụ ta ứa nước mắt cảm ơn lão. Lão Sân đặc biệt thích mua những con ngựa bạch để giết thịt. Không hẳn là mấy năm nay người ta đua nhau săn lùng cao từ cái giống ngựa ấy. Lão hành quyết những con vật đó bằng sự khoái lạc kì quái.
Bốn chân con ngựa bạch được cột vào bốn cọc lim chắc. Lão Sân lượn vòng tròn, mắt ngầu tiết, rồi bất ngờ vung những nhát búa như trời giáng xuống đầu con bạch. Con vật tội nghiệp uất hận, lồng lộn tuyệt vọng. Nhát búa cuối cùng. Nó hí lên một tiếng xé trời. Im bặt. Hộp sọ vỡ toác. Máu lẫn óc nhể nhề nhề. Bấy giờ lão Sân mới thọc con dao bầu đánh phập vào yết hầu con vật, ngoáy ngoáy một hồi. Máu xối ào ạt, tràn ra lênh láng, trôi cả những cánh hoa đào dưới đất. Chậu huyết bán hết veo sau mươi phút chọc tiết. Bộ xương đã được một gã phe xương đặt hàng. Mông, bắp thì con mẹ hàng thịt khuân đi.
Sáng nay, trong quán lão Sân chỉ còn bộ lòng và ít thịt bèo nhèo. Thế mà khách xua không hết. Đây là phiên cuối năm. Người ta đi uống với nhau để chúc nhau một năm không may mắn qua đi. Uống với nhau để bỏ qua hiềm khích. Uống với nhau để có lời chúc sớm một năm sức khỏe, ngô thóc đầy nhà, gà lợn đầy chuồng…
 
Lá chao đỏ – đọc truyện đêm khuya vov
Lão Sân không muốn bán hàng hôm nay. Nhưng mụ vợ lão, với lòng tham đàn bà, những phiên chợ cuối năm như thế này là cơ hội để mụ thu bộn tiền. Mụ đã giãy nảy lên, kêu giời kêu đất khi lão gọi người khuân hết cả bộ lòng và số thịt của con ngựa bạch. Thế là lão thây kệ. Muốn làm gì thì làm. Lão phó mặc cho vợ, đứa con gái và hai đứa người làm. Lão uống rượu.
Lưng lửng chiều.
Đứa con gái lôi đâu băng đĩa về, từ cái loa đen trùi trũi, lời hát rên lên ỉ ôi: “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn. Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành…”. Cái phố núi sậm chàm, bằng lặng của lão đến loạn cả lên mất rồi. Cái lũ trẻ ranh học thói ở đâu con trai con gái tóc xanh tóc đỏ, dóng dượt nhau bấm còi, rú ga xe máy inh ỏi cả đêm. Người già ra chửi chúng ném đá vào nhà. Thế là im. Đứa nào có con đứa ý dạy. Con Hoa nhà lão cũng tí tởn theo đám ấy. Chưa tối đã chui vào buồng, soi gương, rồi tót đi. “Gương với lược. Rồi đến làm đĩ!”. Lão đã rít lên, đập nát cái gương đầu tiên con Hoa mang về. Mụ vợ lão nước mắt thầm thĩ chảy. Chiếc roi vô hình từ câu chửi con của lão quất vào mặt mụ. Đau điếng. Con Hoa thì co rúm lại, không hiểu chuyện gì. Cái thứ hai. Cái thứ ba… Nó khóc hức hức. Ức lên tận cổ. Nó vẫn lén lút mua gương về soi. Con gái mười sáu. Cấm làm sao được nó soi gương! Hôm trước lão đã cho cái bạt tai. Thế mà hôm nay còn rước cái của nợ ở đâu về làm điếc tai, não ruột. Hát thế này thì chó nó vào quán à?! Điên tiết! Lão chửi toáng lên. Mấy lão khách say khướt thấy lão Sân chửi, khoái chí cười sằng sặc. Chỉ mụ vợ lão là hiểu lòng lão. Ngày này năm nào lão chả uống rượu đến say mèm. Mụ pha cho lão một cốc nước chanh, hai tay vuốt vuốt lưng lão. Rồi mụ réo con Hoa đang bê rượu cho khách.
– Con Hoa đâu? Có tắt ngay đi không? Tội nợ! Con với chả cái…
Lão nhìn mụ. Ô, cái người đàn bà này là vợ mình ư? Không chỉ lúc này mà nhiều đêm, hơi rượu còn nồng nàn, hì hụp, cấu cào trên bụng mụ cái câu hỏi ấy cứ ong ong trong lão…
– Ông chủ Sân ơi! Ông chủ Sân ơi! Có còn rượu không?
Một người khách gọi lão từ phía ngoài lôi tuột lão ra khỏi những ý nghĩ đẩu đâu. Lão bừng tỉnh, lững đững bước ra.
– Ông Sân đấy à? Vợ con giấu đâu mà kĩ thế! Người khách lại lên tiếng.
Người khách là đàn ông, sấp sỉ tuổi lão. Nhìn người đàn ông, lão không nhận ra nét nào quen. Không có vẻ gì là người này muốn uống rượu.
– Tìm tôi có việc gì thế? Chắc là không phải uống rượu rồi.
Người đó gật gật, nói nhỏ vào tai lão câu gì đó. Hai người đi ra phía đầu chợ.
Lão Sân quay về mặt như đá mốc. Lão uể oải vào nhà trong, ật ra giường. Mụ vợ len lén nhìn lão. Mụ không dám hỏi.
“Bà ấy sắp đi rồi. Bà ấy muốn gặp ông lần cuối. Ông không quyết định nhanh, tôi sợ sẽ không kịp…”. Những lời người đàn ông nói làm lão Sân suy nghĩ lung lắm. Ôi, cái người ấy, cái người đàn bà đã làm con tim lão thù hận, đau đớn tưởng đến lúc chết vẫn chưa thôi. Còn muốn  gì ở lão đây? Lão và người ấy từ lâu đã như con chim trên trời, con cá dưới nước. Lão nhớ có một lần người ấy xuống chợ, dắt theo một con dê cái. Lão sai thằng bé người làm ra mua. Trả tiền xong, lão Sân ra giằng lấy cái dây từ tay thằng bé. Vừa đi lão vừa vung roi vun vút vừa chửi: Đồ đĩ! Đồ đĩ!…. Người khắp chợ xúm đen xúm đỏ lại xem. Lão nghe thấy tiếng nức nở phía sau. Lòng lạnh băng. Từ đấy người ấy không một lần xuống chợ… Nhưng nay thì người ấy sắp chết. Nghĩa là sẽ không bao giờ lão còn nhìn thấy người ấy bằng xương bằng thịt nữa. Không đi rồi liệu lòng lão có yên được không? Mà đi có hết đêm nay cũng không chắc đến chỗ người đàn bà ấy được. Mai là ngày tết chủ nhà lão. Lão là người đi lấy nước về cúng ông bà tổ tiên. Bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu câu hỏi… Rồi cái ngày uất hận ấy cứ như dầu sôi xối vào tim lão, óc lão.
Hai chín tháng Chạp năm ấy. Cũng phiên chợ cuối năm…
Con ngựa bạch vun vút như một dải mây trên đường. Cả chợ Cốc Pài ngẩn ngơ nhìn ngắm con bạch khi nó dừng lại. Nó là hình ảnh tuyệt mĩ, là sự uy dũng chưa từng thấy trong mắt họ. Người ta còn trầm trồ bởi đôi trai gái từ lưng ngựa bước xuống. “Đẹp quá! Như người trời”. Có người thốt lên. Si cúi đầu e thẹn, hai má ửng đỏ, ánh mắt biếc xanh càng làm cô thêm vẻ đẹp hoang sơ. Sân da nâu bóng, cao lớn, săn chắc như súc gỗ lim. Ánh mắt mọi người làm Sân thêm tự hào.
 
Lá chao đỏ – đọc truyện đêm khuya vov
Những ánh mắt ngưỡng mộ. Những cái nhìn ghen tuông. Không ai biết Sân mất cả cha lẫn mẹ từ cái ngày chỏm tóc trên đầu Sân còn cháy đỏ như lông đuôi con bò. Si không có bố, mẹ Si ốm nằm liệt mấy năm rồi. Để có tiền cưới nhau như lệ bản, Sân phải sang Trung Quốc làm thuê ba năm. Con ngựa bạch là một phần mồ hôi của Sân. Hôm nay, Sân dẫn vợ sắp cưới xuống chợ. Ăn tết xong họ sẽ về một nhà. Cả hai sợ sẽ không còn kịp, mẹ Si yếu lắm rồi. Họ xuống chợ lẫn lộn vui, buồn…
– Vào uống với nhau một bát rượu đi!
– Đi chợ với người yêu nên cái mắt không nhìn thấy bạn à?
– Anh Sân, người yêu ở đâu mà xinh thế. Lấy hết cái mắt của cả chợ rồi!
-…
Quán thắng cố lổn nhổn người. Nhốn nháo. Sằng sặc. Cười nói. Sân nhận ra đám bạn làm thuê. Sân chưa kịp nói gì, một người đã lôi vào. Cả bọn nhìn Sân ngưỡng mộ. Rượu nâng lên. Cạn. Nâng lên. Cạn. Lại nâng lên. Lại cạn…Sân thấy chếnh choáng. Hàng quán ngả nghiêng. Đám bạn kềnh càng, lồm ngồm trên nền đất.
Sân ngủ lúc nào cũng không biết nữa. Khi tỉnh dậy thì thấy nằm trơ một mình dưới gốc cây bứa, chỗ buộc con ngựa bạch. Sao Si không ngồi quạt cho mình? Si sắp làm vợ mình rồi mà? Đàn bà Mông xuống chợ ai chả ngồi quạt cho chồng?
– Uống cho say để quên vợ, mất vợ à Sân?
Sân chưa hiểu gì thì người đàn bà họ xa lại eo éo:
– Cái Si nó đi theo thằng buôn người Kinh rồi. Chúng nó chở nhau vào núi Pía rồi đấy. Mày có còn muốn cưới nó hay không?
-…
– Chúng nó vừa đi đấy thôi. Mày có đuổi theo thì đuổi…
Máu dồn lên làm đầu Sân như một lò than nung đỏ. Sân nhảy tót lên con ngựa bạch, hai chân thúc liên hồi. Con bạch vút đi. Kia rồi! Đúng là Si rồi! Si ngồi trên cái xe đen trũi, sau cái thằng buôn vải người Kinh. Cái xe của nó như con bọ hung đang bay vèo vèo, uốn liệng trên đường. Nó biết có người đuổi theo, nó càng bay nhanh. Sân hối ngựa, hét đến hộc máu mồm. Bóng Si mỗi lúc một mờ dần, mờ dần, rồi mất hút vào núi rừng đang sẫm một màu chàm tím.
Đêm bủa vây. Vài ánh sao lạc lơ lắc. Sân rũ ra bên con bạch. Không thể tìm thấy Si được nữa rồi. Con bạch như hiểu được nỗi lòng của chủ, nó thè lưỡi liếm vào má Sân nhằm nhặm. Sân lại lên ngựa. Người ngựa đi mê dại trong rừng cho đến sáng.
Chiều hôm sau Si mới về bản. Si mang về một bộ váy áo đẹp lắm. Người ta bảo phải mươi đồng bạc trắng mới mua được. Cả một cái gương rất sáng, tròn như mặt trăng. Con gái cả bản chưa đứa nào có cái gương như thế.
Khi Si về tới nhà thì người ta đã cho mẹ Si vào cái hòm đục bằng thân cây bị sét đánh rồi. Si khóc. Nước mắt như con thác dội từ đỉnh A Mu Phìn…
– Bố Hoa mệt cái đầu à? Có chuyện gì thế?
Mụ vợ lão Sân ngồi ở cuối giường đã một lúc lâu. Thấy con mắt lão trân trân nhìn lên mái nhà, giờ mụ mới dám hỏi.
– Không có gì cả. Ra ngoài bán hàng!  – Lão lật người, quay mặt vào thưng nhà.
– Bố Hoa có chuyện gì giấu tôi? Nhìn mặt bố Hoa từ lúc gặp cái lão ấy là tôi biết.
– Đàn bà lắm lời. Đã bảo là không! – Lão gắt.
– Đừng giấu tôi nữa! Cái lão ấy đưa cho tôi cái túi đây này. Lão bảo đưa cho bố Hoa mà quên, mới quay lại đưa cho tôi đấy.
Nói như mếu, rồi mụ đưa cái túi cho chồng. Lão Sân nhổm dậy, cầm lấy. Lão sững người đến mấy phút. Đúng cái túi của người ấy rồi. Cái túi này lão mua cho người ấy tận bên Trung Quốc, bao năm giờ nó vẫn như mới, vẫn nguyên đường chỉ. Người ấy còn giữ nó làm gì? Lão run run lần giở bên trong. Lóng ngóng, cái túi tuột khỏi tay, tóe ra hàng ngàn hạt li li lấp lánh màu hổ phách.
Mắt lão Sân hoa lên. Người ấy lấy đâu ra những hạt này? Cây chao cuối cùng đã bị lão hủy diệt sau cái đêm đầy oán hận ấy…
Đi xuyên đêm, khi về tới đầu bản thì con bạch không bước được nữa. Vô tình nó dừng ngay tại gốc chao. Cái gốc chao này Sân không biết nó có từ bao giờ. Bà lão gần trăm tuổi ở bản bảo nó có từ lâu lắm rồi. Xưa kia có nhiều cây chao như thế. Cùng với nước mắt của con người, những gốc chao thưa đi. Trai gái mất tình yêu cứ tìm gốc chao mà trút cái oán cái hận, cho đến khi chỉ còn duy nhất cái gốc này. Người ta bảo cây chao là thứ cây thiêng, nó mang đến tình yêu cho con người. Mùa xuân lá chao đỏ chói, như những trái tim đang thổn thức gọi tình. Quả chao chín màu xanh. Hạt chao già màu hổ phách. Hoa chao thì vàng, thơm ngào ngạt. Trai gái cứ theo mùi hương hoa chao mà tìm nhau tình tự. Từng đôi ra gốc chao ngồi, rồi gắn trái tim đỏ rực lên môi, thổi vào nhau tiếng lòng bổi hổi. Khi tiếng lòng đã nằm trọn trong nhau thì dẫn nhau vào rừng, rồi ngập chìm trong miền mê đắm giống nòi.
Lá chao đỏ – đọc truyện đêm khuya vov
Những đêm xuân, dưới gốc chao này Sân đã thổi kèn lá đến rách họng cho Si nghe. Nhưng hai người chưa dẫn nhau vào rừng. Chưa một lần. Sân muốn giữ cho Si. Vậy mà, bây giờ cái tình yêu của Si không còn thì cây chao này cũng không còn.
“Chao là cây thiêng. Đừng chặt. Nước mắt, oán hận không ra khỏi cái bụng được đâu…”. Lời bà lão bỗng len vào óc Sân. Nhưng ngọn lửa trong Sân đã bốc lên rồi, nó đốt hết mọi ý nghĩ, chỉ còn nỗi đau đớn, oán hận đang theo ngọn lửa bùng lên. Sân như điên dại vơ bất kể cái lá khô, bẻ bất cứ cành cây nào… Lửa cháy. Cây chao oằn oại. Những chiếc lá giãy lên như hàng ngàn trái tim rên xiết. Gió bỗng từ đâu dồn về hú lên ghê rợn. Từng chiếc lá bay chấp chới, loang đỏ một mảng trời. Con bạch hoảng loạn, hí lên một hồi ai oán, vọt đi.
Si không còn. Cây chao không còn. Đến con bạch cũng bỏ Sân mà đi rồi. Sân oán hận tất cả. Sân lê bước về nhà. Ngôi nhà tềnh hênh cuối bản còn gì để mà giữ Sân nữa đâu. Ở lại đây để Sân sẽ chết vì đau đớn, tủi nhục à? Khi dân bản kéo đến thì ngôi nhà của Sân chỉ còn những tàn tro bay ngun ngút theo gió trời. Người ta thấy bóng Sân đang dần trôi vào cánh rừng già…
– Thôi, bố Hoa đi gặp người ta đi. Người ta sắp đi xa rồi. Tôi biết bố Hoa còn hận. Nhưng người quê tôi thường bảo nghĩa tử là nghĩa tận, bố Hoa à. Tôi đã gọi người chở bố Hoa đi rồi đấy. Đi đi, mai thì về với mẹ con tôi, tết đến nơi rồi.
Khó khăn lắm vợ lão Sân mới nói được những lời như thế. Ngày xưa, biết lão từng có một người đàn bà ở bản cũ, mụ giữ gìn lão như giữ hai con mắt của mụ. Mụ ơn lão, tôn thờ lão. Hằng đêm mụ ôm riết lấy lão, muốn lão mãi mãi là của riêng mụ. Cả cái thân hình đá tảng. Cả quả tim đầy cay đắng, oán hận của lão. Thế mà lúc này mụ lại đang đẩy lão về cái nơi ấy đây. Mụ chợt buồn, nhưng cũng thật nhanh mụ thấy một sự thơ thới, nhẹ nhõm lạ thường…
Lão Sân nhìn vợ, cái nhìn mụ chưa được hưởng bao giờ. Đã từ lâu, mụ quen cái nhìn vừa như khinh bỉ, vừa như thương hại ban ơn của lão. Cái nhìn ấy mụ được lão ban cho vào một buổi sáng đã lâu lắm rồi… Cái buổi sáng bọn lâm tặc vứt mụ ở lại cái lán tồi tàn giữa rừng, trên người không một mảnh vải, khắp mình mẩy thâm tím, chỗ cửa đàn bà máu me nhểu ra nhầy nhụa…   “Làm đĩ”. Câu trả lời của mụ cùng ánh mắt van lơn, cầu cứu và những giọt nước mắt đàn bà đã được lão ban cho cái nhìn ấy. Rồi mụ được lão dẫn về  chợ Cốc Pài này. Sau vài tháng, cái món thắng cố ngựa làm da mụ trắng phây phây, trắng đến tê người. Hai con mắt thì sóng sánh. Cái má cứ đầy lên, hồng đến nóng mắt. Sao người ta có thể vứt một người đàn bà như thế giữa rừng? Nhiều lúc nhìn mụ, lão ngẩn ra khi tự hỏi như thế. Có lẽ cái đuôi mắt, cái gò má của mụ kéo lũ đàn ông đến quán thắng cố nhà lão. Lão vừa thương mụ, vừa rẻ rúng, khinh thường mụ, như xúc cảm của ông chủ với một con chó.
Trong mắt lão giờ chỉ còn những tia chan chứa xót thương. Tự dưng một sự ân hận cứ lan tỏa trong lòng lão, làm cổ họng lão ắng nghẹn. Lão chợt thấy mình như bé nhỏ đi, như cần được cái người đàn bà đang hồi xuân hừng hực kia che chở. Một lúc sau, lão mới nói được với mụ:
– Mẹ Hoa dọn hàng đi. Mai tôi về sớm…
Lão khoác thêm chiếc áo bông, đi ra. Gã xe ôm đang chờ lão phía ngoài. Chiếc xe rồ ga.  Núi rừng hoác ra nuốt chửng nó vào đêm.
Con cháu một lũ lem luốc, lốc nhốc xúm xít quanh người ấy. Trên chiếc giường tre đen xỉn hôi hám, người ấy khô quắt, chỉ còn da bọc xương, mắt nhắm nghiền.  Dưới ánh đèn vàng ệch, lão thấy mặt người ấy nhăn nheo, vàng như quả su su héo. Người nhà bảo người ấy bị nhiễm sán. Sán đục ruỗng ruột gan tim phổi, rồi chui lên đầu, ăn vào óc. Óc người ấy giờ không còn gì, bên trong chỉ lổn nhổn những sán là sán thôi. Người ấy đã cấm khẩu từ chiều, mắt cũng không còn mở ra được nữa.
Đứa con gái cả của người ấy đưa cho lão tờ giấy và một chiếc lá đỏ thắm, quay đi gạt nước mắt. Trên tờ giấy ô li của học sinh, những con chữ viết có vẻ rất khó khăn nên xiêu vẹo, nét đậm nét đứt cứ nhảy loi nhoi trước mắt lão Sân:
“Ông Sân à, tôi biết cái ngày tôi về với ông bà tổ tiên sắp đến rồi. Tôi sợ không được gặp ông. Cái đầu còn nghĩ được thì tôi viết những cái chữ này. Ông hận tôi vì tôi là người đàn bà không ra gì phải không ông? Lỡ phụ ông, tôi đau lắm. Nhưng ông còn nhớ cái ngày mẹ tôi sắp chết, bà ấy chỉ mong có được một bộ váy áo thật đẹp mặc lúc chết không? Lại muốn có một cái gương để soi. Cả đời mẹ tôi chưa biết cái mặt mình nó tròn méo thế nào. Sao ông và tôi nghèo quá? Tôi dại, nghe người ta dụ dỗ. Nhưng tôi thương mẹ tôi, tôi muốn bà ấy chết được nhắm mắt.
Ông Sân à, cả đời tôi chỉ có ông thôi. Cái lá chao ông hái cho tôi, tôi luôn giữ nó bên mình. Nay tôi gửi lại ông. Ông có tha thứ cho tôi không? Kiếp sau tôi xin làm con trâu, con ngựa để trả cái tình của ông, ông Sân à…”
Từ hõm mắt lão Sân hai cục nước lừ đừ rơi, làm nhòe nhoẹt những con chữ.
Một buổi chiều, lúc hoàng hôn còn tím rực, người trong vùng thấy một lão già đi lang thang như người lẩn thẩn trên những lối mòn, rồi lão lần sâu vào trong rừng, leo lên cả những ngọn núi cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh.
Mùa xuân ấy, ở những nơi lão già đi qua người ta thấy ngàn vạn cái mầm màu đỏ tươi trông xa như những tia máu từ lòng đất phun lên.
Mùa xuân năm sau….
Mùa xuân năm sau nữa.
Khắp vùng bừng lên một loài cây bung xòe những tán lá đỏ thắm. Những chiếc lá reo vui trong màn mưa li ti như những làn môi gọi mùa tình. Có người bảo trông giống những giọt máu. Người khác lại bảo đó là những giọt nước mắt màu đỏ.
Người khắp chợ Cốc Pài không ai còn nhìn thấy lão Sân. Quán thắng cố ngựa của lão cũng đóng cửa. Người ta bảo cả vùng không còn lấy một con ngựa, vợ lão Sân không tìm được hàng để bán, phải dắt con gái về quê.
Quê mụ ở đâu thì không ai biết./.
Nguyễn Phú

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *