Truyện đêm khuya – “Con biếu mẹ chiếc khăn len để mẹ quàng, năm nay nghe nói rét hơn mọi năm, mẹ ạ” – Nâng trên hai tay chiếc khăn len xanh màu lá mạ, con dâu tôi nhỏ nhẻ. Tôi ngỡ ngàng vì chiếc khăn thì ít mà ngạc nhiên vì gương mặt, vóc dáng của nó thì nhiều. “Khương!” – Bất giác tôi bật tiếng kêu. Cứ tưởng đó là một phụ nữ khác, chứ không phải nó, một đứa con gái từ nông thôn mới lên thành phố làm việc…
Người nó đẫy ra, vừa nở nang vừa chắc lẳn. Hai gò má nó nhô cao, đỏ rạn. Một vòm ngực bung nở, căng nức cả mỗi lỗ khuyết khuy áo. Một gương mặt tròn đầy, xa lạ vì hai con mắt được tô rộng ra và đôi môi vừa đỏ màu hoa dâm bụt, vừa được đắp nặn, dầy lên và loe loe như hai cánh hoa hé. Một tác động từ bên ngoài đã tạo nên những biến đổi khác thường, giờ đây khuôn mặt nó không còn cái thanh thản, dung dị quê kiểng mà rộn rực, bồn chồn như lúc nào cũng chịu sự kích thúc từ bên trong.
Sự việc khiến tôi phải chú ý tới nó đầu tiên khi nó nhập khẩu vào thành phố này theo chồng là mỗi sáng trước khi đi làm, nó đứng quá lâu trước tấm gương soi. Nó tô son, trát phấn, sửa lông mày, chỉnh trang lại váy áo. Cứ như là làm thân con gái đàn bà chỉ có mỗi một việc là trang điểm để quyến rũ đàn ông vậy. Tất nhiên, tôi cũng không phải là kẻ quê mùa, cổ hủ, tôi vẫn biết rằng, thời buổi nào thì cũng vậy, đàn ông nào thì cũng thích đàn bà đẹp, và ở nơi giao tiếp thì phải lịch sự, sang trọng. Nhưng, có điều là phải hợp cảnh, hợp người.
Nơi nó đến để làm việc, để đóng vai giao tiếp, vốn chỉ là một cơ sở tư nhân, có cái tên to đùng là Trung tâm Giao dịch nhà đất mà thực tế chỉ là một căn buồng toen hoẻn sáu mét vuông, với hai, ba nhân viên hợp đồng, đứng đầu là một gã đàn ông tuổi đã tứ tuần, mắt sâu mày rậm, có tật nói lắp và ngọng elờ thành enờ. Gã nguyên là thợ chụp ảnh ở phố huyện, cùng quê với con dâu tôi. Sau sáu tháng bị tù vì tội chụp ảnh khỏa thân đàn bà, và định lợi dụng họ để giở trò dê chó, gã dông lên đây, đứng tên lập Trung tâm này.
Công việc của Trung tâm chỉ là mách mối nhà đất, đứng giữa chủ và khách, làm giấy tờ, hoàn thiện thủ tục rồi ăn hoa hồng. Kiếm ăn cò con, khách đến lèo tèo, lắm khi ngồi chơi xơi nước cả tuần. Thì dù có mánh lới khôn ngoan cũng không thể có thu nhập dư dật được.
Tất nhiên mỗi tháng dẫu ít, so với thằng chồng nó hết hạn nghĩa vụ quân sự về, may mắn được nhận vào làm thợ ở đội sửa đường tàu, lương hợp đồng tập sự, thì cũng gấp vài ba lần thật. Nhưng dù có thế thì cũng chỉ là tạm đủ ăn đủ tiêu chứ không thể sắm xanh tiêu pha hoang tàng được. Làm thế nào mà những sáu, bảy đôi giày cao gót. Váy dài xẻ cạnh rồi lại váy cộc. Chê hàng thùng, điệu đàng quá, tiền bạc không hiểu có bao lăm mà dám vào siêu thị rước một cái áo tắm vài triệu bạc về!
Tiền ở đâu mà sắm sửa thế? Tiền ở đâu mà ăn mặc như bà hoàng, lại liên tục bỏ bữa. Hỏi thì nói đi ăn hiệu với người nọ người kia, hết tiệc tùng mừng sinh nhật, lại cỗ cưới chỗ này chỗ khác.
Cầm chiếc khăn quàng con dâu biếu trên tay, rưng rưng vì tấm lòng thơm thảo của nó, tôi bảo nó ngồi xuống để mẹ có ý kiến rồi nhỏ to thong thả:
– Khương con ạ, chồng con nó vất vả sớm hôm, bố nó mất sớm, chẳng để lại của nả gì cho nó ngoài cái đức ăn ở trước sau như một với mọi người và chăm chỉ lam làm. Mẹ thì già yếu rồi, vốn liếng một đời thợ nuôi được thân và chồng con là may rồi. Gia cảnh nhà mình thế nào con biết cả rồi đấy. Nên kiếm được đồng nào thì con nên bỏ ống dành dụm, đừng bóc ngắn cắn dài, phòng lúc cơ nhỡ còn có cái mà tiêu, con ạ.
Nghe tôi nói, Khương ngồi im. Tưởng nó tiếp nhận, nào ngờ tôi vừa dứt lời, nó đã quay đi, bĩu mỏ buông một lời bình thật tức tối và chán nản:
– Chung quy anh nào ngu lâu là anh ấy khổ!
Biết là nó không chịu, tôi đành phải chép miệng, dàn hòa:
– Nó cũng còn là cái số. Số giàu trồng lau thành mía. Số nghèo trồng mía thành lau, con ạ…
Nhưng có lẽ đã quá chán tai vì kiểu nói ấy rồi, nên tôi chưa dứt nó đã cướp lời:
– Số gì! Con không chịu được khi thấy người ta giàu có, sung sướng như tiên, còn mình thì suốt đời nghèo khổ, túng thiếu. Thử nhìn, cái nhà cửa của mình xem có bằng cái bếp, cái toalét của người ta không? Ăn với chả ở!
Găng lại với nó thì sinh to tiếng mà im thì hóa ra chịu thừa nhận nó. Tôi đành chèm chẹp miệng, lái câu chuyện sang hướng bình phẩm, lý sự quen thuộc xưa nay. Rằng đã biết thế nào mà so với bì. Sông có khúc, người có lúc. May đấy mà rủi liền kề đấy.
Đấy, thì nhỡn tiền là nhà ông phó Cúc buôn bất động sản ở làng, ai khôn ai khéo ai giàu bằng bố con nhà ông ấy. Có bạc tỉ trong tay chứ ít à. Đùng cái ngã ngửa ra thằng lớn nghiện ma túy, thằng bé theo người ta đi đào mả lấy hài cốt người bị sét đánh đem sang Lào bán, làm việc vô phúc bị giời phạt, nay mắc bệnh hủi cùn hủi cụt. Rồi bố phát điên. Mẹ phát rồ. Hàng xóm bỉ bai, xa lánh. Hỏi giàu có mà làm gì!
Con người ta ai chả muốn an nhàn, sung sướng. Có điều là các con còn đang đầu xanh tuổi trẻ, lại mới lập thân lập nghiệp, chưa thể một lúc mà nên cơ đồ, nhưng cứ chịu thương chịu khó, rồi khi nên trời cũng giúp rập cho.
Bài giáo huấn của mấy anh nghèo hèn tự an ủi mình! Chắc hẳn nó nghĩ vậy, nên tiếp nhận bằng cái nhếch mép cười khẩy và chống tay đứng dậy. Cái chống tay đứng dậy của nó mách bảo tôi một điều gì hệ trọng khiến tôi tự dưng giật mình, bồi hồi rất lạ. Nhìn cái dáng đi đã không còn mềm mại của nó, tôi bỗng thấy mừng mừng lo lo. Con dâu tôi đã có mang?
Người đàn bà có mang là người đàn bà đã bắt đầu nặng lòng lo toan. Trước mắt họ là một quãng đường dài với biết bao vất vả, cơ cực mà họ phải gánh vác. Vậy thì họ có sởn sơ một tí, tiêu pha rộng rãi, tận hưởng nhiều hơn một tí ở thời kỳ còn son rỗi thì cũng thể tất được. Cũng như lúc này nếu tính khí họ có thất thường, hay bực bõ gắt gỏng trước cái gia cảnh không được như người ta, thì cũng là dễ hiểu, có thể cảm thông được. Sống chung là cuộc sống phải biết nhịn nhường nhau mà.
Quàng cái khăn vào cổ, đi vào bếp, thấy con dâu tôi mặt xụng xịu đang cầm con dao dựa chẻ củi, tự dưng bao nhiêu là buồn bực về nó lập tức tiêu tan hết, tự dưng tôi thấy thương nó quá.
Nó, xưa rày vẫn là đứa con gái chăm chỉ nết na chứ đâu phải kẻ đua đòi, lười nhác. Bố nó là liệt sĩ thời chống Mỹ. Mẹ nó là cán bộ phụ nữ xã. Học hết lớp 7, nó ở nhà với mẹ, gặp nó dường như lúc nào cũng thấy nó quần xắn tới đầu gối, hết lội ao vớt bèo, lại thái chuối, băm rau nuôi lợn, chịu thương chịu khó mà tươi tắn nhẹ nhàng, gương mặt có đôi gò má cao lúc nào cũng sáng trưng như gương soi. Thằng Long con tôi cùng học với nó một lớp từ tiểu học, quen hơi bén tiếng nhau từ thời thiếu niên, nên đến rằm thì trăng tròn, thành vợ nên chồng, chứ nào có ai phải xa lạ gì!
Tuy vậy cảm giác thương mến dịu dàng tự nhiên cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Tiếp xúc hàng ngày, dẫu đã dằn lòng, lấy tình cha mẹ với con cái làm phép tắc khu xử, thì vẫn cứ thấy cô con dâu mình càng lúc càng như được thể, vừa đài các rởm vừa oẻ họe đành hanh, vừa học đòi ra vành ra vẻ.
– Ăn thế này thì chết chứ sống làm sao được!
Đi làm về, việc đầu tiên là nó cằn nhằn và quăng quật cái lồng bàn. Rồi đá thúng đụng nia. Rồi vật mình vật mẩy than van. Việc nhà đã hoàn toàn không mó tay vào, đã õng xương nó lại còn lên mặt xưng xỉa, động nói là gắt gỏng, cáu kỉnh.
Câu chuyện đã trở nên phức tạp hơn, khi bên cạnh con vợ ngày một mơn mởn, nõn nường, là anh chồng cứ mỗi ngày một quắt queo, đen xạm, mặt chỉ còn hai lỗ đáo và hàm răng trắng ởn. Con trai tôi, tôi biết, nó là đứa hiền lành, ít nói, thậm chí hơi cục mịch, nhưng rất chịu thương chịu khó và chiều vợ.
Suốt một ngày chài chãi giữa trời với công việc nặng nhọc, là đánh cái cuốc chim bẩy cân đóng đinh tà vẹt đường tàu, về đến nhà là như đã hết hơi hết sức, lầm lì chẳng nói một câu, và lăn ra ngủ. Nhưng ai dám chắc khi nó nằm im, mắt nhắm nghiền mà nó không nghĩ ngợi về con vợ nó và làm sao mà biết nó nghĩ những gì? Nó đâu có phải đứa không biết gì. Mà đàn ông đã lành thì thường cục!
Một tối, khoảng hơn mười giờ đêm, con dâu tôi mới đi làm về tới nhà. Thấy chồng, chẳng nói chẳng rằng, nó đi thẳng vào buồng, ôm chăn gối ra đi văng. Hỏi vì sao thì đáp rằng: Hôm nay họp hành khuya quá, người rất mệt, phải đi ngủ sớm vì mai còn đi công tác xa.
Cũng nghĩ đó là chuyện bình thường, nào ngờ gần sáng tôi bỗng nghe thấy tiếng vợ chồng nó đôi co. Thằng chồng ôm cái chăn của con vợ đi vào buồng. Con vợ giật lại. Giằng co, quát tháo nhau om xòm. Thằng chồng giơ tay định tát con vợ. Con vợ lập tức rút giày cao gót.
Rồi tự dưng buông kịch chiếc giày xuống đất, xoay người lại, đưa tay thoăn thoắt mở khuy, cởi tuột áo ngoài áo trong và tụt hẳn quần ra, lõa lồ đứng trước thằng chồng, choảnh hoảnh: “Đây, làm gì thì làm đi! Nhanh lên, cho tôi còn ngủ.”.
Cứ tưởng đó là chuyện vợ chồng trẻ lúc đêm hôm sinh hoạt có chuyện không êm thuận. Nào ngờ, thằng chồng cười gằn rồi lên tiếng quát, rằng đừng giở trò đánh bùn sang ao, dùng vải thưa che mắt thánh ra đây. Và chỉ tay xuống chiếc đôn sứ, dằn:
– Mặc quần áo vào, ngồi xuống đây, tôi hỏi.
– Hỏi gì? Lấy quyền gì mà hỏi?
– Bấy lâu nay thấy tôi không nói, cô tưởng tôi đui điếc, ngô ngọng, hở?
Ôi, thì ra thằng chồng nó cũng là đứa chẳng vừa. Từ lâu rồi, thấy vợ khác ý, nó đã để tâm theo dõi. Rồi nó rình rập. Nó đã nhiều lần nhìn thấy vợ nó đi cùng một gã đàn ông rậm râu sâu mắt vào cửa hàng quần áo, giày dép may đo, sắm sửa. Lại mấy lần dõi theo, thấy cô nàng đi ăn trưa, đi chơi tối ở khách sạn này, nhà hàng kia với gã nọ.
– Hôm chủ nhật vừa rồi, cô đến nhà ai ở Xuân Đỉnh suốt một buổi chiều?
– Tôi đi liên hệ với khách hàng! Tôi đi làm việc!
– Đừng có vờ vĩnh. Váy áo, giày dép, son phấn, mua sắm tùm lum thế, tiền ở đâu?
– Tiền tao làm ra! Mày có quyền gì mà tra hỏi tao?
– A! Gái đĩ già mồm, hả?
– Này, nói cho mày biết nhé! Tao làm ra tiền, tao mua sắm, đó là quyền của tao.
– Mày làm cái gì ra tiền? Hả! Mày không thú nhận tao đánh tuốt xác ra.
– Bà thách mày đấy! Nói cho mày biết, cái gì bà có trên người bà là của bà. Bà có quyền cho đứa nào thì bà cho!
Con vợ càng lúc càng lồng hổng, càng hùng hổ. Nghe nó nói năng càng lúc càng thô bỉ, trơ tráo, mới nhận ra, đã quá mù ra mưa rồi, nó đã không còn là người đàn bà biết điều hay lẽ phải nữa rồi. Nó đã dám ngang nhiên dày xéo lên luân thường đạo lý. Nó không còn là con bé Khương hiền lành, chăm chỉ ngày xưa nữa rồi, buồn đau quá mất thôi!
Không thể chịu được nữa, thằng chồng nó hai mắt đỏ sặc, rút ngay cây cọc màn lăm lăm trong tay. Cơ sự đã đến lúc nguy cấp quá rồi! Tôi nhảy vào can. Nhưng tưởng là chở che cứu giúp con dâu, thì chính nó lại ẩy tôi sang một bên, cúi xuống rút tờ giấy đặt dưới đi văng, rồi sấn lên vênh mặt:
– Đánh đi rồi ký vào đơn này!
Đó là tờ đơn ly hôn đã viết sẵn. Trời! Tôi run hết cả người. Chả nhẽ chớp nhoáng đổ đánh nhoàng, bỗng chốc tất cả những gì đã dày công vun đắp, đã cố sức nhịn nhường để có được, đều đổ sụp tan tành. Tôi càng kinh hãi hơn khi thằng chồng nó đưa tay giật tờ đơn nọ, đưa mắt đọc từng dòng chậm rãi, rồi bình tĩnh ngồi xuống, cầm cái bút, ký đánh xoẹt.
– Con ơi! Các con ơi! Bằng chúng mày giết mẹ rồi!
Tôi gào lên nức nở. Nhưng, nhìn con vợ nó xách chiếc vali đi ra cửa, thằng chồng nó lặng lẽ cắn môi, gõ ngón tay khe khẽ trên mặt bàn nước, rồi quay sang tôi đang gục mặt vào lưng ghế đi văng, lạnh lùng:
– Mẹ yên tâm đi. Ngoài cửa có thằng giám đốc Trung tâm của nó đem xe đến đón nó rồi. Chúng nó đã quan hệ với nhau từ lâu rồi, đã bàn bạc chán chê rồi. Nó cũng có mang được ba tháng với thằng kia rồi, mẹ ạ.
Cuộc sống chẳng hề ổn định chút nào, kể từ ngày ấy, đặc biệt là từ ngày hai vợ chồng con trai tôi ra tòa, được tòa chấp nhận xóa bỏ quan hệ hôn nhân. Vì dẫu có biện giải thế nào, thì chúng tôi cũng vẫn đang sống trong trạng thái tinh thần của kẻ gặp hoạn nạn. Tôi nhận ra con trai tôi cũng chẳng thanh thản gì. Thi thoảng nó lại giật thột mình.
Đầu óc vơ vưởng hay sao mà lắm lúc nó bần thần, ngẩn ngơ như kẻ không định trí. Nhiều đêm nó trằn trọc không ngủ. Sáng dậy nhìn vành mắt nó thấy ướt nhoèn. Con trai tôi, dẫu nó im lặng, nhưng tôi nghĩ là nó cũng có phần đồng tình với tôi, khi một tối nọ, như lên cơn tâm thần, tôi bỗng trở thành kẻ độc miệng lắm lời, tôi chửi bới kẻ gây ra tai họa cho gia đình tôi và tôi bày tỏ lòng xót thương con dâu tôi.
Con dâu tôi không có tội. Tội là thằng đàn ông. Thằng đàn ông đểu giả, khốn nạn, Nó dụ dỗ gái vị thành niên, nó quyến rũ phụ nữ có chồng, nó kích động bản năng đàn bà. Trời ơi là trời! Tên đàn ông, liệu nó còn gây ra những tai họa gì nữa cho người đàn bà đang bụng mang dạ chửa đã có hồi là con dâu của tôi?
Phấp phỏng về số phận người đàn bà trẻ trước đây là con dâu của tôi đã là sự thật. Bốn tháng sau đó, một hôm vừa đi chợ về, tôi bỗng giật thót mình vì hai cánh cửa mở. Con trai tôi từ ngày ly dị vợ đã đến tá túc ở công trường làm đường. Nhà này còn ai có chìa khóa cửa?
Trời, tôi đã run hết cả chân tay, rồi quỵ ngay xuống đất. Trên chiếc đi văng, một người đàn bà nằm nghiêng, cái nón lá già che khoang bụng lớn sắp đến tháng đẻ. Ôi, Khương, con dâu ngày trước của tôi!
Nghe tiếng tôi gọi, nó chống tay ngồi dậy, ì ạch xoay người và khi nhìn thấy tôi thì cái mặt vêu vao, có cặp má gồ, vầng trán nổi gân xanh của nó úp sập ngay vào lưng đi văng và nức lên một hồi. Thảm thương quá là kiếp đàn bà, thói nhẹ dạ cả tin giữa thời buổi đầy rẫy cạm bẫy và lừa lọc! Tôi bật lên nức nở.
Một tháng sau tôi đưa cái Khương đến nhà hộ sinh. Nó đẻ con gái, trông giống mẹ như tạc. Tôi ẵm bế con bé, nhiều lúc ru nó mà không cầm được nước mắt. Và từ đó sống trong sợ hãi đợi chờ.
Tôi đợi chờ con trai tôi trở về.
Đàn bà không thương đàn bà thì thương ai? Tôi để cho mẹ con nó ở cùng tôi. Tôi sẽ giúp cái Khương nuôi nấng đứa trẻ. Tôi sẽ bảo ban, khuyên giải nó, dạy nó buôn bán kiếm ăn lần hồi. Nhưng tôi cũng chẳng dám hứa hẹn gì với nó và nghĩ bụng sẽ chẳng dám khuyên bảo con trai tôi điều gì đâu. Con trai tôi, nó chính là nạn nhân của sự việc bi đát này, đòi hỏi ở nó điều gì bây giờ cũng là bất nhẫn.
Cuối cùng thì cái gì phải đến đã đến. Một chiều con trai tôi từ công trường làm đường trở về. Vẫn là cái dáng lểu đểu, gầy gùa, cái vẻ lầm lụi thường ngày, mùi mồ hôi khen khét tỏa ra từ cái mũ lưỡi trai, bộ quần áo bảo hộ lao động xanh bạc lam lũ. Nó đi qua trước mặt tôi chợt sững lại mấy giây, mắt nhìn xuống đứa bé con đang ngủ trong tay tôi, trút cái mũ trạt mồ hôi trên mặt, vò vò trong lòng bàn tay, rồi đi thẳng ra sân sau.
– Long ơi, vào ăn cơm con!
Tối sẫm. Tôi cầm cái đèn lò dò đi ra sân. Không có tiếng đáp. Muỗi từ cống rãnh, từ bụi cỏ bay ra từng đám, vo ve phát tiếng. Dò dẫm vài bước nữa, tôi đứng lại. Tôi đã nhận ra con trai tôi một bóng trông dáng ngồi mệt mỏi, xây lưng lại căn nhà, nhìn ra mảnh vườn nhỏ và mùi khói thuốc lá phảng phất quẩn quanh.
– Long ơi, vào ăn cơm đi, con.
– Con ơi, ngồi ngoài trời sương xuống độc lắm, nhỡ bị cảm thì khổ đấy.
– Sao dạo này con lại hút thuốc lá rồi à? Đừng hút nữa. Hại phổi lắm đấy, con à.
Không một lời đáp. Con trai tôi một mình một bóng lặng câm. Chỉ có đầu điếu thuốc đỏ lòe trong bóng tối và mùi khói thuốc càng lúc càng quẩn đặc. Tôi từ sau nhà nhìn ra mảnh sân sau, tìm bóng hình con, lòng dạ xót xa như đang bị trà sát. Con trai tôi nó làm gì nên tội mà giờ đây đang bị đọa đày!
Đứa bé khóc, tôi vào nhà giật mình vì thấy Khương ngồi dậy, khăn áo chặt chịa, tay bế đứa nhỏ, tay xách cái làn đầy tã áo. “Khương! Con định đi đâu!”. Chỉ chờ có thế là Khương qụy xuống, nước mắt chan chan: “Mẹ ơi! Mẹ để con đi. Con không còn mặt mũi nào mà nhìn thấy anh ấy được nữa”.
Tôi giằng lấy đứa nhỏ, và kéo Khương vào buồng. Con ơi, bát nước đã đổ xuống đất rồi, mẹ hiểu lắm, nhưng cái gì không phải do trời gây ra thì cắn răng mà chịu, thì cố mà đứng dậy con à, mày đừng làm tan nát lòng mẹ nữa. Giằng giật một lúc, con bé khóc toáng lên, Khương vội ẵm lại nó, ấp vú vào miệng nó, rồi ngồi im, sụt sịt khóc.
Đã quá nửa đêm rồi. Sương sa trắng mờ. Tôi cầm đèn đi ra sân. Con ơi! Tôi thốt lên rụng rời. Chiếc đèn buột khỏi tay tôi rơi xuống đất vỡ tan. Nhưng điếu thuốc lá chợt lóe lên đỏ rực, soi rõ gương mặt hốc hác của con trai tôi, trên gương mặt ấy có đôi mắt trừng trừng nhìn vào trời đêm thăm thẳm, như muốn hỏi: Cuộc sống sao lại có những cảnh huống éo le, đau khổ như thế này?
Suốt đêm đó, con trai tôi ngồi như hóa đá ngoài sân. Suốt đêm đó chấm thuốc lá đỏ nhập nhòa bóng hình con trai tôi đang âm thầm vật lộn với nỗi đau của mình.
Gần sáng, mệt quá, tôi thiếp đi được một lát thì choàng tỉnh vì nghe thấy bước chân người.
“Con!” – Tôi ôm chầm lấy con trai tôi và run rẩy lạnh toát cả người. Con trai tôi, người đàn ông trong đau khổ cùng cực, éo le này sẽ xử sự thế nào đây? Nó có quyền của một nạn nhân.
– Mẹ chú ý, trẻ sơ sinh phải tiêm đủ liều vắcxin…
Tôi đã gần như đổ sụp xuống dưới chân nó, đứa con trai khốn khổ của tôi.
Con trai tôi mũ sùm sụp, mặt âm u, tiếng nói ngắt quãng, khê đặc, tay mở cửa, quay lại nhìn tôi, rồi lặng lẽ lọt ra cửa, đi đến công trường.
Ngoài sân, chỗ con trai tôi ngồi, đầu mẩu thuốc lá tung tóe, dễ có đến vài chục điếu đã cháy trong đêm….
Tác giả: Ma Văn Kháng – Người thực hiện: NSƯT Kim Cúc