Bỗng ông xôi chè kêu thất thanh, và quay phắt lại vật lộn. chúng tôi đều nhận ra anh Bẹp. chẳng rõ từ đâu anh đã xong vào vật ông xôi chè cứu thằng Hiển. Ông ta cao giò, anh Bẹp thấp. Nhưng anh khỏe và cứ dũng mãnh lao vào ôm lấy hai chân và thắt lưng ông bán xôi chè…
****
Mỗi khi anh Bẹp cười thì chỉ có thể làm cho đám trẻ con thêm khiếp sợ. Đôi mắt nhỏ như mắt chuột típ lại, mồm dẩu ra nhe hàm răng vẩu ám đen vì khói thuốc lào. Hai gò má vẽ có tới cả chục cái vòng tròn đồng tâm quanh miệng. Nghĩa là anh Bẹp của tôi có một hình thù xấu xí, quái dị. Cao vừa đúng 127 phân tây. Đôi chân ngắn cũ, đen cháy, da vẩy nến. Cũng bởi vì giời không cho anh Bẹp thành một người bình thường đẹp đẽ như những người khác, nên người đàn bà đẻ ra anh đã vất con lại trên vệ cỏ, bỏ đi?
Bà ngoại tôi đã có lần kể cho tôi nghe về nguồn tích của Bẹp.
Vào một đêm trăng sáng, bà Trưởng đi tát nước đêm. Về tới cây đa chùa Bồ, cả hai mẹ con nghe tiếng trẻ con khóc o oe trong đám cỏ. Tháng một ta, trời rét như cắt ruột. Cô con dâu bà Trưởng tưởng ma trêu không dám nói năng gì, cứ cắm cúi đi. Đi một đoạn xa vẫn nghe tiếng khóc. Bà Trưởng mới bảo con:
– Hay ta trở lại xem con cái nhà ai mà khóc vậy? Biết đâu trời cho phúc lộc nhà ta. ấy là bà có ý trách cô con dâu. Chị lấy con trai bà Trưởng đã bốn năm chưa có con. Hai mẹ con sợ, nhưng vẫn quay trở lại cửa chùa. Thằng bé còn đỏ, nằm cuộn tròn trong manh chiếu rách, quấn thêm một mảnh bao tải. Xung quanh ngôi chùa Bồ vắng lặng. Bà Trưởng cởi chiếc áo bông bế thằng bé bị mẹ bỏ rơi về nhà từ đêm ấy. Nhưng đứa trẻ xấu xí dị dạng quá. Chẳng lẽ vất, sợ mang tội. Gia đình bà Trưởng cố nuôi đứa trẻ, cầu may.
Cái đầu bẹp như cá trê của thằng bé thành ra tên gọi cho một con người. Bẹp lớn còi cọc, èo ọt, chẳng hề tật bệnh ốm đau. Nó đi qua những vụ đói năm Canh Thìn, năm ất Dậu… lớn lên như một cây cà dại trong vườn. Bảy tuổi Bẹp đã biết đi chăn trâu cắt cỏ. Mười hai tuổi biết tát nước, xới lúa.
Cho đến khi tôi là một đứa bé con mười tuổi, tôi vẫn thấy anh Bẹp đi chăn trâu cắt cỏ cho nhà bà Trưởng. Anh chỉ cao bằng tôi. Trên đầu, một chiếc nón mê. Con trâu có cặp sừng vênh đi trước, Bẹp theo sau. Cỏ xếp cao tới gần chạm nóc đôi quang tre. Bẹp chìm nghỉm trong hai núi cỏ ấy, di động theo bước chân trâu trên con đường về phố.
Những đứa trẻ con ở phố tôi thường nghịch ngợm, táo tợn. Không biết từ bao giờ, anh Bẹp như là một đối tượng thú vị để đám trẻ con trêu ghẹo. Trêu để cho Bẹp tức. Khi ấy mặt anh nhăn nhúm lại, nhe hàm răng vẩu ra. Anh bỏ gánh đấy mà đuổi dọa đánh bọn trẻ con. Khốn khổ chân anh ngắn lũn cũn, mắt lại lèm nhèm làm sao có thể đuổi kịp những đứa con trai chạy lẩn nhanh như chuột nhắt. Chỉ cần nhìn thấy bóng anh từ đàng xa, tất cả bọn trẻ con đều nhất loạt kêu:
– Bẹp! Bẹp!…
Anh toài người ra khỏi gánh cỏ, đám trẻ ranh đã tan biến vào trong các cửa nhà, trong các ngõ hẻm. Anh đứng ngơ ngác, giơ nắm đấm lên huơ họa, cái nón mê khẽ ngúc ngắc. Đứng một hồi lâu, anh lại cất gánh lên vai. Hai đống cỏ trườn đi đuổi theo con trâu đang kéo rê sợi thừng phía trước.
Nhưng dù sao, anh Bẹp vẫn là người bạn của đám trẻ.
Trời ơi! Còn gì thú vị bằng mỗi buổi chiều nghỉ học được anh giao cho cầm sợi dây thừng của con trâu vênh sừng, vượt con sông Đào để sang cánh đồng làng Kỳ Bá. Hạnh phúc hơn nữa là được Bẹp cho leo lên lưng trâu vung vẩy ngọn lau trổ cờ để rồi tự tưởng tượng ra mình là một viên tướng như Đinh Bộ Lĩnh thuở nào. Dù anh Bẹp có bắt chúng tôi phải làm vô khối việc, nào là lấy rạ kỳ cọ lớp bùn trên lưng con trâu, tắm cho trâu trong đầm sen. Nào là đi vơ cỏ anh cắt gom được dồn về một đống. Đi ngăn ngòi, tát nước bắt cá. Bọn trẻ không hề từ nản, còn tỏ ra vui thích và sung sướng. Từ phố bước ra cánh đồng là cả một thế giới thơ mộng và huyền ảo của đám trẻ con chúng tôi ngày ấy. Anh Bẹp dạy cho cách đúc dế, hun chuột, chọn cỏ gà chọi nhau. Được nằm ngửa trên lớp cỏ mịn màng, mắt dõi nhìn lên vòm trời cao xanh vòi vọi để nghe cái âm thanh sáo diều vi vút ngân lên trong vắt.
Một Mảnh Hồn Quê – Đỗ Kim Cuông – Phần 1
Rất lạ, những lúc ấy trong tôi tuyệt nhiên không bợn lên cái cảm giác sờ sợ cái vẻ mặt xấu xí của anh Bẹp. Anh thân thiết như đám bạn bè tôi. Thậm chí tôi chẳng ngán cái mùi hôi trâu bốc lên từ bộ quần áo nâu vá chằng vá đụp của anh đang mặc. Anh Bẹp cũng cười đùa, vật lộn cùng chúng tôi sau lúc hai quang cỏ đã cắt đầy. Giọng anh Bẹp bị méo. Sau này tôi mới hiểu, anh không nói được các phụ âm đầu. Nhưng đám trẻ đều cảm nhận được điều anh nói qua ngữ điệu: ụi ầy, ơ ỏ ại ây, ao ót ai ề ướng.
Bạn thử đoán xem, anh Bẹp nói gì? Anh bảo: “Tụi mày đi vơ cỏ khô lại đây. Tao mót khoai về nướng”.
Anh Bẹp mót khoai chiêm tài vô cùng. Đồng tháng năm, mưa rào, nước trên các tràn ruộng ngập lưng bụng chân, khoai lang phải dỡ vội sợ để ngấm nước bị hà thối. Chỉ một loáng, anh Bẹp đã trở về, những củ khoai chất đầy trong chiếc nón mê. Tất cả chúng tôi ngồi quây quần quanh đống lửa đốt trên gò ngong ngóng nhìn những chiếc tàn than bay lên, và chờ đợi. Xuất hiện thường xuyên trong khu phố của tôi còn có một người đàn ông làm nghề bán chè xôi. Không ai biết tên thật của ông ta là gì. Người đàn ông gốc Việt, lai Pháp, mũi lõ, mắt xanh lơ. Ông chuyên nghề bán xôi vò, chè bột sắn, bánh chay. Ông ta có tài đi bộ hàng chục cây số, đội trên đầu hai chiếc mâm đồng, xếp đầy chè và thêm một thúng thanh xôi vò. Món hàng truyền thống ấy chễm chệ ngự trên đầu ông đi dọc theo các dãy phố, luồn lách vào từng ngõ ngách đường ngang, đường tắt. Cách một đoạn, ông lại cất tiếng rao lảnh lót: “Ai xôi vò…”. Dân hàng phố lấy luôn nghề nghiệp của ông ta đặt thành tên gọi: “Ông xôi vò chè bột sắn bánh chay”. Còn chúng tôi lại cứ nhè cái mũi lõ của ông ta mà gọi. Lão tức, bỏ cả mâm xôi chè đuổi cho tới kỳ bắt được một đứa nào đó không may chậm chân, rồi cứ vậy cốc lên đầu liên hồi kỳ trận. Thằng bé phải van mãi lão mới thôi.
Bọn trẻ càng căm lão “lõ” ác.
Bận ấy, thằng Hiển chia đám trẻ con ra làm hai toán. Nó được chúng tôi bầu làm đội trưởng bóng đá đường Trưng Trắc và cũng làm thủ lĩnh của mọi trò nghịch ngợm táo tợn. Chúng tôi đã nhìn thấy ông xôi chè từ đằng xa đi lại. Tất cả đồng thanh hô.
– Một… hai… ba! Lõ! Lõ!
… Hô vừa dứt, hai toán trẻ con bật chạy theo hai ngả.
Bất kể mệt nhọc, mồ hôi mồ kê nhễ nhại ông “lõ” đặt mâm xôi chè xuống một gốc cây dừa và lao theo toán của tôi. Bảy tám đứa trẻ con chạy bán sống bán chết. Bất đồ toán của thằng Hiển có năm sáu đứa trốn trong một hẻm ngõ ung dung ra mở chiếc lồng bàn đậy mâm xôi chè và bưng rá xôi, chạy.
Đang đuổi bắt toán của tôi, phát hiện ra bị mất trộm, ông xôi chè vùng quay trở lại đuổi theo thằng Hiển. Thằng Hiển trả lại rá xôi chè cũ, chạy trốn. Nhưng ông phóng nhanh quá. Và chỉ một lát sau ông ta đã túm được thằng Hiển.
– Cháu lạy ông! Cháu van ông!…
– Này thì nghịch… đồ mất dạy.
Mỗi câu thằng Hiển lại chịu một cái cốc đau điếng.
Bỗng ông xôi chè kêu thất thanh, và quay phắt lại vật lộn. Chúng tôi đều nhận ra anh Bẹp. Chẳng rõ từ đâu anh đã xông vào vật lộn ông xôi chè cứu thằng Hiển. Ông ta cao giò, anh Bẹp thấp. Nhưng anh khỏe và cứ dũng mãnh lao vào ôm lấy hai chân và thắt lưng ông bán xôi chè. Ông “lõ” hạ cẳng chân, thượng cẳng tay đấm đá túi bụi vào đầu vào lưng anh Bẹp. Bẹp cũng chẳng vừa, vừa cắn vừa bóp dái địch thủ. Tiếng hét, tiếng la vang động. Rồi hai người lăn xả vào nhau. Cuối cùng cả hai ngã xuống cỏ quấn vào nhau như hai con rắn lăn những vòng dài rơi tõm xuống con sông đào. Ông xôi chè và anh Bẹp lên bờ. Cả hai ướt như chuột, quần áo rách bươm.
– Việc gì mày dây vào? – Ông ta bảo anh Bẹp.
– Ai bảo ông già rồi còn đi đánh trẻ con – Anh Bẹp đáp.
ấy là tôi xin diễn nôm lại lời anh Bẹp để các bạn hiểu chứ anh Bẹp của tôi đâu nói được rõ ràng như vậy.
Bây giờ chúng tôi không còn sợ ông “lõ” nữa. Tất cả đứng vây quanh nhìn hai con người kỳ dị. Nhìn những bát chè và rá xôi đổ nghiêng. Rồi nhìn chúng tôi, chợt lão “lõ” phì cười. Rồi bảo:
– Tất cả chúng mày lại đây, cả thằng Bẹp nữa… Tao cho ăn xôi chè.
Ông lõ đã khao anh Bẹp và đám trẻ con gánh hàng chợ buổi chiều hôm ấy. Không ai hiểu ông ta nghĩ gì.
Bà Trưởng dân gốc trên phố, nhưng lại làm ruộng.
Bà cấy những gần một mẫu ruộng, có trâu bò cày. Công việc cắt cỏ, xe phân, tát nước, làm cỏ dồn lên đôi vai anh Bẹp. Đã nhiều năm nay, anh trở thành một lao động gánh vác phần việc trong nhà bà Trưởng.
Bà Trưởng vào hợp tác xã nông nghiệp năm 1963. Bẵng đi vài ba năm tôi không có dịp gặp lại anh Bẹp.
Bom Mỹ trút xuống thị xã đêm ngày, dân làng phố, cơ quan, trường học, xí nghiệp chuyển về các vùng quê sơ tán. Năm học lớp 9, tôi có gặp anh Bẹp một lần. Cũng là tình cờ. Chúng tôi lao động lấy tiền gây quỹ lớp, đi đào đất cho xí nghiệp sản xuất gạch ngói. Phải, tôi đã gặp lại anh Bẹp trên cánh đồng làng Nghĩa Chính. Anh già đi. Da mặt quắt queo xấu xí, nhưng anh có vẻ vui và quần áo ăn mặc khá tươm tất. Khá ở đây là bộ quần áo nâu, không có mụn vá nào. Anh đang đi bắt cua ngoài đồng.
Gian nhà kho năm gian của hợp tác xã nông nghiệp, có một gian ngăn riêng dành cho anh Bẹp. Mái lợp rạ, vách trát đất nhưng gian nhà ấm cúng. Anh sắm được một cái giường cá nhân. Vài cái xoong con con, vài cái bát ăn cơm… Gặp lại tôi, anh Bẹp mừng lắm. Anh luộc một xoong khoai lớn, bắt tôi đem ra cho đám bạn bè cùng lớp ăn trưa. Anh đưa tôi vào trong gian nhà của anh và chỉ vào cóc thóc:
– Hợp tác xã chia cho tao dấy..
– Bao nhiêu? – Tôi hỏi.
– Gần hai chục thùng.
Anh Bẹp còn lật tấm áo mưa trên cây sào phơi ở góc nhà chỉ cho tôi thấy hai bộ quần áo mới. Quần vải xanh sĩ lâm, áo cánh trắng. Chẳng biết ai cho anh Bẹp bộ quần áo bộ đội mầu xanh đã cũ nhưng bền lắm. ống quần xắn lên hàng mấy gấu vẫn dài.
– Anh kiếm đâu ra tiền mà may quần áo?
– Tiền công hợp tác xã trả. Với lại tao bán gà. Tao nuôi được nhiều gà lắm.
Anh vốc được một nắm thóc trong chiếc thúng để ở góc nhà, cung cúc đi ra ngoài sân. Anh vỗ tay ba tiếng. Như thể có phép lạ, vài chục con gà lớn nhỏ đang chui lủi kiếm mồi trong các vạt chân tre chạy rào rào về đứng đầy một góc sân.
Buổi trưa, tôi nghỉ lại chỗ anh Bẹp. Rơm chiêm ngày mùa rải ra dưới gốc tre. Gió đồng đưa đẩy, thực là dễ chịu, khoan khoái. Anh Bẹp không ngủ, ngồi chẻ nan đan rổ rá. Hình như tôi chợp mắt được một lúc. Tỉnh dậy, tôi nhìn thấy anh Bẹp đang nằm lắt lẻo trên chiếc võng bạt mắc giữa hai cây phi lao. Anh đang xem một vật gì, tôi thấy vẻ mặt của anh rất chăm chú. Tôi len lén đi lại từ phía sau lưng… Giời ơi! Anh Bẹp đang coi ảnh…..
Tác giả: Đỗ Kim Cuông – Người thực hiện: Hoàng Yến
Từ khóaĐỗ Kim Cuông Hoàng Yến mảnh hồn quê
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …