Bài nổi bật

Trở lại với người

Truyện đêm khuya – Bạn có nghĩ, hận thù có thể biến một người thành thú vật, nhưng ngược lại, tình yêu thương nhân bản cũng lại có thể kéo một tâm hồn thú tính trở lại làm người. Nhà văn nữ người An Giang Võ Diệu Thanh đã gửi gắm thông điệp như thế trong truyện ngắn Trở lại với người của chị. Chúng tôi xin giới thiệu cùng các bạn trong chương trình đọc truyện đêm khuya hôm nay..
Cô  tiếp viên đã thắt dây an toàn giùm cho Mại. Chị hành khách ngồi bên cạnh nhìn như hỏi “ bộ mới đi máy bay lần đầu à?” Không phải, mà là bối rối quá Mại quên. Mại đang bận hỏi đi hỏi lại. Đẫm có nhớ lời dặn không. Đẫm có ở y nhà không.  Đẫm hứa rồi. Mại vẫn cứ nhìn điện thoại. Giá như được nhắc cho Đẫm thêm một lần nữa. Nhưng quy định phải tắt di động. Tiếc là đường từ Sin về nhà không thể có đường xe tốc hành.  Ngồi xe lâu thiệt, nhưng có thể gọi bất cứ lúc nào, biết chắc là Đẫm  giữ đúng lời hứa…
Mà thôi, vài tiếng nữa máy bay hạ cánh, thêm hai mươi phút đi tắc xi về Bình Tân.
Tin là mình chờ được. Sao có vẻ nghiêm trọng vậy. Mại chưa dừng tâm trạng lại để đặt cho mình câu hỏi này. Chỉ thấy nội cái việc chờ máy bay hạ cánh đã là một cái gì đó quá lớn lao. Gần hai giờ thôi mà.  Mại hồi trước đâu có nóng vậy.  Hồi trước Mại thế nào? Trầm lặng tới độ lạnh như xác chết. Đẫm khoái kiểu so sánh này. Lạnh như xác chết chớ không phải lạnh như đá. Còn cô ta thì miệng như con tép.
Ngày đầu Đẫm theo Mại về nhà.
– Ông tên gì? Vợ ông tên gì ? Nhiêu tuổi.
– Mại. Vợ tôi… tên Trắng. Trẻ măng.
– Chà cực nghe.
– Sao mà cực.
– Cha nào có vợ trẻ mà không phải lo phục vụ vợ. Lơ là nó bỏ. Ông tên gì?
– Tên Mại. Chồng cô sao.
– Trẻ.
– Đẹp trai.
– Ừ, đẹp mê hồn luôn.
Mại khịt một cái cười ngầm. Đẫm nhìn lom lom:
-Tui ghét ai cười kiểu vậy.
*
Khi Mại mở cổng, một bầy chó chạy ùa ra. Chúng sủa nhoi. Dữ nhất là con chó mẹ. Màu lông trắng mượt, sạch trơn. Hàng răng nó cũng trắng hếu. Trắng hơn răng cô người mẫu chụp trên hộp kem đánh răng. Có điều màu trắng này nhọn liễu.
– Trắng, đừng nổi nóng, người làm mới đó cưng.
– Ông đặt tên chó trùng tên vợ. Có khùng… ý lộn, vậy sao nên.
– Vợ tôi đó. Cưng, lại anh hun miếng coi.
Mại ôm con chó. Con chó cũng dụi đầu vào bụng Mại. Lè lưỡi liếm cằm Mại. Mại cũng lè lưỡi liếm cái mũi ươn ướt của nó, có khi liếm đụng lưỡi nó…
Đẫm thụt lùi lại mấy bước. Bụng cô có cái gì guộng lên. Một cơn lạnh ruồng dưới da, chân lông dựng đứng.
– Cô yên tâm. Vợ tôi hiền lắm. Miễn cô đừng ôm tôi là nó không ghen đâu.
Đẫm thấy gớm giọng Mại khủng khiếp.
– Tôi không sợ nó. Tôi … Ông  là người gì?
– Miễn cô không sợ nó, không ngược đãi đám con tôi, tôi trả lương cô ngon lành. Ngược lại, tôi không tha cho cô.
– Rủi nó đi đâu bị gai quào, nó hổng biết nói, ông đổ lên tôi.
– Tụi nó rất khôn. Nếu nó tự bị thương thì nó đối với cô rất bình thường. Nếu cô hại nó, nhìn nó tôi biết liền. Chúng nó thật thà hơn cô nhiều.
Đẫm nổi khùng.
– Ông chưa biết gì về tôi sao dám đánh giá.
– Thì không biết gì mới đánh giá. Chừng biết rồi tính sau.
– Nhưng nhà không có vợ ông… Không có đàn bà…Tôi không dám ở một mình.  Tôi còn có chồng.
– Cô có chồng kệ thây cô, mắc gì khoe với tôi.  Ở nhà còn có chị vú nuôi.
Đẫm suy nghĩ một chút. Tướng thằng cha này yếu ờ yếu ợt, Đẫm bẻ hắn một tay. Số lương gần chỉ vàng mỗi tháng, bao ăn bao ở. Quai an tâm học nghề rồi. Nhưng có nên ở lại không. Coi tướng sang mà điên không nhẹ.
Chị Ba vú nuôi dáng người thấp, chậm chạm, ít tiếng.
– Cô đừng lo… Ông chủ không có hứng thú với đàn bà..  .
– Hổng lẻ ổng hứng thú với con…
Chị nhìn Đẫm một cái như nói “đừng có nhiều lời” rồi ôm mấy bình sữa đem lại đám chó con. Con chó mẹ còn sướng hơn những cô gái ở quê Đẫm. Đẻ một bầy, con nào cũng núc ních nhưng không phải gặm mòn núm vú mẹ như mấy con chó ở nhà.  Nhìn bầu vú con chó, Đẫm liên tưởng tới gương mặt, tới cái lưỡi của Mại, tự nhiên cô muốn ói.
 Công việc của chị Ba là ngày nào cũng tắm cho mẹ, cho con kỹ lưỡng. Chải lông con mẹ mướt mượt. Ai nói lên voi xuống chó. Làm chó sướng hơn làm người như Đẫm.
*
Đẫm gọi cho Quai, kể. Công việc không nhiều. Chỉ nấu cơm, quét dọn nhà cửa. Ông chủ đi làm tối ngày. Hình như đi dạy tiếng Anh. Đẫm chỉ giấu một điều là cô phải kêu con Trắng bằng… mợ.
Con Trắng khôn thấu trời. Khi Mại bị ai đó làm cho quạu, nó tới gần, không liếm láp, không dựa dẫm, chỉ nằm kế đó nhìn ông chủ, như biểu “nói đi, nghe nè”. Vậy là Mại kể cho nó nghe đủ chuyện.  Đẫm đoán là anh ta than thở gì đó, giọng hạ thấp… Nhưng thật sự Đẫm không hiểu anh ta nói gì, xí xô xí xào tiếng nước nào lạ quơ. Kể một hồi hết buồn, ôm nó liếm. Đẫm ụa mắc chết. Đẫm tự hỏi.  Có phải cái khôn của con chó có được là  do Mại với nó… Không dám nghĩ nữa. Nhất là khi nghĩ tới bầy chó con.
Ông ta cưng bầy chó con như người ta cưng con… Đẫm  so sánh với những người cha ở quê Đẫm. Người cha quê Đẫm có khi nổi khùng tán vô mặt thằng con cái bốp khi thằng nhỏ chạy lăng xăng làm đổ dĩa vịt luộc, dĩa mồi duy nhất của mâm. Mấy con chó con có lỡ cắn nát cuốn sách tiếng Anh rất mắc tiền, Mại cũng cười hì hì. Mại có lần thấy mắt cô nhìn lũ chó liền hỏi.
– Cô có con chưa?
– Chưa, đợi Quai học ra nghề.
– Tốt nhất đừng đẻ người.
–  Đồ vô duyên.
Đẫm mong cho mau tới ngày đó, thoát được chỗ này. Đây giống như không phải nơi ở của con người. Đẫm muốn được nhìn thấy Quai. Anh ấy cũng không nồng nàn với Đẫm lắm. Nhưng anh ấy là người. Nhìn Mại, Đẫm lại thèm được nhìn thấy  bất cứ người bình thường nào nhất. Chị Ba không bình thường hơn Mại bao nhiêu.
 Cô nhớ Quai. Cô chộp điện thoại lên định gọi. Lại nhớ mới gọi hồi nãy, cách đây mười phút. Tốn tiền mà hổng lẻ gọi chỉ để nói em nhớ anh. Nói câu này có quen đâu. Bữa đầu tiên Đẫm nói câu đó, Quai im một chút rồi hỏi. Nói khùng gì vậy.
– Anh ta không thấy tới thăm cô. Mà hình như cũng ít thấy gọi cho cô. Có phải cô  luôn chủ động gọi chồng trước.
– Quai sợ tôi bị ông chủ rầy.
– Anh ta nói?
– Tôi nghĩ chắc  ảnh nghĩ vậy.
– Cô tin chồng cô.
– Chớ  hổng lẽ tin ông.
– Tin là anh ta không màng tới đàn bà khác.
– Tin.
– Ngu hơn chó.
– Ông bị tình phụ?
– Im ngay.
– Vợ ông phụ ông?
– Câm ngay.
– Vậy là đúng rồi. Mợ …ý nói mợ người đó, hổng phải mợ Trắng. Chắc đẹp lắm.
– Từ đây về sau cô nhắc tới người đàn bà đó nữa tôi móc hầu cô.
Chiều  ngồi ăn cơm với chị Ba, Đẫm hỏi:
– Ổng là dân miền Tây hả chị Ba.
– Sao cô biết.
– Nói chuyện dữ dằn. Xứ tôi nên tôi rành lắm. Nhiều bà xứ đó chửi con gái hà bá đéo mày. Nhưng tối tối con gái tắm sông lại la vơi vơi.  Sợ con vướng tình với hà bá, bị mắc đằng dưới.
– Cô đừng nhắc xứ miền Tây với ông chủ.
– Bộ ở đó có người gây thù với ổng hả?
– Nghe nói mẹ ghẻ.
– Mẹ ghẻ miền nào mà hổng ăn hiếp con chồng.
Câu trả lời của chị Ba làm Đẫm đón đường Mại tại cổng rào.
– Ông thù mẹ ghẻ rồi cái chối bỏ luôn gốc gác mình à? Tôi ghét mấy người mất gốc.
Mại xách cánh tay Đẫm kéo lại  bồn nước.
– Cô mà nhắc tới con thú đó ở đây tôi trấn nước cô.
–  Ông còn ác hơn dì ghẻ.
– Cô
Mại nhấn đầu Đẫm xuống bồn. Nhưng chỉ nhá nửa mặt, anh lôi cổ cô lên. Cô hất mạnh tay Mại. Đẫm cũng hơi sợ. Người này khoái ôm chó hơn ôm người thì không biết được anh ta có nổi khùng giết mình không. Thôi không chọc hắn nữa. Đẫm thấy thèm nghe giọng của Quai. Anh làm biếng nói chuyện điện thoại. Điều đó có làm Đẫm buồn. Nhưng  dẫu sao nói với Quai cũng dễ chịu hơn. Trong lòng Quai không chất chứa thù hận như Mại. Sao mà thù người dữ vậy.  Tướng coi bộ cũng giỏi, giàu có nữa, hổng lẽ không có người nào đủ sức để  kéo hắn về với … Chị Ba cũng biết được chút ít chuyện của Mại. Nhưng tối ngày chăm sóc mấy con chó, chị cũng lười nói tiếng người. Hình như lẳng lặng như một con chó sẽ an toàn hơn để kiếm tiền chỗ này. Có cảm giác chị Ba, hắn ta sắp bỏ tiếng người mà đang dần dần sủa tiếng chó. Loại chó không sủa, chỉ gầm gừ.
*
 Đẫm thương chị Ba. Cô thường kiếm chuyện hỏi cho nhà bớt vắng. Hỏi năm mười câu chị mới trả lời một câu.
– Chị, ông Mại hình như không có bạn bè thân cận gì?
– Cô đừng nhắc tới bạn thân trước mặt ổng.
Đẫm thấy không nên hỏi về Mại nữa mà hỏi thăm về chị Ba.
– Chị làm ở đây bao lâu rồi. Sao mà chị lại biết ổng. Trước chị ai pha sữa cho mấy con chó.
– Cô đừng nhắc với ổng người làm trước đây.
– Bộ người làm cũng chơi xấu ổng hả.
 Dám lắm. Kiểu thấy ghét mà. Thảo nào ghét người làm. Có lẽ do chị Ba biểu hiện như một con chó trung thành nên ở đây bền. Những người chỉ khoái làm người như Đẫm khó nhịn nổi. Nhưng Đẫm cứ muốn kéo chị Ba về với mình. Cô kiếm chuyện hỏi chị hoài.
– Chắc hồi đó ông Mại mê vợ lắm.
– Sao cô biết.
– Thì mê lắm, bị bỏ mới hận vậy. Thường vậy. Người đẹp lòng dạ hiểm sâu. Khi không yêu thường tìm cách vứt bỏ. Mà bỏ thường thì sợ bị đeo bám. Ém xuống  hầm hố cống rãnh cho nó  mục rữa tan rã ra mới yên bụng.
Chị Ba len lén nhìn ra cổng.
– Ai kể cô nghe?
– Có ai đâu. Tại thấy ông Mại hận, em… đoán bậy.
– Đừng bao giờ nói những câu cô vừa nói với cậu Mại nghe.
Ngôi nhà quá nhiều điều cấm kỵ… Đẫm thèm nghe tiếng Quai khủng khiếp. Tiếng chuông điện thoại reo. Đẫm đang ăn cơm, mắt mở bừng lên. Cô cầm điện thoại mà nhảy dựng.
– Quai! Chị Ba ơi!  Quai gọi.
– Sao mà cô mừng dữ vậy. Tôi nghi là không có gì tốt lành đâu.
Quai kêu Đẫm dành tiền mua dàn máy vi tính mới.  Có máy mới, nhiều chức năng về nhà thực hành mau giỏi hơn. Anh sắp ra nghề rồi.  Dàn máy độ hai tháng lương của Đẫm. Mại ngạc nhiên.
– Đó là dàn máy tốt nhất.
– Lần mua lần khó, phải mua cái tốt nhất.
– Cô  thường ngày không dám xài, mà chịu sắm vậy sao.
– Tôi có cần xài gì đâu.
– Nhưng tôi thấy anh ta không thương cô.
– Tôi cứ thương ảnh. Ảnh có con mắt nhìn sẽ thấy.
Mại cười:
– Đồ  không có đầu óc?
– Đồ hung dữ. Hung dữ hơn con chó…,hơn con Trắng.
Biết ngay thôi. Chửi là đồ biến thái cũng chỉ gầm gừ rồi đi. Nhưng nếu để cho con chó bị thương thì gay go. Hôm đó chị Ba đang châm nước sôi vào bình thì con Trắng xắn vô chân chị. Con Trắng đang giỡn với đám con của nó. Chị chới với làm đổ vài giọt nước lên lưng con Trắng. Chiều đó về, anh thấy con Trắng nằm rên ư ư.
Nó quen được cưng nên bị đau một chút đứng dậy không nổi. Mại điều tra. Chị Ba nói ngay sự việc. Mại lẳng lặng đi vào bếp cầm bình nước sôi chế lên chân chị.  Nhưng chị Ba biết ý đã lùi lại kịp. Chị bị phỏng nhẹ do nước văng trúng.
Đẫm nhảy cẩng lên.
– Ông dã man quá vậy. Tôi thưa ông. Ông cần phải bị tù mới đáng tội.
– Tôi chế nước sôi vô mình cô luôn giờ. Không được nhắc tới tù.
– Tôi nhắc đó. Ông  làm gì tôi? Tôi cho ông vô tù. Tù, tù, tù.
Mại gầm lên, kéo Đẫm về phía bồn nước, nhấn đầu cô xuống đó.
– Đồ sâu bọ. Chết đi.
Chị Ba kéo Đẫm ra.
– Cái cô này, sao mà trời đất gì cũng không sợ hết vậy?
– Ai biểu ổng ác quá chi.
– Cậu mà ác thiệt, giết cô cái một.
– Hồi trước có mình chị ở đây, ổng có ăn hiếp chị vậy không?
– Có một lần.  Bữa tôi cho con Trắng ăn, nó bị ỉa. Cậu bắt tôi ăn chén thức ăn thừa của nó.
– Trời ơi. Quỷ chở hổng phải người. Sao chị không bỏ đi mà ở đây chi hoài vậy?
– Chỗ khác không mướn. Tôi không biết nấu ăn ngon. Chỉ biết pha sữa, tắm chó.
Đẫm thấy thương cho người đàn bà tội nghiệp này quá. Càng thấy giận Mại vô phương.
– Mà sao cô ghét ông chủ quá không nghỉ ở đây cho rồi.
– Tôi ghét nhưng không sợ. Làm ở đây có tiền, có thể bảo vệ được chị. Chừng nào chị chịu đi, tôi mới đi.
– Tôi không đi đâu.  Ông chủ giận làm vậy thôi chớ hổng có hại chết tôi đâu.
– Nhưng giống như chị sống với một con thú.
– Ừ. Người cũng là thú mà. Người thú nhiều, người thú ít. Như cậu có khi thú ít hơn những người khác. Tôi thấy chồng cô cũng đâu phải người.
– Chị, ảnh người nhiều hơn ông Mại. Mà sao ông Mại ghét chữ tù quá vậy. Bộ ổng từng đi tù hả? Thôi, tôi không nhắc nữa đâu.
Đẫm biết, có hỏi, chị Ba cũng không trả lời. Mà Đẫm không muốn ai phải tù tội hết. Chốn đó quả là Đẫm không thích nhắc.
– Cậu từng bị tù, tù nhiều năm.
Đẫm à lên một tiếng mà thấy xót xa giùm. Người giỏi giang như vậy, sang trọng như vậy mà bị tù thì đúng là đáng ám ảnh. Đẫm không muốn hỏi nữa. Chắc là ông ấy bị ai đó hại nên mới hận nhiều vậy.
– Không nhắc mấy chuyện vậy nữa đâu. Mình thật may mắn đó chị. Chị tốt thiệt. Một người khó chiều như Mại, chị có thể sống lâu dài mà không thấy phiền hà.
– Tôi không muốn về quê. Chồng tôi cũng đâu có tốt với tôi miếng nào. Thà ở đây làm thú với cậu Mại còn an nhàn hơn, có tiền gởi về nuôi mấy đứa con.  Đàn ông như cậu Mại cũng tốt lắm rồi. Tiếc là vợ cậu không con mắt.
– Mợ ấy bỏ cậu à.
– Còn hại cậu vô tù.
Đẫm muốn hỏi tới. Nhưng chị Ba đã ôm bình sữa đi rồi. Công việc chị chỉ có bao nhiêu. Cô thấy buồn kinh khủng. Không biết có phải cô buồn cho chị Ba, cho Mại hay cho mình. Quai bữa nay làm gì mà gọi mười cuộc rồi không nghe. Thôi kệ, chút nữa rửa chén xong gọi lại. Không biết Quai có bệnh hoạn gì không.
*
Mại đi dạy về, dặn Đẫm dọn cơm ăn sớm còn đi dạy ca tối. Kỳ thi sắp tới. Đẫm vừa rửa rau vừa biết rồi một cái nhưng không dọn liền.  Cô chùi lịa tay vào áo, móc cái điện thoại ra.
– Nôn làm gì. Gọi được cô cũng có nghe câu nào hay ho đâu. Đồ mê muội.
– Ông mê muội. Ông nói nữa tôi… giết ông.
– Cái con này.
Quai đã nhấc máy. Không giải thích lý do vì sao mình không nghe máy. Chỉ hỏi gọi có gì không.
Có mới gọi. Ủa mà đâu có gì đâu. Đúng là Đẫm chẳng biết nôn gọi để làm gì. Thì vợ chồng, em không gọi anh còn biết làm gì nữa. Được gọi anh, những ngày phải chúi mũi vô cái nhà này, nhìn mặt người chó này, em thấy đáng lắm. À ổng cho em nghỉ phép hai ngày. Quai thờ ơ “Ở  y đó đi, về mắc công ăn cơm nhà. Tôi bữa nay không có được nghỉ học”. Đẫm hạ điện thoại xuống, ngồi thừ một đống. Mại cười khịt khịt.
– Có chuyện rồi chớ gì. Chắc là không cho lại chỗ anh ta ở chớ gì.
– Ông biết gì mà nói.
Một tối, Đẫm vừa dọn dẹp vừa nhấp nhỏm cầm điện thoại lên rồi để xuống. Mại không thể nào chịu được cảnh này. Nó nhắc nhớ một khúc nào đó của cuộc đời anh.  Dại dột, tối tăm, mê muội. Người  ta xỏ mũi như xỏ mũi trâu.
– Đồ ngu, bỏ điện thoại xuống.
Đẫm nhìn nét mặt Mại tự nhiên rúm người lại, không dám trả treo như mọi bữa. Có một cái gì đó trống trải làm cô yếu đuối, không muốn nói chuyện, không muốn tranh đấu.
Rồi một người đàn bà bụng bầu tới kiếm Đẫm. Cô ta nói “không tính cái bầu chị cũng thua trắng. Có bán mười mạng chị thì Quai cũng chỉ thương tôi”
 Mại đứng cười cười. Tưởng gì. Anh đã thấy kết cuộc này từ trước.
Đẫm cầm điện thoại lên quết xuống nền nhà. Nó văng ra làm ba mảnh.  Mại lượm từng mảnh vỡ đưa cho Đẫm.
-Lấy lại cái sim để lúc ghiền có cái mà gọi.
Đẫm cầm cái sim bẻ đôi, đưa xuống chân chà đạp. Mại lại cười. Luật đời là vậy. Kẻ trước người sau. Cô ngạo nghễ quá mà. Đời vùi không ngập cô xuống bùn đời không đáng mặt.
-Tôi cho cô một con chó con. Nó trung thành hơn cái loại chồng cô. Cô cứ ở đây làm, có mấy con chó nó an ủi.
Mại đi dạy về, thấy Đẫm đang tắm cho mấy con chó con.
– Chơi với chó là tốt nhất.
– Mai ông chủ cho tôi nghỉ làm một ngày.
– Đi kiếm anh ta trả thù à.
– Tôi muốn đưa số tiền đã hứa với ảnh, đặng ảnh mua dàn máy.
– Cô mê anh ta vậy à.
– Tôi đã cho anh ta chín mươi chín ngày thương, còn một ngày nữa tiếc gì.  Vậy mới dứt nợ được.
– Cô thiếu nợ anh ta à.
– Nợ tình.
– Phải, mê tình thì  đáng đời cô.
Đẫm chợt tự hỏi mình. Mình có mê Quai không. Hình như không. Đẫm chợt nhận ra Quai chưa có câu nào nghe cho ấm lòng để mình phải nhớ. Thành ra giờ cô thấy nhẹ.  Quai là người thật bụng. Bao nhiêu đó Đẫm thấy mình thương Quai cũng đáng. Quai không thương mình nữa chắc là do hết nợ.
– Tôi tiếc cho anh ta thôi. Thương ai khác ảnh sẽ khổ cho coi. Ông chủ tin như vậy đi. Đàn bà thiếu gì. Nhưng đàn bà như tôi còn được mấy người.
Mại đi sát bên người Đẫm. Đỡ cằm Đẫm lên.
– Cô cứ hát cho vãn tuồng cải lương của mình. Còn đủ thời gian để cô chết ngộp trong nước mắt của cô.
– Tôi mà sợ nước mắt à.
Nhưng Đẫm không ngờ mình buồn dai. Gần nửa năm mà mỗi lần nấu cơm Đẫm cứ giật mình chạy lại đầu tủ lạnh kiếm điện thoại. Cô nhớ lại, ngồi xụ một đống.
– Thói quen mấy năm rồi chị Ba hé.
 Không sao. Đẫm chắc chắn rồi mình cũng dẹp được thói quen đó.
Nhưng Đẫm vẫn không quên được thói quen đó. Ít ra là cho tới lúc này Đẫm vẫn cứ muốn gọi cho Quai nói câu gì đó. Định bụng rồi thôi. Gọi nói gì đây.  Mại không thích nhìn cảnh đó.
– Tôi không muốn nhìn thấy mặt một người vô phương cứu chữa như cô. Cô ở đây có ngày nổi khùng tôi mắc công mang họa. Cô nghỉ việc đi.
– Cỡ ông mà  không làm tôi điên được. Ông lo gì.
– Tôi không ưa loại người đang mê mà giả bộ tỉnh.
– Tôi có giả hồi nào đâu. Tôi không nhớ thiệt. Nhưng thói quen thì hơi khó bỏ vậy mà.
– Có phải cô đang dùng phép thắng lợi tinh thần?
– Có phép đó sao?
– Rốt cuộc cô hổng thương thằng đó à.
–  Hổng thương sao đi ở đợ nuôi, bị ông chửi thua con chó. Đã hả lòng hả dạ rồi. Tôi đã xài đủ thuốc, bệnh không hết thì đành thôi. Tôi cũng có thiệt thòi gì đâu.
Đẫm biết là làm người tốt không dễ. Hồi quê Đẫm chưa có di động, kế nhà có một điện thoại bàn. Ông này cho người trong xóm gọi nhờ. Một lần làm ơn lại bị chửi oan. Ông ấy đã lập lời thề, hễ cho ai gọi nhờ nữa sẽ chết bất đắc kỳ tử. Và mẹ của Đẫm bệnh năn nỉ cỡ nào ông cũng không gọi giùm cho Đẫm. Thà ông thang thuốc giúp bà. Bà chết mà Đẫm không hay… Cái buồn đó còn tới bây giờ. Cô không muốn mình giống người hàng xóm, từ bỏ thói quen tốt. Làm người tốt bị hại có sao. Làm  người xấu bị hại mới đáng đời.
Mại thấy mình đuổi cổ cô ta là chính xác. Cái ảo tưởng đó làm Mại ghét. Đẫm sẽ còn bị hại nhiều nữa.
Đẫm chuẩn bị hành lý về xứ, buồn không buồn, vui không vui.
Mà khoan. Đợi tôi đi du lịch một chuyến về cô hãy đi. Tôi còn phải kiếm người thay cô.
Mại cũng không vui không buồn. Anh không muốn ở gần Đẫm, sợ lây cái ngu của Đẫm. Bài học ngu anh đã thuộc lâu lắm rồi.
Hôm đó Mại  ra sân bay làm thủ tục, về tối. Anh không thấy yên lòng. Anh đã chính thức đuổi Đẫm thì biết đâu Đẫm không làm hại bầy chó khi không có anh ở nhà. Khi bước vào nhà, Mại phát hiện con Trắng đang nằm quẹp như chết ngay cửa bếp. Gần đó một tên đang uy hiếp Đẫm. Mại bỏ mặc Đẫm, ôm con chó bỏ chạy. Nhưng tên cướp đã buông Đẫm đuổi theo Mại. Đẫm nhào theo kéo chân hắn lại làm hắn ngã dài trên sàn nhà. Chị Ba từ nhà sau đi tới nhanh tay chụp một cái ghế quết tới tấp lên đầu hắn… Hắn gượng ngồi dậy quơ dao lung tung. Chị Ba vẫn quơ ghế quết hắn. Không biết hắn trúng chỗ nào mà ngã quỵ…
Khi tên cướp bị bắt, Mại nhìn thấy một dòng máu tuôn trên mặt Đẫm.
Chị Ba cũng bị thương ở tay nhưng nhẹ hơn. Cả ba người, cả con Trắng đều vào viện sau vụ cướp. Rất muốn chăm sóc cho Đẫm nhưng hễ muốn làm gì anh cũng đều thấy sượng sùng. Ngày ngày anh ngồi nhìn chị Ba cơm cháo cho Đẫm, nhìn Đẫm ngủ.
Lúc ngủ, cô hiền như đứa con nít. Anh rất muốn bước tới gần cầm tay Đẫm lên biểu hiện một cử chỉ biết ơn. Nhưng không làm được điều đó. Khi bước tới gần, Mại lại ý thức rất rõ đó là một phụ nữ, một con người… Họ đã tồn tại trong tiềm thức anh suốt mấy mươi năm nay là những thủ đoạn đê hèn, là phản trắc rất “người” và thua cầm thú . Đầu óc họ đang nghĩ gì, anh không biết. Anh từng không biết và mãi mãi không biết.
 Anh thụt lùi lại. Lại thấy vết thương chỗ mí mắt của Đẫm. Mại như thấy đường dao sáng ánh rẹt qua mắt cô. Máu Đẫm tràn từ mắt tràn xuống. Nó như một vết thương cứa lương tâm anh… Hình ảnh những người trong quá khứ và hình ảnh Đẫm cứ nhảy nhót trong đầu. Khi nhập một khi tách ra.
Rời bệnh viện Mại về nhà. Nhìn vết máu trên sàn nhà anh lại càng thấy hình ảnh đó rõ nhất.
Mại nói với chị Ba chăm sóc Đẫm giùm, đừng ngại tốn hao. Anh chắc phải đi đâu đó cho đầu óc lắng dịu lại. Nếu ngồi chỉ nhìn mà không làm được gì cho Đẫm anh nổi điên mất.
*
Mại thực hiện  chuyến du lịch còn dang dở của mình. Ngồi máy bay trò chuyện với một hành khách nước ngoài bằng tiếng Anh, câu chuyện trôi đi đâu đó tận hòn đảo tươi đẹp họ sắp tới. Vườn chim jurong, tượng ngư sư Merlion…làm Mại thấy nguôi ngoai một chút. Khi bay được một tiếng mắt buồn ngủ. Nhưng trong giấc mơ màng anh lại thấy toàn hình ảnh Đẫm lúc ở nhà, lúc cãi tay đôi với anh. Mở mắt ra Mại thấy lòng mình hoang hoải, gan ruột cồn cào.
Bước xuống máy bay, Mại không thấy thèm đi đâu hết. Những hình ảnh quảng bá của hòn đảo xanh từng được xem ảnh, từng nghe nói chợt nhạt nhẽo. Mại chui vào một chiếc tắc xi. Người lái xe hỏi ba lần vẫn chưa nhận được câu trả lời. Người lái xe cảm thấy mất kiên nhẫn, châu đôi chân mày. Mại giật mình xin lỗi rồi quay lại sân bay.
Anh đổi vé khứ hồi. Chỉ có thể gỡ bỏ những gì đang vật vã trong lòng tại chỗ Đẫm.
Khi bước lên máy bay, tắt di động, Mại thấy có một cái gì đó dấy lên. Một sự bất an tràn vào đầu anh. Giống như một linh cảm. Anh thèm được gọi cho Đẫm, chỉ mình Đẫm, muốn nghe giọng Đẫm…
Nhưng giờ này không thể thực hiện cái ham muốn đó được rồi. Máy bay  xốc mạnh. Cô tiếp viên nhắc hành khách đừng náo động. Chỉ có một trục trặc nhỏ.  Mại thấy không phải chỉ là một đám mây, hay một vùng không khí loãng như cô nói. Hình như máy bay đang kiếm đường đáp và họ đã làm một cuộc hạ cánh ngoài kế hoạch và thiếu an toàn. Mại vẫn nghe rõ cảm giác rơi. Mại không sợ chết. Anh đã chết gần hết đời người rồi. Nhưng  những khoảnh khắc ngắn ngủi này mới thấy mấy mươi năm của mình trôi qua uổng quá. Uổng khủng khiếp… Cái cảm giác tiếc đó dâng lên càng lúc càng dữ dội.
Người trong máy bay mỗi người hoang mang theo một kiểu. Tiếng niệm phật  của chị khách ngồi kế bên rền rền… Mại biết là mình đang ở đâu. Có lẽ ở gần kiếp sau hơn kiếp này. Mại thấy rõ cảm giác mình đang bị hất văng hết bên này tới bên kia, mọi thứ xáo trộn… Mại lại không thấy những gì đang diễn ra trước mắt. Mà chỉ thấy hình ảnh Đẫm kinh hãi với tên cướp, hình ảnh Mại ôm con chó bỏ chạy. Hình ảnh Đẫm ngã dài nắm cứng chân tên cướp khi con dao chỉ cách Mại gang tất… Những hình ảnh đó đang lộn nhào, ruột gan anh cũng đang oằn oại theo từng cú hụp rơi, nhào đảo của máy bay. Đẫm và chị Ba chắc đang chờ … Đẫm không sao đâu. Không ai có thể làm cô ấy bị mất tinh thần. Dù có bị đẩy trôi tới phương nào cũng là để cô ấy đem hạnh phúc cho người mà… Mại ao ước được nhìn thấy, thèm được nghe tiếng  bửa củi. Nhát một… Tiếng của Đẫm. Đẫm ơi…
Anh lao người ra khỏi máy bay, bỏ lại hành lý, quên cả mở điện thoại. Mại không phải trở về từ cõi chết mà là anh đã bước tới một kiếp sống mới. Không lý giải được. Ở tình huống khủng khiếp đó  mà máy bay có thể không bị gì hết, khắc phục được sự cố, trở lại bình thường rồi hạ cánh an toàn?  Mại không tin ông trời thương mình. Ông trời thương người khác.
Võ Diệu Thanh

Cảm nhận của BTV về truyện ngắn:

Hai kẻ bị tình phụ nhưng mỗi người lại phản ứng theo một cách khác nhau. Kẻ nuôi mối hận tới mức từ chối thế giới loài người để tìm quên ở loài chó trung thành. Người cố níu lại chút tình mong manh cho vẹn nghĩa vợ chồng dù chỉ còn trong hy vọng. Có thể nói, ở truyện ngắn này, Võ Diệu Thanh đã viết bằng một phong cách khác rất nhiều so với chính chị. Day dứt, dữ dội và chuyên chở được nhiều suy tưởng hơn. Chỉ có con người mới kéo được con người trở về với thiên lương, với nhân bản. Và nữa, hóa giải một mối hận chỉ có thể bằng tình yêu thương và đức hy sinh lớn lao hơn, chứ không thể bằng thái độ thù oán đáp trả tương đương. Trở lại với người chứ không phảitrở lại với đời. Bởi có nhiều khi, người ta vẫn sống trong đời một cách ung dung, sung sướng, nhưng chưa hẳn đã sống với tâm thế đích thực là người. Người đối với người chưa bao giờ chỉ toàn lòng nhân ái. Có khi, trong mối tương giao đó, ta vẫn thấy không có được sự thâm tình như người đối với vật và ngược lại. Những day dứt suy tư như thế cứ trở đi trở lại với người đọc, người nghe khi khép lại truyện ngắn này. Tôi thường ấn tượng với cách đặt tên nhân vật của Võ Diệu Thanh. Tên chị đặt thường ít khi trùng với những tên người ta vẫn gọi. Vậy nên, chỉ một lần mà dễ gây ấn tượng. Mại thì có thể bạn đã từng nghe đôi lần chứ Đẫm thì chắc ít hoặc chưa từng. Tôi cho đó cũng là một sự chăm chút tuy nhỏ nhưng đầy chủ ý. Sự chăm chút ở cái nhỏ sẽ khiến người ta tin tưởng hơn sự chăm chút ở những cái lớn hơn như chi tiết, như ý tứ. Và ở truyện ngắn này, Võ Diệu Thanh đã thuyết phục được nhiều người bởi sự chăm chút như thế.
Tác giả: Võ Diệu Thanh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *