RadioVn.Com – Ông Lâm ngồi ở đầu bàn, dáng oai vệ như một viên tướng. Bởi vì ông là người đàn ông duy nhất trong nhà. Những người còn lại đều là phụ nữ: vợ ông và sáu đứa con gái. Riêng cô út thì đăng ký đi bảo vệ Tổ quốc vắng nhà đã hơn một năm nay.
Bà vợ và sáu cô gái dường như chỉ chờ có thế, xúm xít lại, kẻ so đũa, người xới cơm. Cảnh gia đình xum họp trong bữa cơm chiều vẫn không làm ông thấy vui lên chút nào sau một ngày vất vả ở trại mộc. Chỉ vì thiếu mất cô con gái thứ bảy, niềm an ủi và hy vọng lớn lao nhất của ông. Tuy nhiên, hễ trời chạng vạng, vợ ông ngồi chống cằm ngó mông ra cửa, chặc lưỡi than thở: “Trời! Con Châu làm gì ở bển không biết mà có cả năm rồi không về thăm nhà”… là ông gắt lên om xòm:
– Cho bà hay, nó mà bận bộ đồ đó bước chân vô nhà là tôi rượt chạy vắt giò lên cổ cho coi. Bộ tưởng bắt chước được đàn ông con trai như vậy là giỏi lắm hay sao? Con gái con đứa gì mà không biết mắc cỡ! Còn bà nữa… quý tấm hình đó lắm à…!
Bà Lâm im lặng. Dù không hề cưng chiều Châu nhất nhà như chồng, lòng mẹ thương con vẫn không ngớt nhắc nhở bà là đã hơn một năm nay bà chưa được gặp con. Không biết lúc này Châu mập ốm ra sao? Chỉ tưởng tượng cảnh cô con gái út bé nhỏ, mảnh khảnh giờ này đeo túi cứu thương lặn lội tận biên giới Thái Lan, lòng bà lại thấy dào dạt lo âu.
Đành rằng đồng đội Châu mỗi lần ghé nhà đưa thư đều tấm tắc khen Châu giỏi giang tích cực, ai cũng mến, bà không khỏi áy náy lo con còn nhỏ tuổi lại phải cáng đáng những chuyện nặng nhọc, hiểm nguy. Mặc cho bà phí công nói xa nói gần là dù gì cha mẹ vẫn không bỏ được con, ừ, lúc Châu còn trong thời gian huấn luyện ở Chi Lăng, ông Lâm vẫn khăng khăng một điều:
– Đứa nào đi Chi Lăng thăm con Châu thì cứ việc đi luôn. Đừng có trở về cái nhà này, nghe không?
Vừa hăm dọa, ông vừa quắc mắt nhìn các cô gái nhưng bà thừa biết là ông muốn nhắn, gởi mình trong nhà này ý ông là ý trời. Vốn quen tuân theo ý muốn của ông từ lúc mới về nhà chồng, bà chỉ còn biết thở dài, nhìn tấm hình chụp Châu lúc mới nhập ngũ cắt từ báo Hậu Giang cho đỡ nhớ đỡ thương. Trong hình Châu đứng đầu hai mươi mấy cô gái của thành phố Cần Thơ tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Bộ đồ bộ đội rộng thùng thình có làm Châu trở nên gầy gò bé nhỏ đi nhưng cũng làm tăng thêm vẻ cứng cỏi trong ánh mắt cô.
Thật ra, không phải ông Lâm bực mình về việc con gái bận đồ bộ đội chụp hình đăng báo cả tỉnh ai cũng hay mà chính vì cô đã bỏ nhà ra đi không có sự chấp thuận của ông. Dù làm chủ cái trại hòm lớn nhất nhì ở thành phố ông vẫn muốn con gái út trở thành bác sĩ, trước là cứu giúp bà con lúc ốm đau như ông vẫn thường nói, sau chăm sóc sức khỏe cha mẹ để vợ chồng ông khỏi phải sớm nằm vào hai chiếc hòm đóng bằng gỗ huỳnh đàn đặc biệt dành riêng cho ông bà. Có lẽ Châu đã làm ông toại nguyện nếu không thình lình xảy ra vụ tàn sát ở xã Ba Chúc hồi đầu năm 1978 do bọn Pôn Pốt – Iêng Xa-ri gây nên.
Đang chờ kết quả kỳ thi vào đại học Y khoa, một buổi tối, Châu về nhà xin cha đăng ký đi bảo vệ Tổ quốc. Dĩ nhiên là ông Lâm không đồng ý. Bộ hết chuyện làm rồi sao? Việc lính tráng là của bọn thanh niên, ai mượn con gái bày đặt tài khôn? Ông Lâm đã từng là tổ trưởng tổ nhân dân, cũng từng làm việc tiếp xúc với các cơ quan nhà nước nên cũng tự cho mình là một người khá tiến bộ. Rõ ràng là hồi nào tới giờ ông vẫn quan niệm “nam nữ bình đẳng” là một điều rất hay nhưng dẫu sao thì cái gì cũng cần có mức độ của nó. Phụ nữ muốn tham gia công việc xã hội thì cũng tốt thôi. Châu có thể trở thành bác sĩ, ký sư, giáo viên, gác điện đài, làm phóng viên, hay thậm chí tham gia thể dục, thể thao, ông cũng không cản. Nhưng nằng nặc đòi vô bộ đội như vậy thì đúng là có hơi… quá lỗ.
Mà không riêng gì ông, cả nhà không có người nào tỏ vẻ hưởng ứng đề nghị của Châu cho lắm. Cô cả thì bảo Châu là lập dị, lúc nào cũng muốn làm ra vẻ ta đây tài giỏi hơn người. Các cô khác thì liệt Châu vào hạng quá khích. Riêng bà Lâm thì chỉ biết lắc đầu thởi ra. Đó. Hậu quả của việc ông Lâm cứ hay nuông chiều và giáo dục Châu như con trai là như vậy đó. Bị Châu chế giễu lại là lạc nhậu và nhút nhát, bà mẹ và sáu cô chị đành chờ nghe quyết định của cha, cô lẳng lặng nhét những đồ dùng cá nhân vào cái túi nhỏ rồi một mình đi tới chỗ tập trung.
Ai cũng biết, ở nhà ông chủ trại hòm Trường Cửu, khi ông quát lên “không được” thì các thiếu nữ len lén nép vào góc nhà như những con gà nhỏ lúc gặp hiểm nguy. Vậy mà đối với cô út ông có phần hơi nể. Bà con lối xóm thường quả quyết với nhau là tại Châu giống cha từ hình dáng đến tính tình.
Hồi Châu mới ra đời, khi nghe đứa con thứ bảy cũng là gái mà vợ thì không còn sinh nở được nữa, ông Lâm bắt đầu thất vọng quá đỗi. Xét cho cùng, ông có làm điều gì thất nhân ác đức với ai đâu. Đành rằng hòm ở trại mộc ông bán có cao giá hơn những chỗ khác nhưng được cái là hồi nào tới giờ chưa có một thân chủ nào than phiền về chất lượng của chúng. Sao trời phật nỡ trừng phạt không cho ông lấy một mụn con trai nối dõi? Như sáu lần trước, ông bỏ mặc con cho vợ chăm sóc, đinh ninh rằng đứa út sẽ lớn lên, hiền hậu mũm mĩm y hệt sáu cô chị, nghĩa là chỉ toàn phụ giúp mẹ trong việc thêu thùa bếp núc chớ chẳng hề đỡ đần gì ông trong việc điều hành trại hòm và hai xưởng đóng bàn ghế.
Tuy nhiên, ông không phải buồn lâu. Trong dịp thôi nôi con – hoàn toàn do bà chủ xướng – ông Lâm bỗng khám phá ra rằng Châu giống ông hồi còn nhỏ như tạc. Trước đó, vì Châu bị lên sởi, bà Lâm cho cạo đầu con nên với cái đầu trọc, tóc đâm ra tua tủa, Châu càng giống con trai ác. Thế là từ đó ông đặc biệt quan tâm đến Châu, dạy dỗ Châu y thể cô là con trai và Châu đã không phụ lòng cha. Càng lớn Châu càng giống cha, giống hệt ở chỗ nhanh nhẹn, xốc vác, cứng cỏi và nhất là ở cái nết một khi đã nói điều gì thì nhất quyết làm cho bằng được. Đôi phen, giữa hai cha con cũng có những vụ bất đồng ý kiến, ông Lâm thường kín đáo tìm cách lái sự việc đi đến chỗ có thể chiều ý con mà vẫn không làm giảm uy thế mình. Và cái cảnh vợ đẹp con ngoan của ông chủ trại hòm Trường Cửu đã từng là niềm ao ước của bè bạn gần xa.
Nhưng sau vụ Châu tự ý vô bộ đội, ông Lâm có cảm tưởng ai cũng ái ngại cho sự già nua bất lực của ông. Có lẽ vì vậy mà bỗng dưng họ lại đâm ra tử tế với ông hơn trước. Vốn sợ những lời an ủi thương hại, ông làm ra vẻ hết sức bận rộn vì công việc. Suốt ngày ông có mặt ở trại mộc, xem xét từng mũi đinh, kiểm tra từng dấm ván và luôn miệng cằn nhằn thợ là đừng có ỷ bán theo giá nhà nước rồi mặc sức làm ăn ẩu tả như vậy. Về nhà ông cũng quát tháo thường xuyên và ồn ào hơn trước. Vợ con ông vẫn chịu đựng, vẫn im lặng nhưng coi bộ không còn tỏ vẻ giận dỗi hoặc sợ sệt như trước nữa. Ông càng hầm hừ bao nhiêu họ càng dịu dàng, chu đáo bấy nhiêu. Thế là mọi cơn phẫn nộ của ông dần dần bị hòa giải một cách thần tình.
Sau vài lần có cảm tưởng mình đang la hét giữa cõi vô hư, ông Lâm bắt đầu nhìn vợ con bằng cặp mắt e dè, dò xét. Và ông chạm trán với một loạt sự việc khá đau lòng. Cô con gái lớn đang dạy học ở trường phổ thông thành phố bỗng nằng nặc đòi dọn vô ở nhà tập thể trong trường. Cô thứ tư và thứ năm từ khi rớt tú tài vẫn ở nhà giữ việc thêu thùa bếp núc tự nhiên vác đơn xin đi làm. Một cô vào công ty xuất khẩu đông lạnh tận Trà Nóc, mờ sáng là xách lơn cơm đi đến tối mịt mới về không biết gì đến nhà cửa. Cô kia thì giữ trẻ ở “2-9”. Hai mươi mấy tuổi đầu rồi mà suốt ngày cứ nghêu ngao: Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ… hay Bộ đội ơi, cho bé em theo… nghe mà phát ngán lên được. Nhưng nan giải nhất là chuyện cô thứ sáu khi không đem lòng yêu một bác sĩ thú y ba mươi bảy tuổi, người Nam tập kết vừa ở Hà Nội đổi về. Chưa biết tính sao, ông Lâm đành làm ra vẻ dửng dưng với những chuyện động trời ấy, và tìm cách xa lánh vợ con.
Thật tình mà nói, ông buồn lắm! Bên trong con người tưởng chừng chai đá khô cằn vì cây ván đó vẫn là một người đàn ông già nua, suốt đời tận tụy cho vợ con, rất cần được an ủi yêu thương. Ông bồi hồi nhớ lại lúc còn nhỏ, nhà nghèo phải cùng cha bỏ nhà lưu lạc tận Nam Vang tìm phương sinh sống. Đến năm 1945, nước nhà độc lập, ông gom góp vốn liếng trở về quê hương mở trại đóng ghe ở gần Cái Dầu. Cả cuộc đời cần kiệm, ông mới tạo được một cơ nghiệp khả dĩ bảo đảm tương lai cho vợ con. Rồi cách mạng về, lúc làm đơn hiến phần lớn tài sản cho nhà nước, ông không khỏi tiếc rẻ, đắn đo nhưng lời Châu nói: “Có một người cha biết giác ngộ, tụi con thấy phấn khởi hơn có một người cha giàu có” đã giúp ông dứt khoát tư tưởng. Trước kia ông cật lực làm lụng vì con, bây giờ ông hiến của cải cùng vì chúng nó. Vậy mà tụi nó có thương tưởng gì ông đâu, cứ chăm chăm lo làm khổ ông thôi. Mỉa mai hơn hết, kẻ cầm đầu lại là Châu, đứa con gái ông hết mực thương yêu, tin cẩn.
Ông thường tự hào là điều khiển được vợ con. Bây giờ cõ lẽ ông đã hết thời rồi. Mọi quan niệm sống của ông dường như không còn thích hợp với cuộc sống mới đang nhộn nhịp đi lên với bao đổi thay. Và nay vợ con ông còn miễn cưỡng nghe lời ông chắc chỉ vì họ không muốn ông buồn, chớ không phải vì sợ, vì thấy ông là đúng nữa. Những ý nghĩ đó dằn vặt, ám ảnh ông Lâm cho đến nỗi sáng hôm kia, lúc đi ngang cầu Sang Trắng, tình cờ thấy một đứa nhỏ dắt trâu đi ăn cỏ vừa đi vừa vui miệng la lên một mình: “Ha ha! Ngày tàn của bạo chúa” ông cũng giật mình rồi đâm buồn cả mấy buổi trời. Biết rằng đó chỉ là tên một vở cải lương vừa chiếu ở truyền hình thứ bảy tuần rồi, ông vẫn có cảm tưởng đứa nhỏ muốm ám chỉ ông. Hay ông cũng sắp sửa tàn đời rồi?
Điều làm ông càng buồn hơn là cách đây một tuần khi nhận được thư Châu báo tin sẽ về thăm nhà, vợ ông và các cô gái vui mừng ra mặt, chuẩn bị bánh trái như đón tiếp một lãnh tụ. Vậy mà mọi lời hăm dọa của ông bấy lâu nay cầm bằng như nước chảy qua cầu. Nhiều lúc ngồi buồn ông ngẫm nghĩ: ông đâu phải người lạc hậu, ích kỷ gì, từ tay trắng làm nên, ông hiểu rõ giá trị của lao động và cũng muốn các con tự lập lắm chớ. Nhưng bộ hết việc làm rồi sao mà phải đâm đầu đi bộ đội? Chỉ tưởng tượng con gái nai nịt nào ba lô, nào súng ống, vai đeo túi cứu thương, đôi khi còn thủ cả lựu đạn, túi “dết” chạy loăng quăng ở mặt trận ông lại thấy kỳ kỳ làm sao! Chốn trận mạc không phải là chỗ của đàn bà con gái. Coi chừng chẳng những không cứu cấp gì được cho ai mà còn xanh mặt hoảng hồn lên khi nghe tiếng súng, báo hại người ta còn phải lo lắng bảo vệ nữa. Vậy mà mấy đứa chị lại lấy nó làm gương mới khổ cho ông biết chừng nào. Thế là ông Lâm lại nổi xung thiên lên, nhất định sẽ không thèm đếm xỉa gì Châu khi cô về. Để coi bà vợ và lũ con có hoảng hồn lên không? Đừng tưởng bấy lâu nay ông nín thinh như vậy là ông đã chịu thua.
Tính vậy nên sau bữa cơm chiều như thường lệ, ông chủ trại hòm Trường Cửu đi đi lại lại trong sân ve vuốt những ý nghĩ ghê gớm ấy.
Con Mực già nua đang nằm trên thềm bỗng hực lên mấy tiếng rồi nhảy sổ ra phía cổng rào. Một giọng nói thánh thót cất lên, hết sức yêu thương và quen thuộc:
– Ba ơi, mở cửa cho con!…
Trời! Hồi còn nhỏ, mỗi lần đi đâu về trễ, sợ bị rầy, Châu đều kêu cửa bằng cái giọng nửa nài nỉ, nửa nũng nịu như vậy. Lòng ông Lâm chùng xuống dữ dội. Mọi suy tính giận hờn đều tiêu tan, chỉ còn người cha già nua, mừng rỡ lập cập mở cửa đón đứa con đi xa trở về.
Châu đứng trước cổng nhà. Cô vẫn gầy gò bé nhỏ như lúc ra đi, có điều là bộ đồ bộ đội màu thẫm đã làm nổi bật dáng người cứng cáp và tươi như tre non của cô. Trong nhà, mấy cô gái rục rịch nghe ngóng rồi bổ nhào ra sân, kêu réo om sòm:
– Con Châu về! Má ơi, con Châu về!…
Bà Lâm ở trong buồng chạy ra định ôm chầm lấy con. Nhác thấy chồng tươi cười đi giữa các con, bà đứng lại ứa nước mắt vì cảm động. Đã lâu lắm rồi, nhà bà không có cảnh đầm ấm này.
Những niềm vui của bà kéo dài không được bao lâu vì Châu vừa cho hay một lát sẽ có hai anh bộ đội đến ngủ nhờ một đêm là ông Lâm đã sa sầm nét mặt. Rõ ràng là Châu có ngán ông chút nào đâu. Nể tình cha con ông không rượt Châu chạy vắt giò lên cổ thì thôi chớ, bộ tưởng ông khoái mấy cái vụ lính tráng, bộ đội đó lắm hay sao mà còn dắt về nhà. Ông mà làm ngơ chuyến này nữa thì từ rày về sau đám con còn coi ông ra gì nữa. Nghĩ vậy, ông hầm hầm bỏ lên nhà trên.
Tiếng cười nói nhỏ dần. Có lẽ bà mẹ và các cô chị đang thì thầm thông báo lại là cha đang giận Châu. Rồi giọng Châu cất lên thật rành rọt, điềm đạm:
– Con biết, nhưng thấy hai anh đi từ Kô Kông về đây suốt hai ngày trời, không chỗ tắm giặt nghỉ ngơi để mai còn đi lãnh xăng rồi trở gấp qua bển… ở mặt trận gian khổ lắm má à!
Ông Lâm có cảm tưởng con gái đang kể lể với ông về tất cả gian lao mà cô và các đồng đội đã trải qua. Và ông nghe trong lời nói giản đơn, dịu dàng đó bao nhiêu điều trách móc. Ôi! Té ra bấy lâu nay ông đã sống hết sức vô tư lãnh đạm bên cạnh sự hy sinh to tát và âm thầm cuả những người mà ông cho là rất hời hợt, xốc nổi như Châu?
Đêm đã khuya ông Lâm vẫn chưa ngủ được. Ông nằm vắt tay qua trán lắng nghe tiếng nói líu ríu thanh thanh từ buồng bên vọng qua. Châu nói cái gì không biết mà từ chập tối đến giờ này vẫn chưa chịu thôi. Sáng mai nó đã trở về đơn vị.
Hơn một tuần Châu ở nhà hai cha con không chuyện vãn gì nhiều vì ông Lâm làm mặt giận, còn Châu thì coi bộ không chú ý đến sự lạnh nhạt của cha. Cô bỏ rất nhiều thì giờ để thăm viếng bà con, bè bạn. Ở nhà, cô thủ thỉ trò chuyện với mẹ suốt ngày và rì rầm tâm sự với các chị cho tới quá nửa đêm. Thỉnh thoảng cô cũng có hỏi thăm cha về tình hình hoạt động của trại hòm, về chứng lên máu mà ông Lâm mắc phải trong những năm gần đây. Ông trả lời vắn tắt và làm ra vẻ miễn cưỡng. Thế là Châu lại quay sang kể cho mẹ và các chị nghe những chuyến tải thương gay go ở nga ba Pôchentông, về đồng chí sư trưởng tánh nóng như Trương Phi nhưng lại cưng chiến sĩ một cây, về vụ bộ đội miền Nam thường không biết giăng võng cứ hay bị tuột dây té hoài, về lần anh quản lý người Hải Hưng đi kiếm củi bị heo rừng Tà Keo rượt vừa chạy vừa la: “Vây chặt vào, các đồng chí ơi! Con “nợn” này nặng có đến trăm cân, các đồng hương ạ!…”. Ông Lâm quay đi mà lòng buồn rười rượi. Thâm tâm ông rất muốn Châu vồn vã với ông hơn để ông có cớ làm lành với vợ con.
Từ lúc Châu về, nhà cửa ấm cúng vui vẻ hẳn lên. Suốt ngày bà Lâm và các con tụ tập ở dưới bếp. Xen lẫn tiếng mỡ sôi xèo xèo, tiếng nạo dừa sột soạt là tiếng Châu dạy các chị nói tiếng Cămpuchia:
– Không phải! “Bòn ơi, tâu na?” là “anh ơi, đi đâu đó?”. Còn “Bon cà hót, un mi xa lanh bon” mới là “Anh nói dóc, em không thèm yêu anh”.
Rồi Châu múa xari càkeo, phàn nàn là không cách chi uốn bàn tay cho cong vòng như các cô gái Cămpuchia được. Cô suýt xoa mãi về đôi mắt “buồn mê hồn” của một đứa nhỏ lên năm còn sống sót ở môt làng nào đó ở tỉnh Căm Pốt…
Sáng hôm sau, cả nhà dậy thật sớm để tiễn Châu lên đường. Ông Lâm đi bách bộ ngoài sân có ý đón Châu. Bà mẹ và mấy cô chị dặn dò hồi lâu rồi Châu quẩy ba lô ra đi, ngập ngừng tiến lại phía cha:
– Thưa ba, con đi…
-…
– Con đi chuyến này chắc lâu lắm mới về… ở nhà ba ráng giữ gìn sức khỏe. Con có dặn chị Lan phơi mãng cầu nấu nước cho ba uống. Thứ đó trị lên máu hay lắm!
– Mà… con đi bằng gì?
Giọng ông bỗng nghèn nghẹn. Châu cũng chớp mắt mấy cái:
– Con đón xe đi Châu Đốc. Lên Chi Lăng mới có xe về bển. May mà gặp đoàn xe ban lãnh đạo đi họp quá giang về tới Battambăng thì còn khỏe, chớ rủi gặp xe bồn ghé cảng giao dầu thì phải chờ ít nhất cũng hai ngày.
– Con qua bển kỳ này có đi mặt trận nữa không?
– Có chớ. Con theo đội phẫu tiền phương mà!
– Để ba đưa con một khoảng đường…
Ông Lâm ngập ngừng đề nghị và hai cha con đi trên vỉa hè còn mờ tối. Ông Lâm cố tìm những lời lẽ thật hàm súc để căn dặn con nhưng sao ông thấy khó mở lời quá. Ông sợ Châu đánh giá. Mới hơn một năm mà Châu thay đổi nhiều quá. Cô chững chạc hẳn ra, nói năng mạnh dạn quá khiến ông không biết nói gì cho hợp tình hợp cảnh. Châu cũng vậy. Hình như cô muốn nói một điều gì đó nhưng còn ngại ngùng, liếc trộm cha mấy lần rồi mới quả quyết mở lời:
– Bà à, con về chuyến này cũng nhằm bàn bạc với ba về chuyện nhà mình, nhưng thấy ba không được vui, con tính qua bển viết thư về. Vậy sẵn đây con trình bày với ba luôn… Như chuyện chị Mai, chị Vân đi làm con thấy là hoàn toàn hợp lý. Ba má già yếu rồi đâu thể bao bọc tụi con suốt đời?… Mà dù gì đi nữa ở nhà đi ra đi vô hoài cũng buồn… Còn chị Lan thì con đã can rồi, chị cũng chịu nghe con không còn tính đi ở nhà tập thể nữa, có điều chị hơi buồn là ba ưa la rầy, coi chị như con nít thành thử chỉ buồn… Riêng vụ chị Trâm thương ông kỹ sư chăn nuôi nào đó thì có gì đây mà ba đòi từ chỉ, ổng có lớn tuổi nhưng ổng thiệt tình và chí thú làm ăn thì còn gì hơn, hả ba? Với lại ba cũng đừng kể lớn nhỏ, đứa nào có chỗ ba má cứ việc gả. Ông thú ý kia trọng tuổi rồi mà bắt đợi gả hết mấy chị kia ròi mới tới chị Trâm thì căng dữ…!
Vừa nói Châu vừa mỉm cười, cố làm lành với cha. Ông Lâm toan cãi lại là ông không hề có ý cản đàng con cái trong việc lập thân của chúng, ông chỉ tác là các con làm như muốn qua mặt ông. Nhưng ông bỗng nghẹn lời. Thật ra, cô nào cũng có hỏi ý ông và chỉ vì ông không chấp thuận đề nghị nào cả. Ông không thích con cái tách rời sự bao bọc và kiểm soát của ông. Tự nhận mình là người tiến bộ sao ông vẫn muốn vợ con phục tùng mình cho đến lúc ông trút hơi thở cuối cùng. Và cuộc đời sắp tới của bà Lâm cùng các cô sẽ phải diễn ra y như ông sắp đặt trước giờ nhắm mắt. Tuy nhiên, vừa mở miệng, ông đã thấy hết cái vô lý của mình. Mọi việc đã đổi thay. Các con ông hình như hết tin vào khả năng lãnh đạo gia đình của ông. mà ông thì cũng già quá rồi, trí óc cũng không còn sáng suốt nữa. Ngay giá hòm và tiền công thợ mà ông còn lẫn lộn hoài thì làm sao quyết định được những việc trọng đại. Mà xét cho cùng: các cô cãi lời cha để làm theo điều phải thì có gì đáng trách đâu. Có chăng là tại ông lâu nay tự xa cách với vợ con, có lúc biết mình sai lầm mà vẫn tự ái không thèm sửa chữa. May là các con ông chưa làm điều gì tác tệ!
– Ba biết, má con thương ba lắm! Bấy lâu nay ba đã bỏ bê vợ con… Ba mừng là các con không phạm sai lầm. Ba đã già nua lẩm cẩm quá rồi, lẽ ra ba phải giúp đỡ tụi con…
– Thì ba đã hiến nhà cửa, trại mộc, trại hòm, bán hòm theo giá quốc doanh là ba đã tạo điều kiện cho tụi con phấn đấu. Con biết là tại ba thương tụi con, sợ tụi con cực khổ, nhưng bây giờ thì đau còn những cảnh bon chen, hà hiếp nhau như trước. Xã hội mới không để cho còn những cạm bẫy người ta vấp ngã nữa, nếu còn những khó khăn, trở lực thì đó là những thử thách giúp chúng con trưởng thành. Ba thấy không, hơn một năm nay, ở trong bộ đội, con học được biết bao nhiêu điều hay điều lạ!
Châu ngừng nói, nhìn cha dò xét. Dù sao đây cũng là lần đầu cô trở lại vấn đề đi bộ đội sau vụ tranh chấp cách đây hơn một năm. Cô lo cha có thể đùng đùng nổi giận y như hồi đó, nhưng may sao ông đã hiền lành gật đầu.
– ừ, ba quên… ba tưởng tụi con còn khờ dại lắm mà ngoài đời thì vẫn còn đầy rẫy những cạm bẫy, thành thử ba muốn gom tụi con lại chung quanh ba… Thấy con thực sự khôn lớn như vầy, ba mừng lắm…
Giọng ông run run vì xúc động. Châu nắm tay cha:
– Trời còn lạnh quá, thôi, ba về đi, không khéo lại nhiễm sương cho mà coi.
Ông lâm quyến luyến vịn vai con:
– Không biết lúc nầy xe cộ đã dễ đi chưa…
Gương mặt rám nắng của Châu vênh lên có vẻ tự hào:
– Trời! Hơi sức nào ba lo cho bộ đội! Hết xe đò thì quá giang xe vận tải, xe cơ quan. Giờ bỏ con giữa rừng con còn không ngán nữa là! Ba biết không, lần giải phóng Kômpôngchơnăng tải thương về cứ nhằm ban đêm, lại gặp trời mưa, con phải đánh đu ở cửa xe chỉ đường. Đi được một đỗi, lúc con mắc lấy nước cho thương binh uống, “ông” lái xe chấp chới thế nào không biết mà lùi luôn xuống sìn, báo hại con với mấy người bị thương nhẹ phải nhẩy xuống đẩy. Đường sá ở bển quanh co khúc khuỷu hơn bên mình nhiều nên có lần, phần mệt mỏi, phần sơ ý, đương đeo ngoài cửa xe, con sút tay lọt xuống đường tưởng chết. May nhờ xe chạy chậm! Cô nheo mắt với cha – ba thấy con nầy “nghề” chưa? Thôi con đi…
– Mà con còn… tiền bạc gì không? Ông rờ hết các túi áo lần xuống tới hai túi quần lôi ra được mấy đồng bạc – Trời, lúc nầy ba cũng không được dư giả gì…
Nước mắt ứa ra vì cảm động, Châu lắc đầu nguầy nguậy:
– ở bển có cần mua sắm gì đâu, ba? Quần áo, cơm nước, hàng bồi dưỡng đã có nhà nước lo đủ. Bữa đi phép con lãnh một lượt mấy tháng chế độ cả trăm đồng. Hổm rày ở nhà con còn đưa tiền cho má đi chợ nữa kia. Thôi, ba về đi. Chừng nào rảnh nhớ viết thơ cho con.
Rồi Châu mạnh dạn băng qua đường, vành mũ tai bèo ve vẩy, hai bím tóc đong đưa theo mỗi bước chân.
Tác giả: Lê Thị Thanh Minh
Từ khóacha con Lê Thị Thanh Minh truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …