Bài nổi bật

Đỉa bám chân ai

Làng người Mông tên Quán Dín Ngài có một ngàn năm mươi nhân khẩu, thì tới ba trăm năm mươi mốt nhân mạng là đệ tử của ả phù dung. Trong số người nghiện ấy, Xuyển là lão già nhiều tuổi nhất và có số thời gian nghiện lâu nhất, nghiện nặng nhất.

Xuyển tập tọng hút thuốc từ năm mười hai tuổi. Năm hai mươi, đã nghiện tới mức sáng không kéo vài bi không mở mắt được. Nay Xuyển đã lên lão bảy mươi. Người quen biết Xuyển nói: hồi chưa gia nhập làng nghiện, Xuyển cũng là một chàng trai hiền lành chăm chỉ. Cũng canh một chưa nằm, canh năm đã dậy. Cũng đi cấy bị con đỉa bám, đi rừng bị con vắt cắn. Hơn nữa, còn sức vóc hơn người. Vác nổi con hổ một tạ. Đã có lần vật nhau với gấu. Bị con trăn gió quấn còn gồng mình thoát được. Ấy thế, mắc vòng nghiện ngập sức vóc mới sa sút dần. Người quen biết gia tộc Xuyển còn nói: Xưa, bố Xuyển làm nghề lái thương, của đi rề rề của về nghễu nghện. Có nhà gỗ ba gian, có trâu cả đàn, có dê đầy núi. Ấy thế, thì cũng thoạt đầu là a dua a tòng chúng bạn, sau thì lấy khoái lạc lên tiên đi mây về gió làm phương châm sống ở đời, nên giờ thì vừa khánh kiệt vừa thân tàn ma dại, vừa gàn quái, hâm hâm, hây hấy.
Thân tàn ma dại quá đi chứ còn gì! Vì cái sọ thì to, con mắt thì lồi. Mặt như quả trám héo, tai như cái mộc nhĩ khô. Mồm giống mồm con khỉ. Chân tay là những lóng sậy khô chắp lại. Diện mạo, vóc dạc rị mọ như làm từ cái khuôn hình quỷ quái, phi thời gian. Đã thế lại bốc mùi ngai ngái, nên có người bảo: Xương cốt lão giá đem nấu lên cũng thành sái thuốc phiện mất. Nghĩa là khói thuốc đã ngấm vào tận da thịt, lục phủ ngũ tạng xương tủy lão, vào tận tâm tính lão. Xưa, lão hồn nhiên trong trẻo như chú chim mi, nay lão như con quạ già, thẩm lẩm kỳ cục, quái dị khác thường!
Sáu mươi năm trời biến của cải thành khói thuốc, con trâu to đùng cũng biến thành thuốc chui vào dọc tẩu, thì trong nhà đến cái rế cũng chẳng còn, thì sập sành là anh kẻ trộm, thì cơn đen vận túng thường xuyên là cái chắc, nếu không có bà vợ chịu khó lam làm và biết xót thương chồng.
Sáu mươi năm trời liên tục thổ khói, tính ra có thể làm u ám cả một vùng sơn lâm chứ nội cái túp lều nát của lão đã là cái gì. Ấy thế, Xuyển còn  đem cái nghiện lây sang cả cây kèo, cái rui, cái mè và đám côn trùng, sinh vật xung quanh nữa kia. Không tin cứ đến giờ lão thắp ngọn đèn dầu cải pha mỡ lợn, mở hộp thuốc, ghé tẩu vào ngọn lửa mà xem; lúc ấy gián, bọ, thạch sùng, cuốn chiếu trên mái nhà, ở vách tường mới bò ra, ngẩn ngơ trong khói thuốc, chi chít có đến vài chục con. Tội nghiệp nhất là con mèo mướp. Đến giờ mà chưa thấy ông chủ bẹp tai mồm dẩu ngậm cái dọc tẩu, pập pập ro ro, hít hõm má, thở khói xanh mù, là chú cũng ngáp đến rách mép và gào rít lồng lộn như bị dao cắt dùi đâm trong bụng ấy chứ.

Người già trong làng còn kể, ngày xưa, ông nội Xuyển là đệ tử ruột của nàng tiên nâu này, chiều chiều đến giờ giở bàn đèn sửa soạn vào hiệp hút mới, là ở ngoài sân đã có con hổ già, con báo non đến phủ phục chờ. Chà! Thế mới biết cái sức mê hoặc cám dỗ của cái dòng nhựa đen chiết ra từ thứ cây cỏ nhìn bề ngoài rất hiền lành này thật là siêu thường vô địch.
Một ngày kia, trưởng công an xã là anh Thào A Sẩu cưỡi con ngựa hồng đến nhà lão Xuyển. Sẩu tuổi mới ba mươi, đi bộ đội về, chưa vợ con, vóc dạc như cây pơ-mu tơ, mặt vuông, tai tròn, mắt sáng, tính tình quả quyết, tiếng nói vang rền như vọng vào vách đá.
– Chào cụ Xuyển – Sẩu nói – Tôi và cụ quen biết nhau cả chục năm nay rồi. Nhiều người cũng thế. Họ thừa biết tôi là người được dân giao phó cho trách nhiệm giữ gìn trật tự trị an ở xã này. Thế mà sáng nay, tôi mở cửa để đi tuần tra vì nghe tin đêm qua ở xóm Tả Chải vừa xuất hiện một bọn buôn lậu có vũ khí, cụ có biết là tôi thấy những cái gì không? Cú cáo ở đâu láo nháo bay về nhiều thế! Cánh cửa nhà tôi cắm có đến mười cái bơm tiêm ma túy!
–  Hây dà! Chuyện nghe lạ quá đấy!
– Tôi không biết nói dối. Thế nghĩa là bọn này nó đông, nó muốn khiêu khích tôi, nó trêu ngươi tôi.
– Hừ, nó định kéo đuôi ngựa rồi.
– Thế đấy! Ma túy nó làm bọn buôn lậu mất trí khôn rồi. Nhưng mà như thế vẫn chưa hết đâu. Họ còn vẽ hình tôi cưỡi ngựa bị một dòng đạn năm viên bắn vào ngực lên tờ giấy rồi dán vào một cánh cửa nhà tôi nữa kia.
– Trời!
– Họ thách thức tôi! Họ dọa nạt tôi! Nhưng tôi không sợ đâu. Tôi biết, bọn họ bị đồng tiền làm mờ mắt, có thể điên cuồng như thú dữ. Có thể thí mạng liều chết. Có thể bắt tôi bỏ con đường sống. Tôi không sợ con đường chết. Nhưng tôi buồn héo ruột héo gan. Sao con người lại có thể mê muội đến như thế! Tôi nói thế có xúc phạm đến cụ không, cụ Xuyển?
– Không dám ạ.
– Con người ta vốn là một giống loài khôn ngoan, biết tránh con đường đen tối, đi con đường sáng, vì hiểu cái lý hay, cái điều tốt đẹp ở đời. Vậy mà tôi không ngờ bản Mông ta nhiều người nghiện thế. Tại sao cơm bạc đũa ngà không ăn, lại ăn thứ cơm đen ma quỷ thế!
– Hừ!
– Hôm qua tôi đến lớp cai nghiện của xã. Triệu tập một trăm người đến thì trốn mất năm mươi người. Có đứa bị bắt lại còn gây gổ chửi lại tôi. Tôi hỏi: “Sống không muốn lại muốn đi vào cõi âm ty địa ngục à?”. Nó đáp: “Chết trước càng ấm mồ!”. Hừ, con người thế là hết khôn dồn ra dại rồi.
– Tôi biết…
– Cụ Xuyển à, chiếu cố cụ tuổi đã cao, xã không yêu cầu cụ đến lớp cai nghiện. Nhưng, mong cụ tự kiềm thúc mình. Đang hút mười điếu một ngày, nay giảm đi chín, rồi tám, rồi bảy… Hừ, tự mình điều khiển mình khó đấy. Ở xã ta, có người còn lấy xích sắt xích con mình vào cột nhà đấy. Nhìn mà thương ứa nước mắt. Nhưng, biết làm sao được! Hòn đá trên vai mình, phải tự vác lấy. Nhà nước có thuốc cai, có bài tập để thêm sức đề kháng, nhưng chỉ là giúp thêm, còn anh em nghiện phải tự dựa vào chính mình. Đỉa bám chân ai thì phải tự gỡ lấy.
– Đỉa bám chân ai, tự mình phải gỡ lấy!
– Đúng thế đấy! Một lần nhóm bếp là một lần khó, mong cụ hãy kiên gan vượt qua cơn bĩ cực này, cụ Xuyển nhé. Thôi, chào cụ, tôi có việc gấp phải đi đây.
Nói rồi, anh trưởng công an xã chụp mũ lên đầu, khoác súng vào vai, nhảy lên lưng ngựa. Lão Xuyển chạy ra cửa, bấy giờ mới sực nhớ ra rằng từ nãy cứ đứng nói chuyện, lẽ ra phải mời anh vào uống nước trà đắng mới sao, nhưng không kịp rồi. Chỉ thấy cái đuôi ngựa như cái bút lông phất một nét mềm mại giữa một quầng bụi hồng hồng. Buồn quá! Có ai ngờ đó lại là cái hình ảnh cuối cùng về anh Sẩu mà lão Xuyển còn ghi được ở trong óc.
Thì ra, nhận được tin cấp báo, anh Sẩu cùng hai công an viên nữa đi phục kích bắt bọn buôn lậu thuốc phiện có vũ khí ở thôn Tả Chải. Và trong cuộc truy đuổi bọn tội phạm này, anh đã bị chúng bắn chết!
***
Anh Thào A Sẩu, trưởng công an xã Quán Dìn Ngài bị bọn buôn lậu sát hại rồi!
Làng như có cơn gió độc tràn đến. Nhà nhà nhao nhác. Người người sững sờ. Bọn buôn lậu gây tội ác tày trời. Bị anh Sẩu chặn lối, hết đường trốn chạy, chúng trá hàng rồi thình lình xả cả một băng đạn vào khuôn ngực vạm vỡ của anh. Chúng đã thực hiện đúng điều chúng đã dọa anh trên tờ giấy vẽ. Nhưng, trước khi ngã xuống, anh vẫn còn dồn được sức lao đến ôm ghì tên trùm để đồng đội phía sau tiến lên bắt giữ. Thi thể người liệt sĩ anh hùng quàn tại trụ sở xã hai ngày cho mọi người đến kính viếng, khóc thương anh.
Tin anh Sẩu hy sinh đến đúng lúc lão Xuyển đang hút điếu thứ nhất trong ngày. Lão chống tay, bật dậy, vớ ấm tích nước nóng, ngậm vòi tu một hồi, rồi đưa mu tay chùi mặt, lưỡi vừa thè ra đắng ngắt. Sao lúc này mồm miệng lão bỗng đắng ngắt thế! Suốt ngày hôm ấy lão không hút thêm điếu nào nữa. Suốt ngày hôm ấy lão ngồi thừ bên bếp lửa.
Và sáng hôm sau, thấy lão lọ mọ trở dậy, bà vợ tưởng lão đi ra trụ sở ủy ban xã để viếng hương hồn anh Sẩu, vì lúc này ở đó đã nổi lên réo rắt tiếng khèn bài Khua kê mở đường đưa tiễn hồn anh về nơi quê tổ, thì thấy lão ra bếp, lấy bao dao thắt vào bụng.
“Ông định đi đâu đấy?”. Bà vợ lão hốt hoảng vừa hỏi vừa đuổi theo lão thì thấy lão đã mất hút vào màu xanh của khu rừng trúc ở sau nhà, chỉ còn thấy đuôi con trâu trắng phất ở khúc ngoặt.
***
Chiều thu ấy, khi mọi người từ đám tang anh Sẩu trở về thì lão Xuyển theo con trâu trắng kéo về một chũa gỗ thành ngạnh chừng hơn chục cây thau tháu bằng cổ tay một. Thành ngạnh là loài cây gỗ thường mọc tiên phong ở những mảnh nương bỏ hoang sau khi đốt. Gỗ nhỏ, nhưng rắn như sành nên người ta còn gọi là gỗ xương gấu.
“Lão già cám hâm cơm hấp này kéo cây gỗ thành ngạnh về làm gì vậy? Hay là lão đem cây gỗ ra rào mộ anh Sẩu? Nếu vậy thì lão cũng biết đến nghĩa lý ở đời đấy”. Bà vợ lão nghĩ vậy, nhưng không dám hỏi, vì thấy mặt lão đã quắt queo lại tái xám lầm lì, vì thấy lão sau khi tháo ách cho con trâu, cởi chũa cây, bắt đầu đo đo ngắm ngắm, rồi cắm mặt hạ dao.
Cạch cạch cạch… Lão Xuyển ký cách chặt, đẵn, róc đẽo cây gỗ làm gì vậy? Hừ, có trời mà hiểu lão già lẩm cẩm này đang nghĩ gì, định làm gì! Tiếng con dao chặt gỗ của lão Xuyển vang động cái sân nhỏ suốt chiều tới tận khuya đêm trăng thu đó.
Mải mê, cặm cụi, lão quên cả ăn cả uống. Gọi lão vào ăn cơm lão cũng ừ hữ. Lão quên cả bữa thuốc chiều. Con mèo mướp đến cơn gào như động dục lão cũng không hay biết. Lão một mình một dao. Lão một mình một bóng trong ánh trăng thu càng khuya càng sáng xanh, lạnh rợi.
Lão đang sống lại thời trai trẻ chịu thương chịu khó canh một chưa nằm, canh năm đã dậy chăng? Bà vợ lão năm lần giục lão nghỉ tay để ăn uống không được, lại thắp đèn, bê bàn thuốc ra hiên cho lão, ngồi chờ lão một lát thì dừng tay vì bỗng nhiên thấy nghi nghi ngại ngại, rồi phân vân lo lắng, rồi hốt hoảng nghĩ rằng, lão già này không khéo nổi cơn phẫn, cơn khùng theo thói gàn quải cám hâm cơm hấp thường khi, làm mà chẳng biết vì mục đích gì, nên đã định bảo: Thôi ông ơi, anh Sẩu sống khôn chết thiêng, anh nói lời nào đúng lời đó, chả ai bắt tội ông đâu, ông đừng tự hành mình nữa. Cái nút thắt lâu rồi, cứ từ từ cởi gỡ dần, ông ạ! Nhưng nghĩ ngợi gần, nghĩ ngợi xa, mệt quá, bà lão đã gục đầu trên cái cần cối mê thiếp đi lúc nào không biết.
Cho tới lúc con gà trống cưỡng trong chuồng chợt vỗ cánh gáy te te, bà mới mở choàng mắt. Và nhận ra, trăng cuối tháng đã ngả sau bóng cây bồ quân lá đỏ mong manh như cánh chuồn; còn trên mảnh sân lốm đốm mảnh vụn gỗ trăng trắng, lão Xuyển nghiện oặt xà lai gàn dở, vận quần chàm, chân tay nghều ngào, mình trần gầy đen như quỷ đói, đang đứng cạnh cái khung gỗ to như một gian bếp ở sát gốc cây bồ quân bên bờ ao.
Lão Xuyển nghiện chồng bà lão làm cái gì vậy? Lão hì hụi suốt đêm qua để đóng cái gì như hình cái cũi nhốt người vậy? Ừ, đúng là lão đã đóng cái cũi thật. Một khối vuông vức. Bốn bề bằng nhau, chạy hàng chấn song xin xít hở chừng gang tay một. Mặt trên cũng thế. Riêng mặt sàn, gỗ thành ngạnh đẽo nhẵn ken dày không kẽ hở. Ở một cạnh lại còn gá một cái cửa bắt đanh khuy, mắc một chiếc khóa gang to bằng bàn tay trẻ con.
Lão Xuyển nổi cơn phẫn chí hay bị trời hành kỳ cạch suốt đêm đóng cũi thật rồi. Nhưng lão đóng cũi để làm gì? Thế thì đúng là lão đóng cũi để nhốt tên tội phạm đã sát hại anh Sẩu rồi. Chắc chắn là thế rồi! Tên gian ác ấy đâu còn là con người, nó là con thú dữ. Nhốt nó vào đó để mọi người đến nhìn rõ cái mặt quân sát nhân độc ác, để phỉ nhổ vào cái mặt thú rừng nó.
– Ông làm cái gì thế?
– Bà giúp một tay đi.
Lão Xuyển vứt con dao xuống đất, hất hàm bảo bà vợ. Hai người, bốn cánh tay cùng dồn hơi ở ngực, dồn sức vào tay vào chân, khênh cái cũi ra sát bờ ao. Và vừa buông tay, bà lão bỗng hụt hơi kêu to một tiếng kinh hoàng: “Ông làm gì thế?”.
Không kịp nữa rồi. Lão Xuyển đã chui vào cũi, bấm khóa gang và rút chìa, ném tọt xuống ao. Lão Xuyển chui vào cũi tự nhốt mình!
***
Lão Xuyển đóng cũi để nhốt mình!
Lão Xuyển tự chui vào cũi nhốt mình!
Khi bà vợ lão hiểu ra điều đó thì lão đã là một tù nhân, ở trong tình thế không còn cách nào thoát khỏi cuộc giam hãm nữa rồi, nếu không nhờ cậy đến búa rìu. Đáng sợ hơn là nằm phủ phục trên sàn cũi được một lúc, lão bắt đầu lên cơn thèm thuốc. Trời! Thì đã qua cả một ngày một đêm dài lão không hút một hơi thuốc rồi còn gì. Nên bây giờ cơn đói cơn thèm mới ù ập tới như bão rừng, như lũ quét.
Thoạt đầu là lão ngáp. Ngáp đến rách mép ra. Rồi lão thở hào hển. Rồi lão nuốt nước bọt ừng ực. Rồi lão lăn trên sàn cũi, ôm bụng và bắt đầu rên la.
Khổ! Cái nghèo có ngàn khuôn mặt thì cái đau đớn cũng thế thôi. Chỉ có điều không ngờ là cơn đói thuốc lại có thể hành hạ con người tàn bạo đến thế. Trong giây phút, lão Xuyển chẳng còn là lão Xuyển, chẳng còn là con người nữa rồi.
Mắt lão đỏ ké. Rớt rãi nhễu ra hai bên mép. Lão nhe răng gầm ghè rồi bất chợt chồm dậy, há miệng ngoạm răng vào cây chấn song. Sợ quá, bà vợ vội chạy lại đỡ lão thì lão lăn kềnh ra mặt cũi, rồi cứ thế hai bàn tay xòe đủ mười ngón, lão liên hồi cào cấu vào mặt, vào ngực, bụng, chân tay mình cho kỳ rách nát mới thôi. Lão ngứa như điên như dại.
“Ông ơi, ông!”. Bà vợ ngồi bên cũi nước mắt ngắn dài vừa kịp kêu một tiếng thì thấy lão dựng người lên kêu trời, rồi lăn ra đất, vật vã mình mẩy như con trăn bị ong đốt.
Trời! Lão kêu khắp người lão đau nhức, tựa như có cả ngàn con dòi, con bọ, con vắt, con đỉa đang bò, đang rúc rỉa trong lồng xương ống máu lão, nó cắn rứt, nó đục, nó hút tủy lão…
***
– Ông Xuyển, ông định đi vào con đường sống hay con đường chết đấy, hả ông?
Sáng bạch, mở mắt, lão Xuyển ật ngửa người trên sàn cũi, vừa cất tiếng rên thì nghe thấy tiếng bà vợ vừa nói vừa sụt sịt ở bên rìa cũi:
– Ông Xuyển ơi!
– Hừ hừ… Tôi chết, ừ tôi chết…
– Ông Xuyển ơi! Trên đời này còn ai ương gàn lẩm cẩm như ông không. Ông giận con rận, ông đốt cả cái áo. Anh Sẩu anh ấy có bắt ông bỏ thuốc ngay đâu. Ông già rồi. Mỗi ngày ông bỏ dần dần ít một thôi, ông à.
– Hừ hừ… Tôi chết, ừ tôi chết.
– Ông Xuyển ơi, ông đau, ông nhức, ông khổ quá, tôi cũng đau cũng nhức cũng khổ quá. Thôi, bà con hiểu lòng ông, tôi hiểu lòng ông rồi. Bây giờ tôi đưa ông ít thuốc ông nuốt cho nó qua cơn đi, ông nhé.
Được người an ủi đỡ nâng, lão Xuyển đã chống tay ngồi dậy được. Nhưng, vừa ngồi dậy được, định đưa tay bám vào cái chấn song, lão lại dựng người lên thét một tiếng thật thê thảm. Những con đỉa, con vắt, con dòi, con bọ lại một lần nữa bò lần mần, rúc rỉa trong xương tủy lão. Tuy vậy, cơn đau nhức lần này có vẻ đã được lão chế ngự. Lão nghểnh cổ, nhìn lai thuốc phiện bà vợ vừa đưa qua khe cũi, bật một hơi dài:
– Không! Đỉa bám chân ai, nấy tự gỡ. Anh Sẩu bảo thế. Ới anh Sẩu ơi!
Rồi lão lại vật ngửa ra mặt sàn, quằn quại lồng lộn gào rống như đang trong cuộc đánh lộn quyết liệt với lũ hổ báo, ma quái vô hình.
***
Tôi tình cờ đến thăm lão Xuyển đúng ngày thứ bảy lão tự giam mình trong chiếc cũi gỗ thành ngạnh nọ. Đã qua bảy ngày bảy đêm không một hơi thuốc và vật lộn với cơn nghiện, giờ đây lão như khúc rễ khô nằm cong queo bên rìa cũi, cạnh gốc cây bồ quân lá đỏ.
Nằm ở đó, hồn vía vơ vẩn đó đây, mắt nhắm nghiền, lão ho hó mồm đón nhận từng thìa cháo loãng bà vợ bón cho. Lão đang mê man trong nhược lử. Tự mình mang vác thân xác mình từ con đường chết về cõi sống thì sức mấy mà lão chẳng nhược lử. Khổ thân lão! Xót thương lão, đã có lúc bà vợ lão nước mắt đầm đìa nghẹn ngào trách lão lẩn thẩn thân làm tội đời.
Thân làm tội đời thật đấy! Là bởi vì ở đời còn có bao kẻ quyền cao chức trọng, tội lỗi đầy mình mà họ có bao giờ đày ải thân xác, dằn vặt tinh thần, tỏ ra ăn năn ân hận đâu. Và như vậy chẳng lẽ chỉ những kẻ biết sống với lẽ phải, biết tự hiệu chỉnh bản thân mình là chịu khổ đau thiệt thòi thôi ư?
Nghĩ vậy, nhưng với cái lão già tính khí khác người đang trong cơn vận bĩ này, biết nói thế nào để lão khỏi nổi cơn tự ái.
Đó, lão vừa he hé mắt, để lọt ra từ đuôi mắt hai hạt nước mắt trong vắt. Và vội ghé tai xuống, thì bà vợ lão nghe thấy từ miệng lão thoát ra một câu nói nấc nghẹn: “Ối anh Sẩu ơi! Anh đừng bỏ lão già tội nghiệp này nhá, anh Sẩu à!”.
Tác giả: M.V.K

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *