1 – Truyện ngắn “dì ghẻ” – Tác giả: Kim Nhu
Mùa đông vùng cao rất lạnh. Đêm, sương khói đâu từ những thung sâu tràn về, sớm ra đóng thành băng, đắp lên mọi mái nhà tựa tấm drap trắng toát.Những đợt rét hại, cây cối lại “mọc” thêm ra từ cành, lá, những que băng trong suốt, tua tủa. Đến cây, có loài cũng không thể tồn tại được qua mùa đông, nói chi tới người, gốc gác ở xuôi lên.
Thế mà Hậu ở đây đã năm, sáu mùa đông, dạy trường cấp một.
Truyện ngắn “dì ghẻ” Tác giả: Kim Nhu
Trường có hơn chục giáo viên, có vài đôi đã nên vợ, nên chồng. Hậu chưa chồng. Cô ở một phòng trong khu tập thể cùng với mấy gia đình giáo viên khác. Nói là “phòng” chứ thật ra, đấy chỉ là chái nhà vách nứa thưng đất, mái lợp tranh.
Một ngày, sắp tới tiết học cuối cùng bỗng có người nhà của một trò hớt hải chạy đến xin phép đón một bé gái về nhà. – Mẹ nó vừa sinh. Mất rồi! – Người kia nói.
Hôm sau, Hậu tới thăm nhà cô trò kia…
Cô giáo tận mắt chứng kiến gia cảnh trò. Thằng anh cả mới học lớp năm, ba đứa em gái, và đứa mới sinh đỏ hon hỏn. Ông bố làm ở ngành thương nghiệp, phải nghỉ không lương, để ở nhà trông con nhỏ. Từ hôm ấy, thương đứa trò nhỏ xíu như con chim chích côi cút, Hậu không để nó đi về heo hút, tan lớp, cô giáo độc thân còn rảnh rang, lấy cái xe cũ đèo trò về tận nhà.
Một bữa, đưa trò về xong, vừa quay xe, tiếng khóc ngằn ngặt của đứa trẻ mới sinh níu chân Hậu lại. Cô giáo dừng xe, ngần ngừ một lát, rồi quay lại, vào nhà. Người bố đang lúng túng, một tay bế con, tay kia quấy cháo. Hậu rảo chân, đến bên, dành lấy cái xoong trên bếp, rồi khéo léo lọc lấy nước.
Cháo chín, đỡ đứa trẻ, bón từng thìa vào cái miệng nhỏ xíu. Kỳ lạ, đứa bé rơi vào vòng tay cô, im thin thít, miệng hon hón nuốt nước cháo lễnh loãng.
Ông bố đứng bên, như tay chân thừa ra, cũng không biết nói một lời cảm ơn, lắp ba lắp bắp: may cho tôi quá, may quá…
Con người ta, cái khó nhất là vượt qua điểm ban đầu. Từ đó, sau khi đưa trò về, Hậu không trở về ngay. Cô ở lại nhà trò khi tắm táp, khi cho đứa trẻ ăn no, rồi mới quay về trường.
Bản năng làm mẹ của người phụ nữ như cái duyên cho đứa trẻ mất mẹ, một tháng rồi hai, ba tháng qua đi, lớn như thổi. Bụ bẫm, xinh xắn, dù ở nơi heo hút ấy, sữa là thức ăn vô cùng xa xỉ của một gia đình dăm miệng ăn. Với Hậu, nhìn cái cách nó ăn, cái dáng nó ngủ, trong cô xuất hiện một điều gì đó thật mới lạ. Nhất là khi nó ăn xong cứ rúc mãi vào ngực cô. Hậu cảm thấy rất rõ sự ấm áp thơm tho tỏa ra từ da thịt của bé, nghe tiếng bé thở… Giữa cô và nó, có một sợi dây vô hình trói vào nhau, không hiểu cô hay nó, ai sưởi ấm cho ai trong mùa lạnh năm ấy.
Cũng từ đứa trẻ ấy, Hậu gắn bó với lũ trẻ làm cô giáo thường lưu lại nhà trò lâu hơn.
Tất nhiên dù hẻo lánh, Hậu vẫn nghe thấy cả lời ong tiếng ve quanh việc cô làm. Có đêm cô thức nghe rõ cả tiếng ru từ chái nhà bên vọng sang: “Tò vò mày nuôi con nhện/ đến khi nó lớn nó quện nhau đi”. Hay chua chát hơn: “Mấy đời bánh đúc có xương/ mấy đời dì ghẻ… ớ ơ… có thương con chồng?”. Cái câu ớ… ơ mới não nuột làm sao, trong khi sương lạnh vẫn tràn qua khe liếp mỗi đêm đông.
***
Thời gian trôi. Hết đông tới mùa xuân. Hậu tính tới cuối hè, bé cứng lên cô sẽ không tới nhà trò nữa. Chớm thu, cô giáo nói với người bố: Dạo này em dạy mấy lớp. Bận lắm. Bé cũng cứng rồi. Em… Hậu ngừng nói. Cô nhìn ra những đám mây xám nặng nề trôi rồi chăng mắc trên những ngọn núi. Mùa đông sắp tới rồi, anh nhớ luôn giữ ấm cho bé! Phải kìm lắm, Hậu mới không bật khóc.
Người bố bần thần tiễn cô ra cửa, mắt đỏ hoe. Hậu một tuần không lại nhà trò. Cứ khi chiều buông cô nhìn ra cửa. Nhiều hôm bỏ bữa. Cô nhớ đứa trẻ. Có hôm chập tối, sương thu đã chăng kín, Hậu đạp xe tới nhà trò, tới nửa đường cô lại quay về.
Đã mười một giờ khuya, Hậu khó ngủ, cô mang chồng bài đã chấm khi chiều ra đọc lại. Có tiếng đập cửa dồn dập, đứa trò nhỏ hiện ra sau liếp, nói như đứt hơi: “Cô ơi! Em út sốt cao lắm!”. Hậu vội vàng quên cả sắp xếp bài vở như mọi lần, cô lấy xe đạp lao ra khỏi khu tập thể.
Đứa bé sốt cao dễ đến 40 độ.
Chắc nó khóc đã lâu nên đang lả đi như dải khoai trên cánh tay người bố. Nó thở khò khè, khó nhọc, nghe như tiếng rít của con mèo hen, Hậu vội hối thúc người cha đưa đứa bé đến trạm y tế xã. Y tá trực khám rồi bảo, đứa bé bị viêm phổi cấp, phải xuống huyện ngay. Vùng cao, dốc và những con đường mòn, đường rải đá khấp khểnh. Từ trạm y tế xã đến bệnh viện huyện, chỉ có hơn hai chục cây số người đàn ông đèo cô và đứa bé mất hơn bốn tiếng.
Tới viện huyện, bác sĩ bảo: May mà còn kịp! Sau ngày ấy Hậu lại tới nhà trò. Đứa trẻ gầy gò với hai hốc mắt có vệt tím sậm cứ thao láo nhìn cô như níu kéo, như van nài giữ chân Hậu lại.
Sau việc ấy, người đàn ông đã nặng nợ cuộc đời, làm một bữa cơm cúng vợ và mời Hậu ở lại xơi cơm.
Khi đưa cô ra khỏi nhà, ông bỗng nắm lấy bàn tay cô giáo Hậu. Người đàn ông vụng về không biết nói nhiều, chỉ lắc lắc mãi bàn tay cô và mặc cho nước mắt tuôn chảy. Ông khóc thì cô giáo Hậu lại cười. Nụ cười của một cô giáo vùng cao cũng như cô gái dưới xuôi thôi, nó cứ hồn nhiên thế nào, cũng như mùa xuân năm sau tới thì hoa mai, hoa đào, hoa mơ đâu đâu cũng nở. Rồi chuyện gì đến cứ phải đến, khi đứa bé mất mẹ được hơn hai tuổi thì Hậu nhận lời người đàn ông về làm mẹ của bốn đứa trẻ.
***
Từ ngày Hậu chính thức về làm mẹ, bốn đứa trẻ ríu rít quanh cô ngày lại ngày. Chỉ có thằng Hùng, anh cả lũ kia, nó vẫn giữ với Hậu một khoảng cách. Hàng ngày nó vẫn vui vẻ giúp mẹ kế làm việc nhà. Và, nó chưa bao giờ gọi Hậu bằng mẹ như các em.
Một ngày, cuối buổi học, cô giáo chủ nhiệm lớp thằng Hùng gọi Hậu hỏi: “Sao hôm nay em Hùng không đi học hả chị?”. Hậu ớ người ra, vì sáng nay cũng như mọi hôm, thằng Hùng dậy rất sớm. Nó phụ giúp Hậu nấu bữa sáng, gọi các em dậy làm vệ sinh cá nhân, sắp xếp đồ để Hậu chở út đi trẻ. Nó đã là một học sinh lớp bảy, tiếng nói đã bắt đầu vỡ giọng.
Vậy nó đi đâu?
Hậu đạp xe đi tìm thằng Hùng. Hậu lần mò đến hết những nơi thằng Hùng có thể đến. Trời đã muộn, Hậu đành quay xe về khu tập thể giáo viên để đón đứa út.
Chớm đông, nhưng buổi tối ở vùng cao trời đã rất lạnh. Đi qua những hàng cây sương đêm rơi lã chã.
Đêm Hùng không về, Hậu không tài nào ngủ được. Cô không dám nghĩ đến những điều xấu xảy ra với nó. Cô giận mình bất lực, giận lây cả chồng, thầm trách móc chồng sao lại đi công tác đúng vào lúc này cơ chứ? Chồng Hậu thuộc quân số của Phòng Thương nghiệp huyện. Mấy hôm nay, cơ quan phân công anh xuống các xã nằm vùng để thu mua thực phẩm. Sáng ra, con Hòa, con Hoa đã đi bộ đến trường, Hậu đang định khóa cửa rồi đèo con út đi gửi trẻ thì thằng Hùng về. Vừa nhìn thấy nó, bao nhiêu nỗi lo, cơn giận, dồn nén từ hôm qua, nay được dịp bùng lên làm Hậu không kiềm chế được: “Hôm qua con đi đâu?” Cô nắm cán chổi vụt vào người thằng Hùng. Nó vừa định mở miệng thì trận đòn bất ngờ ấy đã làm nó im bặt. Nó không nói cũng không khóc, cứ thế đứng yên cho Hậu đánh.
Chịu xong trận đòn của Hậu, nó vào nhà thay quần áo rồi khoác túi sách vở tới trường. Ra đến ngõ, nó nói như quát: “Bà không phải là mẹ tôi!”.
Hậu sững người! Cô đứng như hóa đá khi cái lạnh trên núi cao thông thốc tràn về.
***
Tối, rồi cả tối hôm sau, hôm sau nữa thằng Hùng cũng không về nhà. Từ chỗ lo lắng, Hậu đâm hoảng sợ thật sự. Hậu sợ nhỡ đâu thằng bé đi lang thang sẽ bị rơi vào cạm bẫy của bọn xấu nơi biên giới. Hậu sợ phút giây sẽ phải đối mặt với chồng, sẽ ăn nói thế nào với chồng khi anh ấy đi công tác về. Tuy nhiên, điều mà Hậu lo sợ nhất là, có thể cô sẽ vĩnh viễn mất Hùng. Chỉ vì một phút nóng giận! Lại ngày hôm sau nữa, có người đàn ông người Mông ở tít ngọn núi bên, đi ngựa tới tìm cô giáo, ông cứ khen mãi: Cái bụng thằng Hùng nhà mày tốt lắm nhớ, không có nó con tao chết rồi… Thì ra hai đứa trẻ chơi thân với nhau, thằng bạn kia rủ Hùng lên nương nhà nó bẻ ngô. Thấy thằng bạn bị đau bụng quằn quại, Hùng từ rãy cõng nó suốt đêm xuống huyện, lại ở lại qua đêm với bạn nên bỏ một buổi học…
Mấy đêm Hậu trằn trọc. Cứ thi thoảng cô lại ra ngoài trời nhìn vào đêm tối… Từ hôm thằng Hùng bỏ nhà đi, tối nào Hậu cũng xới một ít cơm, lấy một ít thức ăn bỏ vào chiếc cặp lồng treo ở đầu hồi nhà. Hậu nghĩ: Có khi nó chỉ quanh quẩn đâu đây, thôi thì cứ để phần cơm để nó có về, còn có cái mà ăn…
Cô cứ bó gối chờ Hùng. Cô nhớ lại những ngày mới về làm mẹ của bốn đứa trẻ. Nhớ nhất cái lần anh em nó bị bệnh sởi. Hùng sốt rất cao.
Lần đầu tiên chứng kiến một đứa trẻ chân tay bị co rút lại do sốt cao, Hậu rất hoảng. Cô vừa bóp chân tay cho con để nó mềm trở lại, nước mắt vừa rơi lã chã. Hùng rất thích ăn rau ngót khi ốm. Lại mùa mưa trước, mà mưa ở vùng cao thì kinh khủng lắm. Mưa có thể kéo dài cả tuần, cả tháng.
Bầu trời có lúc đen kịt như than bởi những đám mây khổng lồ trĩu nặng sà xuống thấp đến nỗi có cảm giác như với tay là tới. Các gia đình người Kinh đều làm nhà trên gò cao nên cứ mưa to là đất vườn lại trôi sạch màu, không cây gì có thể lên được.
Bà con người Mông ở các bản chung quanh thì không có thói quen trồng rau, bữa ăn hằng ngày hoàn toàn phụ thuộc vào công việc hái lượm của những người phụ nữ trong nhà.
Thế là Hậu phải leo lên tận đỉnh núi đá cách nhà chục cây số để kiếm rau ngót rừng về nấu cho con. Lần nó bị sởi, nhìn nó chén sạch bát canh, cô vừa mừng vì biết nó đã khỏi bệnh, vừa thấy trong lòng trào dâng niềm hạnh phúc khôn tả.
Hai giờ sáng, Hậu lại cầm đèn pin ra soi để kiểm tra cặp lồng cơm.
Cô lại một lần nữa thất vọng, thở dài trở vào nhà nằm với suy nghĩ: chắc thằng Hùng vì giận cô quá mà bỏ đi thật rồi.
Năm ngày thì Hậu lăn ra ốm. Cô không sốt nhưng người cứ lả đi. Con Hòa, con Hoa nấu cháo bưng vào tận giường cho mẹ nhưng cô cũng không thể nuốt nổi một thìa. Đêm ấy, cả ba chị em mang chăn đệm vào kê dưới sàn cạnh giường mẹ để ngủ.
Đã quá nửa đêm, ba đứa ngồi bật dậy vì nghe Hậu trong cơn mê sảng, la hoảng hốt: Con ơi! Hãy về với mẹ! Thét lên được một câu, Hậu ngất lịm. Ba đứa trẻ sợ quá kêu khóc ầm ĩ.
Bỗng nhiên, thằng Hùng từ đâu đạp cửa lao vọt vào nhà như tên bắn. Nó vội xốc Hậu lên lưng bằng tất cả sức mạnh của thằng con trai mới lớn, cõng Hậu ra trạm xá cách nhà vài trăm mét. Vừa đi như chạy, nó vừa khóc lóc thảm thiết: Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ! Mẹ đừng bỏ chúng con! Hóa ra thằng Hùng quan sát thấy hết cả. Nó ngủ trên cái chạc cây gần nhà. Nhưng sự sĩ diện của một thằng đàn ông mới lớn, giữ nó lại khỏi sự cám dỗ của cặp lồng cơm và ngăn nó trở về nhà. Chỉ tới khi nghe rất rõ tiếng kêu của Hậu, của lũ em, nó mới thẳng thốt chạy vào nhà.
Khi Hậu tỉnh lại ở trạm xá, cô nhìn thấy Hùng ngồi bên. Hậu mếu máo, con ơi! Hai mẹ con cứ thế ôm nhau cười khóc, quấn quýt, thân thiết như không gì có thể chia lìa.
Sáng ấy, cô y tá bảo Hậu: Chúc mừng em nhé! Em đã có thai!
***
Những đỉnh núi ở vùng cao ấy muôn đời vẫn như vậy.
Đêm đêm mùa đông, sương khói đâu vẫn từ những thung sâu tràn về, sớm ra đóng thành băng, đắp lên mọi mái nhà tựa tấm drap trắng toát. Những đợt rét hại, cây cối vẫn lại “mọc” thêm ra từ cành, lá, những que băng trong suốt, tua tủa. Cô giáo Hậu vẫn ở lại nơi đấy và gắn bó thêm với ngôi trường, cái bản và căn nhà ấy. Có người nói: Gớm, tên nó là Hậu, nên đúng là ăn về hậu.
Có lẽ đúng như vậy! Đứa trẻ út ít muộn màng của gia đình ấy bây giờ đã năm tuổi, và được thằng anh cả nó rất yêu thương.
Có những câu chuyện từ thực tế được đặt lên trang viết mà không cần thêm thắt vẫn đủ tư cách một truyện ngắn nếu người viết bằng cả tấm lòng yêu thương nhân vật. Dì ghẻ của Kim Nhu như lời thủ thỉ, kể rất thật mà không quê mùa, nhờ ở chi tiết chọn với những đoạn mô tả tâm lý và diễn tiến tinh tế, hợp lý… Nó dung dị nhưng lại mang theo tinh thần nhân hậu kiên nhẫn vốn là phẩm chất của phụ nữ Việt. Những đoạn văn lặp lại, chỉ thêm một từ được mở và kết phơi sáng một tâm hồn nhân ái của cả nhân vật và tác giả. Có lẽ chính điều ấy làm nên giá trị đích thực của một tác phẩm văn học hơn là sự cầu kỳ làm dáng câu chữ. –
Lời bình của Nhà văn: NGUYỄN VĂN THỌ
Mùa Nắng Hanh Hao
2 – Truyện ngắn ” Mùa Nắng Hanh Hao ” – Tác giả: Vũ Thị huyền Trang
Tôi tỉnh dậy sau một giấc ngủ trưa, thấy mùi nắng sộc vào mũi tôi qua khe cửa khép hờ rêu mốc. Tiếng gà mái cục con ngoài gốc roi nghe nôn nao đến lạ. Tôi ngồi dậy, ra chiếc chõng mắc ngoài gốc cây nằm đung đưa hóng nắng. Bên cạnh xóm trọ là con mương nhỏ chảy qua bốc lên mùi hăng hăng của đất, và tanh nồng của nước. Tôi hít thật căng lồng ngực, nhắm nghiền mắt, tự nhiên tim cứ ứa ra khe khẽ một nỗi đau. Mùa nắng hanh hao thứ hai mươi đã đến, tôi đi miết mà không tìm thấy hồn mình về lại. Mãi mãi cái buổi trưa năm ấy đã đánh cắp tất cả những thương yêu hồn nhiên nhất trong trái tim tôi. Mưa nắng đã nhạt phai hàng trăm nghìn thứ ở đời mà sao nỗi đau vẫn còn nguyên sắc đỏ.
Mẹ điện xuống nhắc tôi ngày giỗ Bống. Tôi rã rời gói ghém nỗi đau bắt chuyến xe khách cuối cùng về quê trước khi trời ập tối. Thấy tiếng chân tôi khua lá khô xào xạc, ngoại ngồi nép bên hiên bỗng giật mình luống cuống gọi: “Bống ơi! Bống nhỏ về với ngoại đấy à?”. Mẹ lật đật chạy ra, vấp phải bậc cửa ngã nhào xuống đất. Tôi vội chạy vào đỡ mẹ, thấy đôi mắt mẹ ngước lên nhìn tôi hoang hoải, trống rỗng và hụt hẫng. Tôi cười bảo: “Là con đây mà, thưa mẹ. Con đã về rồi”. Mẹ ừ một tiếng nhẹ bẫng, ừ như không ừ, thế mà đã kịp cứa vào tim tôi nhói buốt. Ở nhà này không ai mong nhớ gì tôi cả, ít ra tôi cũng đã vắng nhà bốn tháng. Đó là khoảng thời gian dài đằng đẵng và nặng nề trôi đi trong tôi. Nhưng dường như so với ngoại và mẹ thì lúc nào tôi cũng chỉ đi chơi đâu đó, quanh quẩn làng trên xóm dưới. Khi nào đói thì lại về, hơi đâu mà để ý, mà nhớ thương cho mệt xác.
Tôi nhìn lên ban thờ, Bống cười mắt tít, má đồng tiền xinh xinh lúng liếng. Nước ảnh đã mờ cũ, vài ba chỗ đã bắt đầu hoen ố. Ừ thì cũng hai mươi năm rồi, một phần ba đời người chứ có ít ỏi gì đâu. Tôi giờ cũng vừa qua tuổi ba mươi, trong khóe mắt những vệt buồn thời gian đọng lại đầy ẩn ức. Thế mà Bống vẫn cười ngây thơ, mỗi lần tôi trở về, em vẫn chào tôi bằng những nỗi đau không tuổi. Giá mà em có thể hiểu được rằng trái tim tôi vẫn ngày ngày rỉ máu vì sự ra đi của em. Dẫu cho thời gian đã gắng sức, dẫu cho hàng trăm nghìn lần trong cuộc đời hạn hẹp này tôi cố vứt đi nỗi ám ảnh để vui sống. Thì nụ cười của em và nước mắt của mẹ, sự thẫn thờ của ngoại vẫn in đậm trong tâm trí. Bống ơi!
Bữa cơm chiều ngoại bảo tôi:
– Phải chi hôm đó bay đừng dẫn nó đi tắm sông có phải bây giờ nó đã cao bằng con sào, đã thành thiếu nữ. Ờ! Mà cũng có khi nó lấy chồng rồi làm mẹ. Mấy hôm nọ ngoại thấy nó về, đứng ở ngoài hiên cười cười, tao vẫy gọi mãi mà nó không vào, cứ đứng cười một lúc rồi đi. Tội nghiệp!
Tôi cúi gằm mặt, cắm cúi ăn cho xong bữa. Lúc ngẩng lên thấy ngoại ngồi thẫn thờ, tôi gắp thức ăn vào bát ngoại nhưng bị ngoại gạt ra. Thức ăn văng tung tóe xuống mâm, ngoại khóc hờ, vừa khóc vừa nói: “Bay là chị mà không biết trông em. Tội đó có đáng chết không?”. Mẹ nhìn tôi bảo:
– Ăn nhanh rồi ra vườn hái lá hương nhu về đun cho em nồi nước. Ngày xưa nó vẫn thích tắm bằng loại lá ấy, nó thường khen nước thơm mỗi khi được mẹ dùng nắm lá kỳ lưng.
Tôi khẽ gật đầu, buông bát chạy vội ra vườn. Tôi sợ nếu còn ngồi đấy thêm vài phút chắc thể nào tôi cũng òa khóc như con nít.
Tôi ngồi đun nước cho em, khói rơm cay mắt. Chợt nhớ những buổi hai chị em lùi lụt nước ngô, phồng mang trợn má thổi bắp ngô nỏng hổi dính than đen nhẻm. Bống vừa gặm ngô vừa nhìn vết nhọ trên mặt tôi cười tít mắt, những ngón tay nhỏ xíu, hồng hồng nhẹ nhàng lau má cho tôi. Những hôm mưa hai chị em ngồi ngoài hiên, chờ mẹ đi chợ về, Bống đòi làm công chúa đội vương miện mưa. Tôi hỏi:
– Nếu được làm công chúa, Bống có còn thời gian chơi với chị nữa không?
Bống ngẩng lên nhìn tôi bằng ánh mắt long lanh hạnh phúc, cười hở chiếc răng sún đen vì ăn nhiều kẹo bột. Em bảo:
– Bống thương chị bé nhất nhà mà. Chị bé đi đâu thì bống sẽ bám đuôi chị thật chắc.
Thế mà mùa hè năm ấy, Bống một mình ra đi, nhanh như sau một giấc mơ tỉnh dậy đã không còn thấy Bống. Rõ ràng hôm ấy là ngày nắng đầu tiên sau đợt mưa đầu mùa hạ. Hai chị em bảo nhau đi bày bán đồ hàng với đủ thứ đồ nghề như lỉnh kỉnh. Hôm ấy ngoại còn tặng hai đứa cái rá con con được đan bằng tre ngâm rất đẹp.
Ngoại dặn hai đứa chơi với nhau rồi vào ngủ, chiều ngoại đi chùa sẽ mang về nhiều oản. Bống thích lắm, cứ một lúc lại ra ngõ ngóng xem có thấy bóng ngoại trên con đường nhỏ hay không. Trời thì nắng to, mồ hôi Bống nhễ nhại, những sợi tóc mai bết lại trên trán. Tôi nghĩ đến con sông phía bên kia rặng tre râm mát, mùa hạ nước ngập chỉ còn dải cát nhỏ nằm thoai thoải hai bên bờ, chỗ đó thật lý tưởng để chơi đùa. Tôi rủ Bống:
– Hai chị em mình xuống bờ sông chơi cho mát đi. Chị sẽ vun cát cho em xây lâu đài. Thích không?
Mắt em mở to, tròn xoe, miệng nhoẻn cười thích thú. Thế là tôi dắt em chạy băng qua cánh đồng thẳng hướng rặng tre râm mát. Chúng tôi đã chơi ở đó rất vui, gió từ sông thổi vào mát rượi. Bỗng nhiên nhìn dòng sông lấp lánh, Bống bảo:
– Khi nào lớn lên em sẽ xuôi thuyền theo dòng sông này tìm bố.
– Vì sao chứ?
– Vì ngoại từng nói bố lên thuyền đi khai thác cát rồi từ đấy đi luôn. Bố đang ở đâu chị nhỉ? Em nhớ bố.
– Em lại thèm kem mút phải không. Không có bố thì chị sẽ mua kem cho em suốt đời. Chịu không?
– Chịu!
Bống chọc nách tôi rồi cười khúc khích, xinh xinh hai lúm đồng tiền. Chơi một lúc khá lâu, tôi kéo bống lên bụi tre nằm nghịch rồi ngủ quên lúc nào không biết. Chính giấc ngủ ấy đã cướp mất em tôi và đẩy tôi vào những ám ảnh khôn nguôi. Tôi nhớ như in hình ảnh Bống nhấp nhô trên mặt nước, tay vẫy về phía tôi, gọi tên tôi. Tôi lao ra dòng sông, nước chảy xiết, em tôi chìm nghỉm. Khi tôi tỉnh dậy, điều đầu tiên mà tôi nhìn thấy là ánh mắt đau đớn, hoang hoải của bà và mẹ. Không ai hỏi han tôi câu nào, tất cả xúm lại ngoài hiên nhà. Tôi đoán em đang nằm đó. Tim tôi dường như đã vụn vỡ từ buổi nắng hanh hao hôm ấy. Mãi mãi không thể nào vui trở lại.
Truyện ngắn ” Mùa Nắng Hanh Hao ” – Tác giả: Vũ Thị huyền Trang
Tôi về nhà vẫn thường nằm ngủ cùng mẹ. Lúc nhỏ mẹ bao giờ cũng khom người ấp hai chị em tôi vào mùa đông, tôi rất thích cảm giác ấm áp ấy. Ngay cả mùa hè mẹ cũng thường vòng tay qua đầu khum khum như một mái nhà che chở cho hai đứa. Thế nhưng từ khi Bống mất, mẹ lúc nào cũng nằm quay lưng lại phía tôi, kể cả tôi trở về sau một khoảng thời gian dài. Và cả những hôm tôi sốt đùng đùng, mẹ chườm khăn, giã thuốc, bón cháo cho tôi chu đáo chỉ duy có một điều, mẹ vẫn nằm quay lưng lại với tôi. Tôi nghe tiếng mẹ thở mỏng tang mà xót xa, thèm muốn được choàng tay ôm mẹ. Nhưng tôi không bao giờ đủ sức…
Ngoại có thói quen dậy lúc nửa đêm. Thi thoảng lại thắp hương lên ban thờ nói: “Cháu ơi ,cháu sống khôn chết thiêng, có về bên bà thì xin cháu bước vào nhà. Đừng đứng ngoài hiên gió to, cảm đó”. Rồi ngoại khóc hờ, nước mắt như đã cạn khô cùng mấy chục năm thương nhớ. Chắc ngoại còn ám ảnh hôm đưa tang Bống, do tục lệ kiêng mang những người chết đuối vào nhà mà phải đặt Bống ngoài giọt ranh. Trời nắng hanh hao, rồi bất chợt đổ cơn mưa. Mưa tái tê lòng người, em tôi dầm mưa ướt sũng. Có phải vì thế mà mỗi lần trở về em đều không bước chân quá thềm nhà. Tôi nghĩ, quặn thắt thương em, thương ngoại, thương mẹ và thương mình quá đỗi. Bống ơi!
Sau đám giỗ em, tôi lại đi, lúc ra đến cổng còn tần ngần ngoảnh lại. Thấy mẹ đứng ở đầu hiên nhìn, tôi biết mẹ cứ đứng thế thôi chứ không khi nào mẹ bảo: “Ở nhà thêm vài ngày nữa con. Đi gì vội thế”. Tôi đi, những bước chân ngập ngừng, chậm chạp, chỉ mong sao có ai đó ới một câu, tôi sẽ quay lại, sẽ khóc cười, sẽ không bao giờ rời xa miền quê này nữa. Nhưng dường như có sự xuất hiện của tôi ở nơi đây chỉ càng làm cho nỗi đau khơi gợi.
Tôi ra bờ sông ngồi, nhìn chiếc thuyền khai thác cát trôi dọc sông mà bỗng nhiên nhớ em, nhớ bố. Không biết em đã tìm gặp được bố chưa, bố đang ở cõi thực hay đã về cõi ảo? Bao nhiêu năm qua, những chiếc thuyền ngược xuôi mang theo lời đồn thổi. Người thì bảo bố đã xuôi về vùng đất khác, có một cuộc sống bình yên bên người vợ và những đứa con xinh. Người bảo bố tôi lang bạt tứ phương, đâu cũng là quê hương, ngả lưng ở đâu thì đấy là nhà. Nhưng cũng có không ít người bảo bố tôi cùng vài người thợ khác đã bị lũ cuốn khi uống rượu say, ngủ quên trên thuyền đúng đêm thác lũ. Đã nhiều lần tôi định hỏi mẹ về bố nhưng dường như dòng sông đã đổ ập vào bà quá nhiều nỗi đau nên bà không còn muốn đối diện với nó nữa. Mẹ sợ một lần nữa nỗi đau sẽ khiến trái tim bà rệu rã. Tôi rất muốn gặp Bống trong cơn mơ, bởi tôi biết chắc rằng kể cả khi đã về một thế giới khác em cũng sẽ không quên ước mơ đi tìm bố. Còn tôi, tôi đang làm gì trong thế giới này suốt hai chục năm qua? Hay chỉ biết quẩn quanh với nỗi đau trong kí ức?
Bỗng nhiên tôi rất thèm được sống một ngày thật bình yên, quên hết đi mọi nỗi ưu phiền, sống như thể cuộc đời chẳng có gì khiến mình phải đau đớn nhiều thêm nữa. Tôi cũng rất muốn ngoại và mẹ cũng được sống khoảng thời gian còn lại của cuộc đời thanh thản. Bỗng nhiên tôi thấy nhớ bố vô cùng, nhớ một khuôn mặt người không mấy khi hiện rõ trong tâm trí của mình suốt hai chục năm qua. Một nỗi nhớ vừa gần gũi vừa mông lung rất lạ. Tôi đã đi qua tháng ngày bằng cách ôm nỗi đau quá khứ để quay lưng lại với những thương yêu thực tại. Tôi tự hỏi bố đã ở đâu, làm gì trong mấy chục năm qua. Liệu bố có nhớ đến chị em tôi loắt choắt chạy ra bờ sông ngóng bố mỗi chiều. Để chờ một que kem mút, để được úp mặt vào ngực bố hít hà mùi mồ hôi, được nắm tay bố vui cười khúc khích. Liệu bố có biết những mùa nắng hanh hao Bống đã nhớ bố đến nhường nào.
Tôi đi tìm bố…