RadioVn.Com – Tư Tới hưu sớm vì nhiều lý do. Qua hai tuần “ngồi chơi xơi nước” bỗng dưng nghe…tù túng và thiếu một cái gì đó, như gần gũi, như không tên. Loay hoay mãi Tư Tới mới nhớ ra…à thiếu cảm giác sáng sáng vội vội, vàng vàng, ăn ăn, uống uống, rồi đến cơ quan, trưa trưa ý ới gọi nhau đi “lầu cái lãm” và vài lít bia…thời buổi “mật ít ruồi nhiều”, căn phòng be bé, công chuyện tí ti, mà cơ quan cứ phải nhận hết người này đến người nọ, vì chỗ quen biết cũ cũng có, vì chỗ ân nghĩa xưa cũng không sai và vì chỗ…mới quen cũng không ít. Thế là đua nhau vào căn phòng của Tư, bàn ghế, máy vi tính, tủ hồ sơ… phải sắm thêm là tất yếu. Mà các em cháu trong phòng ngày càng trẻ hoá thì phải, bằng cấp, bằng kiếc đủ loại, xếp cao cỡ bằng nửa chiều cao “đạt chuẩn quốc tế” của các em chứ không chơi.
Tư Tới về hưu sớm cũng phải thôi.
Tuy hưu nhưng trông Tư Tới còn “máu” lắm, dáng rắn rỏi, râu quai nón rậm rì, lại luôn đội chiếc nón nỉ rịt cong vành lên như mấy tay cao bồi Miền Tây, mặt lúc nào cũng trang bị cặp kính đen to đùng trông cứ như là “mặt rô” thứ thiệt, dù thật sự một con kiến Tư cũng không buồn giết (có giết cả đàn không thì không biết).
Mà Tư Tới buồn cái chính là không có việc gì làm, chứ tiền bạc thì không thành vấn đề. Nhà có cửa hàng tạp hoá, ba đứa con đều có công ăn việc làm. Đứa lớn mới cưới vợ, mẹ chồng nàng dâu xem ra tâm đầu ý hợp, cô con dâu suốt ngày chăm chỉ bán buôn, luôn tay ghi ghi, chép chép, vợ Tư Tới chỉ việc đếm tiền. Tự nhiên ông Tư thành người thừa giữa căn nhà của mình.
Hôm kia Hai Chổm đến. Hai Chổm có thói quen rất lạ, bạn bè không hiểu là mất lòng ngay. Đến nhà ai chẳng bao giờ Hai Chổm “xuống xe tắt máy dẫn bộ” từ ngoài cổng mà cứ đùng đùng xiết ga phóng tuốt vô nhà. Tông vào bậc thềm “tưng” mới chịu dừng xe.
– Sao mặt mày như sắp chết vậy?
– ừ ! Buồn quá !
– Thảnh thơi như mày, còn lâu tao mới được mà kêu buồn? Hay nghỉ làm rồi không còn cơ hội đi “công tác” với em út?
– Nói bậy đi. Tao mà là hạng đó sao?
– Đùa một chút thôi, nếu buồn thì đi làm với tao. Tao quản lý 4 – 5 cái Salonmotor, làm không hết việc. Phụ tao đi. Vui lắm.
Thế là Tư Tới theo Hai Chổm. Chẳng cần biết sẽ làm gì, chủ yếu là vui vẻ, không trống vắng để thành kẻ vô tích sự là được. Ngày đầu tiên Hai Chổm phân công cho Tư Tới “lội” từ Thạnh Phước lên Thanh Bình – xa gần 100Km. Tất nhiên tiền xăng không phải lo. Tội cho Tư Tới, mấy chục năm nay có khi nào đi xa bằng xe máy thế này đâu. Lúc đi làm, toàn đi “xế hộp” của cơ quan, mát mẻ an toàn, chỉ việc ngả lưng từ vạch xuất phát tới đích là xong. Giờ, cầm lái tê cả tay. Nhưng không sao có vậy mới biết mình vẫn còn phong độ.
Căn nhà mà Tư Tới phải đến là một ngôi nhà tường, nhìn bên ngoài không đến nỗi nào, nhưng “nội thất” thì lộn tùng phèo cả lên. Quần áo người lớn, trẻ con, bao bì, manh thúng…cứ vứt loạn xà ngầu trên bộ ván “phòng khách” khiến Tư Tới muốn ngồi cũng phải do dự mấy lần, chờ chủ nhà huơ tay vẹt đống bùng nhùng hỗn tạp sang một bên. An toạ xong, Tư Tới rút trong túi ra tấm card, nhưng chủ nhà khoát tay:
– Thôi khỏi! Tôi biết anh là người của Salonmotor M rồi. Anh uống nước đi rồi cho tôi thưa chuyện một chút.
Ông chủ nhà nói năng có vẻ lễ độ vừa rót nước vừa tráng mấy chiếc ly không lấy gì sạch sẽ cho lắm, đưa cho Tư Tới ly trà đã có mùi “qua-kia-nay”. Không thể nào uống vô. Tư Tới đặt ly nước bên góc bộ ván vào việc:
– Theo hợp đồng thì khách hàng NPK đã vi phạm 6 tháng nay, tôi đại diện doanh nghiệp đến thu cả gốc lẫn lãi. Đề nghị anh thanh toán cho!
– Khổ thân tôi chưa! Trên đời có ai muốn thiếu nợ hả anh? Suốt đời còng lưng với đất mua được chiếc xe trả góp để mong có mà chở vợ đi đám tiệc. Ai ngờ trời không thương, thằng con lấy đi đúng một lần thì bị tai nạn giao thông. Thằng con thì lơ ngơ, chiếc xe thiếu điều vô vựa sắt vụn. Mùa màng thất bát nên mới nhọc công các anh thế này.
– Chuyện đó anh nên đến trình bày với chủ doanh nghiệp, tôi chỉ là kẻ làm công.
– Làm chủ làm công gì cũng là con người mà anh, mình cùng là người với nhau thì xin anh thông cảm, về nói với chủ là lên đây không gặp tôi đi.
– Đâu có được cha nội!
– Hay anh cho tôi hẹn lần sau!?
– Cha tưởng tôi đi cả trăm cây số dễ lắm hả? ít ra không trả được hết cũng trả một nửa để tôi dễ ăn nói với người ta chứ!
– …Vợ tôi còn nuôi thằng con trên bệnh viện, trưa nay tối với đưa cháu ngoại còn chưa biết sống làm sao. Hay anh…anh lấy xe về cho Salon nhé. Trừ ra còn lại bao nhiêu tháng sau tôi trả hết.
Tư Tới nhìn theo tay chủ nhà chỉ, chiếc xe Wave α mới cáu ngày nào về tay cha này có hơn một năm mà nhìn hết muốn ra. Bùn đất và bụi đỏ bám đầy, vè, bửng chỗ rơi chỗ rụng. Lật lật tập hồ sơ ý chừng xem chênh nhau giữa số tiền đã trả và giá trị hiện thời của xe, miệng Tư Tới lẩm bẩm “lấy về tế ông nội tui chứ ai mua bán được nữa”? nhưng cũng bảo chủ nhà:
– Anh sửa lại chút đỉnh rồi chạy. Hợp đồng không có điều khoản trả lại hàng và trừ tiền. Thôi để lần sau tôi trở lại.
Tuy nói là nói vậy, nhưng Tư Tới vẫn chưa buồn rời khỏi nhà khách hàng NPK vì trời nắng quá. Vượt 100KM còn chưa được ăn uống gì, giờ mà được ly bia rồi đánh một giấc trên chiếc võng ngoài gốc nhãn kia thì thật không gì bằng. Quái! Nhà thằng cha này than như bộng mà có khu vườn đẹp quá, cỡ này ở thị xã mở quán cafe vườn thì tiền vô như nước chứ chẳng chơi. Tư Tới đang dõi theo ước mơ được ăn và ngủ của mình, bỗng một thằng nhóc hơn 3 tuổi từ ngoài sân chạy vô nắm tay NPK lay như trộm mì:
– Ngoại! Ngoại ơi! Con đói quá! Cho con ăn cơm đi…
– ừ…ừ
– Hồi sáng con không có ăn mà! Đói quá! Hu…hu…hu…sao mẹ chưa về?
– Mẹ đi với ngoại. Cậu bệnh.
– Cậu bệnh con biết rồi…ù…ù…đùng…cậu bệnh máu không hà!
Thằng bé khuỳnh hai tay ra dáng như đang lái xe và sau tiếng “đùng” thì nó lăn ra nền nhà cười híp mắt. Tay NPK ẵm cháu lên mà Tư Tới thấy hắn ta chùi nhanh bản mặt mình lên áo thằng bé, lại bảo “chơi ở đâu cho áo dơ hết như vầy”.
– ứ…ư nhưng mà con đói lắm ông ngoại à!
Theo tên tuổi trên hợp đồng mua bán xe thì NPK còn nhỏ hơn Tư Tới 5 tuổi, nhưng trông hắn già khọm. Mình thì đói và mệt, ông cháu hắn cũng không có gì mà ăn. Tư Tới ngại ngùng đề nghị với chủ nhà:
– Nắng quá, đường xa tôi về mệt lắm hay mình cùng ăn cơm rồi cho tôi ngủ nhờ ngoài gốc nhãn nhà anh một chút.
– Dạ được! Dạ được! Mắt chủ nhà sáng lên rồi tắt đi như sao băng.
– Không lo! Tiền đây! Kiếm cái gì cho hai thằng mình luôn nhé!
Tư Tới đưa cho NPK tờ bạc năm mươi ngàn mà thấy mắt hắn ta sáng rừng rực. Đặt thằng cháu ngoại xuống, chủ nhà bảo nhỏ:
– Anh coi chừng nó giùm!
NPK ra ngõ thật nhanh.
Sau lần làm “mặt rô” không thành đó, Tư Tới “tác nghiệp” thất bại lại còn bị Hai Chổm lên lớp cho một trận. Nào là “mặt rô” phải máu lạnh một chút, càng lạnh càng tốt. Năm hồi ba chặp hăm doạ nhiều vào, kiện tụng, hành xử theo kiểu giang hồ, cũng chơi luôn! Bảo đảm họ ói tiền ra trả ngay. “Mặt rô” gì mà máu nóng quá, hư việc hết. Nhưng không sao “thất bại là bà ngoại của thành công” cố lên! Hai Chổm kết luận.
Phần Tư Tới bỗng dưng nghe buồn (lại buồn), nỗi buồn không phải của kẻ ngồi chơi xơi nước, mà buồn cho kiếp con người. Mà thôi. Dù sau thì Tư Tới với NPK đã kết bạn với nhau rồi. Hôm đó cả hai cưa hết ba xị đế, còn bảo “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” nữa mà.
***
Nhưng cái nghiệp “mặt rô” vẫn còn vận vào người Tư Tới chưa thôi vì rời Hai Chổm ra thì Tư Tới lại thành kẻ “ăn không ngồi rồi” nữa, chán lắm.
Lần phân công này đi gần thôi, nhưng Hai Chổm bảo:
– Mày lạ, mặt mày bặm trợn vậy đi cho vợ chồng nó sợ. Gì đâu mà thiếu dai như… giẻ rách vậy à.
Trên hợp đồng mua bán xe, Tư Tới thấy vợ chồng nhà kia có cái tên thật đẹp. Chồng: Nguyễn Mạnh Lân. Vợ: Huỳnh Trúc Ka Li. Ông trời thật khéo se duyên!
Căn nhà tol cũ kỹ, bé nhỏ, nằm ven thị xã. Tư Tới đằng hắng tới lần thứ ba mới có tiếng dép lẹp xẹp, ướt nhoè từ phía sau đi lên.
– Chú tìm ai?
Một cái đầu nhô ra rồi từ từ cánh cửa cây ọp ẹp vừa được mở rộng. Cô chủ nhà với chiếc bụng bầu to tướng, quẹt mồ hôi trên trán lặp lại câu hỏi.
– Chú tìm ai?
– Đây có phải nhà anh Nguyễn Mạnh Lân và cô Huỳnh Trúc Ka Li không?
– Dạ phải! Nhưng chồng cháu đi chạy xe ôm chưa về!
– Cô là Ka Li?
– Dạ…hì…hì. Mời chú ngồi
Cô chủ ý tứ kéo chiếc áo che lại cái bụng bầu, xoay người nhấc chiếc ghế từ phía trong đặt ra cửa – chỗ sạch nhất, thoáng nhất, mời khách ngồi.
– Tôi là…
– Dạ. Nhìn áo chú mặc là cháu biết liền! Cô nàng nhanh nhẩu. Thật ra thì vợ chồng cháu cũng không phải với Salon chú, nhưng xin chú thương dùm. Cháu gần ngày sinh nở trăm thứ phải lo, mà lúc này mưa gió thất thường, chạy xe bữa đực bữa cái. Khách hàng đa số đi xe bus hết…Chồng cháu ngày chạy không được vài chục ngàn, chưa tính xăng xe, hao mòn máy móc…
– Nhưng cô chú cũng phải ráng chứ. Thiếu nợ hoài có tốt đâu.
– Dạ biết là không tốt, nhưng khổ quá chú ơi…hic…hic…thầy bói bảo là tụi cháu lấy nhau là nghèo khổ lắm. Mà nghèo cũng còn may nghe chú. Chết nữa kìa (?) nhưng chú coi, tuổi trẻ không nghề nghiệp, chân ướt, chân ráo sống với nhau, lại không được cha mẹ hai bên giúp đỡ thì… có nước ăn cướp mới giàu!
– Thì chờ có nghề nghiệp hãy sống với nhau?
– Chú này…tình yêu làm sao mà chờ được ?
Cô nàng nhìn Tư Tới bẽn lẽn cười. Chu choa…sao nụ cười cô nhỏ này dễ thương quá, nét mặt cũng còn ngây thơ lắm, khéo chừng tuổi con gái út mình chứ mấy. Mà con gái út của Tư Tới mới học đại học năm thứ hai.
– Rồi không lẽ vì nghèo, vì không nghề nghiệp mà cô chú không trả tiền cho Salon tui? Tư Tới giả vờ gắt.
– Dạ…có cho vàng cháu cũng không dám! Cái xe chồng cháu chạy bây giờ là nhờ bà cô họ xa đứng ra bảo lãnh cho làm “cần câu cơm”. Cháu đâu dám để mang tiếng cho bà, nhưng xin chú thương cho, để cháu sinh nở xong, rồi anh ấy dành dụm được…
– Bao giờ cô sinh? Tư Tới bột miệng, rồi tự thấy mình vô duyên, lòng vái thầm cho cô nàng đừng nghe được, nhưng cô Ka Li tai thính vô cùng:
– Dạ tuần sau! Mà chú ơi! Chú chờ chồng cháu về không ạ? Cháu đang giặt dở mớ tã lót cũ…
– Tã lót mới tốt hơn cho trẻ sơ sinh chứ? Tư Tới lại giật mình vì một lần nữa thấy mình vô duyên.
– Dạ. Cháu biết…nhưng tiền đâu? cô nhỏ thở dài thườn thượt, nụ hàm tiếu trên môi ngả xuống, nét tinh nghịch trên mặt cũng biến mất.
Tư Tới cáo từ ra về mà lòng trĩu nặng. Nhưng lần này Tư Tới không để Hai Chổm lên lớp nữa mà đưa ra 300.000 đồng, nói rằng của vợ chồng Lân – Ka Li trả, năn nỉ Hai Chổm thông cảm cho vì vợ sắp sinh. Tuy tiền ít nhưng Hai Chổm gục gặc liên hồi. Hôm nay máu Tư Tới cũng lạnh đi một chút. Được đấy!
Nhiệm vụ lần 3 Hai Chổm giao cho, nếu Tư Tới thực hiện được thì sẽ đạt chỉ tiêu “hai được, một thất”. Tức là đã đủ tiêu chuẩn để trở thành nhân viên chính thức của Salonmoto M.
– Đây là hợp đồng mua xe của Trần Hùng Hổ. Nó không bao giờ có nhà, đừng đến mất công. Nó chạy bến Cây Trứng Cá, nhưng đi ban ngày nó tránh ngay, nói cho chú Tư biết, đây là dạng con nợ “gai góc” đấy. Chú phải đi từ tầm tám, chín giờ tối, khi bến Cây Trứng Cá còn một hai tay xe ôm, dễ nói chuyện hơn.
Thật ra, sau vụ vợ chồng Lân – Ka Li, Tư Tới đã nản lắm rồi. Thà ngồi nhà nấu cơm, rửa chén cho vợ còn hay hơn. Đi nhiều, biết thêm lắm mảnh đời vất vả, lòng Tư Tới chộn rộn muốn khóc lắm.
Cũng định làm hết tháng lãnh tám trăm ngàn tiền lương, trả bà vợ ba trăm ngàn bữa trước mượn cho vợ chồng Ka Li, còn lại treo lên giàn bếp coi như kỷ niệm công việc mới. Nên Tư Tới quyết định thực hiện phi vụ thứ ba là phi vụ cuối cùng.
Tối hôm đó, sau khi ăn mặc gọn gàng, khoác ngoài chiếc áo in logo của doanh nghiệp, chiếc kính đen to đùng cùng chiếc nón cao bồi Texas, giở lại hợp đồng của tay Hùng Hổ. à…xe mười ba triệu (nếu là tiền mặt) góp ba năm thành mười sáu triệu, đã trả được mười lăm triệu rồi, còn một triệu nữa mà tám tháng nay im hơi lặng tiếng. Đáng là bao, trả hay không nói một phút.
Lên xe, Tư Tới nhằm hướng bến xe Cây Trứng Cá thẳng tiến. Chín giờ đêm, trời mưa ra rả, vài ngọn đèn pha lướt nhanh qua. Hai bóng đèn pha chọc trời từ Nhà văn hoá trung tâm cứ lia qua lia lại chiếu những lằn sáng thẳng tắp lên vòm trời đen kịt.
Quán cafe cũng là bến xe ôm Cây Trứng Cá, đèn vàng ệch như ánh mắt thèm ngủ của bà chủ nhà. Ngoài gốc trứng cá còn đúng hai chiếc xe ôm. Bưng ly cafe đen hâm hấp nóng Tư Tới bắt chuyện với hai tay xe ôm:
– Từ đây về ngã tư Sọ, chỗ Salonmoto M có xa không hai chú?
– Ông tới đó làm gì? Một trong hai người giọng gắt gỏng.
– Không. Là người quen tui ở gần đó, tui ở xa mới tới.
– Không xa lắm nhưng phải đi nhiều qua ngã quẹo. Mà sao người quen ông không ở chỗ nào mà lại ở gần Salonmoto M ghét quá vậy cà?
– Chú em nói gì?
– Tui nói ghét cái Salon M đó lắm! Đồ lừa đảo! Phụ tùng cũ lấy hoá chất rửa sạch bán thành đồ mới. Xe mua cả chục triệu, mấy tháng đã lỏng bạc, lột sên. Đem tới sửa thì nó đánh lừa, chờ hết hạn bảo hành là nhận “chìm xuồng” luôn. Xe tui kìa. Chú nhìn đi. Mua mười ba triệu, sửa năm, sáu triệu nữa mới chở khách được. Mà mới có ban năm thôi đó. Nếu là chú, chú có tức trào máu không?
– Chú em nói quá, chứ ở đời ai lại ăn ở đoản hậu vậy?
– Thằng M chứ ai! Giờ còn một triệu tôi thiếu nó đó, nó chờ đi. Tết Công Gô tui trả cho…
– à…chú là…
– Tui tên Hổ – Trần Hùng Hổ.
– Vậy ra…
Tư Tới đứng lên định ra về. Bộ mặt của thằng M đã lộ rõ mười mươi. Nhưng tên Hùng Hổ đúng là…Hùng Hổ. Hắn đã thấy logo doanh nghiệp trên tay áo của Tư Tới. Nó lao đến.
– Vậy mày là người của thằng M đến đòi nợ tao phải không ?
Trời đất! Cái mặt thằng Hổ này Tư Tới đẻ được mấy thằng, sao nó dám mày tao mất dạy quá. Đúng là dân đầu đường xó chợ! Nhưng Tư Tới chưa kịp lên lớp cho nó bài học về đạo đức, thì bị nó lao tới đấm túi bụi vào mặt. Máu âm ấm, mằn mặn từ mũi chảy dài xuống môi Tư Tới.
Trời đêm thăm thẳm. Trước khi ngã xuống, Tư Tới còn nghe tiếng hú kinh hoàng của xe, chẳng biết là xe cứu thương hay xe cảnh sát. Hoà trong tiếng hú khẩn thiết là tiếng máy xe nổ giòn, lao nhanh…
Tác giả: Đào Phạm Thuỳ Trang – Người thực hiện: Hải Yến
Từ khóaĐào Phạm Thuỳ Trang Hải Yến mặt rô máu nóng truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …