RadioVn.Com – Dư gọi điện từ chỗ công tác. Từ xa thẳm mịt mùng, chả thấy “ông già” nói gì. Máy cứ rọt rẹt rồi tắt giữa chừng. Máy chán. Hay người chán đây. Trước khi Dư đi hai cha con lần đầu tiên gay gắt. Ông già bảo thôi thì tùy con. Bố thế nào cũng xong. Cái giọng đó của” ông già” như bất lực như nhẫn nhịn làm Dư cũng phải nghĩ ngợi trong chuyến xe máy lạnh của công ty đến đón đoàn công tác.
Bây giờ điện thoại nghe không được.
Dư lại ngồi thừ nghĩ ngợi.
“Ông già” của Dư tuổi đầu bốn đuôi áp chót. Lấy vợ sớm sinh con sớm. Dư hiện giờ ở thế hệ kiêu hãnh và mò mẫm như bao đứa khác. “Ông già” của Dư mồ côi vợ sớm. Khi Dư mới chín tuổi đầu hai bố con ngồi ghế đá ngoài sân bệnh viện xây từ thời Pháp còn lại đến lúc đó với những gì đẹp nhất, nhiều cây xanh gốc cây thật to trong vườn toàn cỏ êm như nhung. Nghe nói ông giáo sư họ Tôn Thất cương quyết giữ được cái vườn mát mẻ như rừng của bệnh viện. Ông là người hiếm người hiền người tài nên rừng cây được giữ lại theo ý ông. Chưa xa. Nhưng buổi chiều thời Dư mới lên chín ấy sân bệnh viện vắng vàng hoe lá rơi trên cỏ như ở xứ nào. Hai cha con tay lớn nắm tay bé. Tay bé run rẩy trong bàn tay lớn cô đơn vây bọc hai người. Trong kia là phòng mổ. Chữ bảng đỏ bật lên Đang Mổ nhìn là cảm giác như có chia ly. Khi mẹ không thể ra khỏi bệnh viện “ông già” ôm chặt cứng đứa con gái bé như hạt lạc khóc tồ tồ như ống nước hỏng không có van đóng lại.Từ đó là căn phòng tập thể bố được chia mười mét vuông. Giường cá nhân bố đóng thêm một miếng ván bên cạnh bố nằm để cho con bé thoải mái duỗi tay chân. Bếp dầu để trong xó với cái xô đựng mắm muối. Một hòm lương khô đựng gạo. Bố làm việc ở viện đi bằng xe đạp Thống nhất sáng nào cũng chở con gái đến trường. Trưa hai bố con ăn cơm nóng do bố ủ từ sáng. Bố phải thay mẹ làm cả việc hướng dẫn cách con gái đến tuổi dậy thì phải ăn mặc ra sao. Bố trẻ trung không cam chịu nghèo nhưng cam chịu cô đơn vì con gái. Bố làm được đề tài có tiền mua căn hộ tầng năm tập thể, rồi đổi xuống tầng một có cả mảnh vườn chủ cũ chiếm dụng đất. Nhưng đời bố lận đận như thân cò. Mấy lần bố định bỏ đi xa xứ mang cả Dư theo vì thói thường người mình có mấy khi xem người có đầu óc hơn mình ra gì. Bố nghĩ ra nhiều thứ cho viện cái nào cũng bảo không có tính khả thi. Xa rời thực tế. Không có hồn dân tộc. Bố cô đơn đặt tay lên vai con gái đang ngồi học bài hỏi bâng quơ: có thương bố không con?
Dư tròn mắt thấy mắt bố rơm rớm. May là không khóc tồ tồ. Ngày ấy Dư cũng không nghĩ bố cô đơn đến thế?
Biết đâu bố cần một người đàn bà?
Nhưng rồi bố không mặn mà với cô Hiểu. Không ưa cô Trang… Những cô gái cùng viện có vẻ yêu thương bố thật lòng. Bố sợ họ không yêu con. Bố thủ thỉ khi hai cha con ra Bờ Hồ ăn kem Tràng Tiền chiều chủ nhật. Trong đám trẻ con lau nhau đi ăn kem có nhiều đứa bố chúng nó dẫn đi. Giống như hai cha con nhà mình. Như vậy cũng ổn. Phải không con?
Những lúc ấy Dư thấy thật ổn. Không ai có thể góp tay vào cùng bố để cải tạo căn phòng căn bếp. Chỉ có bố thôi…
Bây giờ thì Dư ôm gối ngồi trong căn phòng của công ty ngày chủ nhật. Một mình. Ngoài kia là dãy núi thấp làm nền cho dãy núi cao trông như đề co trên sân khấu kịch hát. Mây và trời miền núi mỏng tang như khói càng khiến nghĩ ngợi mông lung hơn. Nhớ lại những cuộc điện thoại với bố mấy hôm trước. Hai bố con cố quên đi không khí căng thẳng hôm Dư đi lên đây. Dư hỏi bố đã uống hết thuốc mua hôm nọ chưa. Bố bảo đừng lo cho bệnh tật của bố. Bố chưa tới năm mươi mà con!
Câu nói đó bố cất hơi cao. Như có ý dỗi. Như tự giận mình mà bây giờ Dư mới nghĩ ra. Bố đã đè nén từng ấy năm cô độc cái người đàn ông mà đi trên đường nhiều đôi mắt đàn bà dõi theo. Nhiều thiếu nữ muốn ẩn nấp lãng mạn sau cái tuổi cứng cỏi của bố, sau cái vẽ lịch lãm tự nhiên.
Bấy nhiêu năm. Dư, bấy nhiêu năm thấy điều đó là hiển nhiên. Bố không thể quên mẹ mỗi khi đi đâu về mẹ vất cái túi xuống giường chạy ào đến bên bố khi đó ngồi cặm cụi viết. Chạy ào đến, đưa tay thọc lét Dư thọc lét bố. Rồi cả nhà ngã kềnh ra giường đùa nghịch cho đến lúc mẹ sực nhớ: thôi chết. Xếp hàng chắc đến rồi. Em gửi cái rổ mà. Phải ra mua rau đây!
Vui tươi như trẻ con, má hồng rực buổi sáng buổi chiều mẹ xinh đẹp là thế. Sau này người ta bảo màu da hồng hào ấy là do bệnh có lẽ mẹ biết mà không cho hai bố con biết. Mẹ là thế. Bố không được quên một người như mẹ…
Nói điều đó với Quân. Quân cao kều, học kiến trúc điểm học rất xoàng vậy mà khi ra trường Quân kiếm hợp đồng tơi tới. Làm đâu ăn đó uy tín cao ngất ngưởng. Quân trầm ngâm bảo cái gì rồi cũng phải quen. Mẹ mất lâu rồi nhưng cũng nên cho bố sống ra hồn. Đừng khắt khe như bà lão.
Hôm đó giận Quân. Giận mấy buổi không thèm chát không thèm phôn. Quân phải đến đón đi chơi ngoại thành, biết là Quân bận mà dành thì giờ dỗ mình. Nên không giận nữa.
Tối hôm đó gọi điện được cho bố. Dư reo lên trong làn sóng mảnh mai cao vút của chiếc di động quà tặng của Quân. Bố ơi… Sao khó gọi cho bố thế?
– Không sao. Có lẽ con ở chỗ khó có sóng.
– Bố ơi! Con sắp về rồi.
– Ừ mau mà về. Ở nhà bố ăn uống chả ra sao. Buồn quá mà con.
Dư nuốt cái gì vướng ở họng. Câu nói đó của bố như ngầm trách mình. Có lẽ vậy. Chắc về cái vụ mà hai bố con suýt cãi nhau khi Dư đi. Cô Hồi…
Những lúc có hai bố con Dư thường thích đứng trong bếp xào nấu và nhìn qua cái màn sáo ra phòng khách. Bố xem ti vi. Những trận bóng chuyền triền miên chả hiểu sao gây thú vị thế. Vừa xem vừa uống bia nhắm với vài hạt lạc. Một cốc bia uống nhẩn nha mãi không hết. Cho đến khi Dư gọi bố vào. Con gái ăn cơm với rau luộc chấm nước mắm trứng. Bố ăn món xào thịt rau. Dư ngồi bên này bố ngồi bên đầu bàn kia. Cái bàn rộng rinh. Hai cha con im lặng ăn mỗi người nghĩ một chuyện. Nhưng thấy hiểu nhau, thấy thân ái tràn ngập trong tim. Càng thấy có lý khi bố của riêng mình.
Cho đến một hôm bố làm như vô tình: này Dư. Tối nay bố có mời cơm khách đấy con đừng nấu cơm nữa đi nhà hàng với bố.
Có cái gì lạnh toát chạy từ trong ra. Dư cảm thấy da mặt tái ngắt, thấy mình run rẩy: ai vậy bố?
– Người quen con ạ!
– Phái nam hay phái nữ?
– Nữ. Một cô con nên làm quen vì cô ấy chơi với bố cũng vài tháng rồi. Bố thấy thân thiết. Bố thấy… rất được!
Dư không nói được gì hơn. Cổ nghẹn đắng. Nhưng lại nghĩ Quân đã từng bảo nên để bố sống cho ra hồn. Dư không phản ứng nữa… Cuộc đời ngoài kia tấp nập ồn như cái chợ không ai có góc riêng hầu như không ai được sống cho tử tế cho đúng nghĩa con người có da thịt có linh hồn. Cuộc đời đó nhấn chìm Dư nhấn chìm bố ngày này qua ngày khác cứ tưởng ổn lắm nhưng mỗi khi thế này lại thấy ai cũng vô cùng thiếu thốn. Như bị bỏ rơi. Lay lắt rồi sau cùng cũng hết một đời.
Dư vừa ngồi sau xe bố vừa nghĩ vừa thương thân. Có mấy khi lục túi xem mình đã nhặt được gì đã tích luỹ được gì?
Quán ăn nằm gần đường cao tốc có trồng những cây cọ thẳng tắp dọc lối đi rộng vừa đường cho xe con. Những chiếc xe giá hàng tỉ của các đại gia trái khoáy với một đời sống vay mượn của xứ nghèo. Một đám đông đang vây quanh một cái Muranô mới cứng sáng như thoa dầu. Bố cười cười với Dư như bảo họ dễ tính vậy đơn giản vậy có lẽ tốt hơn phải không con?
Bàn trong góc có một cô gái rất trẻ ngồi chờ. Cô gái đứng lên đón bố lễ phép như con đón cha. Dư không biết xưng hô thế nào cho phải vì cô ta nhìn Dư cái cách như đã quen lắm như đã rõ lắm. Bố phải chủ động đây là cô Hồi. Trông trẻ thế này chứ hơn con đến mười tuổi đấy. Đến đấy Hồi nhỉ? Cô Hồi vâng ạ và giơ tay chào Dư. Dư nắm tay cô thấy mềm và ấm, hơi có chút mồ hôi có lẽ do căng thẳng. Dư nhìn thẳng vào mắt cô và nói: Chào cô!
Bố gọi nồi lẩu nấm. Cái thứ lẩu ăn chung dễ gây cho người ta cảm giác gần gũi. Bố dùng muôi múc cho Dư rồi múc cho cô Hồi. Dư nhập cuộc lúc nào không hay có lẽ vì lẩu nấm ngon quá. Khói bốc mù mịt Dư nhìn bố và cô Hồi qua làn khói thấy hai người có vẻ hợp nhau. Cô Hồi nói năng lễ phép có vẻ con nhà được giáo dưỡng chu đáo. Thời buổi bây giờ đàn bà không còn nói vâng ạ, thưa em thấy thế này mới được… vân vân. Bây giờ đàn bà nói năng gọn nhẹ bỏ hết các từ rườm rà. Ngồi một lúc Dư thấy cô Hồi cũng được và Dư bảo khi nào rỗi cô cứ đến chơi với bố cháu!
Từ hôm đi ăn làm quen ấy cô Hồi hay đến chơi nhà. Một lần Dư thấy cô đèo đứa con. Chi tiết này bố Dư cũng cho Dư biết chỉ có điều không thấy đả động gì đến chồng cô. Dư phải tự tìm hiểu. Thì ra cô Hồi có một đứa con sau lần đi nghỉ mát cùng công ty ở vùng biển. Công ty đàn ông chiếm tới hai phần ba mà vợ con đề huề cả. Ai trong số đó? Hay là người ngoài công ty? Người ta đoán già đoán non nhưng thời buổi này đàn bà có được quyền làm đàn bà mà không cần giải thích lôi thôi nên chuyện đứa con của cô Hồi cũng được chấp nhận êm ru.
Dư thì lại thấy không thể được. Dư bảo với Quân em không chấp nhận kiểu đàn bà nhan sắc không đến nỗi nào lại tự nguyện với một gã đàn ông không dây dợ gì với mình không hợp pháp hợp hiến gì hết?
Quân cười khùng khục khi Dư dùng chữ hợp pháp hợp hiến. Chuyện có đứa con mà em làm như quốc gia đại sự. Sao lại già thế bà lão ơi!
Dư phản ứng bằng cách không rót nước mời cô Hồi khi cô đến nhà nữa. Và cũng lừng khừng khi bố cố ý nhắc Dư nhà ta nên cải tạo để lấy thêm một phòng nữa đề phòng thêm người con thấy sao hay là đổi nhà? Bố có đủ lực lượng. Dư lẳng lặng khi bố gợi ý không phải cái kiểu trước kia bố của riêng mình không san cho ai. Kiểu bây giờ nó khác. Bố hay ho thẳng thắn thế mà có thể ôm người đàn bà dễ dàng chấp nhận có con với một gã lạ hoắc hay sao?
Ngày rồi ngày cũng biết là mỗi ngày với bố giờ đây quí giá nhưng Dư đã quyết không chịu cô Hồi. Cho đến hôm ấy về nhà có chìa khoá Dư mở cửa. Trong ghế sa lông to ở phòng khách bố ngồi cô Hồi nằm gối đầu lên đùi bố thiu thiu. Bố đưa bàn tay to lớn vuốt tóc cô Hồi miệng bố hát bài hát Dư hay nghe khi bố ru Dư ngủ ngày mẹ mới mất. Bài ấy đã lâu bố không hát. Cũng đã lâu Dư không gối đầu lên đùi bố để nghe bố nựng nịu. Hơn hai mươi tuổi rồi ai lại làm thế? Nhưng bây giờ bố làm thế với cô Hồi. Cô Hồi im lìm tận hưởng sự êm ái…
Dư quay ngoắt ra. Sập cửa mạnh như còn tống cho cánh cửa một quả tạ. Nghe tiếng bố thất thanh phía sau Dư mặc kệ.
Nửa đêm thì hạ hỏa. Gọi cho Quân. Quân bảo em đừng làm bố khổ thêm. Hay ho gì cứ phải tước đoạt của người khác cái họ cần có… Dư quay về. Bố chờ ở cửa. Đi đâu lâu thế con làm bố lo?
Bố kệ con việc gì phải lo. Bố cứ việc ngồi ghế sa lông êm như thế ru cho người ta ngủ việc gì phải ngóng tới con?
Bố phì cười. Nhưng Dư nghiêm, lạnh, khô khan chủng cha chủng chẳng. Một người như thế đẻ con với ai cũng chả nói làm người ta xì xào bàn tán có ra gì. Sao cứ để thiên hạ phải bàn về mình. Sao lại dễ dàng ngả ngớn chả cưới xin gì hết. Con cổ lỗ sĩ lắm bố đừng ngạc nhiên. Con đề nghị bố thôi cô Hồi đi. Thiếu gì người sao bố phải đi rước con người khác về nuôi…
Bố nghe Dư nói từng tiếng như suy tính kỹ càng. Bố bảo thôi thì tuỳ con. Rồi ngày hôm sau Dư đi lên chi nhánh miền núi của công ty.
Việc của công ty mẹ phân công Dư làm gần xong thì xảy ra sự cố. Nhóm mấy kỹ sư đi đo đạc ở đoạn đường gần chân núi bị lũ ống đột ngột như cái vòi bạch tuộc quật thẳng vào đầu. Hiệp kỹ sư thông tin bị quật vào tảng đá ngất lịm đe dọa bị chấn thương sọ não. Khi Dư lên đến nơi người ta đã đưa Hiệp lên băng ca cho vào xe cấp cứu bệnh viện huyện. Cả bọn theo xe cấp cứu. Trong xe Dư ngồi cạnh Hiệp dùng khăn ướt lau bùn ở mắt ở miệng của Hiệp. Hiệp mấp máy môi như cám ơn như đau đớn… Có hôm tranh luận với Hiệp về đàn ông đàn bà ai tử tế hơn Dư đuối lý đã ném cả cái nắp ca vào Hiệp may không trúng. Hiệp cười hiền lành bảo bà như thiên lôi thế đàn ông nó hãi. Tức Hiệp từ hôm ấy. Bây giờ thấy thật vớ vẩn cái sự tức tối đàn bà. Như lúc này có muốn làm gì cũng chả được. Lạy trời.
Cả bọn chờ bên ngoài. Bệnh viện huyện miền núi hiu hắt buồn lác đác những người nghèo ra vào phòng khám. Dư ngồi chờ trong đám bạn chợt nghĩ đến khoảnh khắc sống của con người mong manh dễ vụn nát biết bao. Hiệp cao mét tám nặng tám ba cân đẹp trai ngời ngợi thông thái cái gì cũng vững nhưng lũ ống nó có chừa anh ta ra đâu. Bố ơi có lẽ con không căng thẳng với cô Hồi với bố nữa. Chờ con về bố nhé.
Ông bác sĩ đi từ phía cuối hành lang lại. Cả bọn đứng lên như lũ cò cổ đứa nào cũng dài ra. Chào các anh chị tôi là Thoại bác sĩ ngoại. Báo tin vui bạn của các anh chị an toàn. Đã kiểm tra chỉ bị thương phần mềm.
Cả lũ nhảy lên như bọn fan đá bóng khi câu lạc bộ làm bàn. Nhảy lên chả cần giữ ý giữ tứ gì… Hiệp đã tỉnh. Hiệp đưa tay cho Dư môi mấp máy cám ơn.
Bác sĩ Thoại bắt tay từng người. Dư thích cách bắt tay của ông này. Bàn tay ông cứng cáp ấm rực đúng tay lao động của bác sĩ khoa ngoại. Ông bảo Dư: nghề của tôi chứng kiến nhiều chuyện bất ngờ quá tưởng đã chai sạn nhưng đến mỗi ca như thế này tôi vẫn thấy run. Chả biết thế nào mà lường trước. Một thanh niên khoẻ mạnh đẹp đẽ thế cũng chả là gì với ông thần chết!
Khi chia tay ông bác sĩ rất chú ý tới Dư. Ông nhìn đôi mắt như muốn khóc của cô gái, không ngạc nhiên nhưng khá tò mò. Mọi việc ổn rồi cô ạ! Ông bảo. Dư gật đầu vâng rồi sẽ ổn thôi bác sĩ chăm sóc hộ bạn của chúng em…
Trước hôm về bố gọi điện. Giọng bố ngập ngừng thật thương. Có lẽ vẫn nghĩ con gái còn giận hay sao đó.
Dự không nói gì nhiều chỉ báo ngày về rồi gọi điện bảo Quân đón em ở ga. Em về tàu không đi xe công ty nữa vì ngày mai bọn nó mới về kia. Em sốt ruột quá.
Trên sân ga lêu khêu bóng Quân đứng chờ. Chưa bao giờ Dư cảm động đến thế khi thấy hình dáng thân thiết của ai. Dư đến sau Quân ù một cái Quân giật mình quay lại cười toét miệng. Dư thấy mình như lao vào tay người yêu. Một vài người cười cười trên sân ga nhìn hai người. Quân cảm thấy vai Dư xao động trong tay vội vỗ về: thôi. Xong rồi! Ơn trời em không sao sau vụ lũ ống.
– Hiệp cũng qua rồi anh ạ. Em sợ quá. Chỉ chút nữa thôi là mất đi một người mình quý mến.
Cả hai ra chỗ để xe. Dư cương quyết nắm tay Quân không cho Quân rời ra đi lấy xe. Dư bảo đứng đâu một tí rồi hãy đi lấy xe. Em không làm gì để bố buồn nữa đâu. Bố gần năm mươi tuổi rồi sao lâu nay em cứ lần chần giữ chân bố. Mà cô Hồi cũng chẳng có tội gì em thấy có con với ai không quan trọng quan trọng là có đứa con. Em cứ thế em nghĩ dọc đường ngồi tàu về đây. Em cứ nghĩ rồi em khóc rồi em nhớ tới anh sao bọn mình cứ thỉnh thoảng cãi nhau thật vô lí quá.
Quân ôm choàng vai Dư. Rồi hỏi bây giờ làm gì đây?
– Anh đến nhà em đi bảo bố chuẩn bị mấy thứ bọn mình liên hoan. Em đi đến chỗ cô Hồi!
– Em định cái gì?
– Anh đừng hỏi. Em đến chỗ cô Hồi có việc em không gây sự đâu anh đừng lo.
Cô Hồi và đứa con đang chuẩn bị ăn cơm chiều. Căn hộ sạch như li như lau ngăn nắp chứ không bê bối như cuộc đời cô. Không hiểu sao Dư không thể bỏ được kiểu nghĩ ngợi già nua như thế. Cô Hồi giật mình khi thấy Dư nhưng rồi bình tĩnh ngay bảo em ngồi ăn cơm cùng hai mẹ con cho vui.
Em không đói. Dư cũng xưng hô kiểu em và cô như cô Hồi xưng hô trước. Sau này cô ấy làm vợ bố mình vẫn xưng hô em và cô. Cô ấy đâu có hơn tuổi mình nhiều?
– Cô đừng ăn cơm nữa. Bố em đang chờ. Cô đến luôn đi. Bế cả em bé đến vì chiều nay bên nhà cũng có ăn uống mừng em đi công tác về an toàn.
– Cô cũng nghe tai nạn của đoàn em. May quá!
Vâng… Dư chỉ nói thế rồi lẳng lặng bế đứa bé lên, lấy mũ đội cho nó bế nó xuống nhà trước. Đứa bé kéo kéo tóc Dư rồi sờ vào tai Dư. Bàn tay nó bụ bẫm mềm như bông làm Dư mủi lòng. Dư vùi mặt vào ngực nó làm nó cười khanh khách. Cuộc đời có những phút thật xốn xang không hiểu mình làm mọi việc có đúng không?
Chắc “ông già” kinh ngạc lắm khi thấy con cô Hồi trên tay mình còn cô Hồi đi phía sau ngượng ngập.
Tác giả: Lê Minh Khuê – Người thực hiện: Việt Hùng
Từ khóaLê Minh Khuê truyện đêm khuya Việt Hùng
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …