Bài nổi bật

Tiếng còi ủ – Vũ Thanh Lịch

RadioVn.Com – Tôi đặt dấu chấm hết bài viết cho tạp chí nghiên cứu khoa học về một số vấn đề đặt ra trong phát triển đô thị. Đầu óc trống rỗng như ống bơ trút hết gạo. Tôi vươn vai, rời bàn làm việc. Cu Bi trở mình bò dậy, lấy tay che ánh sáng hắt ra từ cây đèn đọc sách, giọng ngái ngủ:
– Mẹ ơi, mấy giờ rồi?
– Ba giờ. Con ngủ tiếp đi.
– Mẹ nhớ phải gọi con dậy sớm, còi ủ là con đi học cơ…
– Ừ, mẹ nhớ rồi.
Bi học lớp hai. Năm lớp một cu cậu đi muộn một buổi bị cô giáo phạt nên nỗi sợ ám đầy trong giấc ngủ, có hôm nửa đêm choàng dậy lao ra ngoài cuống quýt đòi đến trường. Tôi tắt đèn, nằm xuống bên cạnh vỗ về con. Nó nằm im một lát, tôi vừa thiêm thiếp nó lại gọi:
– Mẹ ơi… mẹ…
– Gì vậy con?
Tôi hỏi nhưng vẫn lơ mơ trong cơn buồn ngủ.
– Ông Kịm ho to vậy có sống được lâu nữa không mẹ?
– Ông Kịm nào?
Cu Bi rúc sâu vào nách mẹ, khẽ nói:
– Đấy… ông ấy đang ho đấy…
Cơn buồn ngủ tan biến. Tôi lắng nghe. Trong đêm sâu hun hút và vắng lặng, tiếng ho sù sụ của người già như vết dao cùn nhằn lên lá phổi dai ngoách. Bây giờ tôi mới biết người đàn ông sống trong gian nhà chung vách tên là Kịm.
Tôi sống trong khu tập thể cũ của nhà máy điện đã năm năm, vậy mà tôi không biết hoặc không nhớ tên người hàng xóm sát vách. Hồi mới đến, tôi ấn tượng với gian nhà của ông vì từ sân đến mái luôn phủ kín màu vàng của các loài hoa. Trên mái ngói là giàn mai hoàng yến, hoa nở quanh năm. Hai bên hiên là hai cây mai tứ quý, cho hoa bốn mùa, dưới gốc, bao xung quanh cái sân nhỏ chừng bốn mét vuông là cúc vạn thọ, loài hoa mọc như cỏ dại, cứ nảy mầm là hoa rực vàng.
Ông Kịm thường ra khỏi nhà vào buổi sáng, trước khi còi ủ, đẩy xe thùng về phía công viên gần cổng nhà máy điện và trở về sau khi còi ủ chừng ba chục phút. Mẹ con tôi ra khỏi nhà rồi trở về lệch giờ của ông chỉ bằng độ ngân của tiếng còi, vậy mà hầu như không gặp nhau. Lần gặp ông đáng kể nhất là khi tôi làm giấy tờ mua nhà, sang nhờ ông kí vào hồ sơ sang tên đổi chủ. Lúc này, tôi đang cố gắng hình dung nhưng không thể nhớ nổi khuôn mặt ông, chỉ biết ông có mái tóc bạc, dáng người cao gầy. Trong trí nhớ gần như đã đóng băng của tôi lần lượt gọi về những mẩu chuyện lụn vụn.
*
*    *
Ông Kịm là một trong số ít công nhân còn sót lại của nhà máy điện từ ngày khởi công xây dựng. Ông bị tai nạn lao động nhẹ nên khi nhà máy bắt đầu hoạt động, ông được giao nhiệm vụ làm vệ sinh khu nhà điều hành và bấm còi ủ.
Đó là cái còi ủ đầu tiên xuất hiện ở vùng này, mang đến không khí làm việc hiện đại ở cái nơi xưa nay chỉ có trồng lúa chăn trâu, nuôi gà thả vịt. Chiếc còi chỉ có mỗi nút, bấm nhẹ một cái là kêu, tiếng kêu mới sang trọng làm sao. Nó ủ một hồi dài thật là dài, loang xa, vọng đến khắp mọi ngõ ngách của thị xã, giục giã mọi người bắt đầu ngày làm việc mới, giờ làm việc mới. Nó cuốn cả thị xã vào guồng làm việc theo cung giờ mặc định sẵn.
Hôm cắt băng khánh thành nhà máy điện, lòng ông rưng rưng như thể chuẩn bị bước sang một trang đời mới. Nhà máy làm ra điện, nhờ có nó người thị xã sẽ không cần dùng đèn hoa kì mà vẫn có ánh sáng suốt đêm, thứ ánh sáng không sợ gió, không sợ bão, không sợ mưa, không sợ những hốc tối hun hút trong hang sâu hay hầm kín. Và ông là người bấm tín hiệu cho ngày đầu tiên khởi động cỗ máy làm ra năng lượng sáng… Ông mê mải với công việc của mình đến nỗi không dám rời khỏi nhà máy. Có lần, còi bị trục trặc, ông bấm đến lần thứ hai, thứ ba rồi thứ tư nó vẫn câm lặng. Ông lo lắng như thể hơi thở của cả nhà máy, rồi cả thị xã sẽ lỗi nhịp. Ông lao đến phòng giám đốc vừa đập cửa thình thình vừa gào lên: “Còi hỏng… còi hỏng… còi hỏng… cứu tôi với!” Sau chuyện ấy, cả nhà  máy gọi ông là Còi Hỏng. Các bà các chị công nhân còn rúc rích cười mỗi lần gặp anh Còi Hỏng, nhất là khi ông gần năm chục tuổi còn chưa chịu lấy vợ.
Nhà máy lại lắp còi ủ mới, có thể tự động kêu vào đúng giờ quy định. Ông buồn, thậm chí ông đau khổ hơn lần bị tai nạn lao động. Suốt mấy tháng liền ông thức trắng đêm, chỉ để đợi tiếng còi, giám sát xem nó có cất lên tiếng ủ kéo dài đúng giờ như ông vẫn bấm không. Có đôi khi ông mong nó kêu sai giờ, để ông có cớ đòi lại công việc yêu thích của mình. Nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra. Ông ghét máy tự động, rồi căm thù nó. Nó đã cướp đi công việc của ông, cướp đi niềm hân hoan của ông mỗi ngày.

Minh họa: Bùi Anh Hùng

Trong lúc cảm thấy mình vô nghĩa đến cùng tận thì ông gặp cô Hoàng giữ trẻ, kém ông hai mươi tuổi. Cô Hoàng da đen, lỡ một lần đò, tính khí khác người vì chỉ cho phép duy nhất một màu hoa vàng tồn tại quanh tầm nhìn. Hồi chồng cũ bỏ đi, người ta bảo chỉ tại hôm cưới cô ôm hoa cúc vàng. Vậy mà đến lúc cưới ông Kịm, cô vẫn nhất quyết đòi ôm hoa cúc. Lấy nhau được hai năm thì cô Hoàng sinh con gái, đặt tên là Hoa, ở với nhau được vài năm, cô ôm con bỏ đi, để lại cho ông một lá thư dài. Đại ý cô không muốn nghèo, không muốn khổ, tuổi cô còn trẻ, cô muốn tìm cơ hội đổi đời cho cả hai mẹ con. Cô hẹn muộn nhất là năm con gái ba mươi tuổi cô sẽ cho nó về tìm ông. Từ đó, thay vì đợi còi ủ để quét lá, ông nghe còi ủ để vạch từng nét chì vào sổ, mỗi ngày năm tiếng còi là một ô vuông với một đường chéo. Từng ô từng ô một, hết cuốn sổ này đến cuốn sổ khác.
*
*   *
Đó là tất cả những gì tôi biết về ông hàng xóm chung vách. Và đêm đêm, khi tôi thức để viết bài nghiên cứu về những thay đổi trong lối sống người dân phố thị, tiếng ho của ông không chạm đến tai tôi.
Vậy mà cu Bi nghe thấy.
Tôi đã cố tìm một lí do để biện minh cho sự vô tâm, vô tình của mình. Và tôi đã tìm được. Tôi phải chăm chút cho con trai. Hồi có bầu rồi sinh nó, tôi đã khóc như thể tất cả nước sông Vân đã đựng đầy trong ngực chỉ cần khẽ chớp mắt là nó thành thác lũ. Nhưng cu Bi vẫn ra đời với đôi mắt đen nháy, hồn nhiên và khuôn mặt đựng đầy ánh sáng, thứ ánh sáng có thể xua đuổi mọi bóng tối trong tâm hồn tôi. Tôi cắm đầu cắm cổ đi làm mỗi ngày, giải quyết vô số mối quan hệ ngoài đời thực và trong thế giới ảo, để trở về với con, hít hà nguồn ánh sáng đang lớn lên mỗi ngày, và cứ thế, mỗi ngày, tôi được ấm lên cùng con. Tôi nấu cơm cho con ăn, mua quần áo cho mặc, đưa con đến trường, đến nhà cô giáo học thêm, đến nhà thiếu nhi sinh hoạt… Vậy thì tôi còn tâm trí đâu mà quan tâm đến xung quanh.
Con trai tôi vẫn chưa ngủ. Nó lại rúc vào ngực tôi, quờ tay lên áo, vân vê đầu ti mẹ. Một lúc, nó ngập ngừng:
– Mẹ ơi, có phải cái cây mẹ trồng trong thùng xốp ở cửa bếp là cây húng chanh không?
– Ừ, con hỏi làm gì?
Tôi bắt đầu thăm dò ý nghĩ đang diễn ra trong đầu con, nó đã lớn nhiều hơn tôi nghĩ. Tôi thấy sợ nếu một ngày nào đó, mình vô tình bước ra ngoài ý nghĩ của nó.
– Có thật là nó chữa ho được không mẹ?
– Thật mà con trai.
Tôi trả lời, như một tín hiệu sẵn sàng giúp con làm việc nghĩa. Tôi nói luôn:
– Mai mẹ sẽ hái lá, rửa thật sạch, ngâm nước muối rồi mang sang cho ông Kịm ăn nhé!
Cu Bi ôm chặt hơn khiến tôi yên tâm rằng mình đã được chấp nhận.
– Nó có dễ trồng không mẹ?
– Dễ mà, mẹ sẽ bẻ cả cành để con mang sang cho ông Kịm trồng nữa. Giờ thì con ngủ đi.
Bi im lặng. Nó nhích người, gối đầu lên tay tôi, gác chân lên chân tôi nhưng mắt vẫn mở to, lắng nghe tiếng ho càng lúc càng nặng hơn từ bên kia bức tường.
Tôi gà gật vào giấc ngủ thì cu cậu lại gọi:
– Mẹ ơi…
– Gì nữa con?
– Con vặt hết thùng cây húng chanh cho ông Kịm ăn mà sao ông không khỏi ho?
Đầu tôi nhói một vệt dài sâu hoắm. Cái thùng xốp tôi để ngay cửa bếp, ngày nào cũng mấy lần qua lại cơm nước, giặt giũ… vậy mà cái cây trồng trong nó bị vặt trụi tôi cũng không biết. Tiếng ho của ông Kịm xé đêm thành từng mảnh sắc lạnh khiến con trai tôi rúm người lại.
– Mẹ ơi… mẹ… mẹ ngủ chưa?
– Chưa…
– Sao mẹ không trả lời con?
Tôi chưa biết giải thích làm sao thì con lại hỏi tiếp:
– Mẹ giận con hái hết húng chanh à?
– Không, mẹ đang nghĩ, con trai mẹ lớn thật rồi, biết giúp đỡ người khác rồi.
Bi linh hoạt hẳn lên:
– Mỗi ngày con chỉ hái bảy lá thôi, ông Kịm bảo đàn ông chỉ cần nhai bảy lá với bảy hạt muối rồi ngậm bảy phút là khỏi…
– Ừ…
– Con hái bao nhiêu cái bảy lá rồi mà…
Tôi đang mải nghĩ đến mớ chữ nghĩa trong sách nghiên cứu về gia đình, về tình làng nghĩa xóm… nên ậm ừ. Nhưng thằng bé dừng lưng lửng câu khiến tôi chột dạ:
– Ông còn dạy con những gì nữa?
– Ông bảo, con trai phải biết nhiều thứ, để bảo vệ mình và những người xung quanh, phải biết cây húng chanh chữa ho như thế nào, lỡ mẹ có bị ho thì chữa cho mẹ. Ông bảo, mẹ là phụ nữ, con là đàn ông, đàn ông phải biết che chở cho phụ nữ. Con sẽ che chở cho mẹ, mẹ ạ. Ông còn bảo, đàn ông phải biết đúng hẹn, nghĩa là làm gì cũng phải đúng giờ ấy mẹ, vì đấy là người đáng tin cậy. Ông còn bảo, đàn ông không được sợ bóng tối, vì ở trong bóng tối, những người sợ hãi lớn lên sẽ thành người hèn nhát, những người không sợ sẽ là siêu nhân. Con thích làm siêu nhân. Có phải hèn nhát là xấu không mẹ?
Tôi im lặng nghe, nước mắt ứ nghẹn. Những chuyện như vậy, chưa khi nào tôi nói với con. Tôi đã sống đơn giản hơn những gì tôi viết và nói cho người khác. Tôi hài lòng làm một bà mẹ đơn thân, với sự tự do trong cuộc sống nhiều cám dỗ. Tôi chưa khi nào nghĩ con trai mình cần một người đàn ông để dạy nó làm đàn ông.
– Sao mẹ không trả lời con?
– Mẹ hơi mệt, mẹ muốn ngủ, mẹ muốn con cũng ngủ…
– Ông Kịm bảo khi nào mệt thì uống một cốc nước, ngồi nghỉ, hoặc nhìn lên ngọn cây mai tứ quý, cái ngọn cao nhất ấy, rồi đếm một trăm, chín chín, chín tám, chín bảy, chín sáu… Cứ đếm vậy cho đến khi nào hết mệt thì thôi…
– Con ngủ đi nào…
Nghe giọng tôi hơi nặng, cu Bi rụt rè “vâng” rồi nằm im thít. Được một chốc nó lại cựa quậy. Tôi quay lưng lại phía con, nó lại hỏi:
– Mẹ ở một mình có buồn không?
Câu hỏi bất ngờ khiến tim tôi đau nhói, cái cảm giác đau như thể vừa trở dậy từ xa xôi lắm. Tôi kìm nén ngọn lửa đang ngun ngút lên đỉnh đầu, khẽ bảo:
– Hai mẹ con, hai mình đấy chứ!
– Không phải, là không có bố, mẹ có buồn không?
Tôi không trả lời, vì không biết phải nói thế nào. Tôi không buồn hay không có thời gian để nghĩ đến nỗi buồn, hay tôi đã rèn mình biết bằng lòng với tất cả hiện tại…
– Mẹ khó ngủ à? Ông Kịm bảo nếu khó ngủ phải nằm thế này này…
Vừa nói cu cậu vừa ngồi dậy, đẩy tôi nằm ngửa ra, kéo thẳng hai chân sát vào nhau, rồi kéo từng cánh tay để lên bụng.
Tôi như một cái máy được điều hành bởi một đứa trẻ, ồ không, là một người đàn ông, dễ chịu hơn phải làm người lớn rất nhiều. Sắp đặt tư thế nằm cho tôi xong, nó bảo:
– Đấy, mẹ nằm im như thế này nhá, rồi mẹ nhắm mắt lại, hít thở sâu nữa, mẹ cứ nghĩ trong đầu thế này này: Không không không không không không không… cứ thế mẹ nhá… con chúc mẹ ngủ ngon!
Bi thơm lên má tôi rồi nằm xuống bên cạnh.
*
*    *
Tôi choàng tỉnh khi tiếng còi ủ cất lên. Hình như nó ngân dài hơn tiếng thường ngày. Tôi bật dậy khỏi giường theo phản xạ tự nhiên, cuống cuồng gọi con. Nhưng nó không có ở trên giường. Tôi lao ra cửa. Then cửa vẫn chốt chặt, vài tia nắng yếu ớt rọi vào phòng, gió lập bập bên ngoài khiến các tia sáng chao đảo. Tôi rút then, lao ra sân, nhớn nhác gọi con. Sực nhớ cửa còn chốt, tôi chạy xuống bếp, vào nhà vệ sinh… không có tiếng trả lời. Chân tay tôi run rẩy. Trên nắp bể, sát bức tường ngăn hai mảnh sân sau, có chiếc ghế nhựa. Tôi đứng lên ghế, bức tường cao ngang ngực, nghĩa là cao ngang đầu Bi… Mép tường đầy vết vữa sứt vỡ và vết chân lem nhem. Tôi nhìn sang bên nhà ông Kịm, cũng một vệt bẩn in dấu chân trèo tường, và một cái ghế gỗ bốn chân hình chữ A… Vậy là hai ông cháu đã qua lại chơi với nhau bằng cách này. Mùa hè vừa rồi, trước khi đi làm tôi đã nhốt con trong nhà với vài thứ đồ chơi, vài cuốn truyện tranh… Tôi đã nghĩ một đứa trẻ lớp một ở nhà cả ngày một mình thì sẽ chán, sẽ sợ, nhưng rồi sẽ quen thôi. Tôi đã không hay biết nó đã tìm được một cách chơi khác…
Từ trong nhà ông Kịm vọng ra tiếng ho thưa và yếu ớt hơn buổi đêm. Tôi bước xuống, đi vòng ra cửa trước, đứng ngoài sân, gọi con:
– Bi ơi, con đâu rồi? Bi ơi! Bi…
Tôi gọi liền mấy tiếng nhưng không có âm thanh nào đáp lại. Mấy ngôi nhà cao tầng vẫn đóng cửa im ỉm, phố xá lưa thưa người, nắng xiên chếch trên ngọn cây trước nhà, rọi vào bức tường ngôi nhà ba tầng phía trước khiến tôi chột dạ. Tôi ngó nhìn đồng hồ. Sáu giờ kém mười phút! Lẽ nào cái đồng hồ nhà tôi hỏng? Lẽ nào cái máy hẹn giờ còi ủ của nhà máy điện trục trặc? Linh cảm có chuyện chẳng lành, tôi rón rén đến sát cửa nhà ông Kịm. Cánh cửa khép hờ, không chốt, ánh sáng tràn vào nhà một vệt nhỏ đủ để tôi nhìn thấy cái xe đựng đồ bán hàng nằm gọn ghẽ, một bên là cái giường cá nhân.
Ông Kịm đang nằm kê đầu lên gối mây nghe tiếng động thì cố cất đầu cất tiếng thều thào:
– Cái Hoa về đấy à? Cuối cùng thì bố cũng đợi được con rồi!
Tôi đứng sững giữa cửa, chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, chưa biết phải cất lời thế nào thì từ phía sau, tiếng bước chân huỳnh huỵch lao đến và tiếng hét “Bắt lấy nó” cất lên chói tai. Thằng con trai tôi như mũi tên lao vút vào nhà. Hai người mặc đồng phục của nhà máy điện cũng lao đến. Tôi đã đủ nhanh để chạy về, đứng giữa cửa, ngăn không cho họ vào, bỏ quên cánh cửa nhà ông Kịm đang mở rộng. Một trong hai người đàn ông gằn giọng:
– Thằng nhãi đó là con cô phỏng? Cô không biết dạy con à? Nứt mắt ra đã dám láo toét!
– Tôi không hiểu các anh đang nói chuyện gì.
– Còn không hiểu? Cô nuôi dạy con cô thế đấy à? Thằng nhãi này phải bỏ tù đi mới chừa! Á à, mà nhà này không có bố đây, không dạy được con thì gọi thằng bố nó về mà dạy…
– Anh tưởng bỏ tù trẻ con dễ lắm đấy? Mà rút cục là có chuyện gì?
Tôi nóng mặt, không chịu nổi cách ăn nói của gã đồ tể trước mặt. Gã đàn ông còn lại cất lời sau khi người kia giơ tay gạt mồ hôi.
– Cái thằng bé vừa chạy vào nhà chị đấy, không biết nó luồn lách kiểu gì vào tận khu điều hành, bấm còi ủ trước cả giờ đồng hồ rồi lẩn như chạch, chúng tôi tìm toát mồ hôi, nhìn thấy thì nó đã tót vào đây rồi. Có phải nó là con chị không?
– Vâng, tôi cũng đang đi tìm nó…
Giọng tôi như đờ dại, chưa kịp nói hết câu thì tiếng hét thất thanh vang lên:
– Ông ơi! Ông đừng chết! Ông ơi!
Tôi và hai ông bảo vệ nhà máy điện không ai bảo ai, cùng lao vào nhà ông Kịm. Trước mắt chúng tôi, một ông lão đang nằm sóng soài dưới đất đè lên ngang người thằng bé bảy tuổi mặt cắt không còn giọt máu. Tôi lôi cu Bi ra. Nó run như cầy sấy, vừa khóc vừa ôm chặt lấy tôi. Tôi cảm thấy rõ đôi môi con lập cập và tay chân con run lẩy bẩy.
Hai gã đàn ông vừa sờ nắn ông lão vừa lẩm bẩm:
– Thằng nhãi làm cái trò gì nữa đây!
Họ gọi điện cho người này người kia rồi khiêng ông Kịm lên giường. Hai chân tôi run bấy.
Khi căn nhà nhỏ của ông Kịm đầy tiếng người, tôi đã giúp con giải trình tất cả với công an về mối quan hệ của hai ông cháu, từ những tiếng ho trong đêm, cây húng chanh, hai chiếc ghế bắc giữa bức tường… Nhưng có một điều tôi không thể giải thích nổi là vì sao thằng bé lại tìm cách lọt được vào nhà máy hiện đại nhất thị xã làm việc động trời như vậy.
*
*     *
Cái chết của ông Kịm khiến con trai tôi bị sang chấn tâm lí phải vào viện điều trị. Thỉnh thoảng, trong cơn mơ, nó giật mình gọi ông Kịm, bảo ông dạy nó đẽo cù, khoe với ông nó đã biết gấp máy bay, ghi tên mình rồi phi lên ngọn cây. Cũng có khi nó cười mơ bảo: “Cháu sẽ làm nghề xây dựng, xây cho ông cái nhà cao hơn nhà máy điện, ông tha hồ mà trồng hoa vàng…” Mỗi lần như vậy, khi tỉnh giấc, tôi đều tìm cách nói chuyện với con về ông lão chung vách. Nó khiến tôi hình dung ra những ngày cuối cùng của ông Kịm.
“Có lúc con thấy ông không thở mẹ ạ. Ông nằm ngửa ra rồi bảo con đứng lên ngực ông nhún nhún thế này này.” Vừa kể cho tôi, cu Bi vừa nhún chân trên giường bệnh diễn tả động tác. “Con bảo nhỡ ông đau thì sao, nhưng ông bảo con làm vậy để ông dễ thở mẹ ạ. Thở được thì mới đợi được cô Hoa. Ông bảo, cô Hoa rất thương ông nhưng cô đang bận đi làm. Rồi lấy chồng. Rồi nuôi con… Bận như là mẹ ấy, nên chưa về thăm ông được. Nhưng nhất định sinh nhật lần ba mươi cô Hoa sẽ về… Vì cô ấy yêu ông lắm, giống như là con yêu mẹ ấy.”
Mỗi lần nói xong câu “như là con yêu mẹ ấy”, cu Bi lại thơm chụt lên má tôi.
“Cô Hoa về thật mẹ ạ. Cô đúng là người biết giữ lời hứa. Lúc con bấm còi xong, chạy vào nhà, trèo tường sang nhà ông, ông bảo cô Hoa vừa về. Nhưng cô ấy cứ đứng ngoài cửa mà không chịu vào. Ông đợi lâu quá, bảo con dìu ra đón cô. Ông bám vào vai con, vừa đi được một bước thì ngã mẹ ạ.”
Cu Bi chặc lưỡi như một ông lão “Giá mà ông sống thêm được mấy phút nữa thì có phải ông được gặp cô Hoa rồi không.”
Tôi mỉm cười khuyến khích con kể tiếp. Bác sĩ dặn tôi giúp con càng nói ra được nhiều chuyện sẽ càng nhanh hồi phục. Nhưng đột nhiên con hỏi tôi:
– Mẹ có nhìn thấy cô ấy không? Lúc mẹ đi tìm con ấy.
Tôi ngập ngừng rất lâu, trước khi quyết định nói dối:
– Có con ạ!
Nét mặt cu Bi sáng bừng:
– Ông Kịm thật là giỏi! Vì ông đã nói với con cứ biết tin và biết đợi thì niềm vui sẽ đến.
– Ừ, và con của mẹ cũng giỏi lắm! Bây giờ thì con trai của mẹ ngủ đi nào!
Lần này thì cu Bi dạ nhanh và ngoan ngoãn nhắm mắt, trên môi vẫn vương một nụ cười trẻ thơ.
Đợi con ngủ say, tôi trở dậy làm việc. Tôi phải làm việc nhiều hơn để kiếm tiền đền bù thiệt hại mà con trai tôi gây ra cho nhà máy. Và còn vì tôi cần sống chậm hơn để lắng nghe những âm thanh có thể hoặc chưa thể vọng đến.
Ngày mai, chúng tôi đi học và đi làm khi còi ủ

Tháng 4/1015
Tác giả: Vũ Thanh Lịch – Người thực hiện: Minh Nguyệt

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *