Truyện đêm khuya – Bờ phía bên kia
********
Những chiều, khi ráng hoàng hôn phủ màu lộng lẫy trên bến vắng, tôi tưởng như
trong gió, mùi tóc thơm cỏ mềm của em đâu đây, tưởng như em đang ngồi bên để
tôi có thể quay sang mà hỏi: ‘Em có muốn qua bờ bên kia không?’
Thanh Vân –
Tôi chống chân xe máy trong sân và kịp thấy làn gió nhẹ mát của chiều miền núi
lướt qua mặt. Mẹ đang ngồi xốc mớ me khô phơi trên tấm vải bố. Mẹ ngẩng lên
nhìn tôi, mắt đượm buồn:
– Chiều con qua thắp cho nó nén nhang!
Tôi dạ với mẹ mà như nói với mình. 40 cây số đường về trên chiếc xe lọc cọc chỉ
là quãng rất ngắn. Những gì diễn ra trong đầu tôi mới thật sự dài hơn. Khi mẹ báo
tin Hiền mất qua điện thoại, tôi chỉ nhớ mình im lặng rất lâu, cho đến khi mẹ tiếp:
“Con thấy về được thì về, cũng là ngày cuối tuần”. Sao mẹ có thể nghĩ tôi sẽ không
về để tiễn Hiền? Sao mẹ có thể nghĩ nếu tôi về chỉ vì đang là ngày thứ bảy?
Những giọt nắng cuối cùng đã tắt trên khoảnh sân vuông. Tôi vẫn còn đứng tần
ngần trước sân, nhìn qua bên kia bờ sông. Nơi mấy chiếc ghe nhỏ neo đậu ríu rít
tiếng trẻ con nghịch nước. Tiếng ông chồng nào dấm dẳng vì quên mua dầu thắp
đèn. Tiếng người vợ nào ra vẻ làu bàu mắng chó chửi mèo. Tiếng chén đũa xô trên
mâm cơm chiều… Mùi cá kho, mùi dầu gội đầu của ai vừa tắm thoảng trên bến
sông. Mấy con vịt cuối cùng về chuồng đang kêu quàng quạc… Sự sống trỗi dậy từ
mọi ngóc ngách làng quê nhỏ bé. Chỉ có em Hiền của tôi là không còn nữa. Em
đang ở đâu đó, cô đơn và lặng lẽ như ngôi sao Hôm vừa mọc trên cao kia. Lấp
lánh.
***
Mỗi khi nhớ về thị trấn núi nhỏ bé, tôi nhớ tiếng búa đập đá. Ngoài nghề nông, hầu
hết người ở đây đều làm nghề đá. Đá được các chủ thầu khai thác từ Núi Lớn, sau
đó phân về cho từng người làm thuê. Người già, trẻ con, thanh niên trai tráng sống
nhờ vào đá. Người ta đập nhỏ những tảng đá to bán cho các công trình xây dựng.
Người ta làm các thứ đồ thủ công mỹ nghệ từ đá.
Mỗi ngày, thay vì tiếng gà gáy, tiếng đập đá lóc cóc đều đều là dàn nhạc đánh thức
thị trấn núi khỏi cái ẩm ướt của đêm tối, bắt đầu ngày mới trong nóng gắt. Bụi đá
trắng mờ lả tả khắp xóm. Bụi nhuộm trắng những đôi bàn tay quê chai sần.
Tôi gặp Hiền lần đầu tiên khi chỉ là thằng bé 12 tuổi. Mẹ tôi luôn cảnh báo, thậm
chí đe dọa, để tôi sợ mà không dám bén mảng đến ngôi nhà lợp mái lá lụp xụp cuối
xóm của hai cha con Hiền. Nhưng tôi và lũ bạn luôn mong có cơ hội lẻn qua hàng
rào cây xương rồng dày đặc của ngôi nhà đó để xem bên trong có gì. Mẹ nói chắc
nịch: “Ông Minh nhà đó bị ho lao, mày cứ đến gần lây bệnh thì khổ!”. Còn những
người khác truyền tai nhau: “Nhà đó có ma!”. Càng nhiều lời cảnh báo càng khiến
“bè lũ” chúng tôi quyết tâm khám phá bí mật về ngôi nhà chỉ có một cái cửa sổ và
hầu như ít ai thấy chủ nhân của nó đi lại bằng cửa trước.
Một lần, vào buổi trưa vắng, tiếng đập đá lóc cóc đều đều vang uể oải khắp xóm,
mấy thằng tôi sau khi chơi chán chê các trò, tắm sông, tạt lon, đánh nhau… ở
khoảnh đất phía bên ngoài hàng rào xương rồng của ngôi nhà, đối diện với bến
sông thưa người, chúng tôi nảy ý định khoét hàng rào chui vào. Khi trót lọt vào bên
trong thì cả lũ cảm thấy lâng lâng cảm giác khó tả. Trước mắt chúng tôi là hai cây
sơ ri lùn, chi chít những trái đỏ mọng, một dãy cây trứng cá cao mảnh khảnh mà
dưới gốc cây là lớp trái chín nẫu.
Dường như chủ nhân của ngôi nhà chẳng để ý đến mấy loại trái hấp dẫn này. Bọn
tôi mau chóng “hạ gục” cây sơ ri vì cành nó to bè và chắc chắn hơn cây trứng cá
thân giòn…. Khi thằng Cá lóc, thằng Rùa, Cu đen đang vắt vẻo trên cành, miệng
nhai tay đút túi từng nắm trái, tôi ung dung đứng bên dưới vít cành và ăn ngay tại
chỗ những trái sơ ri giòn ngọt… Nhưng khác với lũ bạn vô tư, tôi có cảm giác như
có ai đang nhìn mình từ phía sau. Một cái nhìn có thể khiến người ta lạnh buốt,
ngay cả khi trời đang trưa nắng:
– Cho tao chơi với!
Một giọng nói nhỏ nhẹ, mơ hồ thốt lên từ khuất sau khung cửa tối. Khi tôi kịp định
thần để một quả sơ ri không mắc kẹt giữa cuống họng thì lũ bạn “cá rùa” của tôi đã
nhảy phóc hết từ trên các cành xuống, hò nhau chạy qua lỗ thủng của hàng rào.
Còn tôi, không hiểu sao vẫn đứng đó như trời trồng, hai chân ríu lại, mắt trừng
trừng vào bậc cửa. Nơi đó, một cái bóng nhỏ ló ra khỏi bức mành. Cái bóng không
đi hoặc chạy mà nó lê từng chập. Đó là cái bóng của con thú bị thương, chấp chới
muốn tìm lại sự sống. Khi nó lết ra được hết bậc cửa, tôi thấy rõ đó không phải là
một con thú mà là đứa con gái với đôi chân nhỏ xíu, teo quắt, quặp về phía sau. Nó
di chuyển thoăn thoắt bằng hai cánh tay. Mái tóc dài của nó được thắt bím cẩu thả,
chấp chới quanh một khuôn mặt trắng nõn, nhợt nhạt… Khung cảnh thâm u, chỉ có
cây cối của ngôi nhà cùng sự xuất hiện đột ngột của nó khiến tôi không thể nào
tránh khỏi ý nghĩa lóe qua đầu: Tôi đang gặp ma giữa ban ngày. Sau tiếng thét “Mẹ
ơi!”, tôi chỉ còn nhớ mình dồn hết sức chạy đến lỗ thủng hàng rào, mặc cho gai
xương rồng đâm nhức nhối.
***
Tôi rời đám ma Hiền và đi về nhà. Tôi định rẽ về hướng núi nhưng không hiểu sao
chân đưa mình đến bờ sông. Gần 20 năm, thị trấn này vẫn vậy: nhỏ bé và tĩnh lặng.
Chỉ khác, người ta đã thôi sống nhờ vào đá. Những tiếng gõ đều đặn lóc cóc chỉ
còn trong ký ức. Lúc này đây, khi tôi đang đi khỏi con đường trải nhựa, đi khỏi ánh
đèn đường với lũ thiêu thân đang cuồng loạn gieo mình vào ánh sáng mà về phía
sông, trong bóng đêm, tôi chợt đưa hai tay bưng lấy mặt mình nấc nghẹn. Như
trong một đoạn văn tả cảnh cũ kỹ, cảnh tượng trước mặt tôi lúc này là dòng sông
trong mát êm đềm chảy. Trên cao, trăng khuất một nửa trong mây, một nửa soi rọi
xuống trần gian với vẻ tò mò, nghi hoặc. Tôi thót tim khi thấy một cái bóng nhỏ
ngồi thu lu ngay trên bến, chỗ có mấy bậc thang dẫn xuống sông, dành cho phụ nữ
giặt giũ và tắm gội.
– Phải em không Hiền? Tôi bất thần lên tiếng, để rồi thấy thằng đàn ông trong mình
đang bị bóp nghẹt bởi nỗi xấu hổ hơn là nỗi sợ bóng vía mơ hồ.
Trả lời tôi chỉ có tiếng sóng đánh oàm oạp vào bờ. Trăng chợt tỏ hơn một chút đủ
để nhìn thấy đống gạch đá vụn ai đó chất trên bờ. Người nào đùa nghịch khoác một
bao tải rách lên đống đá nhỏ. Chỉ có thế mà thôi!….
***
Sau cú chạy thục mạng, tôi cũng nghe được từ người lớn câu chuyện về “ngôi nhà
có ma”. Thực chất chẳng có ma cỏ gì sau mái nhà lá được bao bọc bởi dãy hàng
rào xương rồng xanh thẫm. Đó chỉ là một câu chuyện kể buồn tẻ như bao câu
chuyện éo le trên cuộc đời này. Có hai người, một già một trẻ sống ở đấy. Ông già
Minh và đứa con gái tật nguyền. Ông Minh là một nghệ nhân bia mộ và làm cối đá
có tiếng trong vùng. Ba tôi kể, hầu như các ngôi mộ trong nghĩa trang của thị trấn
đều được dân trong vùng đặt bia từ nhà ông Minh.
Thời trẻ, ông Minh sống với một người anh trai trên phần đất của cha mẹ để lại.
Không biết có phải vì bụi đá và công việc nặng nhọc hay do cuộc sống quá khổ mà
sau một thời gian dài bệnh nặng, người anh trai của ông Minh qua đời. Còn lại một
mình, người trong thị trấn thấy ông Minh lặng lẽ sống bên những hòn đá tảng dựng
đầy vách nhà. Rồi một lần sau chuyến ông theo ghe bán đá ở thượng nguồn sông
Thoại, người ta lại thấy ông dắt về một người đàn bà mặt hoa, da phấn, dáng vẻ
Tác giả: Thanh Vân – Sản Xuất & Biên Tập: VOV
Từ khóaThanh Vân truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …