Bài nổi bật

Khi Người Lính Trở Về – Đức Giao

Nghe đọc truyện đêm khuya – Tôi quen Ước qua một anh bạn, quý nó ở cái tính chân thật, thẳng thắn, bộc trực. Quê nó ở Thanh Oai, Hà Tây, nay đã thành Hà Nội rồi. Nó có vẻ tin tôi, những gì tôi nói, đều làm theo. Mấy lần nó mời tôi về thăm quê, nói đúng hơn là mời về uống rượu với những món quê ở trang trại nhà nó. Thêm nữa là gặp, nhờ động viên ông bố nó, một con người gàn gàn như nó kể qua nhiều câu chuyện.
Thằng Ước nghe điện thoại liền ra đón tôi vào trang trại. Nó hỏi anh có muốn đi xem một vòng không hay thích câu cá. Tôi bảo:
– Câu cá thì cũng thích đấy. Nhưng trước hết vào chào ông cụ rồi ngắm nghía công trình của cậu sau.
Ước xua tay:
– Trang trại này không phải của em. Tất cả là do công sức bố em gây dựng từ mấy chục năm nay. Bây giờ em chỉ là người kế nghiệp. Mà bố em ở nhà trong làng cơ. Dạo này cụ ít ra đây vì đang dồn hết thời gian, tâm trí vào một việc mà cụ bảo đấy là việc quan trọng cuối cùng của cụ, đó là hoàn thành bức tượng gỗ.
Tôi ướm lời:
– Hay là ta vào thăm cụ trước.
– Vâng, thế cũng được.
Vào đến cái sân gạch hẹp, chắc đã xây từ lâu, nhiều viên đã vẹt mòn. Ước kêu to:
– Bố ơi, nhà mình có khách.
Không có tiếng trả lời. Tôi đứng tần ngần ngoài sân, còn Ước thì đi vào nhà rồi trở ra, chỉ chỉ vào phía trong, nói nhỏ: “Ông cụ đang trầm tư với pho tượng”, rồi kéo tay tôi vào nhà, qua cửa bên hông, đi ra chái nhà hình như mới làm thêm vì nền đất còn mới. Tôi rụt rè đưa mắt nhìn ông già đang lặng lẽ ngồi trên chiếc chiếu trước pho tượng đang đẽo dở. Xung quanh ông cũng có vài ba pho nữa, cái to, cái nhỏ, cái đã rõ đường nét, cái đang dở dang ở dạng hình khối. Trước mặt ông là một đống chàng, đục, dùi cui đủ cỡ, nhiều chiếc còn bóng nước thép.
 
Ước xuống bếp đun nước pha chè. Tôi định quay đi theo Ước để ông tiếp tục dòng suy nghĩ của mình thì bất chợt ông ngẩng lên nhìn tôi với cặp mắt của người như từ cõi khác trở về. Tôi khẽ khàng ngồi xuống bên ông:
– Cháu chào bác ạ.
Ông già gật gật đầu rồi xoay mặt trước của bức tượng cạnh ông về phía tôi nhưng không nói gì.
Tôi đã nghe thằng Ước kể, làng này có nghề chạm khắc gỗ. Bản thân ông bố, tức là ông già đang ngồi đây cũng được truyền nghề từ nhỏ cho đến trước khi đi bộ đội, nhưng khi phục viên quay về làng thì không theo nghề này nữa, mặc dù nghề này đang phất lên từ hơn chục năm nay. Năm 1973 ở tuổi hai mươi lăm, khi ông về làng, đất của hợp tác xã chưa có người làm còn nhiều. Đi hết một vòng chào bà con trong làng, khi mọi người buổi tối đến trò chuyện, hỏi thăm đã vãn, ông xin hợp tác xã cấp cho khu năn lác ở giữa đồng, dựng lều làm vườn. Tuy vốn là con nhà nông nhưng chưa biết nhiều về nông nghiệp, ông đến nhà các bậc lão nông tri điền học hỏi kinh nghiệm, lần mua sách dạy cách trồng cây, nuôi gia súc, tìm lên huyện nhờ cán bộ nông nghiệp hướng dẫn xây dựng mô hình vườn ao chuồng. Không có vốn, ông tự mình ngày qua ngày làm hầu hết mọi việc. Lâu lâu có bạn bè, bà con đến giúp làm những việc lớn như đào ao, vật nền làm nhà, tôn vườn. Làm hết buổi thì về, bữa nào lo được thì có rổ khoai, rổ sắn, nồi nước chè xanh. Sau này khi vườn có nguồn thu, ông tích góp tiền trả công cho người đến làm hoặc lo cho họ bữa trưa, bữa tối. Khi về mỗi người còn có quả bòng, nải chuối, túi khoai sọ, con cá xách tay.
Đến giờ thì khu vườn của ông đã trở thành trang trại. Cây ăn quả có người đặt mua khi mới đơm hoa. Cá dưới ao có người đặt tiền, tự thuê máy bơm đến tát, thuê người đến bắt, chở đi đổ cho các chợ đầu mối. Vịt, gà, ngỗng hàng trăm con. Lợn và cả chó có hàng đàn. Đã đến lúc ông nhàn. Cả làng khâm phục. Hội Cựu chiến binh bầu ông làm Chi hội trưởng. Người làm trong trang trại của ông chủ yếu là người nghèo và những người đã từng đi bộ đội. Có người còn khuyên ông đặt tên, treo biển cho trang trại của ông là “Trang trại Cựu chiến binh” hay là “Trang trại từ thiện”. Ông cười: khi nào ông chết, ông sẽ di chúc lại cho thằng Ước làm điều này, với điều kiện hàng năm trích mấy chục phần trăm số tiền thu được để giúp cho các cựu chiến binh và quỹ từ thiện của xã. Hơn năm mươi thằng trai làng đi bộ đội chống Mỹ, lớp trước lớp sau. Hơn hai chục thằng trở về, thằng nguyên vẹn, thằng thương binh. Ốm đau, bệnh tật, bây giờ chỉ còn non mười thằng còn gặp được nhau, còn uống được rượu. Ấy là có lần Ước kể với tôi như thế.
Ông già lại xoay bức tượng về phía mình:
– Anh ạ, cậu này hy sinh nhưng tay vẫn ôm ghì khẩu súng. Nó thuận tay trái. Anh có thấy bàn tay trái của nó làm gì không? Cậu ấy đang ôm lấy vết thương ở ngực với bức thư của người yêu trong tay. Anh xem, tôi đã phá tốn bao nhiêu gỗ mới nảy ra ý để đẽo khắc thành bức này.
Ông bảo: sau bao nhiêu năm hòa bình mà bây giờ nhiều đêm ông vẫn giật mình chồm dậy vì nghe tiếng súng xé tai, thỉnh thoảng những người bạn đã hy sinh vẫn trở về lay ông dậy.
Ngày đi bộ đội, sau thời gian huấn luyện, chỉ huy thấy ông có lý lịch trong sạch, đã học hết lớp 9, chữ đẹp bèn rút lên làm trợ lý quân lực của Trung đoàn, theo dõi tình hình quân số, bộ đội đến, bộ đội đi, nói tóm lại là ghi chép, tham mưu về lực lượng chiến đấu của bộ đội. Ngày ấy, đơn vị đang chiến đấu ở chiến trường ác liệt Quảng Trị. Bộ đội hy sinh, bổ sung hàng ngày. Có đêm bộ đội được bàn giao, phiên vào các đơn vị, lập tức hành quân vào mặt trận, chưa kịp bổ sung vào Sổ quân số, sáng ra đã ghi vào Sổ tử sỹ. Nhiều khi chỉ huy không kịp biết mặt, không kịp nhớ hết tên chiến sỹ mới. Nhiều lần chôn cất tử sỹ được đưa về tuyến sau, được giao nhiệm vụ ghi chép, lưu giữ các kỷ vật của liệt sỹ, ông cứ nghĩ, sao đời người ngắn ngủi thế. Cứ tưởng họ vừa xuất hiện ở cõi đời này đầu đêm qua mà sáng ra đã vĩnh viễn về thế giới khác rồi. Thoắt đến, thoắt đi như tia chớp trong đêm. Miền trung ngày hè thường có sấm chớp. Ông bảo mỗi lần mưa rào, sấm chớp, ông cứ nghĩ linh hồn các liệt sỹ vừa ngã xuống đang gầm thét, rạch trời đòi xé toang những đám mây đen để siêu thoát.
Nói đến đây, mắt ông ánh lên:
– Phải khắc thật kỹ ánh mắt của nó ngước nhìn lên trời như đang chờ mưa dông, sấm chớp. Nó là thằng người làng này anh ạ. Đi bộ đội năm 1968, sau tôi gần một năm, hy sinh năm 1972 ở Quảng Trị. Chính tay tôi đã chôn cất nó.
Ông vồ lấy chiếc đục lưỡi nhỏ như ngòi bút, vừa nhẹ nhàng đưa tay mài, vừa rỉ rả kể như cho mình nghe:
– Ngày tôi nhập ngũ, tôi thầm hứa hẹn với một người con gái cũng ở làng này. Cô ấy tên là Sáng. Chỉ là hứa thầm sẽ yêu nhau, sẽ chờ nhau cho đến ngày tôi về vì lên đường quá vội, không kịp thưa với hai gia đình. Tôi vào chiến trường, làm cán bộ quân lực như anh biết đấy. Khoảng một năm sau, trong một đêm đón quân bổ sung, tôi gặp Tài là hình mẫu cho bức tượng này đây. Cậu ấy kém tôi khoảng vài ba tuổi. Tôi đoán thế vì hồi ở làng, tôi có loáng thoáng biết cậu ấy qua vài trò chơi trẻ con. Hôm bàn giao quân vào mặt trận, cậu ấy nhận ra tôi. Hai đứa kéo nhau ra bờ suối ngồi suốt đêm, nghe cậu ấy kể chuyện quê nhà, chuyện về mối tình trước khi lên đường nhập ngũ. Rằng mẹ cậu ta đã sắp cơi giầu sang nhà cô Sáng, xin cho hai gia đình đi lại khi cậu ấy vào chiến trường. Bố của Tài cũng là bộ đội kỳ cựu, đang đi sâu vào phía trong Nam. Ngồi nghe Tài nói chuyện bên con suối róc rách chảy mà lòng tôi rũ rượi. Sao lại như thế nhỉ. Sáng đã hẹn tôi ngày trở về cơ mà. Hèn nào có đến gần nữa năm tôi không có thư của Sáng.
Khoảng một tháng sau khi tôi gặp Tài, tôi nhận được thư Sáng. Cho đến bây giờ tôi còn nhớ từng chữ, từng câu: “ Anh ạ, hôm vừa rồi, trước khi anh Tài nhập ngũ, nhà anh Tài sang nhà em dạm ngõ. Mấy hôm trước, khi mẹ bảo nhà anh Tài có ý thế, em đã khóc mấy ngày, thưa với mẹ là em đã nhận lời với anh rồi nhưng mẹ bảo: hai đứa hẹn với nhau nhưng xóm giềng không biết. Đi giết giặc thì ai cũng đáng mặt trai. Nhà anh Tài đã có nhời mà mẹ từ chối thì có tội với làng nước, xóm giềng, bà con. Anh ạ, em thương mẹ em lắm. Bố em mất từ khi em còn nhỏ. Mẹ ở vậy nuôi em. Vì vậy, em đành coi như phụ anh, tuy rằng vẫn yêu anh. Anh đừng trách mắng em nhé. Biết khi nào các anh trở về”.
Sau đêm ngồi với nhau bên bờ suối, Tài đi vào chiến trường. Tôi không viết thư cho Sáng nữa. Vẫn còn nhớ nhung pha lẫn đôi chút giận. Nhưng sâu xa hơn, tôi không nỡ giành tình yêu với Tài khi nó đang đi vào chiến trường ác liệt. Quân ra, quân vào, tôi vẫn hỏi tin Tài, vẫn biết trai làng mình chiến đấu anh dũng, nhiều lần lập công. Tôi nghĩ, có thấm tháp gì đâu tình yêu riêng tư so với cái chết lúc nào cũng rình rập. Chưa kể lúc xung phong, bám trụ trước làn đạn như mưa, những lúc hành quân bị bom rải thảm mà còn mìn cài, pháo lạc, bị phục kích lúc đi lấy gạo, chuyển thương binh. Cũng có khi tôi tự hỏi, nếu tôi và Tài còn sống sót, cùng về làng thì Sáng sẽ ra sao, tôi sẽ làm gì, Tài sẽ thế nào cho phải phép, cho xứng đáng với những ngày tháng ở chiến trường, cho xứng đáng với những đồng đội đã nằm xuống. Nhưng thú thật với anh, cứ mỗi lần ghi danh sách bộ đội vào mặt trận, ghi tên những người hy sinh, tôi lại thấy tất cả mọi thứ đều không đáng gì, thậm chí vô nghĩa.
Cùng thời gian ấy, ở Trung đoàn bộ tôi có một thằng bạn thân anh ạ. Cậu này tên Vọng, người Hải Phòng. Nó đã học xong cấp ba trước khi vào bộ đội. Đồng đội cùng quê kể chuyện, Vọng học giỏi nổi tiếng. Nó có tài, biết chơi đàn ghi ta, biết hát, viết nhạc, làm thơ ca hò vè cho Đội văn nghệ của Trung đoàn, thỉnh thoảng còn viết bài gửi đăng trên báo của Mặt trận. Nếu không vì chiến tranh, được học hành, chắc cậu ấy cũng làm được cái gì đó nổi tiếng. Mến phục tài của nó, khi có ấm chè ngon, điếu thuốc lá thơm chỉ huy cho, tôi gọi nó cùng uống, cùng hút. Nhưng có một lần chỉ huy giao nhiệm vụ có ý kiến về việc Mặt trận rút nó lên làm báo, làm văn nghệ, tôi xem lý lịch của cậu ấy, không thấy có gì nghi ngại. Nhưng cứ phân vân, sao người có tài như thế mà không đi đại học. Trò chuyện qua những đồng đội cùng quê với Vọng, tôi nắm được thông tin Vọng có một ông bác chạy vào Nam năm 1954 khi quân Pháp rút khỏi Hải Phòng. Phần nữa cũng vì tư tưởng hẹp hòi nên xã không cho đi đại học, cũng không cho đi thoát ly, kể cả đi bộ đội. Sau mấy lần viết đơn tình nguyện bằng máu, trực tiếp gặp chỉ huy tuyển quân, nguyện vọng của nó mới được chấp nhận. Sau khi nghe tôi báo cáo việc này, chỉ huy dừng việc gọi Vọng lên Tòa soạn báo của Mặt trận. Không biết Vọng có biết việc này không, có lẽ không, vì rất bí mật nhưng sau đó nó viết đơn bằng máu xin không ở Tuyên huấn Trung đoàn nữa mà xuống đơn vị chiến đấu. Tôi gặp nó, bảo: mày mới huấn luyện được hai mươi ngày thì Trung đoàn rút lên làm văn nghệ cho đến giờ. Đạn thật chưa bắn viên nào, lăn lê bò toài còn chưa rành, làm sao đánh nhau được. Thôi, ở lại đây cùng tao cho vui. Nhưng nó không chịu. Nó bảo tôi: mày mà không đề xuất cho tao đi thì tao lên gặp trực tiếp Trung đoàn trưởng. Lại bảo: ra ngoài đó mới có thực tế để viết. Hai tháng sau, tôi phải ghi tên nó vào danh sách liệt sỹ anh ạ. Anh thấy không, chiến tranh thật khốc liệt không chỉ là bom rơi, đạn nổ. Thời bình như bây giờ thi chuyện nhà cậu ấy có đáng gì. Nhưng trong chiến tranh thì lại là chuyện lớn. Giá như lúc khác, tôi không phải báo cáo việc Vọng có ông bác vào Nam thì chắc nó được lên làm báo của Mặt trận. Có lẽ nó không hy sinh, sau này sẽ thành nhà văn lớn.
Tôi buột miệng động viên ông:
– Con người ta sống chết có số bác ạ.
Ông quắc mắt quay sang nhìn tôi:
– Số má gì mà mỗi trận vài chục, vài trăm người trai trẻ ngã xuống. Một người, vài người thì nói là do số. Mấy triệu con người mất mạng mà nói là tại số à?
Tôi sợ ông giận vì câu nói rất vô duyên của mình nhưng rất may ông khoát tay làm ra vẻ không thèm chấp. Mấy cái chàng, đục đã được mài sáng loáng. Ông xoay bức tượng đặt trước mặt rồi vật xuống, dạng đùi dùng hai bàn chân kẹp chặt thân tượng, tay cầm cái đục nhỏ như cái bút, tay kia cầm cái dùi cui bé bằng cán dao, bắt đầu khắc đôi mắt của người lính mà như ông nói là đang chờ mưa dông, sấm chớp. Hai hàm răng ông như nghiến lại. Tôi chợt nhìn thấy chân trái của ông bị mất nửa bàn chân.
Định hỏi: bác là thương binh à nhưng thấy không tiện vì ông đang gò lưng, căng mắt tỉa từng mẩu gỗ để trổ đôi mắt tượng. Mồ hôi lấm tấm trên vầng trán cao rộng của ông. Lúc đó Ước mang trà lên:
– Con mời bố và anh xơi nước.
Ông già ngừng tay:
– Tôi xin lỗi. Anh đến chơi mà mải việc nên để anh phải chờ. Tôi phải tranh thủ làm cho xong việc này anh ạ. Mai rồi tay run, mắt kém, lưng đau thì chẳng làm được trò trống gì.
Tôi hỏi:
– Bác định khắc xong bức tượng này thì mất bao lâu?
Ông lắc đầu:
– Không biết được, nhưng quyết phải xong.
Tôi lại hỏi một câu vô duyên nữa:
– Xong bức tượng này bác định để ở đâu. Hay tặng cho bảo tàng Quân đội ở Cột cờ?
Tự nhiên ông như ngẩn người, chăm chăm nhìn tôi:
– Để đâu à? Tôi không nghĩ đến chuyện đó. Tôi làm việc này không phải là vì để nó ở đâu.
Tôi chỉ vào bàn chân cụt của ông, hỏi:
– Bác là thương binh hạng mấy?
Khi ông đang ngần ngừ thì Ước nhanh nhảu:
– Bố em là thương binh không hạng. Đấy cũng là việc mà em định nhờ anh nói chuyện với bố em.
Quay sang ông bố, Ước nói với giọng van nài:
– Con lấy ống hồ sơ của bố cho anh ấy xem nhé.
Không thấy bố nó gì, Ước chạy vào gian giữa căn nhà nơi có bàn thờ, châm ba nén hương cắm lên ba bát nhang, vái ba vái rồi với tay lấy xuống chiếc ống tre được tiện rất kỹ, mở nắp, lôi ra mọi loại giấy tờ. Đầu tiên là giấy chứng thương.
– Anh ạ. Tôi quyết định theo thằng Tài, thằng Vọng vào chiến trường chiến đấu sau khi chôn cất chúng nó. Thằng Tài hy sinh mà thi thể lành lặn, chắc bị bom dập. Trong túi áo nó có bức thư của cô Sáng mà đến giờ tôi còn giữ, không dám giao lại cho ai. Bức thư mà nó đang cầm trong tay, ấp lên ngực như ở bức tượng này đấy.
Ông cầm lấy ống tre từ tay Ước, run run rút ra bức thư đã ố vàng rồi lặng lẽ đưa cho tôi. Bức thư vẻn vẹn có mấy chữ: “Anh đã gặp bố chưa? Cả nhà vẫn khỏe anh ạ. Chúc các anh mau chiến thắng trở về”.
– Tôi đã tìm thấy bức thư này trong túi ngực của Tài. Bức thư nhàu nát. Chắc Tài đọc nó nhiều lần.
Nhẩn nha với chén trà, ông kể: tôi bị cụt bàn chân này khi tham gia trận đánh diệt xe tăng. Xe tăng Mỹ ém ra ngoài căn cứ, đào hào chui xuống chuẩn bị cho trận tấn công bất ngờ để tiêu diệt bộ đội ta vào sáng ngày hôm sau. Trinh sát ta nắm được. Độ nửa đêm, Trung đoàn ra lệnh cho mấy chục tay súng B40, B41 bí mật, bất ngờ áp sát, bắn thẳng vào những chiếc xe tăng đang ẩn náu. Bắn xong cơ số đạn thì khẩn trương rút vì bom pháo. Trên đường quay về, chẳng biết mảnh bom hay mảnh pháo cắt phăng mất một nửa bàn chân trong khi đang chạy. Khi vào quân y viện, được chỉ huy đến thăm, đọc quyết định kết nạp Đảng tại trận vì đã lập thành tích bắn cháy hai xe tăng. Chỉ công bố miệng, quyết định được thảo bằng tay, bảo quyết định chính thức sẽ trao sau.
Ước chen vào:
– Mãi đến năm 1980 do làm kinh tế giỏi, bố em mới được kết nạp Đảng lần hai. Chuyện kếp nạp Đảng tại Mặt trận cũng dấu biệt, chẳng nói với ai anh ạ. Anh xem, bố em có kỳ cục không?.
Ông già chẳng phản ứng gì, đưa tay xoa cằm lởm chởm râu rồi kể tiếp:
– Vết thương tạm lành, cầm giấy chứng thương, với bức thư của Sáng gửi cho Tài, tôi theo đoàn thương binh ra Bắc, cũng không kịp hỏi xin quyết định kết nạp Đảng vì cho rằng như thế cũng là một sự đòi hỏi không đáng làm. Như thằng Vọng, thằng Tài và bao nhiêu người nữa nằm xuống vĩnh viễn mà có yêu cầu, đòi hỏi gì đâu.
Khi tôi về làng năm 1973 thì không thấy cô Sáng đến thăm. Khi đó Tài chưa được báo tử. Mẹ của Tài đến hỏi thăm tin tức về Tài. Tôi không dám nói thật anh ạ, mặc dù tự tay mình chôn cất Tài. Bây giờ nghĩ lại không hiểu tại sao lúc ấy mình làm như thế. Có lẽ do thương Tài, thương Sáng. Cũng có lẽ do không nỡ mở miệng nói ra cái tin chẳng có gì tốt lành là người chồng chưa cưới của cô, người con của bà sẽ không bao giờ trở về. Sau này cũng có lúc tôi nảy ra ý định cưới Sáng, mong được san sẻ, bù đắp cho Sáng vì những mất mát do chiến tranh, cũng là thay thằng Tài làm việc ấy, nhưng sau mấy đêm suy nghĩ, tôi quyết định không bao giờ được phép vì nếu Tài còn sống, tôi và cậu ấy sẽ nói chuyện sòng phẳng với nhau về Sáng. Bây giờ Tài không còn, tôi không nỡ làm một việc mà không hỏi được ý của cậu ấy. Anh thấy thế có cực đoan, có vô trách nhiệm với Tài, với Sáng không? Bao nhiêu năm tôi cứ bị dằn vặt vì câu hỏi này. Còn Sáng, chắc cô ấy nghĩ, cô ấy có lỗi với tôi, có lỗi cả với Tài nên thường tránh mặt tôi. Nhiều lần tôi thấy cô ấy từ xa, nhưng khi nhận ra tôi, cô ấy lại tìm lối rẽ. Tuy nhiên, tôi cũng được an ủi phần nào vì ba đứa con của cô ấy đều làm trong trang trại của tôi, tôi được bảo ban, giúp đỡ. Thằng út thi đỗ đại học, thỉnh thoảng tôi nhờ thằng anh gửi cho ít tiền. Nghe kể nó học giỏi, sắp tới được học bổng đi học tiếp ở nước ngoài.
Nghe đến đây, Ước bảo:
– Thôi chuyện qua đã lâu, người hy sinh cũng đã mồ yên mả đẹp. Cô Sáng đã đưa hài cốt chú Tài về Nghĩa trang liệt sỹ của xã. Gia đình cô ấy cũng yên ấm. Bố cũng chẳng nên dằn vặt nữa. Bây giờ còn chuyện làm Sổ thương binh, bố quyết đi. Không phải là chuyện tiền nong, chế độ mà là niềm tự hào của chúng con, của dòng họ đấy.
Quay sang tôi, Ước bảo:
– Từ ngày phục viên, bố em không chịu làm thủ tục để hưởng chế độ thương binh anh ạ. Em hỏi các anh trên Phòng Lao động thương binh xã hội, họ bảo với giấy tờ như bố em có thì bây giờ làm sổ vẫn được.
Ông nhấp thêm ngụm trà, thong thả nói:
– Chiến tranh ác liệt, mất mát như thế, mình còn được sống sót cho đến bây giờ là một phần thưởng to lớn mà bao nhiêu người nằm xuống không có được. Đòi hỏi làm gì? Việc gì tự lo được thì cố mà làm, đòi hỏi làm gì, phải không anh?
Nói đến đây, ông chìa bàn tay trái của mình cho tôi xem. Hóa ra ngón tay trỏ của ông bị cụt. Tôi nghĩ mình lại được nghe một chiến tích nữa của ông. Nhưng ông bảo:
– Anh biết không, ngày mới phục viên tôi đi khắp các con phố Hà Nội để kiếm việc. Được nhận vào cửa hàng bán gà cúng ở phố Hàng Hành. Gà cúng thì phải mổ moi. Mình mới tập việc, chưa quen, làm nát hết gà của chủ, mấy lần bị quát: “Lính tráng gì mà mổ con gà cũng không xong”. Một lần, không chịu nổi, sẵn con dao trong tay, tôi kê ngón tay này lên thớt làm một nhát, rồi từ đó bỏ việc về gây dựng trang trại của mình.
Tôi và Ước lặng đi. Nó nói thầm vào tai tôi: “Chuyện này bây giờ em mới biết. Mấy lần hỏi, bố em cứ lảng đi”.
Ông già quay về trầm ngâm bên bức tượng. Một lát, ông bảo:
– Bố sẽ đặt tên cho bức tượng này là “Hy sinh”.
Tác giả: Đức Giao – Thực hiện: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *