Bài nổi bật

Mùa mộng mơ – Diệu Ái

Nghe đọc truyện đêm khuya – Ngỡ rằng chuyện tình yêu tuổi hoa niên là đắm say mơ mộng, là lãng mạn hẹn hò nhưng đằng sau chuyện ba người ấy, sâu thẳm bên trong là nỗi đắng cay xa xót về phận người, thân phận của những người đàn bà bất hạnh. Điểm sáng của truyện là lòng bao dung độ lượng, tình thương và lòng nhân ái vô bờ,hướng về ánh sáng và niềm tin để cuộc sống này tươi đẹp và ý nghĩa…

Em ngồi bó gối trước thềm, ngắm đoàn tàu đang chạy xa xa rồi mất hút phía chân núi, miệng lẩm bẩm một bài thơ nào đó trong vô thức. Cái dáng ngồi cong cong hình dấu hỏi ấy qua bao năm vẫn vậy. Chỗ hạt gạo bên khóe miệng lúc ẩn lúc hiện, lúc sâu lúc nhạt. Tôi đứng tần ngần ngó trân trối em như ngó cái nỗi đau tưởng như đã tan đi từ lâu lắm rồi, mà thực ra vẫn vẹn nguyên chưa từng hao hụt.
Mùa mộng mơ – Diệu Ái
Bất ngờ em quay qua, lay lấy vai tôi:
– “Chị ơi, hoa nở rồi, hoa nở rồi!”
Hai chị em lật đật lại gần, ngước mặt tìm trong tán cây một bông hoa bé nhỏ, loài hoa xa lạ mà gần gũi kia rốt cuộc cũng chịu nở bông sau những ngày im lìm, mặc người ta chờ đợi bao năm bao tháng nên mòn hết hồ hởi. Hóa ra, bông của nó cũng hồng hồng nhạt nhạt quen thuộc quá chừng. Cũng nở sau một đêm đã thành nụ. Và chóng tàn khi cơn gió ghé qua.
– “Một, hai, ba, bốn….năm. Nó có năm cánh chị nghe, mà hình như lát nữa nó sẽ đổi màu.”
-“Sao em biết?”
-“Anh Tùng nói với em.”
Họ nói với nhau những lời đó lúc nào mà sao tôi chẳng hay. Tôi ghét nhất là khi trong câu chuyện của hai người không tôi, trong kỷ niệm của hai người không có tôi.
Ờ, thì nở rồi. Ờ thì rốt cuộc cũng đơm hoa. Nhưng sao lại nở vào lúc này, hoa ở đó nhưng người đâu còn là người của ngày xưa cũ, phải không em?
*
* *
Tùng cầm một cây con trơ vài ba chiếc lá mỏng héo queo héo quắt qua nhà tôi. Cậu cúi xuống, nheo mắt hỏi em muốn trồng ở góc nào, bên cây vú sữa, cạnh giàn bông giấy hay là tít sau vườn luôn. Lúc em đang phân vân thì tôi đã nhanh nhảu lấy cuốc chạy ra chỉ trỏ chỗ này đất xốp hơn, chỗ kia đất cứng lắm. Tùng nhìn sang em rồi gật đầu. Ba đứa hì hụi một lúc cũng trồng xong cái cây lạ hoắc. Cậu con trai đưa bàn tay vỗ lên thớ đất vừa đắp rồi mân mê mấy chiếc lá nhỏ:
-“ Cây này chú Tùng gửi bên kia về, được lai từ ba bốn giống hoa nên tên tiếng Tây dài ngoằng, mình đặt lại tên cho nó đi.”
Em giong tay hớn hở:
-“Để em đặt, em đặt cho! Tên nó là Mộng Mơ đi nhé!”
Tôi và Tùng bấm tay nhau để khỏi bật cười trước cái tên sến rện đó.

Thực tình, cả ba đứa đã trông đợi trên những tán cây ấy từ năm này qua năm khác. Mỗi người chờ đợi với một cảm xúc khác nhau, kẻ mòn mỏi, kẻ hy vọng và người thì tuyệt vọng. Bên tai tôi còn văng vẳng câu nói mình nghe hôm đứng sau lùm bông giấy, bước chân tôi nhẹ nên hai người ấy chẳng nghe. Tùng nhìn tha thiết người con gái có nụ cười lấp lánh hạt gạo bên khóe miệng rồi nói thầm thì:
“Chừng nào hoa nở, anh sẽ nói em nghe một điều đặc biệt.”
Tính ra tôi hơn Tùng một tuổi nhưng chúng tôi lại học cùng lớp. Lên cấp ba hai đứa ở trọ trên phố, chỉ cuối tuần mới về thăm nhà. Nhà sát nhau nên Tùng thường đèo tôi về trên chiếc xe đạp cọc cạch của cậu. Chiều chủ nhật lại ghé qua đón tôi lên. Bờ vai ấy, rõ ràng tôi gần gụi hơn em nhiều lắm. Tôi nhớ vẻ mặt hớn hở vui mừng của em khi chúng tôi dừng xe ngoài ngõ. Và vẻ mặt đìu hiu lấp ló bên hàng chè tàu đợi bóng hai đứa tôi đi khuất. Chốc nữa, em sẽ loanh quanh bên giàn bông giấy chăm chút cái cây nhỏ, chăm chút cả điều đặc biệt mà chưa ai dám mở lời. Tùng thường gật đầu ngay mỗi khi tôi bảo “hay là mình chạy lui chơi với em thêm chút xíu nữa.”
Những ngày hè yên ả, chúng tôi có thời gian ngồi bên nhau nhiều hơn. Em rộn ràng xáo động, tôi và Tùng lặng lẽ cạnh bên. Tùng ngồi chếch mé, ngẩn ngơ ngắm em và đôi lúc góp vào câu chuyện vài nụ cười hiền. Tôi lẳng lặng nhìn nụ cười của người con trai kia rồi ôm ấp trong lòng bằng nhiều mộng tưởng. Em hướng mắt mình ra xa, chỉ phía chân trời đoàn tàu đang chuyển động, hoàng hôn êm đềm rớt những tia nắng cuối ngày. Tùng chỉ nói với tôi về việc gia đình sẽ chuyển sang định cư ở bên kia sau khi chúng tôi tốt nghiệp. Em chẳng hay biết điều gì, cái điều quan trọng kia Tùng đã san sẻ cùng tôi kia mà.
Nhiều lần lắm, tôi ao ước giá mình có được nửa mộng mơ như em, nửa yêu đời chẳng chút đắn đo, nửa hồn nhiên chẳng lấm lem toan tính bụi trần. Mặc những hằn học của bà nội, mặc sự xa cách của ba, mặc cái vẻ chẳng thương chẳng ghét của mẹ, em buồn rười rượi qua ánh mắt héo hắt đâu đó rồi thôi, rồi lại thắp niềm vui lên một cách chóng vánh. Nên khi thấy mình tròng trành vì ánh mắt của Tùng hướng về em trong khi em hồn nhiên vô tư quá đỗi, tôi nghĩ, mình đã nhường cho em quá nhiều. Cả bầu sữa mẹ lẽ ra thuộc riêng mình. Nên Tùng hẳn sẽ là của tôi, riêng tôi mà thôi.
Mùa mộng mơ – Diệu Ái
Dưới giàn bông giấy trước nhà là chiếc xích đu nhỏ mà ba đã làm cho hai chị em tôi từ lúc bé. Chúng tôi lớn lên, giàn bông giấy tỏa bóng rộng thêm, chiếc xích đu chật chội không đủ chỗ cho cả ba người nên Tùng thường kê ghế đẩu ngồi bên cạnh. Đôi lần, tôi phải chạnh chọe để giành lại chỗ mỗi khi Tùng qua ngồi trước cùng em trên chiếc xích đu nhỏ. Ba đứa tỉ tê biết bao chuyện trên đời. Tùng và tôi thường lắng nghe nhiều hơn. Giọng em trong trẻo kể hết chuyện trường chuyện lớp, đến chuyện sớm nay thấy con chim sẻ đậu trên cây bưởi nhà mình, rồi lúc nãy đám mây bồng bềnh ở trước có hình con cá, đám trôi chầm chậm phía sau là hình bông hoa. Tùng bảo nếu chấm điểm cho trí tưởng tượng của em, anh sẽ chấm điểm mười giỏi, còn tôi chỉ đạt điểm khá. Quả thật, em là cô bé giàu mơ mộng. Em có thể ngồi hàng giờ bên chậu xương rồng như thể để đếm xem có bao nhiêu chiếc gai xung quanh loài cây bé nhỏ ấy. Em tha thẩn ngoài vườn với bầy gà con tao tác, em vạch chiếc lá bắt ra từng chú sâu nhỏ. Em gom hoa bưởi xâu thành chuỗi đội trên đầu. Em thuộc lòng giờ giấc những chuyến tàu chạy chầm chậm qua cánh đồng mỗi ngày. Em đếm từng mầm non mới nhú lên, đếm cả những chiếc lá rụng đi từ cái cây chúng tôi trồng nơi góc vườn kia.
Ánh mắt vời vợi của em mãi mãi chẳng bao giờ hiểu tại sao ba chưa bao giờ bênh vực em, chẳng nói những lời thương dịu dàng của người cha với con gái, dù thật tâm ai cũng biết rõ ràng ông yêu em nhiều lắm. Ba thương em nhưng không dám thương một cách công khai vì ánh mắt lạnh lùng của mẹ. Cũng chẳng bao giờ em hiểu tại sao nội cưng chiều tôi bao nhiêu lại khắt khe hằn học với em bấy nhiêu. Mẹ đánh tôi nhiều nhưng chưa bao giờ đánh em, mẹ chẳng yêu ghét rạch ròi dù gương mặt ấy gợi lên những nỗi đau trong lòng bà.
Cho đến trước hôm Tùng đi vài ngày, Tùng nhờ tôi đưa giùm em một lá thư. Tôi ngơ ngác, bàng hoàng. Niềm tuyệt vọng của tôi giống như cái hố sâu hun hút chẳng thấy đáy, dẫu mỗi ngày ngang qua tôi đều ngó nghiêng với ý lấp đầy mà chẳng hay là mình đã đào thêm, đào sâu mãi.
Tùng thấp thỏm đợi tôi dưới giàn bông giấy lúp xúp những lá và hoa, hỏi tôi em có nói gì không, có gửi lại cho cậu con trai đang rầu rĩ kia một bức thư trả lời. Tùng vò đầu bứt tai, vẻ ngại ngùng kia vừa khiến tôi thương không chịu nổi vừa thấy ghét thấu trời. Bao lời có thể dành cho nhau hàng ngày đó, thế mà cái điều quan trọng thì không nói ra, bày đặt thư từ. Vậy nên, không phải là lỗi của tôi đâu nhé, không phải đâu.
Hôm Tùng vẫy tay chào tôi ở sân ga, tôi chẳng thể ngăn giọt nước mắt chực chờ rơi xuống. Tôi nhớ lời nói của mẹ và thấy thương người vô cùng, thấy mình như chạm tới nỗi đồng cảm giữa những người phụ nữ. Mẹ tôi bảo đàn ông luôn lẳng lặng quay ngoắt ra đi sau khi khiến đàn bà đau khổ cùng cực. Hệt như một sớm tỉnh dậy, mẹ quay qua đã thấy ba lạnh ngắt tự lúc nào, chẳng nói chẳng rằng một câu cám ơn hay xin lỗi. Cái con người câm lặng ấy, cách đó mười bảy năm đã bế về trên tay một con bé đỏ hỏn ngậm bàn tay mình mút chùn chụt. Ông quỳ dưới chân mẹ xin tha lỗi, mẹ của nó đã trút hơi thở cuối cùng để sinh nó ra. Mẹ không nói gì nhưng bà nội gào khóc, la mắng ba. Hơn ai hết, nội hiểu nỗi khổ của mẹ, người con dâu tảo tần một mình nuôi mẹ chồng đau yếu, một mình sinh con, chờ chồng mòn mỏi để rồi sau những chuyến công tác dài ngày chưa kịp nhìn đứa con đang ngậm sữa, chồng đã mang cho mẹ một món quà còn chưa khô cuống rốn. Mẹ lẳng lặng chia cái bầu vú mà tôi đang ngậm cho em, chia những miếng thịt trong bát cơm lẽ ra sẽ đầy thịt của tôi. Chia miếng vải sẽ may áo mới cho tôi, chia những con búp bê tóc dài lẽ ra chỉ thuộc về tôi mãi. Để rồi ngơ ngác khi lần đầu nghe em bật môi gọi tiếng mẹ ngọng nghịu, mẹ bật khóc ngon lành. Phải trái tim em bình thường như bao đứa trẻ khác, mẹ đã có thể trút lên những hằn học. Mẹ đỡ em từ tay ba hôm trước, hôm sau đã lật đật bế em vào bệnh viện ở cả tháng trời. Em lớn lên bằng sự nhẫn nhịn bao dung của mẹ nhiều hơn là tình yêu của gia đình.
Bà nội có lần lẩm bẩm “vườn nhà này toàn trồng những cây độc”. Cây bưởi mười mấy năm chỉ cho thứ quả nhỏ như trái cam, đắng chát không ăn được. Đám con nít trong xóm thường hái để làm bóng đá vất vưởng trong sân. Và cả cái cây mộng mơ hão huyền gì của chị em bây, mấy năm rồi chẳng ra hoa kết quả. Bà thở dài mẹ chẳng chịu đẻ thêm thằng con trai, thở dài cả ba mất công kiếm ngoài mà cũng chẳng tìm ra được thằng đái đứng.
Em bị trút lên đầu tất cả những ghét bỏ của bà nội, lòng ghen hờn xa cách của mẹ, nỗi chán chường của ba, sự tị nạnh ích kỷ của tôi. Thế mà chưa bao giờ em thôi vui vẻ, trái tim non yếu ấy hóa ra lại mạnh mẽ giàu có hơn nhiều trái tim bình thường khác. Trong cái đài rọt rẹt của ba, em nghe những bản nhạc xưa cũ rích và thả mình mềm nhũn bên chiếc xích đu những lúc một mình. Đó là lúc tôi nhận ra mình và em rất khác biệt.
Năm mười tám tuổi, tôi đinh ninh rằng người ta sẽ yêu nhau vì những sự giống nhau, vì những sự tương đồng. Ít ra sẽ chẳng lạ lẫm với một cá thể quá khác biệt mình nhiều đến vậy, nên tôi bền bỉ với ý nghĩ rằng Tùng hẳn sẽ chẳng bao giờ yêu em đậm sâu dài lâu gì đó. Có chăng là chút thoảng qua như bông giấy kia không có hương thơm ngoài bóng mát nên đâu khiến ai nhớ nhung vương vấn gì.
Tùng hỏi em có thương mến Tùng bằng tình cảm trai gái, có muốn Tùng đi hay có đợi Tùng nhưng em không trả lời. Em đâu hay mà trả lời. Em vẫn nhìn Tùng bằng đôi mắt hồn nhiên, bằng nụ cười giòn tan lửng lơ “chị với anh Tùng đẹp đôi nhất, anh về sớm mà cưới chị em.” Tôi không đi xa được nơi mình thương nhớ. Còn Tùng thì có thể dù cậu nghẹn giọng rằng không muốn đi nhưng không thể cãi lời. (hoặc là chẳng có điều gì lớn lao hơn để níu kéo).
Tôi nhớ những buổi ba đứa cầm cành cây qua nhà Tùng đi thử mít, trái nào kêu lộp bộp mềm mềm là ăn được. Vườn nhà Tùng toàn mít ướt, chẳng cần dao bổ, mạnh tay tách đôi là quả mít đã mở ra, cứ thế mỗi đứa cầm cái muỗng múc ăn ngon lành. Thứ mít ướt nhẹp ít người thích ăn nhưng ba đứa tôi chẳng chê trái nào. Sau này, khi nhà Tùng bán đi, người ta san phẳng vườn mít. Chị em tôi đứng ngẩn ngơ chưng hửng muốn rớt nước mắt, hệt như hôm ba chặt đi giàn bông giấy để làm sân rộng thêm. Và khi cái giàn bông giấy chỉ còn trong mường tượng, chúng tôi đem bao tình yêu trao cho cái cây mà từ ngày Tùng đi cả hai đã vờ như hờ hững ít nhiều.
Mùa mộng mơ – Diệu Ái
Nơi Tùng ở tuyết phủ trắng xóa đậu lên mái tóc bồng bềnh của cậu. Có góc phố với giàn hoa nhỏ xíu hệt giàn bông giấy của nhà mình ngày xưa. Có lá phong rơi rụng lả tả trong những chiều bàng bạc. Và có cây Mộng Mơ đã nở hoa đúng mùa.
Lúc tôi nhắm mắt dự định sẽ rời đi vĩnh viễn với những lấn bấn trong lòng cùng nắm thuốc trong tay thì mùa hoa vẫn chưa về, nhưng mùa mộng mơ thực sự của em, của Tùng và tôi đã tàn, tàn đến nỗi kẻ cần mẫn lắm ngồi gợi mãi cũng chẳng chút tro nào để lại. Cứ như giàn bông giấy ba chặt trụi lủi đi để làm sân nhà, chỗ gốc cây bị đá vữa đè chồng lên. Dù biết là phía dưới ngổn ngang kia còn đâu đó một gốc cây tội nghiệp nhưng chẳng thể nào thấy, chẳng thể nào chạm vào. Như Tùng qua bấy nhiêu năm đi rồi quay lại mà đâu thuộc về tôi. Tùng chỉ trao gửi cho tôi chút niềm tin ít ỏi, hy vọng lời thương kia sẽ đến được nơi mình cần. Nhưng thứ tôi cần lại nhiều hơn thế.
Trước hôm Tùng về thì nội đi. Nội lần lần bàn tay mềm mại của em rồi bật khóc. Khác với vẻ tỉnh rụi của nội lúc người đổ nước rửa bát vào nồi cháo em vừa nấu, khác với khuôn mặt ngơ ngác thỏ thẻ xin lỗi em như đứa trẻ lúc mỗi sáng em cặm cụi thay đồ rồi vơ chăn màn, áo quần khai nồng từ giường nội đi giặt. Khi tôi và mẹ mệt mỏi đến kiệt sức thì em vẫn dịu dàng dọn vệ sinh cho nội, tất tả đi tìm bát thịt bò nội giấu đâu đó trong tủ quần áo đến bốc mùi nồng nặc. Em bảo từ nay nội biết thương em rồi (mà chẳng bận tâm là người đã lẩn thẩn), em vui quá chừng.
Mẹ lao vào đánh tôi khi bụng tôi vượt mặt, nước mắt rơi lã chã lầm lũi quay về. Em dìu tôi vào phòng dặn dò không được khóc, em bé sẽ buồn lắm. Em từ tốn khuyên nhủ mẹ để mẹ đón nhận mẹ con tôi mà không đay nghiến trừng trừng hỏi thẳng “của thằng nào”. Em cũng không hề hỏi. Em cầm vốc thuốc trên tay tôi vứt vào sọt rác.
“Sau này, những vết thương như tấm áo cũ sẽ có ngày bung chỉ vì năm tháng nhưng rồi cảm giác đau ắt sẽ nguội dần”. Em nói để tôi tin là vậy nhưng hẳn nhiên đâu dễ.
Tùng trở về. Tôi hồ hởi và hình dung chẳng biết sẽ đối mặt thế nào đây. Nét mặt của anh hẳn sẽ bàng hoàng tái nhợt, sẽ tan nát nhàu nhĩ như tờ giấy phẳng phiu bất ngờ bị vo lại. Thì sinh linh tôi từng mang nặng đẻ đau trong người, từng chịu điều tiếng mang giọt máu của Tùng. Bốn năm tôi nuốt nước mắt vì ánh nhìn của người đời là khoảng thời gian Tùng ở đất nước xa xôi kia, nơi có giàn hoa na ná giàn bông giấy nhà mình, nơi có cái cây ngày trước Tùng mang sang trồng đã nở hoa đúng mùa.
Đêm tội tình của nhiều năm trước, trời tối thui và Tùng say. Say rũ rượi lần đầu vì thứ men sóng sánh bạc phếch, vì câu nói buột miệng của tôi rằng em đã có người thương trên phố. Tôi say ánh mắt Tùng. Say cái giàn bông giấy hồng hồng trắng trắng, say cái tấm lưng đẫm mồ hôi chở tôi mỗi buổi đến trường, say ánh mắt sâu thẳm kia. Tùng đổ ập lên tôi cùng những giọt nước mắt nóng hổi mà miệng thầm thì gọi tên em. Bẽ bàng đớn đau, tôi nuốt nước mắt, nuốt tiếc nấc của trinh nguyên con gái trong lòng, chẳng sao tôi đã có được người tôi yêu. (Tôi đã tưởng vậy)
*
* *
Tôi không quen với một em trầm tư của bây giờ. Em bảo thế này em nhàn quá, giá nội còn lụm đụm quanh nhà để em cất công đi dọn thứ này thứ khác. Giá vườn sau nhà mình còn rộng thênh như ngày xưa để em trồng xới nơi này nơi kia. Em làm rơi rớt vùng mộng mơ của mình tự lúc nào. Vào nhiều năm trước khi em thấy tôi dửng dưng hóa tro lá thư mà Tùng gửi cho mình hay bây giờ lúc em bắt gặp ánh mắt mà trái tim yếu ớt của em (dĩ nhiên là của tôi nữa) đã chao đảo trong đôi mắt của cậu trai nhỏ đang ngồi nghịch bên thềm nhà.
Em nói sang với tôi:
“Chị này, mai chị đi đón anh Tùng nghe! Em bận việc rồi.”
Đám mây thôi thành hình thù mà chỉ là từng cụm màu trắng bồng bềnh trên nền trời xám xịt. Có vẻ như sắp mưa, mưa mùa này dai dẳng lắm, cánh đồng ướt nhẹp. Xa xa đoàn tàu chạy trong màn mưa hệt như ảo ảnh. Tôi biết ngày mai em đã xin nghỉ, lá đơn em xin chuyển lên dạy vùng cao đã gửi đi hôm trước rồi. Con người ấy, em đã chờ, cả tôi cũng đã chờ, chờ như chờ một mùa hoa không báo trước mòn mỏi tuyệt vọng.
Em lại mở khúc nhạc quen của cô ca sĩ nay đã già vẫn thê lương câu hát rười rượi của một điệu cũ rích từ năm tháng này qua tháng năm khác “một vết thương thôi, riêng cho một người”…
Tác giả: Diệu Ái – Thực hiện: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *