Truyện đêm khuya: Tục dâng cơm mới cúng tổ tiên tưởng như chỉ là truyền thống của một gia đình, một vùng đất lại ẩn chứa câu chuyện ám ảnh, đau lòng. Có lẽ điều mà tác giả muốn nói ở đây không chỉ là sự linh ứng của một lời nguyền. Nó khác xa với bức tranh bề mặt trù phú, no ấm đầy đơn điệu của nông thôn đổi mới trong sáng tác của nhiều cây bút đương thời
TTCT – Bà cụ Nhị lần nào ăn cơm mới cũng khóc, nước mắt cứ rỉ ra khóe mắt, chảy chầm chậm xuống khuôn mặt nhăn nheo. Ăn hết bát cơm, bao giờ bà cũng úp cái bát không vào mặt, chắt nốt những giọt nước mắt hiếm hoi cuối cùng của người già vào đấy cùng những lời than vãn nghẹn ngào không thành tiếng.
Hiệp thợ đã về hết. Bóng đêm phủ dần xuống từ đỉnh đống rơm đầu ngõ, tướp ra những sợi tối dài ngắn lòng thòng. Hạo quay vào nhà, quát một giọng trầm gọn:
– Khêu cái đèn lên!
Ngọn bấc được nhấc cao, lửa đỏ lem lém cháy, tỏa một quầng sáng đùng đục trong gian nhà giữa. Hạo lẳng lặng đi ra bờ giếng, múc từng gàu nước lên xối thẳng từ trên đầu xuống. Những cơ bắp cứng đanh trên thân hình quánh lại như một gốc tre đực mềm đi trong dòng nước mát lạnh loang loáng sáng.
Hạo mở to mắt, nhìn xuyên qua bóng tối mỗi lúc một buông xuống dày kín mảnh vườn con ngăn giữa căn nhà ba gian bên này và ngôi nhà thờ tổ bên kia hàng rào gạch tàu đỏ sẫm. Nước giếng lạnh làm dịu dần những căng cứng nhức mỏi của cơ bắp một ngày quần quật, làm chùng xuống những giằng chéo đan díu rối bời trong ý nghĩ. Hạo như hồi tỉnh.
Cơm Mới – Tác giả: Vân Phan Veronica
Tiếng mâm bát khua nhè nhẹ và mùi canh cá ngòn ngọt tỏa ra trên bậc hè kéo con Vện lân la. Nó dừng cách bậc thềm vài sải chân, nằm xệp bụng xuống mặt sân gạch vẫn còn hâm hấp hơi nóng của một buổi ngày oi ả, gác mõm lên chân trước nhìn chủ.
Hạo mặc độc chiếc quần, thân trên ướt đẫm, nước nhỏ xuống sau mỗi bước chân nặng nề tiến lại.
– Ngày mai, sang bên cụ Sần mượn lấy dăm cái đòn kê. Hỏi xem bên ấy còn giữ được bao nhiêu cái khuôn gạch mộc, đủ thì hỏi mượn luôn dăm hôm. Của nhà không biết giữ, không cất gác cho cẩn thận, mục sạch từ hồi nào, cả ngày giời mất công sửa chữa mà không được.
– Vâng, để mai em đi sớm ạ.
Tiếng Thỏa – vợ Hạo – se sẽ cất lên nhẫn nhục. Hai đứa trẻ sàn sàn 7-8 tuổi ngồi cạnh nhau im thin thít chờ mẹ đơm cơm. Cái vung nồi gang đen bóng mở ra, lớp tro trắng rơi nhẹ xung quanh thành nồi, mùi cơm thơm ngọt bốc lên ngào ngạt.
Hạo nhắm mắt, cơ mặt giật lên nhè nhẹ trong một cơn tức tưởi âm thầm thình lình hiện ra: “Gạo mùa mới này sao ngọt thế, cha ơi, mẹ ơi, cha mẹ có về ăn được không?”.
Sinh thời, ông cụ Nhị – cha Hạo – chỉ cho phép người nhà nấu cơm gạo mới một lần sau khi gặt xong, cơm dâng cúng ông bà rồi chia ra mỗi người một bát. Thóc mùa mới gặt về, từng hạt tròn khô nỏ vàng nhạt tãi ra trên những ngón tay sần sùi khô ráp của cụ, rơi ràn rạt xuống chiếc nong tre.
Khi ngấm đủ nắng, những bồ thóc quây chặt trong gian đầu hồi khóa lại những hạt vàng mẩy căng ấy, những đám ngâu xanh tái dần trên nóc bồ rồi khô quắt lại, thành một lớp rào bảo vệ nghiêm ngặt suốt nửa năm ròng. Chỉ có non một thúng thóc được giữ lại, giao cho Thỏa giã bằng cái cối đá sứt sẹo dưới gian nhà ngang.
Gạo ấy, ông cụ Nhị cho nấu bằng nồi đồng, cơm đơm ra mọng căng nhựa, thơm từ trong căn bếp ám khói thơm ra. Cái đĩa lớn sâu lòng vẽ hoa văn màu chàm đơm đầy thứ cơm gạo mới được cụ Nhị tự mình bưng cả hai tay từ bếp lên ngôi nhà thờ tổ.
Bữa cúng cơm mới, mùi cơm thơm quện lẫn mùi hoa ngâu và mùi nhang trầm khiến cả nhà Hạo – con trai lớn cụ Nhị – cùng đám con cháu lau nhau đứng phía sau như lặng đi. Ông cụ lầm rầm khấn những gì, chẳng ai hay. Chỉ đến khi tấm lưng vuông vức khom xuống trong những cái vái dài tạ lễ cuối cùng, lũ trẻ mới dám thì thào nói chuyện.
Cơm tạ xuống, đơm ra những cái bát sành, cụ Nhị ngồi giữa, cả nhà tuần tự từ lớn đến bé ngồi tỏa xung quanh, mỗi người nhận một bát cơm lộc, ăn trong im lặng.
Hạo nhớ vị cơm thơm ấy đến từng chân tóc. Cơm cúng xong đã nguội, nhưng hạt cơm vẫn căng mọng lên. Cái đầu đũa nhón lên chừng mươi hạt đầu tiên, đưa vào miệng như đưa cả một niềm thành kính vào sâu ruột gan, tâm tưởng, tỏa ra một mùi hương ngọt dịu.
Ăn cơm gạo mới là ăn cơm không, chậm rãi nhai để thấm tinh bột gạo vào từng chân răng, quánh lại trên lưỡi một thứ nhựa ngọt ngào ăm ắp sinh khí. Miếng cơm đầu tiên trôi xuống, cái thân xác rệu rã ngày mùa như hồi tỉnh.
Bà cụ Nhị lần nào ăn cơm mới cũng khóc, nước mắt cứ rỉ ra khóe mắt, chảy chầm chậm xuống khuôn mặt nhăn nheo. Ăn hết bát cơm, bao giờ bà cũng úp cái bát không vào mặt, chắt nốt những giọt nước mắt hiếm hoi cuối cùng của người già vào đấy cùng những lời than vãn nghẹn ngào không thành tiếng.
Cái nghi lễ khóc thương lạ lùng ấy của bà cụ Nhị, cả nhà năm này qua năm khác đều chứng kiến mà không ai hiểu gì, chỉ lẳng lặng ăn hết bát cơm cúng gạo mới xong là tản ra, mỗi người một việc, để bà cụ ngồi lại một mình trong im lặng mênh mông của gian thờ và những làn khói nhang cuối cùng trĩu xuống.
Bà cụ Nhị đổ bệnh lúc lúa mới trổ đòng. Năm ấy rét muộn, xuống mạ chậm, cuối vụ lại đổ sương muối, ruộng lúa nhà nào lá cũng vàng đi lo lắng. Hạo đưa mẹ lên bệnh viện tỉnh, nằm viện được một tuần thì bác sĩ khuyên đưa về.
Bà cụ nằm thêm ba tuần nữa, lọn tóc mỏng lét quấn quanh đầu đã rụng gần hết, lúa vẫn chưa chín. Hạo đi thăm đồng về, bứt mấy bông lúa xanh đưa cho mẹ, sửng sốt thấy mẹ mình bỗng nhiên linh động hẳn. Bà cụ đòi ngồi dậy, nhìn đăm đắm vào những hạt thóc bụng sữa đang cứng dần, đuôi thóc dài, rồi bứt ra một hạt thóc cuối bông, bỏ vào miệng.
Bà cụ ăn hạt thóc cả vỏ, miệng nhóp nhép ngon lành. Ông cụ Nhị nhìn vợ, tấm lưng già còng xuống. Ông cụ gọi Hạo ra đầu hè.
– Ruộng nhà ai chín sớm?
– Con chưa xem hết, nhưng nhà Tảo năm nay xuống mạ đầu tiên.
– Anh đi ngay đi.
Hạo xách cái liềm, chạy qua nhà ông Tảo. Rồi từ nhà ông Tảo, Hạo chúi đầu chạy một mạch hết chiều dài cái mương thủy lợi, qua bãi tha ma của làng, xuống cuối đồng. Cắt chỗ này mấy bông, chỗ kia một nắm, Hạo ôm bó lúa nhỏ chạy về.
Ăn hết bát cơm nấu bằng thứ gạo non, hạt cơm nát ra, xanh lờn lợt, bà cụ Nhị bỗng nhiên vặn vẹo thân mình. Toàn thân bà cụ co giật, vặn vẹo, hai hàm răng nghiến chặt chốc chốc lại mở hé, vừa đủ cho một hơi thở dài não nùng thoát ra.
Bà cụ liên tục thở dài, rồi đôi mắt lạc thần bỗng liên tục đảo quanh như tìm kiếm ai. Hạo ngồi một bên, tay giữ chặt tay mẹ, vừa quạt vừa da diết gọi. Ông cụ Nhị ngồi bên kia, hai tay nắm chặt một bàn tay vợ, mắt ông cụ nhắm lại.
Đám phụ nữ và trẻ nhỏ đứng quây xung quanh, nín thở chứng kiến một cơn hấp hối vật lộn chưa từng thấy ở một người cả đời ít nói, hiền lành như một đụn rạ mục. Hạo chảy nước mắt, vừa quạt vừa van vỉ: “Mẹ ơi mẹ, có con đây mẹ, con ngồi cạnh mẹ đây, con nắm tay mẹ đây, mẹ ơi, mẹ có gì lo lắng, mẹ nói ra đi!”.
Bà cụ Nhị không còn có thể nói thêm tiếng nào. Cái thân hình khô quắt, mỏng lét cứ vật vã cong lên, vặn vẹo tứ phía, như chịu một thứ hình phạt âm thầm không ai thấy được. Ông cụ Nhị cúi xuống nói vào tai vợ, giọng như bị chẻ thành mấy mảnh: “Bà đi đi cho nhẹ, tôi sẽ cúng gạo mới mỗi mùa cho bà, sau này con cháu sẽ cúng gạo mới cho bà, muôn đời sẽ vậy, bà đừng lo sợ nữa”.
Câu nói vừa dứt, như mũi đò cập bờ sông đất, bà cụ Nhị về bên kia sông trong từng nếp nhăn dịu xuống trên gương mặt, trong bàn tay khô mềm lỏng dần. Hơi thở cuối hắt ra trong lần mở mi mắt cuối cùng, hướng cái nhìn trong suốt vào người chồng chung sống suốt 62 năm. Hạo kinh ngạc nhìn gương mặt mẹ mình trong cơn hấp hối.
Khi cái chết đã mang bà cụ đi, gương mặt ấy dường như vẫn đang biến đổi. Những đường nét cong vẹo xô lệch vì tuổi tác, già nua và cay cực cứ như bị xóa mờ dần từng chút một. Vào phút cuối, khi ông cụ Nhị lấy tay vuốt mắt cho vợ, Hạo tưởng như mẹ mình trẻ lại hai chục tuổi. Gương mặt bà cụ phẳng lặng như một hồ nước.
Ma chay xong, ông cụ Nhị trở ốm. Cụ không ăn thứ gì khác ngoài nửa bát cơm nấu thật khô mỗi ngày. Một buổi sáng, cụ gọi con trai vào. Hạo rón rén ngồi phía cuối giường, rờ tay vào đôi ống chân khô của bố, miết nhè nhẹ trên lớp da mỏng xanh lốm đốm đồi mồi.
Cơm Mới – Tác giả: Vân Phan Veronica
Ông cụ Nhị nhìn con trai, đôi mắt trong vắt lạ lùng: “Tôi chỉ có một việc căn dặn anh”. Hạo nuốt khan một tiếng, vội vã thưa: “Cha cứ nói ạ, sức con đến đâu, con làm hết đến đó”. Cụ Nhị im lặng nhìn con, giọng nói mỏng như giấy: “Chuyện này khó cho anh, nhưng anh làm con, tôi cũng chẳng còn cách nào, phải đặt gánh lên vai anh thôi”.
“Năm xưa, tôi với mẹ anh chắt chiu được 6 sào ruộng. Đất thì có, nhưng giống má, phân bón thì vay giật đủ đường. Chắc cũng do tôi với mẹ anh vụng tính nên mùa được mùa không, thành ra cứ nợ nần chất lên.
Hơn chục năm ròng, lúa mang về nhà chỉ để sàng sảy phơi phóng cho khô rồi mang sang nhà người trả nợ. Món to nhất là nợ bà Cảnh, hơn 8 tạ thóc, mãi không trả hết được vì cái đận ấy các anh các chị đang tuổi lớn, bên con ăn, bên nợ vay, tôi với mẹ anh cố lắm mà không lo được.
Hôm bà ấy đòi thóc, tôi lại xin khất một vụ, trả một nửa số thóc nợ, bà ấy không chịu vì năm ấy được mùa, nhà ông bà ấy lại đang có việc quẫn cần tiền. Hôm sau, bà ấy sang nhà mình thì lại đúng lúc mẹ anh nấu cơm mới. Bà Cảnh cũng chả phải người ác đâu, nhưng bà ấy tưởng mình để thóc ăn mà không chịu trả nên nói cũng nặng lời.
Mẹ anh chịu nhục không được cũng có đôi lời khó nghe. Đêm hôm ấy về, bà ấy chết đột ngột. Chồng bà ấy sang đây, đứng nhìn vào bàn thờ nhà mình, rủa độc một câu, thôi tôi cũng chả nhắc lại” – nói rồi, ông cụ Nhị lịm đi.
Hạo cuống cuồng lay chân cha. Ông cụ Nhị ráng sức mở mắt nhìn con, giọng khào khào: “Tôi cũng nghĩ người ta đau buồn quá nên quẫn, chứ cũng không có ý độc. Nhưng ai ngờ nó linh ứng. Mùa sau, rồi mùa sau nữa, cứ sau mỗi vụ gặt, vừa ăn cơm mới xong là y rằng trong nhà có người gặp bệnh hoạn, tai ương.
Vụ đầu thì chị anh bị trâu húc sổ ruột, sống được cũng thành tật, rồi lận đận mãi mới xuất giá được. Vụ sau thì cu Đỏ em anh lìa mẹ, sốt có một trận con con thôi mà nó cũng bỏ đi – cụ Nhị bật ho – Tới gần vụ thứ ba thì tôi nằm mơ, thấy bà Cảnh về, bảo tôi: cơm chết thì được, cơm sống thì không.
Tôi luận mấy ngày mới hiểu, bà ấy không muốn mình ăn cơm mới, bà ấy đòi thóc. Bà ấy cho mình ăn cơm chết, là cơm cúng tổ xong rồi thì được lộc tổ, chứ xúc gạo mới đi xay mà nấu cơm thì ắt có người bị sái”.
Cụ Nhị lại lịm đi. Lồng ngực lép dội lên mấy cơn rồi xẹp xuống im lìm. Hạo kinh hãi bổ nhào lên ngực cha, lay mạnh: “Cha ơi, cha ơi”. Cụ Nhị lại mở mắt, giọng như vẳng lại từ một cõi xa xăm nào: “Tôi mang hết thóc mới, thóc cũ sang trả ông Cảnh.
Những tưởng việc như thế là hết, nợ nần xong cả, nào ngờ thóc trả hết rồi mà vụ sau đó nữa đến lượt con Xuyến em anh bị rắn cắn, tôi bán hết cả hòm gian lẫn trâu, lẫn cày chạy chữa cứu được mạng nó, gia sản nhà không còn thứ gì.
Tôi ngẫm đi nghĩ lại, không dám tin là có chuyện nguyền rủa linh ứng, vì gia cảnh ông bà bên ấy cũng ngặt, có mỗi thằng con giai thì nghiện ngập, bỏ xứ đi đâu không ai biết, ông Cảnh lại đau yếu luôn. Cái việc ông ấy sang nhà mình rủa độc chắc cũng do đau lòng nhất thời mà ra, chứ người làng với nhau, chắc không có ý tàn độc.
Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng đến cái năm gặt xong vụ xuân, anh bị sét đánh suýt chết thì tôi không dám chắc điều gì nữa. Từ đận ấy, anh thấy tôi không bao giờ nấu cơm mới ăn, chỉ dâng cúng tổ tiên rồi xin lộc vì vậy. Cơm không ăn chẳng sao, nhưng không ai làm cha làm mẹ mà liều vì miếng ăn trên sinh mạng con cái”. Cụ Nhị bật ho sặc sụa.
Hạo ghì chặt lấy đôi ống chân cha, ruột gan xoắn lại trong một cơn đau buốt xót thương, đầu óc đặc quánh, miệng cứng đặc. “Tôi còn thì tôi giữ được cái kỵ ấy, nhưng giờ sắp đến lúc xuôi tay về giời, tôi phải dặn lại anh để anh hiểu mà kiêng cữ tránh né cho lành.
Cũng có dạo tôi định qua bên ấy, thôi thì cũng là cất lời xin ông ấy hóa giải cho, ông ấy cần gì thì dù bán cả gia sản đi tôi cũng chịu, nhưng chưa kịp mở lời thì ông ấy đi sang xứ Lào tìm con, dọc đường cảm tả mà mất, thế là đành chịu.
Tôi đi tìm con giai ông ấy, nhưng họ hàng bên ấy bảo nó đã chết bên Lào. Tôi không biết về sau này thế nào, nhưng làm cha làm mẹ rồi anh hiểu, máu mủ của mình, chịu nhịn đến đâu để giữ được cho nhân mạng toàn vẹn thì dù có làm trâu làm ngựa cũng làm.
Giờ hóa giải được hay không, anh liệu cách, nhưng không được liều con liều cái. Tôi sống cả một đời không làm gì thất đức, nhưng phải cái tai ách này mà không giải được cho con cho cháu, thôi coi như tôi có tội, kiếp sau trả được là tôi sẽ trả…”.
Đưa cha về đồng đất nằm bên cạnh mẹ xong, Hạo sửa sang gian thờ tổ. Chiều cuối năm, Hạo vác cuốc ra đồng. Gió đông thổi ràn rạt qua những bờ cỏ thấp, mặt nước sông lăn tăn gợn sóng, một con cá chết cóng nổi bụng trắng sát mép nước. Mùi nhang trầm loãng trôi dạt giữa những nấm mộ, vẩn vơ quanh những bụi cỏ ngả vàng.
Bốn ngôi mộ được giẫy cỏ tinh tươm, những lỗ chuột chân mộ được bít chặt bằng bùn quánh, đắp quanh bằng những tảng đất vuông vức. Hạo về, kỳ cọ chân tay sạch sẽ bằng một nắm rơm mềm rồi lên mở cửa gian thờ. Cánh lim giữa kéo ra, ánh chiều tà rọi nhàn nhạt vào tận chân chiếc sập thờ.
Hạo thắp nhang khắp lượt rồi nhìn lên bốn bát hương mới điểm vài chân nhang đỏ, run run thở dài. Dưới bếp, mùi cơm thơm tỏa ra dịu dàng.■
Tác giả: Vân Phan Veronica – giọng đọc: Hùng Sơn