Bài nổi bật

Hồi ức của một người lính phía bên kia – Vũ Minh Nguyệt

Truyện đêm khuya – Bạn đọc hiện nay nhất là những người trẻ quan tâm tới đề tài chiến tranh không phải là những chiến dịch, trận đánh mà là số phận người lính, tâm tư tình cảm của người lính cả hai bên trong cuộc chiến như thế nào. Tác phẩm là cái nhìn khách quan và nhân văn về người lính bên kia chiến tuyến. Bác sĩ Long là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa bị lạc đường tại chiến trường Trường Sơn. Khi Long sắp chết vì kiệt sực thì gặp được An Nhàn và được cô cứu giúp. Từ lòng biết ơn, Long yêu An Nhàn nhưng vì nhiều lý do Long phải ra đi. Chiến tranh kết thúc mấy chục năm, bác sĩ Long vẫn đi tìm người con gái năm xưa…

Cứ tưởng căn bệnh của những tháng năm đói khát vượt Trường Sơn của tôi đã chấm dứt khi trở về với cuộc sống đủ đầy. Nhưng không. Những con kí sinh trùng sốt rét vẫn ẩn náu đâu đó suốt mấy chục năm rồi bất ngờ vùng dậy quật tôi đổ xuống trong một chuyến đi dài ngày ở vùng kinh tế mới Lâm Đồng. Nơi đây xa bệnh viện, người ta đưa tôi đến một bác sĩ tư nhân. Tôi vừa cắt cơn, ông bác sĩ đã nói ngay, ông còn yếu lắm, chưa đi được đâu. Tôi ngạc nhiên hỏi sao ông biết tôi muốn đi. Bác sĩ bảo, thì trong lúc mê sảng, ông luôn miệng đòi đi mà. Tôi thú nhận, ừ, tôi phải đi. Vì sợ không kịp nữa.
Cuộc gặp gỡ của tôi với bác sĩ Long ban đầu tưởng là bất đắc dĩ, nhưng ngẫm ra, nó là cái duyên. Long chăm sóc tôi bằng một sự nhiệt tình đặc biệt. Sau khi tôi hơi khoe khỏe, Long bảo, nếu ông không ngại, ban ngày ông cứ đi tìm cái ông cần, tối về đây nghỉ để tui theo dõi và trị dứt điểm bệnh cho ông.
Từ đó chúng tôi thường uống rượu lai rai và kể với nhau đủ thứ chuyện. Lúc ấy tôi mới biết Long từng là bác sĩ quân y của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Một đêm, khi đã say, khoảng cách giữa hai thằng đàn ông tuổi lục tuần đã được lấp đầy, Long bỗng bảo:
– Cuộc đời kể cũng hay thiệt! Tui với ông người chiến thắng, kẻ bại trận, ngồi được với nhau thế này không dễ. Tui cám ơn ông!
Tôi ngạc nhiên:
– Bệnh nhân phải cảm ơn bác sĩ chứ?
Long bảo:
– Tui cám ơn ông là có lí do. Tui đã biết ông là nhà văn. Ông vào đây để tìm kí ức. Mà tui thì cũng đang đi tìm…
– Tìm gì? – Tôi nhướng cặp mi đã trĩu, hỏi lại.
– Không chỉ người thắng cuộc mới có quyền đi tìm quá khứ à nha.
Nói rồi Long loạng choạng rời bàn nhậu vào phòng mang ra một cuốn sổ giấy cũ vàng có những dòng chữ nắn nót thật đẹp:
– Tui viết cái này, ông đọc rồi sửa câu chữ giúp nha. May ra được in báo, tui sẽ có cơ hội tìm cô ấy.
Tôi vừa lật từng trang sổ, hỏi lại:
– Người yêu cũ à?
Long nói nghiêm trang:
– Còn hơn thế. Ông cứ đọc đi sẽ hiểu.
*
*    *
Ngày ấy, tui đi cùng một toán biệt kích bí mật tầm soát trong rừng Trường Sơn để tìm đường mòn Hồ Chí Minh. Nhưng chuyến ấy tụi tui bị Việt Cộng đánh cho tơi tả, năm thằng chết bốn. Tui dính hai vết đạn, một xuyên qua cánh tay trái, một vào mạng sườn. Những vết thương không hiểm nhưng cũng đủ bắt tui chết giấc qua đêm. Phải đến trưa hôm sau, mặt trời chói gắt xuyên vào mặt tui mới mở mắt ra. Và kinh hoàng! Một con cọp đang điềm nhiên ngồi nhai xác lính cách tui chỉ khoảng ba bước chân. Không biết sức lực ở đâu dội về mà tui có thể chộp ngay súng nhắm con hổ kéo một điểm xạ dài rồi bật dậy co chân chạy. Trên đường, vấp vào ba lô của thằng Smith, tui vội ôm lấy nó và đi tiếp. Càng đi càng lạc. Tui ăn hết các thứ trong ba lô mà vẫn chưa tìm được đường ra. Cứ như vậy, ngày tui đi. Đêm tui mắc võng trên cây cao ngủ…
Đói. Mệt. Tuyệt vọng. Không lê chân được nữa, tui đã định kê súng vào đầu. Đúng lúc ấy, tui nhìn thấy một đứa bé khoảng ba tuổi, mặc chiếc áo bộ đội thùng thình. Tui rùng mình tóa mồ hôi lạnh. Ma? Tui đã nghe người ta kể nhiều về những hồn lính trẻ đánh bài tiến lên và gây lộn với nhau như thật; những hồn nữ thanh niên xung phong vừa làm vừa hát véo von… Nhưng ma trẻ con thì tui chưa nghe kể bao giờ. Kinh hoảng, tui nhảy lùi lại vài bước, giương súng. Bất ngờ, một bóng người từ đâu nhảy bổ ra gạt tôi ngã văng rồi nhao vào ôm chặt thằng bé.
Tui lồm cồm đứng dậy cứng họng, ú ớ không thành tiếng.
– Lùi xa ra, không tao bắn chết! – Người phụ nữ chĩa mũi AK về phía tui hét lớn, đôi mắt quắc lên dữ tợn.
Tui bủn rủn ném khẩu AR15 về phía cô ấy rồi ngửa đôi tay không, thều thào:
– Tui bị lạc… cô… làm phước… cứu tui…
– Đứng im đó! – Người phụ nữ cúi xuống nhặt khẩu súng của tôi khoác lên vai, rồi một tay xách súng AK, một tay ôm thằng bé đi giật lùi vào hang. Một lát sau, cô ấy trở ra, tay vẫn lăm lăm súng trong tư thế sẵn sàng nhả đạn. Tui ngạc nhiên khi thấy cô ấy ném một chiếc ba lô căng phồng trước mặt tui:
–  Ông khoác lấy. Và đi đi!
– Tui không biết biết đường! Xin cô… cho tui ở lại ít ngày!
– Không được! – Cô ấy đáp dứt khoát và quay ngoắt vô hang. Tui chỉ còn nước ở ngoài chờ. Đêm, tui lại mắc võng ngủ ngoài rừng. Ngày thứ ba, khi xuống suối múc nước, thấy tui vẫn ngồi đấy, cô ấy quát:
– Tôi bảo ông cút đi cơ mà?
Tui quỳ xuống, chắp tay vái lia lịa:
– Xin cô cho tui nói! Vết thương của tui đã nhiễm trùng. Nếu đi tiếp… chắc chắn tui sẽ chết. Nếu cô không cho tui ở lại thì cho tui một viên đạn để tui được chết ở đây…
Nét mặt người phụ nữ lộ rõ vẻ lúng túng. Cô ấy chưa biết trả lời thế nào thì thằng bé bỗng chạy ra gọi “bẹ bẹ”.
Cô ấy quay lại ôm con vào lòng và đứng nhìn tui rất lạ. Không biết cô ấy nghĩ gì, một hồi sau thì bồng con vô hang. Tui không dám đi theo, đành mắc võng tiếp tục chờ. Hôm sau, cô ấy ra bảo:
– Vài hôm nữa có trăng, là mùa cọp động dục, chúng kéo về phủ nhau bên suối nhiều lắm. Ông mau tìm lối về với gia đình đi. Giờ này chắc cha mẹ ông đang mong ông lắm. Tôi không biết đường ra, chỉ biết họ đã đi theo hướng kia, vòng theo chân núi này. Tôi đã chuẩn bị đủ lương khô, gạo sấy cho ông…
Cô ấy nói một hồi dài, rành rẽ từng câu. Toàn thân tui bải hoải. Những vết thương căng nhức. Thôi, đằng nào cũng chết.
– Cám ơn cô!
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú
Tui nói thế là để cô ấy yên tâm trở vô hang để tui tự định đoạt số phận mình. Nhưng tui vừa nói xong cô ấy bỗng giật mình. Có lẽ cô ấy đã cảm thấy trong giọng nói của tui có âm sắc của lời trăng trối.
Cô ấy nhìn đăm đắm vào mặt tui, môi mím lại. Tui hiểu cô đang suy nghĩ lung lắm. Đã mấy lần cô toan dợm bước quay vào. Nhưng rồi lại đứng im. Và cuối cùng cô tiến đến trước mặt tui, mũi súng thõng xuống đất. Cô đặt tay lên vai tui và nói bằng một giọng thật dịu dàng:
– Ở đây chỉ có hai mẹ con tôi. Tôi đang làm nhiệm vụ trông coi và bảo quản cái kho này. Tôi đồng ý cho ông ở tạm đây để chữa vết thương. Nhưng nên nhớ, nếu ông có bất cứ một cử chỉ khác lạ thì, một là tôi giết ông, hai là ông giết tôi. Nhưng… nếu giết tôi, xin ông hãy nuôi thằng bé. Đồng ý không?
Cô ấy hất hàm hỏi tui, mặt thoắt đanh lại. Tui mừng rỡ lắp bắp:
– Xin cô hãy tin tui… Tui rất biết ơn cô…
Cô ấy lập tức nhặt ba lô của tui khoác lên vai, đi trước. Tui hấp hởi bước theo cô ấy nên ngã dặm dụi tới mấy bận. Đến cửa hang, cô ấy bảo tui dừng lại. Lát sau cô quay ra đưa cho tui bộ đồ bộ đội mới tinh rồi quay mặt đi. Tui hiểu ý, lập cập thay đồ. Khi tui thay xong, cô ấy vo bộ đồ rằn ri của tôi ném xuống suối.
Bữa ăn đầu tiên trong hang ấy tôi không thể nào quên được. Gạo sấy ngâm nước lạnh, rau rừng sống và mấy con cá phơi chưa được khô. Cô ấy xúc cho con ăn, đứa bé ngồi trong lòng mẹ nhai ngon lành. Nó nhìn tui như một con vật lạ lẫm, rồi chỉ tay vào tui kêu:
– Bắt con hỉ này!
– Không phải khỉ đâu, bộ đội đấy. – Cô ấy vội vàng sửa con. – Bộ đội có mắt này, có mũi này, có cái chân, có cái tay như của Rừng đấy.
Ra là đứa bé tên Rừng. Thật khó đoán nó là gái hay trai. Mặt vuông như con trai, nhưng da lại trắng, tóc dài buộc sau gáy như con gái. Nó vẫn mặc cái áo bộ đội trùm kín chân.
Thấy tui ngắc ngứ không thể nào nuốt được, cô ấy tỉnh bơ:
– Ông cố mà ăn đi. Mẹ con tôi vẫn ăn uống như thế mấy năm nay rồi. Lúc nào chán gạo ngâm thì chuyển sang lương khô. Ở đây không có lửa để đun nấu đâu. Cứ tạm như vậy, khi nào ông khỏi, về thành phố tha hồ mà cao lương mĩ vị. Chúng tôi chỉ có vậy thôi.
Mỗi lời nói của cô ấy như một nhát dao cứa vào tim tui đau nhói. Trời có sập tui cũng không thể tưởng tượng nổi cuộc đời tui lại có những lúc bi đát thế.
Xong bữa, cô ấy ôm ra một bộ chăn màn đặt lên chiếc sạp được kê lót bằng những thùng lương khô.
– Để tôi rửa vết thương cho, rồi ông hãy ngủ.
Tui ngoan ngoãn bò lên sạp. Cô ấy mở túi cứu thương lấy bông băng, cồn sát trùng…, thao tác coi bộ thành thạo, nhưng lại không giấu nổi vẻ ngượng ngùng trước cơ thể đàn ông cởi trần. Tui đành nhắm mắt giả bộ ngủ. Và khi cô ấy xong việc, mặc áo, đắp chăn cho tui, tui cũng muốn ngủ thật, nhưng cái dạ dày đang rỗng của tui sau khi uống vào mấy viên kháng sinh bỗng sôi cồn cào. Và khát. Người tui nóng hầm hập, hai môi khô khốc. Tui sốt mê man. Đến gần sáng tui rét run cầm cập. Tui rất muốn gọi cô ấy nhưng hai môi cứ dính vào nhau. Hang rộng tối om om, không biết mẹ con cô ấy ngủ chỗ nào. Cay cực, tui nằm chờ chết. Vô lí thật, bao nhiêu ngày suối sâu đèo cao lê lết thì vẫn sống, bây giờ chăn ấm đàng hoàng lại chết…
Tui tỉnh lại khi cảm nhận có một bàn tay đặt vào trán cùng tiếng kêu lo âu:
– Ông sốt cao quá rồi! Sao hồi đêm không gọi tôi dậy?
Tui lờ đờ mở mắt ra. Đứa bé vẫn đứng dưới chân cô ấy. Nó đang gặm lương khô sồn sột. Mệt quá, tui không thể mở lời, đành nhắm nghiền mắt lại. Vậy là tui chưa chết.
Tui uống cạn bát nước lá cây chua chua, ngọt ngọt, hăng hăng mà cô ấy mang đến. Uống vào đến đâu mát ruột đến đấy. Chiều hôm ấy tui tỉnh táo và thấy đói, bỗng thèm ăn một tô cháo nóng mà má hay nấu mỗi khi tui ốm. Nhưng cô ấy chỉ mang đến một chén lương khô ngâm nước. Tui dựa lưng vào thành hang để cô ấy bón cho từng muỗng. Tui nhắm mắt cố nuốt cái thứ sền sệt lờ lợ. Ép tui ăn xong, cô ấy đặt tui nằm xuống, lẳng lặng đến góc hang lục cục khuân, vác, xếp các thùng hàng hóa. Bất chợt tui nghe tiếng kêu:
– Bẹ bẹ! Con hỉ nó nhủ kìa!
Tui vội mở choàng mắt và bắt gặp một hình ảnh ngộ nghĩnh. Đứa bé đang đứng trên những thùng hàng cao, từ dưới tui ngó lên qua tấm áo bộ đội thấy con chim xiu xiu trăng trắng của thằng bé đang lấp ló.
– Không, chú bộ đội chứ, chú bộ đội mà. – Cô ấy sửa lời con.
– Bộ đội… chú bộ đội. – Thằng bé bập bẹ nói theo.
Nghe mẹ con cô ấy nói chuyện với nhau, cảm giác yên tâm đã xuất hiện rõ ràng trong tui kể từ khi đó.
Nhờ những bát nước lá cây của cô ấy, tui khỏe dần, có thể đi lại được trong hang. Thằng bé không còn sợ, đã dám lân la leo lên chỗ tui ngủ. Tui thọc lét cho nó cười khanh khách. Nó bắt tôi quỳ xuống làm voi cho nó cưỡi… Trong tui có một thứ tình cảm gì đó lạ lắm, mơ hồ dâng lên.
Một buổi chiều mưa như thác đổ, nước suối dềnh lên tận cửa hang. Những tia chớp lóe sẹt cắt bầu trời làm trăm mảnh. Gió lạnh thốc vào hang ù ù. Tụi tui rút lên trên tảng đá bằng phẳng gần nóc hang. Thằng Rừng có vẻ thích thú với chỗ nằm mới nên sau khi nhai hết một phong lương khô, tu một hơi nước thì xoa bụng cười rồi rúc ngay vào chăn ngủ.
Lần đầu tiên tui và cô ấy ngồi sát nhau đến thế. Điều ấy khiến cả hai sợ hãi. Cô ấy vội mang súng ra lau. Mắt cô ấy nhìn xuống. Bàn tay cầm giẻ lau miết, lau miết trên khẩu súng đã sạch bong. Tui nghe rõ hơi thở cô ấy dập dồn. Rồi cô ấy nói cuống:
– Ông phải đi thôi!
Tui hốt hoảng chụp bàn tay cô ấy:
– Tui rất muốn ở lại đây với cô, bao giờ…
Không chờ nghe hết câu, cô ấy ngẩng lên nhìn tui, khuôn mặt thoắt sắc lạnh:
– Không được đâu! Mai kia các anh ấy về, tôi biết ăn nói thế nào?
Biết không thể lay chuyển được ý cô ấy, tui hỏi lảng:
– Tui tên là Long, còn cô?
– Nhàn, An Nhàn.
– Họ An, tên Nhàn, rất đẹp! Cái tên nhàn nhã, sao người vất vả vậy?
– Chiến tranh mà, tôi…
– Nhàn ạ! – Một lần nữa tui chụp lấy bàn tay cô ấy, nói như cầu khẩn – Tui rất muốn ở lại đây với cô… Khi các anh ấy về, tui sẽ xin các ảnh. Nhàn đừng xua đuổi tui nữa!
Nhàn vội cụp mắt bối rối:
– Tôi không hẹp hòi gì với ông cả… Tôi cũng không ghét bỏ ông đâu… Nhưng nếu ông ở đây… Tôi sẽ bị kỉ luật… Tôi không thể sống chung với địch!
Những câu đầu cô ấy nói ra một cách khó khăn, nhưng câu cuối, cô ấy nói nhanh, gằn và lạnh lẽo. Trời ơi! Cái từ “địch” tui đã nghe và đọc hàng trăm ngàn lần trước đó nhưng luôn cảm thấy bình thường. Vậy mà khi ấy, trong cái hang đá ấy, tui lại cảm thấy đau đớn đến nghẹn ngào. Cơn đau đã khiến tui tuôn hết ra những uất ức thành thực trong lòng. Tui đã nói với cô ấy rằng tui là người căm ghét chiến tranh. Chiến tranh đồng nghĩa với giết chóc, đó là điều tui ghê sợ. Chính vì thế tui mới chọn học trường y. Tui chỉ muốn trở thành bác sĩ cứu người. Nhưng tui đã bị ép đăng lính khi chỉ còn một kì thi cuối…
Nhàn ngồi lặng yên nghe tui nói, nét mặt đã dịu lại như vốn có. Khi tui ngừng lời, cô ấy mới giãi bày:
– Tôi không được học hành như ông. Gia đình tôi bị trúng bom Mĩ, chết hết. Lúc ấy tôi đang chơi bên nhà bà ngoại. Tôi không còn nước mắt để khóc nữa. Tôi xin nhập ngũ khi chưa đầy mười tám tuổi. Mấy năm ở chiến trường, tôi không nhận được tin tức gì từ bà ngoại của tôi. Giờ tôi cũng không biết bà còn hay mất. Ở mãi trong cái hang này, nhiều lúc tôi đã phát điên. Mỗi khi ra suối, soi mặt mình xuống đó, tôi thấy sợ lắm. Nhiều lúc tôi đã nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi tôi phải gạt đi. Tôi phải sống vì con của tôi. Còn cái kho hàng này. Và còn anh Bân nữa.
– Anh Bân nào?
– Ông đừng hoảng hốt như vậy! – Nhàn nhìn tui trấn an – Anh ấy nằm ngoài kia kìa. Hàng ngày tôi vẫn trò chuyện với anh ấy. Tôi hi vọng người ta sẽ vào tìm mộ anh ấy và mang mẹ con tôi về.
Nói đến đây, đôi mắt cô ấy lộ rõ vẻ hoang mang yếu đuối đàn bà. Điều đó khiến bản năng che chở của thằng đàn ông trong tui trỗi dậy:
– Tui sẽ ở lại đây cùng cô trông coi kho và nuôi dạy thằng Rừng!
–  Không được đâu ông ạ! – Giọng Nhàn bỗng trở nên ngàn ngạt. – Người ta có thể quên cái kho này, chứ gia đình và đồng đội không thể quên anh ấy… Sẽ có ngày…
Tui quay sang nhìn. Khuôn mặt Nhàn nhòe nhoẹt nước. Cô ấy ôm lấy đầu gục vào hai gối. Ngoài trời vẫn mưa tầm tã. Thằng bé mơ ngủ nói một câu gì đó rồi ngỏn nghẻn cười.
– Nhàn đừng khóc nữa! Tui cũng không chịu nổi nữa rồi. Ngay từ lúc tỉnh dậy sau khi bị thương giữa rừng, tui đã tuyệt vọng đến mức muốn dành cho mình một viên đạn. Nhưng tui bỗng nghĩ đến ba má. Chắc má đang tụng kinh gõ mõ cầu nguyện cho mình. Và rồi tui gặp cô. Như định mệnh…
– Hôm ấy tôi đã định bắn ông. Nhưng tiếng gọi của thằng Rừng khiến tôi dừng lại. Nhìn đôi mắt trong veo của thằng bé, tôi không muốn nó chứng kiến cảnh mẹ nó giết người.
Sau câu nói của Nhàn, tụi tui bất giác quay sang nhìn thằng Rừng. Nó vẫn ngủ say, nụ cười thiên thần phảng phất trên gương mặt nguyên sơ. Tui nói với Nhàn điều thành thật:
– Cho đến bây giờ tui ko muốn dính dáng gì đến binh nghiệp nữa. Mong cô đừng xua đuổi tôi. Rồi sẽ đến lúc hiện tại trở thành quá khứ…
Nhàn chưa kịp đáp lời thì thằng Rừng trở dậy. Nó dụi mắt gọi “Mẹ! Mẹ! Mẹ ơi, mẹ ơi!”. Nhàn vui về tiếng gọi ấy lắm, bởi tui đã dạy cho nó hết ngọng và tập nói được những câu dài. Nhàn ôm con vào lòng, hai hàng nước mắt chảy dài xuống má.
Sự thức giấc của thằng Rừng đã khiến câu chuyện đi – ở của tui phải dừng lại. Tụi tui tiếp tục sống bên nhau. Tui đã quen với món gạo sấy ngâm nước lã, quen với vị ngai ngái, mùi hăng hăng của rau rừng ăn sống, nhưng không thể quen được cái lạnh của hang đá như thời nguyên thủy nên đã bẻ một viên đạn, dốc thuốc phóng ra tính đập lấy lửa. Nhưng Nhàn đã hốt hoảng lao tới hất tay tôi: “Không được! Bọn thám báo ngửi thấy mùi lửa sẽ mò đến. Máy bay địch phát hiện ra khói lửa sẽ đánh bom phá hủy cái kho này. Tôi đã cố để địch nghĩ nơi này không có sự sống. Muốn an toàn, ông phải tập làm quen với việc không có lửa đi!”. Vậy là tui đành phải học cách bắt và mổ bụng những con cá suối phơi trên đá cho tái, học cách xé một miếng cá, quấn vào rau dớn và ăn  với thịt hộp…
Tui tìm trong kho được một chiếc kéo, dẫn thằng Rừng xuống bờ suối cắt tóc rồi tắm gội sạch sẽ. Khi tui đưa thằng Rừng trở về hang, Nhàn như không tin vào mắt mình. Quả thực tui chưa gặp một đứa bé nào đẹp như thằng Rừng. Khuôn mặt bầu bĩnh, da trắng, môi đỏ như múi quýt, chân tay bụ bẫm. Trước thằng bé, tôi cảm thấy chiến tranh, giông bão, đạn bom và thú dữ…, tất cả chẳng có nghĩa lí gì.
Trong cơn phấn chấn, tui bỗng nảy ra một ý tưởng:
– Nơi đây thật là đẹp ha Nhàn? Hết chiến tranh, người ta sẽ biến chỗ này thành một khu du lịch. Cái hang này sẽ kéo điện vào chăng đèn rực rỡ, có sân khấu để biểu diễn, có khu riêng để hội họp, có chỗ chơi vui. Dưới suối sẽ thả những con thuyền độc mộc để du khách xuôi dòng về phía hạ nguồn. Trên núi, họ sẽ khắc một cái biển: “Nơi đây có một cô giải phóng đã từng chiến đấu bảo vệ kho hàng”.
Nhàn bật cười vui vẻ:
– Anh nói hay quá! Lúc ấy anh sẽ làm gì, anh Long?
Tui ngạc nhiên ngửng lên nhìn Nhàn. Lần đầu tiên trong đời tui được nghe một người con gái xứ Bắc gọi là anh ngọt ngào chân tình như vậy. Không kìm được lòng mình, tui ôm Nhàn, hôn ghì lấy môi cô ấy. Nhàn đẩy tui ra, nói nho nhỏ:
– Có một người đã làm y như anh vậy. Và tôi đã xua đuổi anh ấy… Không biết anh ấy có tìm được đường ra để trở về đơn vị không?
Nghe xong câu của Nhàn, ngực tui nhói một cái. Có một cái gì đó dâng lên cổ nghèn nghẹn. Tui dỗi dằn bằng cách câm lặng. Nhàn đặt tay lên vai tui nói nhỏ:
– Tôi chưa kể cho anh biết vì sao tôi lại rơi vào hoàn cảnh này.
Rồi chẳng cần biết tui có muốn nghe hay không, Nhàn cứ kể. Tui ngồi giả bộ thờ ơ, nhưng tai căng ra cố thu trọn vẹn câu chuyện được kể bằng một giọng trầm buồn.
– Ba chúng tôi tìm được đến đây cũng như ông hôm ấy, bộ dạng tơi tả, đói vàng mắt, áo quần xác xơ bẩn thỉu. Người dẫn đường bị sốt rét ác tính chết khi mới đi được một chặng ngắn. Đón chúng tôi là một đồng chí coi kho cũ. Bốn anh em chúng tôi duy trì nếp sinh hoạt như ở đơn vị. Tôi nuôi quân, còn ba anh bảo quản kho. Một hôm chúng tôi bị bọn thám báo tập kích. Dù bất ngờ nhưng chúng tôi vẫn kịp nổ súng diệt được ba tên, những tên còn lại phải rút chạy. Nhưng anh Bân, anh cả của chúng tôi hi sinh. Còn lại tôi với hai chàng trai. Và tôi đã yêu một trong hai chàng trai ấy. Các anh ấy đều yêu tôi, nhưng tôi chỉ yêu được một người. Hu hu…
– Anh ấy là bố của Rừng?
Nhàn lắc đầu, vừa khóc vừa nói:
– Không. Tôi yêu anh ấy bằng một tình yêu trong sáng. Anh ấy cũng vậy. Chúng tôi hứa với nhau sẽ giữ gìn đến ngày hết chiến tranh…
– Vậy thằng Rừng là con ai? – Tui hỏi như muốn gào lên. Nhàn cúi mặt cắn môi một hồi rồi bất ngờ ngẩng phắt lên nhìn vào mắt tui:
– Anh bình tĩnh nghe tôi kể hết sẽ hiểu. Một ngày, hai anh nói với tôi rằng phải tìm về đơn vị, và hứa sẽ trở lại. Tôi đã một mình ở lại đợi. Nhưng chỉ có một người quay lại. Anh ấy không phải người yêu tôi. Anh ấy kể dọc đường đi hai anh bị phục kích, mỗi người chạy một ngả. Anh ấy tìm về hang là muốn đưa tôi đi cùng. Nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là trông coi và bảo quản kho, bỏ đi sao được. Vậy là anh ấy phải ở lại… Và rồi… Một trai một gái giữa rừng… Cái gì đến đã đến. Sau khi ngã lòng, tôi chợt tỉnh và cảm thấy có lỗi với người yêu. Tôi đã gào khóc và ném đất đá vào người anh ấy. Tôi đuổi anh ấy đi…
Nhàn lại bưng mặt khóc. Lần này thì tui đã mạnh dạn ôm lấy vai cô ấy nói một câu an ủi:
– Thôi đừng khóc nữa, thằng Rừng là tài sản vô giá của Nhàn, mai kia, nhất định Nhàn sẽ gặp lại người yêu.
Nhàn ngước lên nhìn tui bằng đôi mắt ướt nhòe:
– Lúc ấy tôi còn gì cho anh ấy nữa mà gặp?
*
*    *
Ngực tôi thắt lại khi đọc tới trang này. Lẽ nào Nhàn trong câu chuyện của Long cũng chính là Vân của tôi? Ngày ấy trên đường trở về tìm đơn vị chúng tôi đã đụng biệt kích. Khi nghe tiếng “cắc” đề pa phát ra từ họng một khẩu M79 trong lùm cây cách đó chục mét, cả tôi và Lượng đã lăn ngay vào gốc cây trước khi quả đạn lao tới nổ uỳnh cùng những loạt đạn AR15 quét rát rạt. Trượt mục tiêu, bọn biệt kích phát rồ. Chúng tủa ra bao vây tính bắt sống chúng tôi. Để đánh lạc hướng địch, tôi hét Lượng chạy đi, còn mình chạy ngược lại, vừa chạy vừa quay súng bắn cầm chừng. Không biết Lượng có thoát không. Còn tôi bị dính đạn, gục xuống. Khi tỉnh thì đã thấy nằm trong bệnh viện của địch ở giữa thành phố Đà Lạt. Tôi đã nghiến răng chịu những đòn tra tấn khủng khiếp để giữ bí mật cho cái kho hàng trong hang đá có Vân của tôi. Không khai thác được gì, địch đã đày tôi đi Phú Quốc.
Không! Vân của tôi không thể là Nhàn trong câu chuyện của Long. Chiến tranh mà, những thân phận giống nhau, những cảnh huống giống nhau nhiều lắm. Nhưng, nhỡ Nhàn đúng là Vân của tôi thì sao? Với một trạng thái vừa ghen tị, vừa tò mò, tôi giở tiếp những trang viết của Long.
*
*    *
Mùa trăng đến. Đêm đêm, tui leo lên nơi cao nhất trong hang nhìn ra. Khoảng đất bên suối trăng xõa vằng vặc. Trên cây vượn hót “tíu hửn tíu hửn”, có con hứng lên làm một tràng dài “tíu hứn … hửn hửn hửn” . Dưới đất, hổ kéo về hàng đàn. Chúng gầm rống rồi đánh nhau nát nhừ vạt cỏ lùm cây để phân ngôi cao thấp. Những con hổ đực bị thua ngồi nhìn kẻ thắng cuộc làm tình uỳnh uỵch mà chỉ biết tức tối quật đuôi vần vật… Tui sợ không dám thở to nhưng trong bụng lại mừng thầm. Mùa trăng, nhiều hổ thế này Nhàn sẽ không đuổi tui đi.
Hàng ngày tui vẫn cùng cô ấy sắp xếp lại hàng hóa. Làm việc cạnh nhau nên không thể tránh được sự đụng chạm. Rồi một hôm, khi khênh một thùng đạn nặng, mái tóc cô ấy xổ ra quấn cả vào mặt tui. Tui choáng váng bởi cái mùi đàn bà thơm ngậy say say. Người tui cứng đơ, chân tay run rẩy. Lần đầu tiên trong đời tui bị như vậy. Nhàn cũng ngưng lại nhìn tui rất lâu, mặt cô ấy đỏ bừng, miệng lắp bắp. Tui không nghe cô ấy nói gì nữa. Tui cảm nhận nhịp tim của Nhàn nổi loạn. Tui ôm riết lấy cái cơ thể đang nóng hầm hập vào vòng tay mình. “Nhàn”, tui chỉ buông được một câu như thế rồi tụi tui hấp tấp đổ ập vào nhau. Thành đá trong hang rung lắc, chao đảo, ngả nghiêng…
Cứ tưởng sau lần ấy tui sẽ được Nhàn chấp nhận. Nhưng không. Tui vẫn phải ra đi. Nhàn xếp cho tui một ba lô đầy lương khô và gạo sấy, thêm hai bình tông nước, đưa cho tui một khẩu AK và mấy quả lựu đạn. Cô ấy bế con, đeo súng, đưa tui đến trước mộ anh Bân, rồi quỳ xuống vái:
– Anh ơi, hôm nay anh em mình tiễn một người khách về thành phố. Anh sống khôn chết thiêng phù hộ cho anh ấy tìm được đường đi, tránh mọi nguy hiểm trở về với cha mẹ an toàn, anh nhé!
Nhàn và thằng Rừng đi theo tui vòng qua chân núi một đoạn dài mới dừng lại. Tui ôm riết mẹ con cô ấy vào lòng, đứng lặng. Thú thực, giá lúc đó cô ấy khóc, chắc tui sẽ quỳ xuống mà xin được ở lại. Nhưng cô ấy đã vùng ra, mắt ráo hoảnh. Cô ấy mỉm cười gỡ thằng Rừng ra khỏi tay tui, lùi lại. Hai mẹ con giơ tay vẫy vẫy. Tui chỉ biết nghẹn ngào quay mặt bước đi. Hôm ấy trời trong. Những tia nắng chiếu xiên khoai qua tán cây, nền rừng bốc hơi ngùn ngụt. Mắt tui mờ đi. Con đường vòng dưới chân núi đá tai mèo nhô lên sắc nhọn từ thảm lá mục phủ dày. Tiếng vượn hú não nùng và tiếng hổ gầm xa xa khiến tui chờn chợn, nửa muốn bước đi, nửa muốn quay lại. Cuối cùng, lòng tự trọng của thằng đàn ông trong tôi đã thắng.
*
*    *
Tôi đã đọc đi đọc lại tập bản thảo của Long trong đêm, ngõ hầu tìm ra một chút manh mối nào đó của những nhân vật. Nhưng càng đọc tôi càng thấy hoang mang. Hơn bốn mươi năm rồi còn gì. Thời gian đã vùi lấp quá nhiều thứ. Tôi hiểu Long đã bỏ rất nhiều thời gian công sức đi tìm người trong quá khứ mà chưa thấy nên đành phải viết ra câu chuyện này để nuôi một hi vọng mong manh.
Bốn giờ sáng tôi gọi Long dậy, từ biệt mà không nói lí do.
Về Hà Nội, sau một thời gian suy nghĩ tôi mới quyết định công bố truyện này. Cũng là nuôi một hi vọng. Cho tôi.
Trại sáng tác Tam Đảo tháng 3/2017
Tác giả: Vũ Minh Nguyệt – Giọng đọc: Hùng Sơn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *