Truyện đêm khuya – Hồng Phúc tuy thuộc quân số của đội quân “Lê Anh Nuôi” – như tên một bài hát về các chiến sĩ nuôi quân, nhưng có nhiều tài, nhất là vẽ tranh và điêu khắc. Cũng dễ hiểu vì chàng binh nhì nguyên là sinh viên năm thứ ba của một trường cao đẳng mỹ thuật. Bên cạnh việc đảm bảo “cơm dẻo canh ngọt” cho đơn vị thì đam mê lớn nhất của anh lính binh nhì là được sáng tạo nghệ thuật, thả hồn vào ý tưởng và thể hiện tác phẩm. Tác phẩm là cái nhìn tươi tắn, mới mẻ về người lính trẻ hôm nay.
Người vận động tôi nhập ngũ là ông Đào Quốc Xới nguyên tiểu đoàn phó tiểu đoàn 307 tiểu đoàn “sông trào nước xoáy” thời chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Bấy giờ tôi thuộc làu làu bài “Tôi là Lê Anh Nuôi” bởi vậy xuýt nữa thì tôi chết giấc khi gặp cả trung đội các “thím” nuôi quân ở trường huấn luyện hạ sĩ quan của đoàn 568 thuộc Quân khu Tả Ngạn lại là cánh tóc dài và mặt không có một cọng râu. Sau này khi hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường B2 Nam Bộ tất cả cánh lính trẻ chúng tôi đều là “Lê Anh Nuôi”. Nghĩa là chúng tôi ai cũng biết luộc chín gạo thành cơm biết biến lá rừng thành canh “toàn quốc”. Còn binh nhì Hồng Phúc ở dBB7 anh biết nấu cơm theo kiểu “xông hơi” bằng bếp ga biết xào nấu thức ăn thức ăn dưới sự kiểm định của y sĩ tiểu đoàn. Nhưng anh là ai thì xin thưa với bạn đọc đó lại là cả một truyện dài- cũng như đại tá Nguyễn Ngọc Sơn phải viết cả thiên tiểu thuyết về bút hiệu Sương Nguyệt Minh của mình thì may ra tôi mới hiểu vì sao anh lại có cái tên rất ư là con gái. Còn binh nhì Hồng Phúc thì đơn giản hơn về tên gọi bởi tên anh là do cánh Lê Anh Nuôi của dBB7 đặt cho.
Vì sao ư? Vì đơn giản bạn bè của Hồng Phúc đều là lính binh nhì vừa nhập ngũ vừa xa các nàng tiên sau lũy tre làng nhưng thiếu may mắn hơn anh bởi không được một cô nàng tìm đến thăm ngay ngày đầu nhận chức “nuôi quân”.
Số là đang lúc binh nhì Hồng Phúc ngồi mổ cá thì trực ban tiểu đoàn tìm đến thông báo anh có khách. Khách nào nhỉ? Mới xa nhà có mấy tháng chẳng lẽ mẹ anh hay đứa em gái đã nóng ruột lên thăm. Ông anh thì hẳn là không phải rồi; ông ấy đang đi công tác mụ mị dưới Cà Mau. Thằng út đang học lớp 12 không thể ngang xương bỏ học. Mẹ cả đời không ra khỏi lũy tre làng. Vậy thì chắc chắn là con Tím chứ còn ai vào đây. Cái con này hay rộn chuyện hay kiếm cớ trốn bán hàng để đi chơi với đám gái làng. Tụi nó chẳng biết phim phóng ra sao đứa nào cũng a dua hè nhau mắt xanh mỏ đỏ; hở ra một chút là kháo chuyện con này con nọ vớ thằng chồng Đài Loan thằng chồng Hàn Quốc làm như đó là thời sự động trời to tát hơn cả việc Iraq bị liên quân tấn công bằng tên lửa tomahowk có đầu đạn chứa hạt nhân nhẹ. Chuyến này mà con Tím lên thật chắc phải chỉnh huấn cho nó vài bài về lập trường kiên định yêu đàn ông trong nước biết bảo vệ giống nòi trước sự xâm lược từ bên ngoài của tiền bạc.
Binh nhì Hồng Phúc đưa mắt thăm dò người sĩ quan trực ban nhưng ông ta chỉ nháy mắt như muốn nói: chú mày cứ chuẩn bị lên dây cót tinh thần đi là vưà. Nhưng nếu là con Tím thì mọi chuyện đã khác đằng này người mà binh nhì Hồng Phúc gặp lại là cô bạn sinh viên ở Thủ Dầu Một. Cô ta là “người dưng khác họ” mà binh nhì Hồng Phúc mới quen cách đây hơn một năm. Chính sự mới mẻ trẻ trung và duyên dáng tới lịm người của cô ta mà chàng binh nhì mới toe của quân đội mới có tên Hồng Phúc.
Hồng Phúc tên thật là Huỳnh Tiến Đạt nguyên là sinh viên năm thứ ba trường Cao đẳng Mỹ thuật Bình Dương quê ở Ba Gò Hồng Ngự. Máu vẽ vời và đục đẻo thân cây nhiễm vào anh từ những năm còn nhỏ thó do một ông hàng xóm hay rượu lây cho. Ông ta từng là lính công trường 5 hai bên má có hai vết sẹo tròn sâu hoăm hoắm đó là chiến tích thời lính trận mà ông vẫn tự hào gọi là hai lúm ‘đồng vàng”. “Mầy biết sao hông? Pháo hiệu vừa vọt lên trời là tao nhào khỏi công sự hét xung phong toáng lên. Thằng chết dẫm nào phía bên kia quạt thẳng vào tao một luồng AR15 nó xuyên đẹp tới mức tao không gãy một cái răng nào. Ấy là đạn tiểu liên cực nhanh chứ nếu là 12 ly 7 thì đời tao còn gì”. Hai vết sẹo ấy là của nổi ngày nào ông cựu chiến binh công trường 5 dù không muốn cũng cứ phải khoe ra dưới nắng rực của đồng bằng châu thổ. Còn một thứ tài sản nữa mà ông ta dấu rất kỹ chỉ khi nào ngẫu hứng với ai đó trong bàn nhậu may ra ông mới phạch ngực cho chiêm ngưỡng. Đó cũng là chiến tích của đạn AR15 bắn đâm xuyên từ bắp vai phải qua hai tảng ngực trổ qua bắp vai trái tạo thành tám lỗ thủng đẹp tới mê mẩn tới mức tiến Đạt phải rủa thầm tụi Mỹ sao thua nhanh thế chẳng tạo thời cơ cho anh có kỷ niệm chiến tranh.
Ông nghệ nhân tượng gỗ trở về từ chiến trường này đục đẻo tạo hình cũng chẳng giống ai. Hết thảy đàn bà con gái dưới những nhát dao nhát đục của ông ai cũng hiện ra với dáng hình vặn vẹo và dài thườn thượt. Ấy thế mà họ cứ như đang chuyển động đang nhìn và đang sắp sửa nói với đời một điều gì đó; nhiều người nhìn thấy bật buồn cười riêng Tiến Đạt lại rưng rưng trong lòng một nỗi niềm rất vô cớ. Điều đó đã khiến ông hàng xóm hay rượu nhiều lần cú vào đầu anh và nói: ‘Mày có máu đấy hãy cầm lấy đục mà thử đi!”. Tiến Đạt bắt đầu cầm đục từ năm mười tuổi khi đậu vào trường cao đẳng mỹ thuật anh đã có trong tay hàng chục cô gái mà nếu như thần vệ nữ động lòng hà hơi vào cho thành người chắc chắn tất cả các đời hoa hậu việt Nam đều phát cuồng lên vì ghen. Trong một lần triển lãm tác phẩm thi tốt nghiệp của sinh viên cô nữ sinh đẹp nhất khoa văn trường đại học Bình Dương đã bần thần như bị hớp hồn trước tác phẩm “Người đẹp và con rắn độc” của chàng trai xứ Ba Gò. Và thế là họ quen nhau. Tự nhiên như chim sáo buộc phải quen với cánh đồng của gió.
Như thế chẳng là Hồng phúc thì là gì?
Cánh Lê Anh Nuôi của dBB7 quả là nhạy cảm còn hơn cả những lưỡi dao sắc lem lẻm cứa vào cổ gà cổ vịt xắt vào bí đỏ bí xanh.
BINH NHÌ HỒNG PHÚC VÀ NGÂN THI CÓ YÊU NHAU KHÔNG
Việc Ngân Thi đến thăm và tự nguyện giúp việc ở bếp ăn tiểu đoàn ba ngày đã khiến cả dBB7 sôi lên như động đất. Sung sướng tới vênh mặt lên làm phách là cánh Lê Anh Nuôi; cứ như cô sinh viên trẻ đẹp thuộc biên chế của họ thuộc về họ đến tận cùng từng hơi thở. Rau xanh được rửa kỹ từng ngọn lá. Thịt thà được cạo sạch từng sợi lông. Bếp núc sạch hơn cả bệnh viện 108. Công việc chạy vù vù như quạt gió Sanyo. Mặt chàng nào chàng nấy sáng trưng như vầng trăng vào rằm tháng hạ. Chỉ riêng Hồng Phúc là lúc nào cũng lúng ta lúng túng chân tay cứ như thừa ra làm việc gì cũng lọng ngà lòng ngọng. Theo sách vỡ rất có thể đó là sự phải lòng vụng về của lính mới.
Tiểu đoàn trưởng hiểu điều đó như đã từng hiểu tuổi thanh xuân của mình ông cho phép binh nhì Hồng Phúc được nghỉ trọn vẹn một ngày chủ nhật để đưa người đẹp dạo chơi ngoài huyện lỵ Phú Giáo. Tâm lý hơn ông còn cho chàng lính mới được phép sử dụng chiếc honda trăm phân khối mới cáo mà ông rất ít khi đụng tới.
Chủ nhật tươi hồng biết bao. Nắng ban mai rười rượi. Hơi mát ban mai gời gợi. Con đường sẽ thẳng tới một nơi đẹp nhất như máu chảy về tim. Tình yêu sẽ tuyệt vời như cánh đồng bầu trời cao xanh vòi vọi bởi điều kỳ diệu của một chàng trai là khả năng biết yêu một người con gái bản chất của một con người chính là tâm hồn nghệ sĩ truyền thống của lính 271 là hành quân chiến đấu và chiến thắng. Hai người tuổi trẻ của chúng ta thừa biết họ cần phải đi về đâu khi chiếc xe cứ vòn vọt tiến về phía những cánh rừng bên tả ngạn sông Bé anh hùng.
Rời bỏ cung đường lổn nhổn sỏi đá đang trong mùa xây dựng để nâng cấp thành đại lộ sáu làn xe rời bỏ tiếng ồn ào của xe ben xe lu và máy trộn bê tông hai người tuổi trẻ tràn đầy hạnh phúc của chúng ta đi xuyên qua những cánh rừng cao su rợp mát những cánh rừng điều rợp mát họ mãi miết tiến về miền hy vọng đang ạt ào sóng vỗ bên dòng sông đã đi vào lịch sử đi vào giai điệu những bài ca bất tử. Họ sẽ đi mãi đi mãi như sự hành trình bất tận của tình yêu đôi lứa nếu như binh nhì Hồng Phúc không bất chợt nhìn thấy một gốc cây bị đốn gục bên đường. Linh cảm nghệ sĩ thần diệu mách bảo cho anh một vẻ đẹp cần được đánh thức. Trái tim mẩn cảm của người lính thổn thức gọi phải ra tay. Và thế là… đáng lẽ phải tiếp tục cuộc hành trình tới một bến bờ thơ mộng binh nhì Hồng Phúc lại ngoặt vào một bản người Stiêng. Ở đó những người dân của nhịp điệu “cắc cùm cum”đã nhiệt tình cho chàng lính trẻ mượn đủ các thứ có thể đào bới để móc gốc cây ra khỏi giấc ngủ vùi trong lòng đất có thể đánh thức sự diệu kỳ của cái đẹp vốn tồn tại trong từng thớ gỗ. Bạn đọc khó tính sẽ khó tin điều này như thời tuổi trẻ tôi đã không bao giờ tin một chàng trai lại có thể thờ ơ trước một người con gái. Nhưng cuộc sống lại bất tận những bất ngờ khiến ta luôn phải ngỡ ngàng đến không thể nào tưởng nổi. Chàng trai xứ Ba Gò đã bị hớp hồn bởi cái gốc cây từng bị ai đó dập vùi bằng những nhát dao chặt phá đang đứng trơ trụi ở bên đường. Binh nhì Hồng Phúc đã trần ra đánh vật với từng nhát đục chan chát vào gốc cây khô khẳng tưởng như vô hồn ấy. Sự diệu kỳ của cái đẹp hiện dần ra. Một gương mặt xuân thì mơn căng như cánh hoa bằng lăng nở thẹn thùng bên suối. Một suối tóc chảy xòa như thác đổ. Với chàng lính trẻ bây giờ trái đất chỉ còn có anh với gốc cây rừng và công việc. Bao nhiêu tâm trí và sức lực anh đều dồn vào những nhát dao nhát đục.
Bạn đọc sẽ cho rằng binh nhì Hồng Phúc là một chàng trai kỳ cục hoặc giả là tôi đã bịa ra quá dở vì làm sao lại có chuyện vô lý như vậy. Một buổi sáng đẹp trời. Một cánh rừng. Một dòng sông. Một đôi trai gái đang tuổi xuân thì sự lãng mạn ngàn đời của văn học ắt phải kết họ lại với nhau phải cho những ngọn gió ngân rung lên giai điệu tình yêu đẹp nhất rưới lả tả xuống ái tình của họ những cánh hoa rừng đẹp nhất. Nhưng xin thưa chính cánh Lê Anh Nuôi của dBB7 đã kể cho tôi nghe khá nhiều chuyện kỳ đời về binh nhì Hồng Phúc. Chẳng hạn lúc còn đang học anh đồng ý hùn với bạn bè trăm ngàn để liên hoan nhưng lại trốn đi khỏi bữa tiệc để được yên thân đọc cho xong một cuốn sách vừa vớ được mà không trả ngay trong ngày thì không xong. Lần khác đang ngồi uống cà phê với bè chợt thấy hai người đàn ông dừng chiếc xe tải nhỏ chở đầy gốc cây đẹp vào quán nghe họ bàn nhau về một lâm trường ở Đắc Nông đang phá rừng để trồng cao su vậy là Tiến Đạt bịa ra việc phải nhập viện để xông thẳng lên rừng. Lần đó anh lặn lộn gần cả tuần rinh về được mấy gốc cây mà theo anh là “đẹp hết ý”. Bù lại anh phải chạy chọt để có được tấm giấy nhập viện mới được nhà trường cho thi bổ sung môn “Lịch sử Hội họa thế giới”.
Ngân Thi sẽ phật lòng chăng khi sự hiện hữu của người đẹp mát rượi thịt da con gái đang bị lãng quên trước một chàng trai có tâm hồn không hề giống với những người trần mắt thịt từng đeo đẳng cô suốt mấy năm trời. Ngân Thi là giai điệu ngân rung của một bài thơ chưa hề bao giờ có thật bởi vì đó là bài thơ đẹp nhất mà muốn chạm được vào thì phải biết đợi chờ suốt cả cuộc đời may ra mới thấy. Ngân Thi đã tự biến mình trở lại thành một cô gái quê. Ngân Thi đã dạo những cung đàn ở đâu đó để đem về không biết bao nhiêu là đồ ăn thức uống. Nhưng bữa tiệc dâng hiến mãi đến tận hai giờ chiều mới được bày ra. Những gì họ nói với nhau họ có với nhau chỉ trời mới biết ngoại trừ trường hợp bức tượng gỗ thoát thai từ gốc cây sần sụi trong một phút chạnh lòng có thể khai ra.
Hai người tuổi trẻ trở lại đường 14 lúc 5 giờ chiều. Bức tượng gỗ ngự trên giỏ xe dẫn đường cho họ ngang qua một quán cóc dưới gốc cây trứng cá. Bốn gã trai râu tóc bờm xờm đang ngồi gật gù với thứ nước trong veo trong vắt được chắt ra từ gạo Nàng Loan. Binh nhì Hồng Phúc ngoái đầu nhìn họ miệng sáng chói một nụ cười thân thiện. Ấy vậy mà một gã áo hở nách xăm hình đại bàng trên bắp tay lại hất hàm khó chịu. “Nhìn gì mầy! Cậy chở người đẹp vênh mặt làm tàng phải không? Ngon thì vô đây”. Như người ta thì nên vụt đi cho rồi nhưng binh nhì Hồng Phúc lại thắng kít một tiếng khiến người đẹp ập mạnh cả hai bầu thanh xuân vào lưng anh. Thả một chân chống đất chàng lính trẻ trung đoàn 271 khuỳnh hai tay chống nạnh cất tiếng thản nhiên: “Muốn kiểu gì cũng được nhưng không thể ngay lúc này trước mặt người đẹp. Mấy ông ngon thì cứ đợi đấy chút xíu tính sổ với nhau”. Chiếc xe giật mạnh một cái cất bánh trước lên khỏi mặt đất cả gang tay nếu người đẹp không kịp vòng tay ôm chặt chàng trai thì không biết cơ sự sẽ thế nào.
Chở Ngân Thi vào một quán nước rờm rợp tán bàng binh nhì Hồng Phúc nói: “Em ngồi uống nước nghen! Giải quyết xong tụi nó anh sẽ quay lại.”. Cô gái nắm chặt bàn tay người lính: “Bỏ qua đi anh! Chuyện có gì đâu mà gây sự! Bọn họ tới những bốn người mặt mày coi bặm trợn như tướng cướp Bạch Hải Đường dây vào làm gì!”. Binh nhì Hồng Phúc vỗ vỗ lên bờ vai nhỏ nhắn của người đẹp nói chắc như đinh đóng cột: “Không đây là danh dự của người lính! Em yên tâm! Anh sẽ xử đẹp tụi nó! Lính trung đoàn 271 anh hùng mà em!”.
Tấp chiếc xe vào vệ đường bên kia khúc quẹo ngã tư binh nhì Hồng Phúc gọi một gói ba số bỏ túi huýt sáo một giai điệu ngẫu hứng bụng thầm nghĩ phải tìm một vài lời gì đó để xuề xòa cho qua chuyện chứ sức anh làm sao chọi nổi một tay đàn em đừng nói chúng đông tới bốn người lại đang nổi máu tức khí vì đã ngấm thứ nước có ma lực biến người hiền lành thành trâu điên. Vừa nghĩ binh nhì Hồng Phúc vừa thả xe tà tà trở lại quán cóc. Ở đó cả bốn gã trai vẫn còn ngồi đợi. Vừa thấy binh nhì Hồng Phúc xuất hiện gương mặt cả bọn lập tức căng như sợi dây đàn. Họ đã kịp bàn soạn với nhau trước sự nhập cuộc của bà chủ quán ú nu mà phúc hậu. Nếu Hồng Phúc quay lại đích thị anh mang trong mình dòng máu đặc công chiến khu D dây vào coi chừng mang họa. Một chọi một với lính đặc công thì nguy lắm bà chủ đã hết lời ca tụng lính đặc công sư 5 đã can cả bọn không nên rớ vào mà sứt đầu bể trán . Đánh hội đồng thì còn gì danh dự đàn ông mới từ ngoài Trung vào tìm việc. Tốt nhất là nghe lời bà chủ gọi thêm dĩa mồi với gói ba số. Đàm phán để cứu vãn tình thế bao giờ cũng là sách lược hòa bình có lợi cho cả đôi bên.
Bạn đọc biết sao không khi chàng Lê Anh Nuôi của chúng ta vừa thọc tay túi quần định lôi ra gói ba số tính kế hòa giải một gã trong bọn đã nhanh nhẹn cầm bao thuốc chưa bóc tem trên bàn đứng lên đon đả: “Ông anh hút điếu ba số cho thơm! Bạn tui lỡ lời thôi mà!”. Cục diện chiến trường thoắt một cái đã hoàn toàn thay đổi. Binh nhì Hồng Phúc chẳng những được mời thuốc bằng cả hai tay mà còn được đối phương xòe lửa giúp châm điếu thuốc một cách cung kính. Các quan đại thần muốn bày tỏ tình cảm tận trung với đức hoàng đế của mình cũng chỉ đến thế là cùng. Hoàng đế đối xử với quần thần ra sao không biết còn chàng Lê Anh Nuôi của chúng ta thì vô cùng xởi lởi và đầy thiện chí. Uống cạn với mỗi người một ly vỗ vai với mỗi người một cái nhìn bao quát mọi người bằng nụ cười rộng lượng giơ cao tay chào cả bàn rồi cất bước ra đi không quên buông một lời mời thân thiện: “Cô ấy đang đợi anh em ngồi nhậu nghen! Bữa nào rảnh ghé dBB7 hỏi thăm Huỳnh tiến Đạt sẽ biết Hồng Phúc trung đoàn 271 miền Đông là ai!”.
CHUYẾN VỀ PHÉP ĐẶC BIỆT CỦA BINH NHÌ HỒNG PHÚC
Đúng một tháng sau ngày được tặng danh Hồng Phúc chàng binh nhì của chúng ta nhận được một bức điện điếng người: “Bà nội đang hấp hối”. Chưa kịp làm đơn tiểu đoàn đã cấp cho tấm giấy nghỉ phép sáu ngày. Bấy giờ đã hai giờ chiều trời mưa tầm tả như trút nước. Đại đội phó chính trị đích thân chở Hồng Phúc ra bến xe Phú Giáo. Chuyến xe về Sài Gòn vừa chạy được hơn mười phút. Đại đội phó quyết định dùng xe máy đuổi theo. Cả hai phóng như bay nhưng phải đến gần cầu sông Bé mới dừng được chiếc toyota cũng tranh thủ chạy lồng lên như ngựa.
Chàng binh nhì của chúng ta về đến bến đò chợ huyện lúc quá mười giờ tối. Giờ này bói đâu ra xe ôm tàu đò; nhất là lại đang lúc trời sậm sịch chuyển giông. Tìm nghỉ lại nhà người quen ư? Lỡ mai về tới nơi nội đã được chôn cất rồi thì sao? Một đời nội cơ cực lặn lội chốn đồng sâu vất vả nuôi sáu người con bằng bông súng trắng bằng con cua con ốc. Hai người bác đã ngã xuống chiến trường thời chiến tranh chống Mỹ đến tận hôm nay vẫn chưa tìm thấy xác. Ba người dì công tác vùng địch hậu chỉ còn dì tư sống sót qua roi vọt kẻ thù. Không! Bằng mọi giá phải về ngay với nội trong đêm! Anh không thể quên được lời kể của mẹ về ngày anh cất tiếng khóc chào đời. Bấy giờ mẹ anh đang lâm bệnh việc vượt cạn là vô cùng nguy hiểm. Mẹ nằm trong phòng sanh còn nội thì đi lui đi tới ngoài hành lang gương mặt căng lên nỗi lo sợ. Mỗi lần nghe tiếng mẹ rên đau đớn là nội cuống quýt chắp tay xá thiên địa tám phương chín hướng. Khi nghe tiếng mẹ kêu thét lên nội cuống cuồng chạy vòng vòng như người mất hồn. Rồi không biết từ đâu nội lấy được một nén nhang của ai đó mượn của ai đó được cái hột quẹt châm lên và cắm vào một trái bưởi cũng của ai đó ngồi thụp xuống khấn vái thần linh độ trì cho con dâu qua cơn bỉ cực. Tiến Đạt ra đời èo uột một tay nội phải vừa chăm cho mẹ vừa phải chăm cho cháu. Người mẹ đang bệnh nên phải nằm viện cả tháng ngày nào nội cũng la lết ẵm cháu trai đi xin bú nhờ từng giọt sữa. Không nhất định phải về cho kịp để được nhìn thấy gương mặt của nội lần cuối trong đời. Lầm lủi khoác ba lô trên lưng Hồng Phúc quyết định băng đồng đi tắt qua khu gò mả về làng.
Làng anh là một làng nhỏ bên sông Tân Thành thời chiến tranh là vùng oanh kích tự do của sư đoàn 7 bộ binh Sài Gòn. Ngày nào cũng âm âm tiếng trực thăng quần đảo. Ngày nào cũng vài ba trận bom trận pháo. Tất cả điều đó Tiến Đạt chỉ được nghe qua lời kể của nội; còn mức độ chiến tranh ác liệt cỡ nào chính người thương binh có hai lúm “đồng vàng” trên má tám lúm “đồng bạc” trên ngực mới biết nhưng ông lại rất ít kể cho mọi người ngoại trừ một vài lần uống rượu quá say nhớ đồng đội đến đau thắt ông mới vuột miệng kể ra.
Ông tên là Tám Trục bởi lúc nhỏ ngày nào cũng trần trùng trục độc nhất cái quần xà lỏn suốt ngày hết lặn hụp mò tôm mò cá dười sông Tân Thành lại cà nhỏng khắp Ba Gò trèo me keo dùng cọng thép thọc bọng cây bắt tắc kè. Mười bốn tuổi ông đã theo du kích mười sáu tuổi đã có thành tích hạ trực thăng giữa đồng chỉ bằng mỗi một viên đạn trường mát. Năm hai mươi tuổi ông lừng danh là tay xạ kích của cả một vùng đồng đưng nước nổi bắn đâu trúng đó bắn như để đạn vào đầu bọn bảo an dân vệ. Một lần ông chống xuồng chở chị cán bộ từ Ba Gò ra kinh Nước Đục chẳng may cả hai bị ho bo rượt đuổi ngoài đồng. Ho bo chạy như xé nước. Chiếc xuồng ba lá chỉ mỏng mảnh như lá tre nguy cơ cầm chắc cái chết là trong tầm tay. Giao tay lái coler4 cho người cán bộ Tám Trục quyết định ăn thua đủ với tụi lính hải đoàn 47. Khẩu K2 trên tay ông rung lên từng nhịp hai viên một. Hết băng đạn thứ nhất một chiếc ho bo xịt khói quay mòng mòng tại chỗ. Vậy là khử được một thằng. Còn lại mợt thằng nhưng thằng này bắn trọng liên như vải trấu. Đạn của nó quất ràn rạt như mưa như bão. Không hạ được tên xạ thủ coi chừng nó hạ mình ngay trên đồng nước. Rướn cao người lên Tám Trục lia ngang một loạt đạn dài. Đúng lúc anh nhìn thấy tên xạ thủ gục xuống lưng anh bỗng nhói lên rát rạt. Quơ tay ra sau lưng áo thấy nhớt nhợt Tám Trục biết ngay là mình đã trúng thương đạn nhọn. Sôi máu anh thay băng tiếp đạn xối về chiếc ho bo đang rút chạy một tràng dài chói chát. Rõ ràng trên chiếc ho bo chỉ còn lại một thằng. Nếu chiếc máy coler4 không bị gãy chân vịt nhất định Tám Trục sẽ không tha mạng sống cho nó. Hơn nữa chiếc xuồng ba lá của hai người cũng đã lọt nước lỏng bỏng do đạn trong liên khoan thủng be xuồng mấy lổ. Nước này mà bị nó gọi trực thăng tới soi bắn có chạy đằng trời cũng không toàn thây; tốt nhất là phải tìm cách lủi vào rừng tràm cho thật nhanh.
Lúc này rừng tràm bờ bao Mỹ Hòa đã hiện ra mơ mờ một vệt. Nếu không đến được nơi ấy kông sửa được chiếc xuồng và chiếc máy coler4 họ sẽ khó mà thoát khỏi cánh đồng đưng rộng rinh hàng ngàn mẫu đang giữa mùa nước nổi. Nhưng đến được cũng không phải dễ vì xuồng đã lọt nước mà bơi bằng dầm thì bao giờ mới tới. Cũng may là vết thương trên lưng Tám Trục chỉ là vết thương phần mềm. Sức đàn ông con trai cùng với sức trẻ của người nữ cán bộ lo gì không đến được rừng tràm trước khi trời tối.
Vừa bơi vừa thay nhau tát nước lạch xạch hì hụi mãi hai người cũng đến được bờ bao vào lúc trời sập nhá nhem mặt người. Cánh rừng tràm Mỹ Hòa vốn từng là một trạm giao liên của T8 nay còn sót lại một cái chòi nhỏ chỉ cần dặm lại vài chỗ là có thể trú qua mưa. Tám Trục và chị cán bộ phụ vận đã lưu lại trong cái chòi chơ vơ giữa rừng tràm ấy hai ngày. Hai ngày để chị cán bộ săn sóc vết thương cho Tám Trục. Hai ngày để họ xoay xở trám xuồng đẻo lại hai mái dầm mới để chuẩn bị vượt tiếp ra kinh Nước Đục. Ngặt một nỗi cái chòi nhỏ như bụm tay hai người dù muốn xoay xở nằm theo kiểu gì đi nữa cũng khó mà tránh khỏi sự va chạm khiến sức lửa của chàng trai cứ cháy lên ngùn ngụt. Mọi việc là nhờ ở người nữ cán bộ biết lâu lâu lại kể cho Tám Trục nghe một câu chuyện về người yêu sắp cưới của mình. Mỗi câu chuyện đều gắn với một sự hy sinh của người lính nó giúp Tám Trục hiểu ra mình cần phải làm gì để không xúc phạm đến danh dự của đồng đội.
Chị cán bộ ấy là ai ư? Chính là mẹ của chàng sinh viên tốt nghiệp trường cao đẳng mỹ thuật Bình Dương Huỳnh Tiến Đạt vợ của người bạn đồng đội đã bao lần cùng Tám Trục vào sinh ra tử sống chết có nhau quý nhau còn hơn tình ruột thịt . Có thể vì điều đó mà Tám Trục coi Tiến Đạt như con cháu truyền hết tình yêu với nghệ thuật khắc gỗ cho anh.
Binh nhì Hồng Phúc về tới nhà lúc hừng đông vừa ửng màu mận hồng đào trước cửa. Vừa lột chiếc ba lô liệng lên bộ ngựa chàng lính trẻ đã chạy ngay đến bên chân kệ có kê chiếc quan tài của nội quỳ thụp xuống ấp mặt vào nắp hòm rồi òa khóc nức nở như một đứa bé. Được một lúc chừng hút tàn điếu thuốc anh từ từ đứng dậy bước đến bàn thờ rút một nén nhang thắp lên lạy nội. Sau đó không hề nói một lời anh lặng lẽ đứng dậy gỡ miếng vải liệm trên gương mặt của nội trong áo quan nhìn chăm chắm vào gương mặt răn riu qua thời gian của một con người đã từng có quá nhiều những thương đau qua năm tháng. Thế rồi không hề nghe theo bất cứ một lời khuyên nhủ nào chàng lính trẻ chạy ngay xuống gian nhà xưởng của mình bưng lên một khúc gỗ mít và bộ đồ nghề vẫn còn xanh ánh thép. Từng nhát búa vung lên. Từng nhát đục làm văng bắn lả tả những mảnh dăm gỗ nâu đỏ như da thịt người dân xứ đồng đưng nắng gió.
Người ngoài nhìn thấy cảnh này chắc sẽ nghĩ binh nhì Hồng Phúc đã hóa điên trước sự ra đi của người nội mà anh hằng yêu quý hơn tất cả trên đời. Khói nhang trên bàn thờ sà xuống đọng thành vũng dưới đất. Rồi từ đó từng ngọn khói mờ đục cố gượng dậy bay lên phủ kín tấm thân chàng lính trẻ với bộ quân phục còn xanh màu lá biếc. Có cảm giác như khói bốc ra từ bộ quân phục ấy từ mái tóc còn đẫm sương của người lính sau một chặng đường dài cuốc bộ thâu đêm.
Tất cả những ai có mặt trong nhà đều bàng hoàng sững sốt đưa tay lên dụi mắt như không thể tin được lại có một việc như thế xãy ra. Người mẹ ngồi thụp xuống bên đứa con trai nói thều thào như khóc: “Con ơi! Đi ăn miếng gì đã con ơi!”. Nhưng thế giới đối với người binh nhì đã như không còn nữa. Tất cả chỉ còn có nội ở trên đời. Mà nội cũng sắp sửa rời khỏi mặt đất trụi trần này để đi vào miền vĩnh cửu. Ở đó sẽ không còn những cọng bông súng trên đồng không còn tiếng bom gào đạn thét không còn gì hết ngoài sự công bằng của kiếp phận con người trong thiên hà vũ trụ. Nước mắt ròng ròng tuôn rơi theo từng dăm gỗ văng bắn ra dưới từng nhát đục. Cả căn nhà lặng đi nghe rõ tiếng Tám trục nói nhẹ như hơi thở của gió ngoài thoảng đồng đưng: “Đứng dậy đi chị Sáu. Cứ để cháu nó làm tròn nghĩa nghiệp con người với người đã khuất”.
Qua buổi sáng. Qua buổi trưa. Rồi gần hết buổi chiều. Những nhát búa vẫn vung lên. Những nhát dao vẫn mài xuống. Liên tục. Liên tục như dòng chảy của thời gian không bao giờ ngưng nghỉ. Khi những đàn cò đã chao chác gọi nhau về ngoài lung điên điển gương mặt người nội từng đi qua cuộc chiến tranh lửa máu với quá nhiều mất mát đã hiện ra cùng ánh nhìn như khoan xoáy vào mặt đất trăm ngàn câu hỏi trước cuộc đời dâu bể. Đó cũng là lúc binh nhì Hồng Phúc ngã vật ra nền nhà vì kiệt sức. Mười ngón tay anh co quắp rúm hết cả lại ửng rực màu thời gian do cầm búa và cầm đục quá lâu. Vậy nhưng gương mặt của anh lại ngời lên sự thanh thoát nhẹ nhỏm của một con người vừa làm xong một công việc thiêng liêng từ đáy thẳm tâm linh của chính một con người.
ĐOẠN KẾT THAY LỜI TÂM SỰ
Rất tiếc là tôi chỉ được gặp chàng binh nhì thuộc cánh Lê Anh Nuôi của dBB7 quá ngắn. Một lần gặp anh chớp nhoáng ở nhà ăn tập thể của tiểu đoàn khi anh đang làm nhiệm vụ. Một lần gặp anh trong đêm giao lưu với các nhà văn của tạp chí Văn nghệ Quân đội tại câu lạc bộ trung đoàn. Chúng tôi nói với nhau không được nhiều vì còn phải nghe đại tá nhà thơ Chu Lai kể về thời là lính đặc công chiến khu D rừng Sác còn phải nghe đại tá nhà thơ Vương Trọng trích đọc một trường ca ông viết về chiến tranh. Điều quan trọng là tôi biết chàng binh nhì của chúng ta biết biến những gốc cây tưởng như vất đi thành tác phẩm biết chiết ghép tạo ra những dáng kiểng đẹp đến say lòng. Và… nói thật đấy anh ta có số đào hoa bởi đã có mấy người bạn học thời trung học phổ thông đến tìm thăm tận doanh trại. Còn cái hôm anh băng đồng đi thâu đêm suốt sáng nếu tôi kể ra đây bạn đọc cũng khó mà tin được và rồi thế nào cũng cho rằng tôi lại bịa để rồi lại kết tội cánh truyện ngắn chúng tôi là dân bịa như thật lúc nào cũng tìm cách thêm mắm dặm muối cho câu chuyện của mình.
Đêm hôm ấy binh nhì Hồng Phúc đã đi như chạy dưới mưa tuôn như trút nước đi như kẻ mất hồn trong gió lốc tơi bời. Khi anh về đến bến sông Trăng thì phương đông đã ửng hườm hườm màu đu đủ sắp chín. Mưa đã ngớt nhưng vẫn còn lắc rắc nhỏ hạt. Làng anh bên kia sông nhưng giờ này tìm đâu ra ghe xuồng. Chỉ cần qua sông là tới nhà. Nhà anh ngay bến cây còng. Từ bên ấy thỉnh thoảng tiếng trống đám ma vẫn đưa sang từng chặp. Tiếng trống âm âm trầm buồn tới nao lòng muốn khóc. Kiểu trống dồn nhịp như vậy là đã tới ngày tiễn người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng. Không thể đợi thêm một giây nào nữa bằng mọi giá phải qua sông cho bằng được. Nhưng bằng cách nào đây? Bến sông chỉ lơ thơ vài ba ngôi nhà đang chìm trong giấc ngủ vùi sau một cơn mưa tầm tả. Có lẽ phải buộc túm ba lô trong miếng ni lông làm phao nương vào nó mà bơi. Nhưng tháng này đang mùa nước xiết chỉ với cái phao tạm bợ nếu gặp một dòng nước xoáy không biết sẽ bị cuốn về đâu. Chắc phải đi ngược lên trên một chút chặt một cây chuối để bám vào cho chắc.
Nghĩ sao làm vậy binh nhì Hồng Phúc chui vào một vườn chuối rút con dao Thái ra xoay xở khía vào thân một cây chuối cao to. Loay hoay một lúc cũng làm cây chuối ngã đánh rầm một tiếng. Lập tức có tiếng một thằng bé đứng nơi ngạch cửa la lên: “Chị Hai ơi có chú bộ đội trộm chuối nhà mình!”. Trời ạ. Chặt chuối trong vườn người ta là trộm chuối chứ còn gì. Lại còn khi chặt chàng binh nhì đã lựa cây chuối có buồng sắp chín bởi anh nghĩ đơn giản thế nào trong ngày chủ nhà cũng phải chặt nó. Giờ thì oan to rồi nhé. Sa chân bước xuống ruộng dưa dẫu ngay cho lắm cũng ngờ rằng gian.
Một cô gái hiện ra. Binh nhì Hồng Phúc đứng xuội lơ lọng ngọng mãi mới nói được thành lời. “Nhà tôi đang có đám bên kia sông tôi chỉ định xin thân cây để bơi qua bên đó. Tôi là lính tôi thề”… Theo thói quen binh nhì Hồng Phúc đưa bàn tay phải lên vành mũ. Cô gái nhìn thấy thế thì bật cười khanh khách. “Anh tên Đạt con dì Năm chứ gì. Em học sau anh hai lớp hồi cấp ba mà anh không nhớ à? Hồi đó anh hay đánh đàn ghi ta cho đội văn nghệ của trường. Tụi nó gọi em là Hường lí lắt. Để em lấy xuồng đưa anh qua sông. Em cũng định hôm nay sẽ sang bên đó tiễn bà”.
Đấy binh nhì Hồng Phúc của chúng ta thỉnh thoảng vẫn hay được người đẹp giúp đỡ như vẫy đấy. Ngay cả lúc trả phép khi mua vé xe đò không biết cơn cớ làm sao anh lại được xếp ngồi ngay bên cạnh một người đẹp lên sài Gòn thăm bà con. Dọc đường cô này bắt chuyện hỏi thăm Hồng Phúc đủ điều. Lúc chia tay cô đã cho chàng lính thuộc cánh Lê Anh Nuôi của chúng ta địa chỉ và còn hẹn sẽ lên thăm dBB7 để được biết bộ đội thời bình sống ra làm sao. Tất cả chuyện này bạn đọc tin hay không thì tùy nhưng tôi thì tôi rất tin vào chàng binh nhì biết thổi hồn cho cái đẹp thăng hoa. Bởi vì ngay trong đêm sinh hoạt tại câu lạc bộ trung đoàn tôi đã thấy một nữ quân nhân chuyên nghiệp xinh đẹp hơn cả Vương Thúy Kiều mười lần đến bắt chuyện với anh ta hỏi anh ta cách ghép mai chiếu thủy vào gốc mai rừng như thế nào. Là cựu binh đã qua thời trai trẻ tôi hiểu là phải nhường lại không gian cho họ bởi vậy tôi không thể viết thêm nhiều hơn về binh nhì Hồng Phúc. Và như vậy chuyện ngắn này tất nhiên phải dừng lại ở đây.
Nhưnng có điều này tôi xin thành thật cánh lính trẻ Lê Anh Nuôi của dBB7 nói với tôi rằng: “Chú muốn viết về Hồng Phúc chú cứ một mình lên đây sống với tụi con vài tháng tha hồ mà viết. Cỡ đào hoa như Hồng phúc 271 thiếu gì!”.
Tác giả: H.T.T. – giọng đọc: Hùng Sơn