Truyện đêm khuya – Mấu chốt của câu chuyện chính là sự thú nhận của Hà – nhân vật người kể chuyện. Đó là một chuyện dở khóc dở cười, Hà ôm đứa bé bị cái người đàn bà lẻo mép bỏ rơi về nuôi. Một tình huống truyện cũng không có gì độc đáo. Ây thế mà cách kể chuyện của nhà văn cứ dẫn dụ người đọc, người nghe đi hết truyện, để rồi cuối cùng thở phào nhẹ nhõm. Đời nhiều tệ bạc nhưng đời cũng không thiếu từ tâm….
1. Hà đến ga khá sớm, tò mò muốn biết cái “ghế 30, không số” ghi trên vé nghĩa là thế nào, làm thế nào đã 30 mà lại còn “không số”, mà sao rẻ thế không biết, có hăm mấy ngàn…
Trên đường ray số 2, một con tàu nhem nhuốc đã đậu sẵn. Toa số 1 của Hà kia rồi. Đứng ở cửa toa là một nữ nhân viên áo xanh, trên búi tóc là một cái mũ của ngành đội lênh khênh lấy lệ, như chỉ chực rơi ra.
Hà bước tới, chẳng thấy ai hỏi vé. Cô bám lấy hai tay vịn ở cửa, gần như đu lên, bước thêm hai bước là quang cảnh của bên trong khoang tàu hiện ra ngổn ngang trước mắt, như một cái kho của hợp tác xã. Hai hàng ghế gỗ dài xếp dọc theo cửa sổ đúng là kiểu “không số”, ai muốn ngồi đâu thì ngồi. Vài người trông như dân buôn chuyến đang nhanh tay xếp những bao tải buộc chặt và túi nilon to phồng thành đống cao ngất ngưởng hai bên cửa vào. Ở cuối khoang, một cái bếp lò mới nhóm bốc khói than củi thơm nhè nhẹ, hai chị nấu bếp phục phịch như sinh đôi người thì bóc tỏi, kẻ rọc bánh mì rồi quăng vào một cái thau đợi sẵn trên sàn. Ngay giữa khoang ngự một cái bàn gỗ to như bàn hội nghị với một chồng ghế nhựa đỏ bên cạnh. Hà lưỡng lự nhìn sang hai hàng ghế gỗ dành cho hành khách, thấy bên dưới xếp đầy những chổi, chậu, và thùng rác không, một con vịt nằm trong cái túi, thò đầu ra nghênh nghênh… Hà tặc lưỡi bỏ đồ lên cái bàn to, nghĩ bụng khi nào người ta đuổi đi hẵng hay. Cô lôi một cái ghế nhựa ra ngồi, chễm trệ như sắp chủ trì một cuộc hợp trong khoang, rồi theo thói quen mở luôn máy tính, cấm 3G, rúc ngay vào Facebook khi vừa kết nối được internet. Trang cá nhân như một hang ổ ấm cúng. Vài tin nhắn hỏi đang đi đâu, một chị bạn rủ ăn trưa, cô em chồng khoe ảnh mới cắt tóc mới…
Một lúc sau, trên loa phát ra giọng nói lài lài khó nghe của nhà ga, thông báo đoàn tàu mà Hà ngồi đây sắp chuyển bánh. Rồi giật một cái nhẹ, con tàu bắt đầu trôi. 10 phút sau khi đoàn tàu đã đi qua những cánh đồng, những khu vườn như bỏ hoang, một anh nhân viên bảo vệ tàu đeo cái bao súng bên hông, trông xẹp lem lép, bước vào. Theo sau là một chị mặt mũi bịt kính bằng mũ, khẩu trang, và áo chống nắng; nhìn mớ khăn tắm trên tay thì hẳn là chị đang bế một em bé sơ sinh.
“Ngồi đây đi, tí nữa cứ trả tiền thẳng luôn,” anh bảo vệ nói với chị khẩu trang, chỉ xuống hàng ghế gỗ. Mở các thứ lỉnh kỉnh ra trừ cái khẩu trang, chị này gật đầu chào những người đang có mặt.
2. “Có mạng hả em?” Hà giật nảy cả người khi quay sang thấy đôi mắt chị khẩu trang gần như đậu ngay trên vai mình, nhìn chằm chằm vào màng hình.
Hà chưa kịp trừng mắt thì chị đã nhoẻn miệng cười: “Hoa đẹp thế, em chụp à?”, là hoa ở nhà Hà chụp đêm qua, khi chụp vào trông long lanh hơn bên ngoài nhưng Hà vẫn đưa lên Facebook. Ờ thì trên đấy cái gì chẳng long lanh hơn bên ngoài. Lại hỏi hoa gì đấy em mà to thế, nhiều cánh thế? Ơ hoa quỳnh ấy chẳng lẽ chị không biết à? Chỉ nở có một đêm thôi. Ngắn thế nhỉ, thảo nào không bán ngoài chợ em nhỉ…
“Mà em gõ hộ chị cái này đi… Kéo xuống, kéo xuống nữa, đấy đấy, bấm vào cái Yến Điệu ấy, đúng rồi… Nó đấy. Em nghĩ con này làm nghề gì?”
Nói thế nào nhỉ… Hà là một người trông nguyên tắc mà lại hay cả nể. Phú hay bảo, em chính ra tự đặt các nguyên tắc là để ngăn em khỏi cả nể, chứ chuyến đi nào của em cuối cùng cũng xảy ra một chuyện vạ lây dở khóc dở cười.
Trên màng hình máy tính giờ đã là một trang cá nhân của một cô Yến Điệu nào đó, hình đại diện áo hai dây quần soọc tóc suôn dài, bấm vào thấy mặt xâu xấu, mỏng dính, trắng kiểu dùng kem lột da.
“Em nghĩ nó làm nghề gì? Có phải ca-ve không?” chị khẩu trang hỏi.
“Em không biết đâu,” Hà dè dặt mà thật sự cũng không biết.
“Anh nghĩ con này làm nghề gì?” Chị khẩu trang hỏi anh nhân viên bảo vệ đeo bao súng, và anh này ngay lập tức sà lại.
“Trông như ca-ve,” anh bảo vệ nghiêng nghiêng đầu, buông một câu.
“Sao anh nghĩ thế?” Hà hỏi anh bảo vệ.
“Ca-ve chắc. Nhưng cũng phải 30 hơn…” anh bảo vệ nhìn theo tay Hà kéo thanh cuốn màn hình, lần lượt hiện ra hình nào cũng na ná hình nào, chụp ở siêu thị, chụp ở bàn ăn, chụp ở một đài phun nước, chụp ở Hội Hoa xuân. Có cả một hình chụp trong phòng khách sạn, với Yến Điệu ngồi không thoải mái ở một mép ghế…
“Trông giống ca-ve lắm,” hai chị nấu bếp cũng bu lại từ lúc nào.
“Nhìn thế nào là biết giống ca-ve? Em không biết đâu…” Hà bảo.
“Trông kiểu nó thế. Áo kiểu này, quần soóc kiểu này, tóc suôn suôn,” anh bảo vệ cười tự tin như một chuyên gia trong lĩnh vực này.
Có mùi bánh mì khen khét bốc lên từ cuối khoang, hai chị nấu bếp kêu ầm lên rồi vội vã chạy về trở bánh.
“Chồng tôi cặp với nó đấy,” chị khẩu trang mắt nhìn đâm đâm vào màn hình, nói rành rọt như lời tuyên án, đúng lúc tàu đi chầm chậm lắc lư qua một cây cầu. Mấy hành khách giống con buôn dịch lại gần hơn để nghe. Hai chị nấu bếp đã quay trở lại bàn, kéo ghế nhựa ra ngồi.
“Bồ lâu chưa? Có bắt được tại trận không?” Một chị nấu bếp hỏi.
Chị khẩu trang bắt đầu kể một câu chuyện dài, trong lúc Hà như một người chiếu phim lưu động, kéo thanh cuộn cho mọi người được xem lại những bức ảnh của cô Yến Điệu kia. Một câu chuyện bồ bịch chán ngắt như rất nhiều câu chuyện Hà vẫn nghe mỗi ngày: người vợ thấy chồng lạnh lẽo, rồi đọc được tin nhắn, rồi có người mách, nhưng có nghề nghiệp của cô bồ là vẫn chưa xác định được rõ ràng.
“Đàn ông mười ông thì chín ông có bồ hỉ?” Một chị nấu bếp đưa ra câu hỏi mà thật ra là một lời khẳng định. Không ai phản đối, có vẻ coi đó như một chân lý.
“Bây giờ tính sao?” Chị nấu bếp kia hỏi.
“Chẳng biết tính sao nữa, chịu thôi chứ biết tính gì,” chị khẩu trang buông vũ khí ngay làm mọi người cụt hết cả hứng.
“Tính cái gì, kệ nó thôi, đàn ông mà…” anh bảo vệ đứng lên, ngán ngẩm muốn kết thúc câu chuyện cho xong. Rồi anh cất cao giọng gia trưởng. “Có gì ăn sáng không?”
“Có bánh ướt với bánh mì thịt xíu,” hai chị nấu bếp nhanh nhảu đáp rồi thoắt một cái đã dọn ra trên chiếc bàn nào đĩa, nào đũa, nào bánh ướt với nước chấm sực lên mùi tỏi.
Có tiếng khóc e e của đứa bé. Giờ mọi người mới để ý nãy giờ nó nằm đó trong đống khăn tắm để trên cái băng ghế dài. Chị khẩu trang không có vẻ gì là vội vàng, về lại chổ móc ra cái bình sữa, rồi chẳng cần nựng nịu gì, cắm luôn vào miệng nó.
“Ngoan thế! Con trai hay con gái? Mấy tháng rồi? Hai tháng à, mẹ già mà con bé thế…”
Một bàn ăn đã hình thành nhanh chống. Từ đâu xuất hiện thêm mấy nhân viên tàu từ các toa khác xuống. Họ kéo ghế ngồi quây quanh cái bàn to, rôm rả ăn bánh ướt cuốn với dưa giá trông thật ngon lành. Họ mời Hà ăn thứ món dân dã nhưng Hà từ chói. Vài hành khách ngật ngưỡng bước xuống hỏi đã có cơm chưa và cũng được dọn ăn ngay tại bàn. Đông quá, Hà phải thu dọn đồ đạt, chuyển sang một băng ghế sát cửa sổ, cố không nghĩ tới bên dưới là mấy cái thùng rác không. Một trong hai chị nấu bếp ăn xong, xách một chiếc làn đựng đầy bánh mì kẹp thịt để đi bán dọc các toa. Hà cũng thấy đói. Cô mua một ổ bánh bảy ngàn đầy thịt mỡ của chị nấu bếp, khoanh chân nhìn ra cửa sổ tàu, vừa ăn vừa thấy so với những lần trước đi giường nằm cứng với nằm mềm thì có vẻ như thế này lại thích hơn, như được ở trong một gian bếp của ngày giổ, với những câu chuyện rôm rả của các chị dâu.
Loa rè rè thông báo cái gì đó, một lúc sau con tàu chậm lại rồi dừng trong ga xếp. Người lên kẻ xuống có vẻ tấp nập, đám người đi buôn trong khoang nhanh nhẹn vần những bao tải và túi to ra cửa toa, loáng một cái mọi thứ đã trống trải, chẳng còn anh nhân viên bảo vệ đeo bao súng, cũng không còn hai chị nấu bếp, chỉ còn hai cái lò vẫn tỏa ra mùi củi than thơm thơm.
Tàu lại lúc lắc đi, qua những xóm làng xanh ngắt mà vắng tanh không thấy bóng người, một con sông yên ả có hàng tre rọi xuống đúng như trong thơ hay tả. Dưới gầm ghế, con vịt trong túi nghểnh đầu lên khéc khéc vài tiếng. Giờ Hà mới thấy, cái đống khăm tắm lùm lùm trên ghế khẽ cựa quậy, tiếng em bé ọ ẹ như hỏi có ai ở đấy không, bên cạnh không còn túi xách của người phụ nữ đeo khẩu trang, chỉ còn cái bình sữa đã dịch dần tới mép ghế, chắc chỉ vài giây nữa là sẽ lăn xuống sàn.
3. Câu này Hà vẫn hay hỏi chồng, “Nếu một hôm có người đến đòi nhận lại thằng Tẹo thì sao?”
“Thì mình không cho chứ làm sao,” Phú bảo vợ.
Lần nào Hà cũng hỏi tiếp, nhỡ họ bắt nó đi thử máu, rồi nó lại đòi theo bố mẹ ruột nó, thì sao?… Lần nào Phú cũng sẵng, bảo thằng Tẹo mà thế thì mình cho nó đi luôn, có gì để tiếc nữa nào.
Tẹo đã vào lớp Chồi, trông chẳng giống Phú cũng chẳng giống Hà. Hễ ai mà khen “giống bố Phú thế”, “giống mẹ Hà thế” là Hà ngầm đánh giá người này không thật. Còn hễ bảo, “Trông chẳng giống bố giống mẹ gì” thì đến lượt Tẹo lại giận người ta. Mỗi đêm đi ngủ, Hà ôm cái lưng của con và áp mũi vào cái đầu bé xíu gội kiểu gì vẫn hoi hoi, lòng không thể không nhớ đến con vịt dưới gầm ghế vào lúc khoang tàu đã vắng. Bố con là ai? Mẹ con là ai? Hà vừa tò mò vừa không muốn tìm hiểu nữa. Yến Điệu đã khẳng định đó không phải con cô ấy. Cô ấy nói chưa bao giờ sinh nở. Cô ấy hình như lại có rất nhiều bồ bịch, “Chị muốn hỏi anh nào? Mà chị là ai? Chị điên hở?”.
Cuối năm, trời lạnh hanh hanh. Lần đầu tiên Hà đưa Tẹo về quê chơi, cũng là lần đầu tiên thằng bé đi tàu hỏa. Hà muốn đưa con ngồi lại cái toa số 1 của con tàu ấy, có hai hàng ghế gỗ với cái bàn to, có cái bếp than tỏa khói nhè nhẹ, có những người đi buôn… Nhưng rồi Hà sợ, nhỡ đâu có ai nhận ra Hà và nói ối trời ơi về sau có người đến đây tìm đứa bé không thấy khóc ơi là khóc. Vả lại Phú nói đúng giọng Yến Điệu, em điên hở, mấy năm rồi làm gì còn đúng toa đó cảnh đó mà đòi ngồi lại với lãng mạn.
Phú mua cho hai mẹ con giường nằm khoang 4 chỗ. Trong khoang không ai nói chuyện với ai, có hai cô gái ở hai giường tầng nằm như người liệt, đến bữa mới xõa xượi trèo xuống ăn vội, mắt vẫn không rời khỏi màn hình y như Hà ngày ấy, và ngón tay thoăn thoắt liên tục như là đang nhắn tin cho chính hai cô với nhau. Khoang im lặng quá nên Tẹo cũng rụt rè theo, chỉ dám thầm thì, khi không nằm thì ngồi trong lòng mẹ, cổ quấn khăn cho khỏi viêm họng, nhìn ra cửa kính, cứ thấy cột điện thật to là khe khẽ vỗ tay. Hà nhớ lại cái đống khăn tắm ọ ẹ trên băng ghế vắng của con tàu năm xưa, thấy thương con quá, lần nào đi tàu cũng phải rụt rè. Hà bế Tẹo ra đứng bên cửa kính dọc hành lang, thì thầm vào tai con “Mẹ yêu con”, rồi cứ thế im lặng nhìn cảnh vật, sông trôi qua và núi trôi qua, nghĩ kiếp trước mình là ai và Tẹo là ai. Ở bên đường, vài ngôi nhà đã có dăm cây mai nở sớm.
Tác giả: Phan Thị Vàng Anh – Giọng đọc: Minh Nguyệt