Bài nổi bật

Con Ma Trong Hội Xô Xe – Phạm Duy Nghĩa

Nghe đọc truyện audio  – Câu chuyện mở đầu bằng tình tiết chỉ một tích tắc thôi là cả cái xe khách bị lao xuống vực thẳm, nhưng lại do một hội vong hồn xô xuống. Rất may, có một vong hồn tử tế ngăn lại. Trong đám người được cứu sống, có cả người tốt lẫn kẻ xấu. Hội vong hồn muốn trả thù bởi quá nhiều bức xúc với thế giới con người. Thông điệp của truyện khá rõ khi bảo rằng hãy tử tế khi còn sống trên dương gian.

Một buổi chiều cuối tháng chạp, ở chân núi Phu Luông, có hai người đàn ông mặc áo chàm len lỏi trong rừng trúc hướng về phía đèo Phạ. Một người gần bốn mươi tuổi, đeo dao quắm ở sườn, tay cầm chiếc thuổng. Người kia trẻ hơn, chừng ngoài hai mươi, đội mũ nồi đen. Cả hai vừa đi đào dúi về. Con dúi được bỏ trong chiếc gùi đựng măng trên lưng người trẻ.
Lúc đó vào khoảng sáu giờ. Trời rất rét. Gió ào ạt thổi từng hồi qua rừng trúc. Khi lên tới khúc ngoặt chênh vênh ở lưng đèo Phạ thì Lý A Hù, người nhiều tuổi hơn, chợt bảo người kia dừng lại. Rồi chống thuổng lên một mỏm đá, im lặng nghe ngóng. Có một cái gì vô hình đang ở quanh quất gần đó khiến anh thấy rợn người lên. Phía dưới con đèo, chếch về bên trái vài mét từ chỗ họ đang đứng là một cái vực phủ đầy lau lách. Đây là chỗ hiểm trở nhất của Phu Luông mà các tài xế xe khách, xe tải thường e ngại. Mười mấy năm trước, cũng tại đây, một chiếc xe đã lao xuống vực làm chết bảy người.
Trong lúc Lý A Hù đứng bất động như một pho tượng cầm thuổng thì Lý Láo San, người trẻ hơn, hít mạnh dòng nước mũi xanh lợt chảy xuống tận môi và mở to mắt vì kinh ngạc. Một vầng trăng đỏ như máu, tròn và lớn chưa từng thấy, chậm chạp ngoi lên từ thung lũng bạt ngàn trúc tối đen. Bốn bề lau trắng rạp mình trong gió lạnh như băng. Bên kia hẻm núi mờ sương, ánh bạc của sông sáng lên như miếng thiếc.
Cái cảm giác rờn rợn của Lý A Hù mà những người đi rừng đôi khi vẫn bắt gặp đã hiện hình nơi bờ vực. Trong ánh trăng đỏ quạch, anh nhìn thấy một đám người đang đứng ngồi ngả ngớn quanh những bụi lau rậm. Hình như họ đang tranh cãi. Thoạt tiên chỉ là những âm thanh mơ hồ nhòa trong tiếng gió ù ù, nghe một lúc thì nhận ra tiếng Kinh, lẫn cả thổ âm miền xuôi và miền ngược. Họ nói chiều mai sẽ có một chuyến xe khách qua con đèo này.
– Tao đã nói rồi, nếu chỉ như mọi chuyến xe khác thì tha. Nhưng lần này chính thằng cháu đích tôn của lão ngồi trên xe ấy. Nợ đã đến lúc phải trả. Đây là miếng đòn thù.
Tiếng nói phát ra từ một thân hình cao lớn đen sì, nghe âm âm như tiếng thổi vào ống nứa. Lý A Hù vội kéo Lý Láo San rời khỏi con đèo, nấp vào sau một bụi lau rậm.
– Hơn trăm mét vuông đất cả nhà cả vườn, giá ở vùng xuôi hơn chục triệu một mét mà chúng nó đền bù một mét có ba trăm nghìn. Chúng nó đẩy vợ chồng con cái đứa em tao ra đường, màn trời chiếu đất. Quân ăn cướp. Người dương không làm gì được thì người âm phải trả mối thù này.
– Oan có đầu, nợ có chủ, em đồng ý với anh – Một hình nhân đầu chít khăn đỏ lắc lư – Trời đất run rủi thế nào mà kẻ thù của em cũng gửi một giọt máu lên chuyến xe này. Con bé ấy được trường cho nghỉ Tết, trốn nhà lên miền núi chơi với thằng cháu lão chủ tịch xã. Số phận đã cho hai đứa nó cộng nghiệp với nhau. Lâm ơi, ơn đền oán trả, ngày mai con mày phải chết thay mày!
Rồi chợt bưng mặt khóc ơ hờ. Tiếng khóc thật ai oán thê lương giữa đêm thanh vắng.
Một bóng người khẳng khiu như cây sậy xuất hiện, hai tay bơi bơi ra phía trước rồi bất ngờ sụp xuống trước những người kia.
– Con cháu của họ không có tội gì với các anh cả. Các anh làm như vậy chỉ gây thêm nghiệp báo. Hãy tha thứ cho họ, tôi xin các anh!
Người ấy nói mà như rên. Ánh trăng đủ sáng để Lý A Hù nhìn thấy đầu anh ta rạn nứt, máu tươi từ tóc không ngừng chảy thành vệt xuống cằm.
Bóng người đen sì nói, vẫn bằng giọng bề trên:
– Ngồi trên xe còn có một thằng mặt lợn, chỉ đi từ Nậm Khắt lên Chiềng Sung. Thằng này là phó chủ tịch huyện, ăn chặn từng tấm lợp của dân, ngày mai cho nó đứt luôn một thể.
– Anh nói phải, cũng chính thằng đấy phụ trách việc xây cầu Phu Luông. Xây lay xây lắt từ năm ngoái đến nay mới được một nhịp, mấy tháng rồi vẫn chỉ có ba mố cầu trơ trọi trên sông. Bọn khốn nạn ăn cả sắt thép xi măng nên tiến độ thi công mới chậm như thế.
– Giết hết, giết hết, chúng nó sẽ thế mạng chúng ta ở cái vực heo hút này! – Ba người đàn ông khác tiến ra khoảng trống trước bãi lau, nhảy nhót, vung tay, một người cụt chân huơ huơ chiếc đèn bão lập lòe giọt lửa vàng. Phía sau họ là một người đàn bà mặt trắng như vôi, đầu bịt khăn trắng.
Lý A Hù nhìn xuống chân họ và kinh sợ. Họ bước đi nhẹ như gió thoảng, bàn chân nào cũng cách đất vài phân.
– Tôi lạy các người, hành khách trên xe họ có tội gì? Làm ác thế này, chúng ta muôn đời không chuyển kiếp được.
– Đã chết đường chết chợ còn nhân đạo – Người đen sì chỉ tay về phía chân đèo, gằn giọng – Không muốn lật xe cùng chúng tao thì mặc xác mày, về quê mà ôm xương trắng giữa đồng, tao cho phép. Nơi gió ngàn trăng bãi từ nay không có mặt mày!
Rồi bước ra triền cỏ sát bên đèo, chân lướt đi không chạm đất. Lý A Hù run bắn. Anh nhìn thấy rõ một thân thể không đầu. Phần bụng mở toang, đỏ lợt máu, ruột xổ ra cuốn hai vòng quanh cổ ông ta. Mỡ óng ánh dưới trăng và không ngớt nhểu ra từng giọt.
– Các anh không nhớ lời Phật dạy: Lấy ân báo oán mới diệt được oán; lấy oán báo oán, oán oán trùng trùng – Người đàn ông gầy guộc rên rỉ.
Khi tất cả bọn họ đã lui về và biến mất trong đám lau rậm, Lý A Hù như bừng tỉnh sau giấc mộng. Ánh đèn bão vẫn còn lập lòe đâu đó dưới vực sâu. Anh giật tay Lý Láo San, lập bập hỏi:
– Có nhìn thấy gì không?
San lắc đầu, mặt mũi xám xanh vì lạnh. Cậu ta vẫn ngơ ngác không hiểu vì sao bị Lý A Hù kéo vào bụi lau.
– Không nhìn thấy gì ở bờ vực à?
– Không.
– Thế có nhìn thấy cái đèn không?
– Có cái đèn nào đâu. Trăng đấy chứ.
San chỉ tay về phía trước. Trăng đã nhích lên nền trời được một quãng, tròn căng và đỏ nhợt, như đã hút no máu người thấm trong những dải rừng đen kịt. Từng đám sương mù bay nghi ngút, bắt ánh trăng ngả sang một màu hồng hồng.
Trên suốt con đường về bản, Lý A Hù không nói với San câu nào. Hai người cắm cúi đi trong gió buốt.
Đêm ấy, Hù uống cạn vài bát rượu tiết dúi mà vẫn gai người lên vì sợ. Nửa đêm về sáng, trong hơi rượu bồng bềnh, anh thấy một người đàn ông rất gầy đứng ở đầu giường mình, mặc áo cũ sờn rách toạc một bên vai, nhìn anh bằng đôi mắt tuyệt vọng như cầu cứu. Mảng óc trắng phập phồng lộ ra qua kẽ nứt gần trán anh ta, máu không ngớt chảy thành dòng xuống cổ.
*
*    *
Chiều hôm sau, vào lúc ba giờ, chiếc xe khách từ Hà Nội lên tới Phu Luông đang chuẩn bị vượt đèo Phạ thì dừng lại bởi một khúc cây lớn nằm chắn ngang đường. Vết chặt ở thân cây còn mới, và chếch lên phía đèo một quãng, là những cục đá lớn chất ngổn ngang.
– Cái gì thế này? – Người tài xế từ trên xe nhảy xuống.
Chiếc xe chở chừng ba chục khách. Bụi đường bám dày hai bên xóa mờ vệt sơn đỏ trên thành xe. Trên nóc xe chất đầy những cuộn lá dong cùng dăm sọt gà, sọt lợn.
Từ rừng trúc đột ngột nhô ra một bóng áo chàm. Đó là Lý A Hù. Người lái xe liếc nhìn con dao quắm đeo ở sườn và chiếc thuổng trong tay anh, cảnh giác lùi lại.
Sau một hồi khó nhọc giải thích bằng vốn tiếng Kinh ít ỏi và lộn xộn, Lý A Hù mới làm cho ông ta hiểu được lí do bị chặn đường.
– Gặp phải một thằng điên rồi – Lái xe vẫy đám hành khách đang nhốn nháo – Mọi người xuống hết cả đi, nhanh tay dọn chỗ đá với cây này.
Lý A Hù ngồi bệt xuống giữa đường. Anh van vỉ mọi người hãy cho xe quay lại đi theo đường khác lên Chiềng Sung – con đường chạy dọc bờ sông ấy dài gấp đôi, còn nếu cứ đi qua đường này, một nấm mồ chung đang chờ mọi người ở đáy vực.
Người lái xe không thèm để ý đến những lời lảm nhảm của Lý A Hù. Ông ta cùng cánh đàn ông xúm lại vần khúc cây to gộc không biết được lấy từ đâu và mang đến chân đèo bằng cách nào, vừa đẩy nó lăn vào bụi trúc vừa chửi bới ầm ĩ. Khi Lý A Hù giằng lại chiếc thuổng đang dùng để bẩy khúc cây trong tay người lái xe, ông ta nhổ bọt, gầm lên, vung tay đấm thẳng vào mặt Hù.
Một người thấp mập, mắt híp, mặc áo đại cán bốn túi gạt đám đông lừ đừ tiến lại. Lý A Hù nhận ra ông phó chủ tịch huyện. Như chợt nhớ ra điều gì, anh hốt hoảng chồm dậy chạy ngược lên đèo. Thoáng chốc đã khuất sau khúc ngoặt trên bờ vực sâu, nhanh như một con hoẵng.
Trên xe lúc ấy vẫn còn một đôi nam nữ, dáng chừng là sinh viên, không chịu xuống xe. Khi mọi người đang mải dọn đống đá, cậu con trai, nét mặt lì lợm, một tay thọc vào kẽ rách nơi đầu gối trên chiếc quần bò của cô gái, tay kia giấu trong lớp áo phao màu mận chín của cô ta và sục sạo về phía cạp quần.
Hơn nửa giờ sau, một người lính biên phòng khoác súng cưỡi ngựa xuất hiện ở đỉnh đèo. Giữa nền trời trắng bạc rưng rưng sương chiều, người và ngựa như bức tượng kị sĩ được rèn từ một khối đồng, màu lông ngựa ánh lên như ngọn lửa. Chiếc xe chở khách đang chậm chạp leo dốc, tiếng động cơ ầm ì, chỉ còn cách vực chừng một cây số. Người lính cho ngựa chạy xuống, chặn ngang đường.
Người thanh niên phụ lái nhảy xuống, đứng trước đầu xe. Trong tay lăm lăm chiếc thuổng của Lý A Hù như một thứ vũ khí.
– Tôi ở đồn biên phòng Pờ Xì Ngài, được dân bản báo tin cho biết xe đi qua đoạn vực vào giờ này rất nguy hiểm. Để bảo toàn tính mạng cho hành khách, đề nghị các anh cho tất cả mọi người xuống đi bộ, chỉ một mình người lái cho xe vượt đèo.
Người lính biên phòng còn trẻ, đeo quân hàm trung sĩ, mũi to và đỏ ửng vì rét. Từ miệng anh thở ra một luồng khói trắng. Con ngựa xích thố lông đỏ rực như lửa cũng thở khói trắng phì phào.
– Xe chúng tôi chỉ chở khách, không có hàng lậu, đi như thế nào là việc của chúng tôi. Anh tránh ra cho xe đi – Người phụ lái lạnh lùng nói. Vừa dứt câu anh ta đã phải nhảy vội sang bên đường. Ông tài hung hãn cho xe chồm lên trước đầu con ngựa khiến nó hốt hoảng nhảy dựng hai chân trước, hí vang.
– Anh mà chạy, tôi sẽ bắn thủng lốp xe anh đấy – Người lính biên phòng điềm nhiên nói. Anh giật cương cho ngựa lùi lại và lên đạn.
Người lái xe nhảy xuống, nghiến răng.
– Mẹ kiếp, gần đây có trại tâm thần hay sao mà thả ra lắm thằng rồ thế không biết. Thằng nhãi, có giỏi thì bắn đi! Mày sẽ bị quân đội kỉ luật về việc này. Mày không có quyền!
Ông ta gầm lên.
Phó chủ tịch huyện xuống xe, thong thả bước từng bước chắc nịch tới trước người lính biên phòng. Anh vội nhảy xuống ngựa, đưa tay lên mũ chào. Lái xe nhổ nước bọt vào tàu lá chuối rừng bên đường, cười khẩy. Phó chủ tịch vẫy cả hai người lại gần:
– Những gì cái cậu người Dao lúc nãy kể dưới chân đèo, tôi đã nghe hết. Câu chuyện ấy nó mù mờ lắm, tin cũng được mà không tin cũng được, nhưng thôi, đoạn đèo này cũng hiểm trở thật, cứ cho tất cả mọi người xuống đi bộ cho an toàn.
Rồi ông nói với hành khách trên xe:
– Bà con nên xuống cả đi. Chỉ còn ba cây số là hết quãng đường nguy hiểm, chịu khó cuốc bộ cho ấm người.
Ông tài lạnh lùng:
– Này ông anh, nên nhớ trên xe tôi ông cũng chỉ là khách. Ông không lãnh đạo ai được ở đây. Khách của tôi, tôi không cho ai xuống cả.
Phó chủ tịch huyện im lặng, rồi kéo ông ta ra một chỗ, nói nhỏ câu gì đó. Người lái dịu nét mặt. Mọi người lục tục xuống xe.
Nhìn theo đám người lếch thếch đi bộ, dẫn đầu là phó chủ tịch huyện, lái xe nói với người phụ lái:
– Lão ta hứa sẽ biếu một cân đông trùng hạ thảo xịn nếu tao đồng ý cho xuống xe. Quan chức thằng nào cũng tham sống sợ chết.
Rồi rút thuốc ra hút, làu bàu:
– Xứ sở đếch gì mà từ dân, lính cho đến lãnh đạo đều mê tín. Cái chuyện vớ vẩn như thế cũng tin. Bây giờ mình phải cho xe qua đèo rồi ngồi đợi họ, kiểu này đến đêm mới về tới Chiềng Sung.
Ông ta lên xe, cố tình gầm lên cho mọi người nghe thấy:
– Ma tao cũng đếch sợ.
Tiếng vọng vang rền trong núi đá khiến chim chóc nháo nhác bay lên từ bãi chuối rừng xanh rậm dưới thung sâu. Tài xế nhấn ga, cho xe bò lên, phụt khói vào đoàn người.
Khi lên tới đỉnh dốc lưng đèo Phạ, mọi người ngạc nhiên thấy chiếc xe đỗ lại bên đường, đúng chỗ ngoặt nguy hiểm nhất ngang tầm miệng vực. Ông lái đang ngồi trên mô đá chênh vênh bên vực trước đầu xe, hút thuốc, còn người phụ lái nằm ngửa dưới gầm xe.
– Xe bị sao thế? – Phó chủ tịch huyện hỏi.
– Tự dưng chết máy. Không hiểu tại sao – Lái xe đáp.
– Chắc tại ắc quy. Ông có dây cáp câu bình ắc quy không, đợi xe khác đi qua thì nhờ đấu nối?
– Không, ắc quy còn mới. Tôi có cả ắc quy dự phòng – Ông lái gọi người phụ xe – Kiểm tra lại máy phát xem sao! Mẹ kiếp, xe này từng băng qua ngầm tràn giữa mưa lũ ầm ầm mà chưa bao giờ chết máy.
Rồi đứng dậy, giận dữ ném mẩu thuốc lá hút dở xuống bụi lau trên bờ vực, lên xe ngồi trước vô lăng. Một giờ sau, động cơ vẫn không nổ được.
Trời miền núi thường tối sớm. Con đường ngoằn ngoèo mờ dần, mất hút trong vùng núi đá trập trùng. Bốn bề im vắng, buồn thê lương. Bản tin thời tiết từ radio trên xe thông báo nhiệt độ miền núi phía bắc tiếp tục giảm mạnh. Trong đêm, một số vùng sẽ xuất hiện băng tuyết.
Mọi người lo sợ. Sau một hồi cãi vã đòi nhà xe hoàn lại một phần tiền vé, hành khách phải cuốc bộ gần hai chục cây số về Chiềng Sung. Riêng ông phó chủ tịch được đưa về huyện lị bằng xe máy của đồn biên phòng Pờ Xì Ngài.
Đêm đó, người thanh niên phụ lái theo người quen vào bản uống rượu, một mình ông lái ở lại với chiếc xe giữa núi rừng heo hút. Về khuya, sương mù từ vực sâu tỏa lên nghi ngút, cuồn cuộn bay qua nền trời xanh lam. Gió rét thổi suốt đêm. Nhớ đến câu chuyện người đàn ông Dao gàn dở kể lúc chiều, ông lái mở cửa xe nhìn sâu xuống vực. Tuyệt chẳng thấy gì. Chỉ có vầng trăng leo lét trên trời và cả triền lau chìm trong sương mù trắng xóa.
*
*    *
Trung sĩ Hoàng Văn Thái vốn là người không tin có ma quỷ. Từ miền xuôi lên Tây Bắc làm lính biên phòng đã vài năm, được nghe kể không ít chuyện ma, nhưng trước sau Thái vẫn cho rằng đó chỉ là những thêu dệt từ một xứ sở còn hoang vu ủ nhiều bóng tối.
Khi mới về làm lính đồn Pờ Xì Ngài, anh đã được anh em trong đồn kể cho nghe một chuyện xảy ra mấy năm trước. Chuyện rằng, trong một buổi tối tuần tra, một người lính cùng chó nghiệp vụ của đồn lạc vào khúc suối nông chảy trong khe núi vắng. Đêm ấy trăng rất sáng, soi rõ từng viên sỏi trắng tinh dưới nước. Trên suối có một tảng đá to và phẳng như cái bàn. Không hiểu tại sao khi lội nước tới tảng đá đó, con chó quay đầu chạy ngược trở lại, mõm cứ chúi xuống với vẻ sợ hãi. Anh lính quát, nó quay lại, nhưng khi đến gần tảng đá nó lại hốt hoảng trở lui. Bực tức, một mình anh cầm súng băng qua suối đi vào lối mòn ven rừng. Con đường này anh từng biết trong những lần tuần tra, nhưng chẳng hiểu vòng vèo thế nào mà cuối cùng anh lại thấy mình đứng trước tảng đá lấp lánh ánh trăng trên con suối nọ. Trở ra đi lối khác nhưng cho đến sáng, anh vẫn lạc vào khe núi có khúc suối trong veo vắng lặng ấy. Con chó khi về đồn thì ốm, bỏ cơm mấy ngày. Biết chuyện, thầy cúng Tẩn Phù Chỉn ở Pờ Xì Ngài nói: “Ma dẫn lối đấy. Chuyện thường mà”.
Năm trước, một chị người Dao vào rừng lấy măng, gặp một cây chuối rừng to bên bụi nứa rậm, chị vung dao chặt để mang về nấu cho lợn ăn. Con dao sắc nhưng không làm đứt được vết nào trên thân cây chuối. Mỗi nhát dao chém vào lớp vỏ bẹ xanh bóng lại bị đẩy ra bởi một lực vô hình. Ráng sức chặt bằng được, chị làm cho cây chuối rã ra, đổ xuống. Về bản, chị lên cơn sốt và chết sau đó một ngày.
Một lần Thái có việc đi trong rừng đêm trên một chiếc xe tải quân sự, khi qua một con ngầm, bỗng thấy một bầy đom đóm từ vùng lá rậm bay túa ra, lượn thành vòng tròn trước kính xe rồi biến mất. Con đom đóm nào cũng to, xanh lét. Người lái xe im lặng, đi được một quãng thì bất chợt hỏi anh: “Cậu có biết vì sao trên các con đường ở miền núi cũng như miền xuôi, có những chỗ rất bằng phẳng, không phải khúc cua, mà lại có tấm biển đề Đoạn đường thường xảy ra tai nạn không?”. Anh ta giải thích: “Vì nơi đó từng xảy ra một tai nạn, linh hồn của nạn nhân vì uất hận muốn trả thù đời nên cứ quanh quẩn ở đó và tác động lên thần kinh của những người lái xe qua để tiếp tục gây tai nạn. Vong của những người chết tiếp theo cũng ở lại đó, và cứ như thế, tạo thành một tập thể vong. Anh ruột tôi chết trên đèo ở Tây Nguyên, báo mộng rằng không muốn về nhà, thích ở lại đèo tham gia vào một hội xô xe, vui lắm”.
Thái cười. Ngày nhỏ anh vẫn nghe bà kể hồn những người chết đuối thường quanh quẩn ở bãi sông vùng hồ và kéo chân dìm người khác khi có cơ hội, bắt họ thế mạng cho mình. Dân gian gọi đó là con nam. Những chuyện như vậy, cũng như chuyện ma rừng, ma suối, Thái không mấy tin. Đúng hơn, anh ít quan tâm đến chúng.
Nhưng cái buổi chiều cuối năm rét buốt ấy, khi Lý A Hù gặp Thái ở cổng đồn biên phòng với vẻ hốt hoảng cực độ, mặt tái xanh, thì anh không thể bình tâm được. Câu chuyện những bóng người trong sương định xô chiếc xe khách xuống vực làm anh nghi ngờ, nhưng sự thật thà thuộc về bản chất của người dân ở Phu Luông khiến anh bối rối. “Mau lên anh Thái” – Hù giục. Con ngựa xích thố vừa đi huyện về, đang gặm cỏ ngoài cổng đồn, khẩu súng mới tháo ra lau chưa kịp cất vào kho… Thái do dự vài giây, rồi bí mật lấy súng lên ngựa, thẳng hướng đèo Phạ. Bất luận hư thực thế nào, tính mạng của mấy chục hành khách trên chiếc xe làm anh không kịp đắn đo suy nghĩ.
Trở về đồn, anh bị ban chỉ huy gọi lên tra hỏi vì tội tự ý mang ngựa và súng ra chặn chiếc xe khách giữa đèo. “Việc của cậu không chỉ dừng ở đây đâu” – đồn trưởng nói.
Thái bị cảnh cáo trước toàn đơn vị. Anh nhận tội một cách vui vẻ, không ân hận về việc đã làm. Chiều chiều, anh tự xách thùng ra sông lấy nước tưới vườn rau của đồn, ngoan ngoãn coi đó là một hình phạt bổ sung. Hoa cải nở vàng sáng cả một dải đất ven sông, cái rét càng làm hoa sáng và lung linh hơn trong những buổi chiều đông ảm đạm. Ở vùng biên ải này, mùa hoa cải bao giờ cũng kéo dài hơn ở dưới xuôi, ra giêng vẫn còn tươi ngăn ngắt và vàng chói lên, có lẽ vì giá rét.
Trên quả đồi phía sau đồn, những cây đào cũng bật ra trong gió rét những nụ hồng ấm. Mọi nhà ở Pờ Xì Ngài nhộn nhịp rửa lá chuối, lá dong gói bánh Tết. Lính đồn cũng náo nức vào bản gói bánh cùng dân.
Tết năm ấy, bên mâm rượu, mọi người còn nhắc lại chuyện chiếc xe khách chết máy giữa đèo. Nghe nói sau nửa ngày xoay xở đủ cách, kể cả việc làm mạo hiểm của ông lái là đốt lửa dưới gầm xe để làm nóng bình nhiên liệu vì dầu trong bình có thể bị đông do trời quá lạnh, chiếc xe vẫn im lìm như cục sắt. Chửi bới văng tục chán, ông ta buộc phải làm theo lời khuyên của dân bản. Một mâm gỗ với thủ lợn, gà luộc, xôi ngũ sắc cùng vàng, hương được đặt lên mô đá trên miệng vực. Thầy cúng Tẩn Phù Chỉn đến đọc bài khấn, cầu siêu thoát cho bảy vong hồn nạn nhân trong vụ đổ xe hơn mười năm trước, tài xế và người phụ xe phủ phục hai bên. Khi chén rượu được thầy cúng hắt xuống bãi lau, xấp giấy vàng động đậy trên mâm và theo một luồng gió bay xuống gốc cây sung già gần đáy vực. Vài phút sau, người lái lên xe. Chiếc xe nổ máy dễ dàng.
Trong năm đó chiếc cầu bắc qua sông ở Phu Luông được gấp rút hoàn thành. Xe cộ từ miền xuôi lên đi qua cầu chạy thẳng tới Chiềng Sung, không phải men theo cung đèo nguy hiểm trên miệng vực nữa. Mỗi lần ra sông múc nước tưới vườn rau xanh ngắt của đồn biên phòng, nhìn lên nhịp cầu cong vắt, trung sĩ Hoàng Văn Thái lại mỉm cười. Hình như những lời của bóng ma được thuật lại qua miệng Lý A Hù cũng làm cho những người chỉ đạo việc xây cầu biết sợ.
Còn Thái, không hiểu vì sao từ sau sự kiện chiếc xe khách, anh thường vẩn vơ nghĩ tới một người chưa bao giờ gặp. Đó là người đàn ông xuất hiện ở đầu giường của Lý A Hù vào cái đêm Hù và San qua đèo Phạ, giữa ngàn lau trắng hoang rợn dưới vầng trăng đỏ thẫm như máu người. Thái luôn mường tượng ra đôi mắt buồn sâu thẳm của anh ta, cái nhìn nặng tình nhân thế, manh áo cũ sờn rách xả một bên vai cùng vệt máu chảy ngoằn ngoèo xuống cổ. Thái tin, nếu thực có thế giới người âm, thì cái con ma trong hội xô xe này, khi sống trên đời ắt hẳn là một người tốt.
Những năm sau đó, người dân trong các bản có việc đi qua đèo Phạ vào ban đêm kể lại rằng, đôi khi họ vẫn nhìn thấy những bóng người thấp thoáng trong sương mù trên miệng vực. Nhưng nhìn đi nhìn lại, chỉ thấy có sáu người. Theo cách giải thích của thầy cúng Tẩn Phù Chỉn thì, do có việc làm nhân nghĩa động lòng trời, một người đã được cử đi làm thổ thần cai quản một vùng đất hoặc dải sông nào đó.
Hà Nội, 12/2015
Tác giả: P.D.N – Giọng đọc: Việt Hùng – Biên tập: Vân Khánh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *