Truyện đêm khuya vov2 – Năng Tuệ là tên truyện, cũng là tên nhân vật chính. Năng Tuệ và cô gái xưng “tôi” có nhiều điểm tương đồng. Cuộc đời họ có những khoảng trống khó đắp bù. Một người đã từng ở chùa nay làm nghề tiếp thị, còn một người là thợ may. Điểm nút của tác phẩm là khi cô gái biết mình đã mang giọt máu của Năng Tuệ. Nhưng cũng đúng vào thời điểm nhạy cảm và quan trọng đó thì Năng Tuệ cũng biết tin tức về cha mẹ – những người đã từng bỏ rơi anh từ khi mới lọt lòng…
Năng Tuệ chuyển đến khu trọ của tôi vào một ngày buồn bã. Cái buồn bã của cảnh vật chen vào tâm trạng của con người. Cái buồn của con người làm cảnh vật ủ rũ. ẹt khi mọi người biết tôi buồn. Còn Năng Tuệ cái sự buồn ăn vào hình dáng bên ngoài khi mọi người cảm nhận anh thành thói quen khó diễn tả. Ở anh cái gì cũng có thể làm người ta buồn.
Buồn lây cái sự buồn của anh. Nhưng hình như tâm hồn anh chẳng buồn nhiều đến thế. Người ta cứ nhìn cái hình dáng của anh để đoán chứ nào đủ thời gian và sự nhạy cảm để hiểu về anh. Một thân hình mảnh khảnh, yếu ớt. Mái tóc bị phơi nắng quá nhiều lúc nào cũng vàng hoe, rũ rượi. Bảo Năng Tuệ cắt tóc ba phân cho mát, anh không chịu. Anh nói khuôn mặt anh không hợp với cái kiểu đầu trộm đuôi cướp. Tôi tự ái. Đâu phải ai cắt tóc ba phân cũng là đầu trộm đuôi cướp.
Thế thì có mà nửa cái thị trấn này bị quy chụp. Tôi chẳng buồn tranh luận. Với Năng Tuệ, trời phú cho anh duy nhất một điều đó là khả năng nói không mệt mỏi. Còn những điều còn lại chẳng bao giờ được trưng bày. Và anh chọn một công việc thật phù hợp với mình: nghề tiếp thị. Hằng ngày cưỡi trên con xe Tàu đã ậm ạch, anh đi khắp thị trấn, nói đủ mọi chuyện với đủ mọi loại người. Có lần, vô tình tôi thấy anh đang đứng nói chuyện rất thân mật với bà béo bán tạp phẩm ở đầu thị xã. Anh còn vuốt mái tóc cứng đơ và vàng khè vì hoá chất của bà ta. Nhìn cái cách anh nói dù rất rổn rảng nhưng sao vẫn thấy cái sự buồn nó ám vào anh. Nhìn vậy mà bực mình. Vừa bực mình vừa thương. Ở cái xóm trọ nghèo của chúng tôi ai cũng tất tả, vật lộn với cuộc sống. Chẳng nhẽ cả đời như thế này? Để tồn tại còn khó, huống hồ là sống cho ra hồn.
Năng Tuệ – Dương Mai Hương
“Từ bé đến giờ tao chỉ mong ước được ăn cả con gà. Một mình tao ăn cả một con gà. Rồi sau đó chết cũng an lòng” – Cô bạn cùng phòng tâm sự khi hai đứa chuẩn bị đi ngủ. Tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Nó đã ngủ lăn lóc từ bao giờ. Sao cuộc sống kỳ lạ thế nhỉ? Cái định luật khổ trước sướng sau có trở thành hiện thực không? Cả đời cứ làm lụng vất vả thế này rồi sẽ đi đến đâu? Liệu một tương lai tốt đẹp phía trước có đang chờ tôi? Hay lại như mẹ, cả đời làm lụng vất vả để nuôi một ông chồng nát rượu chuyên đánh đập vợ con. Mẹ sống đến từng này tuổi đầu đã bao giờ dám mong ước cho mình cả một con gà chưa nhỉ?
Tôi thấy thương mẹ quá. Nếu ngày xưa người đàn ông đó không bỏ đi để mẹ phải lấy một người đàn ông khác làm chồng, lấp liếm cho đứa trẻ đang lớn dần trong bụng – là tôi, thì đời mẹ có khổ như bây giờ? Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, tôi lại quay ra trách mình. Hoá ra mọi nỗi khổ của mẹ đều bắt đầu từ tôi. Nếu tôi không tồn tại có phải mẹ bớt khổ. Mà cả tôi nữa, không tồn tại có phải tôi đỡ khổ?… Phòng bên cạnh, Năng Tuệ vừa đi làm về. Miệng ư ử hát một giai điệu nhạc vàng cũ rích. Anh chàng này buồn cũng hát, vui cũng hát, không thế nào cũng hát. Chỉ có âm điệu và thể loại là đôi chút thay đổi. Với cái kiểu hát nhạc vàng này hẳn là đang vui vẻ chi đây. Mất một lúc lục đục, cả khu trọ lại rơi vào khoảng không tĩnh lặng. Bên kia là ao bèo. Tiếng côn trùng kêu ầm ĩ.
Ở mãi cũng quen. Có lúc còn chẳng cảm nhận được cái thứ âm thanh ầm ĩ kia trong cái khung cảnh yên bình này. Có phải lúc đó con người đã mất đi sự nhạy cảm cần phải có không nhỉ? Tôi cứ lăn bên nọ, lăn bên kia mà chẳng ngủ được. Mùi thuốc lá bên phòng Năng Tuệ bay sang làm tôi càng khó ngủ. Có lẽ anh cũng chưa ngủ được. Một ngày mệt mỏi, lẽ ra nằm xuống giường là phải ngủ ngay, đằng này…
Đêm nào Năng Tuệ cũng nằm bên kia hút thuốc. Còn tôi nằm bên này cảm nhận tâm trạng của anh cùng mùi thuốc lá. Ngày trước tôi ghét vô cùng mùi thuốc lá. Hễ bố hút là chạy ngay xuống bếp hoặc đi đâu đó một lúc mới về. Bây giờ đi làm, suốt ngày phải ngửi mùi thuốc mà chẳng thể chạy đi đâu được. Hình như Năng Tuệ cũng trằn trọc như tôi. Đêm nào tôi cũng lắng nghe cuộc sống khi vạn vật đã ngủ. Chỉ có Năng Tuệ là chưa ngủ.
Có thể anh chàng buồn bã đó cũng đang lắng nghe như tôi… Có lúc bỗng thấy sự gần gũi đến khó tả giữa tâm hồn anh chàng khờ khạo đó và tôi. Có lúc bỗng thấy nhơ nhớ mái tóc dài mềm mềm hoe vàng ấy thế. Nhớ cả những điệu hát nho nhỏ trong cổ họng. Nhớ cả mùi thuốc lá mỗi khi lên giường mà chưa thấy Năng Tuệ về.
Xưa nay đàn ông đối với tôi là một giống loài xa lạ, chưa bao giờ tôi cố công tìm hiểu, ngược lại luôn tạo cho mình bức rào chắn để tránh bị tổn thương. Chỉ riêng với Năng Tuệ – cái tâm hồn nhẹ nhàng, mênh mang buồn vui ấy làm tâm hồn tôi an tâm. Chúng tôi chẳng mấy khi nói chuyện. Tôi không thích điều đó. Nhưng hình như chẳng cần như thế, hằng đêm chúng tôi vẫn gần, thật gần. Sự gần chỉ có tôi biết. Chẳng chắc Năng Tuệ biết được…
Cái Lĩnh nhận được thư nhà, ngồi khóc như mưa. Nhà nó có chuyện. Mẹ nó ốm quá. Tội nghiệp con bé vừa vào làm, cứ lóng nga lóng ngóng, sản phẩm cứ nhầm hết cả, chẳng biết tháng này có dư dật đồng nào mà gửi về cho gia đình. Chúng tôi đứa nọ nhìn đứa kia. Nỗi buồn thấm sâu vào cả không khí, tôi tưởng ra như vậy. Năng Tuệ đứng dậy đi ra ngoài. Rồi chẳng ai bảo ai, chúng tôi ai về nhà nấy. Nhưng rồi cũng chẳng ai bảo ai, mấy phút sau tất cả quay trở lại chỗ của mình khi nãy, mỗi người đưa ra khỏi tay một chập tiền lẻ. Có cái gì nâng niu, trân trọng thái quá, tôi nghĩ thế. Nhưng không làm sao được, đó là đồng tiền mồ hôi công sức của mọi người. Lĩnh vẫn ti tỉ khóc. Nó chẳng nghĩ mọi người làm thế, miệng khóc, mắt cứ nhìn trân trân. Nó vừa mới đến khu này được một tháng chứ mấy. “Chắc cũng chẳng được mấy đâu. Em xem cố gắng thu xếp rồi gửi về cho nhà một ít” –
Năng Tuệ nói bằng cái vẻ mặt buồn buồn vốn có của mình. Nếu ai không hiểu có lẽ sẽ nghĩ là anh đang tiếc chỗ tiền vừa bỏ vào. Tôi buồn cười. Cái Mai cũng cười. Lĩnh thôi khóc. Nó cảm ơn mọi người rối rít. Chúng tôi chỉ cười. Đêm ấy phòng cái Lĩnh cứ lục đục. Mùi thuốc lá của Năng Tuệ vẫn lẩn khuất trong không gian.
Tuần này được nghỉ lễ, cả khu trọ nhộn nhịp chuẩn bị về nhà. Chỉ thấy Năng Tuệ là không rậm rịch. Chúng tôi trêu đùa nhau, Năng Tuệ được giao nhiệm vụ ở lại trông nhà cho mọi người. Nhìn anh cười nhưng vẫn buồn nao nao trong mắt. Chúng tôi chẳng nói gì vì không nỡ hỏi. Mọi người chỉ nghĩ anh bận nên không về được.
Bắt chuyến xe lúc mười hai giờ, tôi hí hửng trở về nhà. Mấy tháng nay tôi chưa về. Công việc lu bu quá. Gọi điện về, mọi người vẫn khoẻ thế là yên tâm. Nghe giọng mẹ vui vui, tôi cũng thấy mừng. Đợt này về, tôi sẽ mua cho mẹ đôi lợn để mẹ chăm sóc. Chắc mẹ vui lắm. Chuyến xe trưa chật ních. Những chuyến xe về tỉnh lẻ chật như nêm toàn người và bao tải. Chẳng hiểu họ để gì trong những bao tải ấy. Mùi xăng xe pha với mùi người làm không gian đặc quánh.
Tôi về đến nhà khi chiều đã tắt nắng, quãng đường đi bộ làm mất của tôi một khoảng thời gian khá lâu. Bỗng nhiên có một khoảng lặng trong mình để suy nghĩ về mọi việc. Để tưởng tượng ra mọi việc. Không biết mọi người ở nhà thế nào? Không biết khi nhìn thấy tôi ở cửa, mẹ có vui không? Cả bố nữa. Dạo này bố có đánh mẹ không nhỉ? Ông chưa bao giờ nói với tôi một câu tử tế từ khi tôi đủ sức để nhận thức mọi việc, nhưng rõ ràng ông cũng chưa bao giờ đối xử quá tệ đối với tôi. Dẫu sao ông vẫn là bố tôi. Tôi chỉ buồn vì ông hay đánh mẹ. Mà biết đâu những lúc đó chẳng phải là lúc ông nhớ đến nguồn cội của tôi. Tôi tránh gặp ông mọi lúc có thể, vì tôi sợ ông đánh mẹ. Cả đời mẹ khổ. Thương mẹ nhiều nên chỉ biết trốn bố. Bây giờ tôi đi xa, chắc mẹ sẽ sướng hơn chút xíu. Tôi mong thế.
Ngôi nhà nho nhỏ của tôi. Hoa đồng tiền nở đầy cổng. Nhiều hoa mà chẳng thấy tiền đâu. Chẳng thấy ai ra đón, tôi hơi buồn nhưng lại bật cười vì có báo cho ai đâu mà mọi người ra đón. Về đến ngôi nhà của mình khiến tâm trạng của tôi kỳ quá. Vào đến gần sân tôi mới nghe thấy tiếng khóc của mẹ. Bố đang ngồi trên phản uống rượu. Mẹ phải quỳ ở dưới đất. Cái giọng lè nhè của ông ta làm tôi đau thắt: “Bà nói xem bố con Vân là ai? Nói… Sao không nói? Bà khinh tôi à?…Khinh này…Khinh này…”. Mỗi lời nói của bố là một cú đấm, cú đạp như trời giáng vào mẹ. Mẹ cứ ngồi im như thế hứng chịu những đòn đau của bố. Tiếng khóc đứt quãng. Dấm dứt. Cái lỗi lầm hai mươi năm của mẹ đang làm khổ mẹ và chẳng biết còn làm khổ đến bao giờ.
Tôi muốn chạy ngay ra khỏi ngôi nhà nhưng thương mẹ quá. Mà vào bây giờ chắc gì tôi đã làm mẹ vui. Những suy nghĩ cứ đảo điên trong đầu khiến cái túi của tôi rơi bịch xuống đất. Cả hai người cùng quay ra nhìn. Tôi nhìn thấy ánh mắt thất thần của mẹ. Đôi mắt ông ta cụp xuống. Tôi chưa kịp nói lời nào thì bố đã lủi vào trong buồng cùng chai rượu. Hai mẹ con tôi ôm nhau khóc. Tiếng khóc như nghẹn lại, chỉ có những giọt nước mắt cứ thế trào ra. Thương xót.
Hôm sau tôi đi sớm. Nói dối mọi người để ra khỏi nhà nhanh nhất có thể. Cũng chẳng muốn như thế chút nào nhưng nếu tôi ở nhà thì mọi chuyện chỉ càng xấu hơn. Nỗi buồn thấm đầy chiếc khăn mùi xoa. Tôi cố gắng không nghĩ về quá khứ nhưng tương lai sao cũng mù mịt quá. Có lẽ nên nghĩ tới cõi nào sau khi chúng ta rời khỏi thế giới này…
Về đến khu trọ cũng đã là trưa. Mọi người về nhà hết. Cả cái khoảng không im lặng và vắng vẻ này là của tôi. Biết làm gì với nó bây giờ nhỉ? Tôi muốn cất lên tiếng hát yếu ớt của mình. Có lẽ hát sẽ cho ta sức mạnh. “Bình yên một thoáng cho tim em. Bình yên ta vào đêm. Bình yên để đoá hoa ra chào. Bình yên để trăng cao…”.
Vừa mở cửa vừa hát, nhưng tiếng hát cứ méo mó dần. Giữa khoảng không này có hát cũng chẳng thể có sức mạnh. Tôi nhớ mẹ, thương mẹ quá. Các em chúng nó chẳng hiểu được. Tôi hiểu được thì chẳng giúp được gì ngoài việc tránh xa mẹ. Nước mắt chẳng giúp được gì nhưng vẫn cần đến nó. Biết làm gì bây giờ… Cái tâm trạng tuyệt vọng dễ giết chết con người ta ở bất kỳ đâu. Huống hồ tôi lại phải ở một mình thế này. Chưa bao giờ nghĩ chết tốt hơn sống, nhưng sao lúc này tôi chỉ mong mình chưa từng có mặt trên đời này có phải tốt hơn không. Giá như…
Tiếng gõ cửa làm những giọt nước mắt của tôi ngưng lại. Hoá ra là Năng Tuệ. “Thấy cửa mở nên anh sang xem. Sao em lên sớm thế?”. Tôi mời anh vào nhà. Bỗng nhiên muốn nói cả ra với anh, với cái tâm hồn đêm nào cũng trằn trọc cùng tôi đến thế. Chưa nói được lời nào nước mắt đã trào ra, hối hả và vội vã như tin rằng đã tìm được một bàn tay đủ hoạt bát để lau hết nó. Tôi và anh cứ ngồi như thế một lúc thật lâu. Năng Tuệ không hỏi gì. Tôi cảm ơn anh về điều đó.
Phải chăng những người đồng cảm chẳng cần nói cũng có thể hiểu nhau! Chúng tôi cứ ngồi mãi như thế cho đến khi tôi mệt ngủ thiếp đi, đầu vẫn dựa vào vai Năng Tuệ. Khi tôi tỉnh giấc thấy trời đã chiều. Năng Tuệ đang nấu ăn. Nhìn cái dáng cao gầy cứ chạy đi chạy lại tất tả, tôi đần cả mặt. Chưa bao giờ tôi thấy bố nấu cơm cho mẹ. Cũng chưa bao giờ có người đàn ông nào nấu ăn cho tôi. Hoặc là mẹ hoặc là tôi tự làm điều đó. Bây giờ nhìn Năng Tuệ tôi thấy thật lạ lẫm. Tôi mơ tưởng đến người chồng của tôi. Năng Tuệ như là chồng của tôi. À không, nên nói là giá người chồng của tôi giống Năng Tuệ.
Năng Tuệ – Dương Mai Hương
Bỗng dưng tôi khao khát mong điều đó. Chỉ có ở anh, tôi mới không phải đề phòng, mới có thể ngủ ngon lành mà không sợ hãi. “Em dậy rồi à?”, Năng Tuệ làm tôi giật mình. Xấu hổ như người bị bắt quả tang đang làm việc xấu, tôi đỏ bừng mặt. Anh sẽ không bao giờ được biết về điều đó. Chúng tôi ăn cơm. Như một gia đình nhỏ. Năng Tuệ làm tôi cười. Đôi mắt tôi long lanh mơ ước về căn nhà nhỏ của tôi. Tối hôm đó chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều.
Tôi kể cho Năng Tuệ nghe câu chuyện của tôi, về mơ ước của tôi. Năng Tuệ cũng không ngại ngần kể về cuộc đời anh. Lần đầu tiên sau một năm quen nhau chúng tôi mới nói với nhau nhiều đến thế. Hoá ra Năng Tuệ cũng chẳng sung sướng gì. “Bố mẹ anh bỏ anh từ nhỏ. Anh ở trong chùa nên được sư thầy đặt tên là Năng Tuệ. Anh cũng định đi tu để trả nghĩa nhưng sư thầy bảo anh còn chưa hết căn duyên với đời, có đi tu cũng không thành chính quả được. Bây giờ sư thầy mất rồi. Chỉ mùng một anh mới về chùa thắp hương thôi”. Hoá ra bấy lâu nay mỗi lần anh về chùa, chúng tôi lại tưởng anh về với gia đình của anh. Nghe đâu gia đình anh ở xa lắm. Xa lắm là ở đâu nhỉ? Không biết ở đâu thì là xa lắm chứ sao!… Sự đồng cảm kéo chúng tôi tới gần nhau. Không gian tĩnh mịch kéo chúng tôi gần hơn chút nữa. Và có lẽ, sự cô đơn thành yếu tố cuối cùng thúc vào chúng tôi…
Hoá ra cái cảm giác làm người mình yêu hạnh phúc lại là có sức lan toả đến thế. Tôi đã làm cho anh hạnh phúc. Và tôi, sau khi hưởng cái hạnh phúc mình vừa gây đắp, lại lo lắng cho tương lai đến thắt lòng. Những giọt nước mắt cứ lặng lẽ chảy. Năng Tuệ nằm bên ngủ ngon lành. Anh sẽ chẳng bao giờ biết em đã khóc.
Chúng tôi yêu nhau chân thành. Năng Tuệ tạo cảm giác an toàn khi tôi ở bên anh ấy. Chúng tôi hạnh phúc với tình yêu của mình. Tôi ít về nhà hẳn. Chỉ gọi điện và gửi tiền về cho mẹ. Có lẽ như thế sẽ tốt hơn. Một vài lần tôi cũng cùng Năng Tuệ lên chùa thắp hương cho sư thầy. Cuộc sống thật đẹp và hứa hẹn biết bao điều. Chúng tôi cùng nhau cố gắng xây đắp cho hạnh phúc của mình. Có lẽ một gia đình nhỏ sẽ nhanh chóng được tạo lập. Nhưng rồi.
Một buổi chiều, Năng Tuệ đi làm về sớm hơn mọi khi. Vừa về đến nhà anh đóng cửa thật chặt. Tôi gọi anh cũng không mở cửa. Thực ra tôi cũng có chuyện muốn nói với anh. Hình như chúng tôi sắp được làm bố mẹ. Có lẽ tôi nên nói để anh biết. Nhưng sự bất thường này khiến tôi lo lắng. Mà không thể nào gọi được. Tôi đành phải ngồi bên phòng ngửi mùi thuốc lá của anh. Vừa lo lắng. Vừa nghĩ ngợi lung tung. Đến đêm, khi mọi người ngủ hết, anh mới gọi tôi ra.
Ánh mắt anh rất vui. Sự lo lắng của tôi lắng xuống. Anh nói: Ở chùa vừa gọi điện. Có người biết bố mẹ anh. Họ đã cho anh địa chỉ. Nhưng xa quá, ở tận Móng Cái. Mà cũng có thể là giáp Trung Quốc. Bây giờ em xem anh có nên đi tìm họ không? Anh muốn đi nhưng chẳng biết làm như thế có tốt không nữa. Em à, em nói xem?”. Tôi vừa mừng vừa lo, những giọt nước mắt cứ chảy, anh lau chúng và mắng yêu: “Ơ hay, việc tốt sao lại khóc? Nếu anh tìm thấy bố mẹ ít nhất anh cũng biết sau này con chúng ta mang họ gì. Cả anh, cả em đều chẳng biết họ của mình ra sao. Em không thấy như vậy thiệt thòi cho con của chúng ta quá sao?”. Tôi gật gật đầu, nước mắt vẫn giàn giụa chảy. Chẳng biết có nên nói cho anh chuyện kia không nữa. Cũng chẳng biết nên mừng hay nên lo. “Có lẽ đợt này anh đi tìm bố mẹ. Tìm thấy họ, chúng mình sẽ tổ chức ngay. Em thấy thế nào?”. Tôi mỉm cười và gật đầu. Tôi tin những điều anh nói.
Sáng hôm sau anh chào mọi người rồi đi. Chẳng biết bao giờ chuyến đi sẽ kết thúc. Tôi cứ trân trân nhìn anh. Vừa định nói lại không nói được cái tin vui mà tôi muốn báo cho anh. Và thế là anh đi… Tôi vẫn chưa kịp nói. Có lẽ chuyến đi sẽ kết thúc trước khi mọi người nhìn thấy bụng của tôi. Tôi vui vẻ với niềm vui đang chờ phía trước. Ngày nào cũng nói chuyện với cái mầm đang lớn lên trong bụng mình. “Con à! Bố đi tìm ông bà nội cho con đấy. Con có vui không?”…
Nhưng rồi, thời gian thì cứ trôi đi, cái bụng tôi đã bắt đầu thấy. Mấy hôm nay trời mưa dầm, lại thêm cơn ốm nghén làm tôi mệt mỏi, chẳng làm được việc gì. Cô bạn cùng phòng bảo: “Hay Năng Tuệ lừa mày? Tự nhiên lại đi vào đúng cái lúc này, mà sao đi lâu thế? Mà cả tại mày nữa. Nói thì không nói. Ngốc ơi là ngốc!”. Tôi cũng ngơ ngẩn, suy sụp vì những điều bạn nói. Có thể lắm chứ. Rất có thể cái điều tôi quên chưa nghĩ đến sẽ thành hiện thực. Tôi nghĩ đến mẹ tôi. Chẳng nhẽ tôi lại không nghĩ tới mẹ. Liệu có khi nào anh ấy bỏ đứa con của mình như những người đã sinh ra anh ấy? Cũng có thể lắm chứ, cha nào con nấy mà. Nhưng… Tôi không tin. Có lẽ anh ấy chưa về được. Có thể do một vài lý do nào đó… Năng Tuệ sẽ không bỏ tôi và đứa con của anh ấy. Anh ấy chỉ đang đi tìm họ cho con của chúng tôi mà thôi. Bỗng nhiên tôi tin tưởng vào cái điều ảo mộng đó.
Chút niềm tin cuối cùng tôi dành cho đàn ông. Nhưng là một niềm tin mãnh liệt hơn bất cứ niềm tin nào mà tôi từng có trước đây. Năng Tuệ của tôi sẽ không giống cha anh ấy, cha tôi và những người đàn ông khác. Tôi tin như thế… Nhìn mà xem những tia nắng le lói đang lên kìa. Tuy yếu ớt nhưng biết đâu lại chẳng làm nên một ngày nắng đẹp. Phải không Năng Tuệ của em?
Tác Giả : Dương Mai Hương