Truyện đêm khuya vov2 – Bên cạnh một nhân vật Trần Đình Tấn “Anh hùng” còn là một nhân vật Tấn đời thường, tính tình phóng khoáng nhiệt thành, cũng ham nhậu ham vui và nặng tình với quê hương và đồng đội. Anh biết nghĩ suy sau trước, biết dằn vặt và xấu hổ với những gì không thuộc về mình hoặc do mình cố tạo ra trước đây…
Tôi không ngờ, người mà tôi sẽ viết bản báo công để chọn phong anh hùng là thằng bạn của tôi, thằng Tấn. Bạn cùng xóm, bạn từ lớp một đến lớp ba trường làng. Hai đứa xa nhau từ khi tôi học cấp hai, còn nó ở lại nhà với nghề mộc, nghề cha truyền con nối và chơi thì chơi với bạn chăn trâu hàng xóm. Tuổi mười bốn, mười lăm mà nó làm được khối tiền. Khéo tay, nó lượm gỗ vụn, đục đẽo làm những chiếc ghế nhỏ như cái cốc, cái bàn nhỏ như bàn tay, làm cả bộ salon nhỏ xíu, khách hàng ai cũng thích mua để trưng tủ kiếng. Hết cấp hai, tôi lên tỉnh, từ nhà trường tôi ra thẳng chiến khu. Còn nó, cũng năm ấy(không hẹn) nó ra đi từ trại mộc. Âấy là năm 1950, hai đứa cùng tuổi mười tám.
– Mầy viết báo công cho tao hả Quang?
Vẫn cái giọng xuề xoà, thân mật “mầy- tao”.
– Được không? Hay là chọn người văn hay chữ tốt hơn tao?
– Được mầy là tao mừng. Tao thấy mấy thằng sắp làm anh hùng như tao, thằng nào cũng khổ. Nhà báo nhà văn tụi mầy tra hỏi còn hơn công an hỏi cung, hỏi cả cái thời còn ở truồng, hỏi ở nhà ăn cái gì nữa. Cực hơn đánh giặc ! Với mầy thì tao khỏi nói, ăn cá chốt hay cá linh, ăn đọt xoài chấm mắm hay bông điên điển làm nhưn bánh xèo, mầy biết ráo. Đánh giặc bằng ống thụt, tắm sông, nhảy từ lan can cầu xuống, hay leo dừa, leo xoài, lật đất cày bắt dế hay đá cá lia thia, cái gì tao chơi mầy cũng chơi, khỏi hỏi, khỏi nói, được mầy là tao khỏe.
Một đôi câu của Tấn đủ gợi lên trong tôi cả một thời thơ ấu. Tôi cảm thấy rạo rực, muốn cầm viết, viết ngay. Viết về Tấn nhưng chan chứa tâm hồn của tôi.
– Viết mầy là thằng Tấn trọc được không?
– Được, mầy muốn viết gì thì viết.
Gọi nó là Tấn trọc, vì ở trường có đến ba thằng Tấn. Tấn đen, Tấn sún, nó là Tấn trọc. Chẳng hiểu sao, từ lớp một đến lớp hai, cái đầu của nó lúc nào cũng trọc lóc, đầy u với nhọt. Bù lại cái đầu u nần lam nham thuốc xanh thuốc đỏ, nó có cặp mắt sáng, tròng trắng rất trắng, tròng đen rất đen với nụ cười hiền lành. Đến năm lớp ba, nhờ một người Tàu bán tương chỉ cho một bài thuốc gia truyền: cháo lươn với đậu xanh, vừa mát vừa xổ chất độc. Chỉ có vậy mà cái đầu nó lành lặn lúc nào chẳng ai hay biết. Sau, dù có một mái tóc rậm đen, nó vẫn mang danh là Tấn trọc.
Bây giờ, ngồi trước mặt tôi là một người đàn ông hơn ba mươi, dạn dày chinh chiến, rắn chắc trong bộ quân phục mà cách ăn mặc trông không được nghiêm chỉnh cho lắm, hơi xốc xếch, xuyềnh xoàng.
Chiến công nổi bật của nó là trận đánh vừa chận đứng vừa đánh tan một cánh quân Mỹ đợt hai năm Mậu Thân (1968) trong một làng vùng ngoại ô Sài Gòn. Đơn vị nó nằm trong một vị trí bất lợi. Một bên là quốc lộ, một bên là con sông. Trên quốc lộ là xe tăng, là thiết giáp; dưới sông là tàu chiến, trên trời là trực thăng. Xa hơn là dàn pháo của căn cứ “Bình Chánh, dàn pháo được mệnh danh là “dàn nhạc Tân Tây Lan”. Đơn vị nó hơn một trăm tay súng nằm trong cụm vườn thưa, lấy mương nước, gốc cây làm công sự.
Giữa lúc hiểm nghèo ấy, Tấn đeo B41 leo lên ngọn dừa, lần đầu tiên trong chiến tranh, Tấn là người chiến sĩ dùng B41 từ trên ngọn dừa bắn hạ trực thăng. Chiếc trực thăng hình con cá lẹp, như con diều hâu sắt vừa quay cánh vừa sà thấp xuống, chưa kịp phóng rốc két thì bùng lên thành một đám cháy. Bầy trực thăng hốt hoảng, vội vã dạt ra xa. Chiến sĩ ta đồng loạt xông lên với tiếng reo hò. Tàu chiến bị trúng đạn phụt lửa, xe tăng bị B41 bốc cháy mềm như sáp. Trận đánh im tiếng súng vừa lúc trời sụp tối.
Trận đánh của Tấn tôi viết thật tỉ mỉ, tôi nghĩ, chỉ cần một trận đánh ấy đủ cho Tấn xứng đáng là anh hùng. Cho nên những phần khác về cuộc đời của nó, tôi chỉ lướt qua. Vậy là đêm đêm, người viết báo công và những vị sắp là anh hùng cùng nhau làm việc không nghỉ ngơi, hỏi rồi ghi, ghi rồi lại hỏi dưới ánh sáng của ngọn đèn chai, còn hai đứa tôi thì ra trảng, nhìn trăng sao, hóng gió, uống rượu và nhắc chuyện đời.
– Sao? Có viết lại chuyện cô ở Thanh Hóa không?
Tôi nhắc lại chuyện cũ, Tấn ngửa mặt cười.
– Hồi còn đóng quân ở Thanh Hóa có một cô mê tao. Cô ta bảo: “Em xấu gái, em biết anh chẳng lấy em làm vợ đâu! Em chỉ có chỗ này là đẹp thôi”. Cô ta mở nút áo cho mình xem bộ ngực, đẹp thiệt. Không sao dằn lòng được, nhưng mình muốn đến thì cô ta xê ra. “Em sợ”. “Sợ gì?” “Em muốn hiến cho anh, nhưng sợ anh phản tỉnh”. “Không. Không. Anh không phản tỉnh đâu mà?!” “Thôi, thôi, bây giờ thì nói thế, chứ đến lúc chỉnh huấn, cái đèn lù mù, chuyện chi mà các anh không nói, càng nói nhiều càng tiến bộ, chết là chết chúng em. ở bên làng, có một cô như em, bị anh bộ đội phản tỉnh. Xấu hổ, cô bỏ làng đi mất!”. Hôm rồi, nhân dịp đi mua bò cho đơn vị, mình trở lại Thanh tìm cô ta, lần này mình nhất định xin hỏi làm vợ. Về đến làng thì biết cô ta đã có chồng rồi. Cô ta khóc và trách: “Sao hồi ấy anh không bảo với em!” Trở về, đánh một đàn bò mấy chục con qua ga Hàng Cỏ, mấy cô gái tóc quăn đứng bên đường kêu hỏi: “Anh Bộ đội ơi, anh dẫn bò đi đâu mà nhiều thế?” Đang buồn, đang quạu, lại mắc cỡ, mình đốp lại: “Dẫn bò đi phidê!” Mấy cô nhìn lại mình, hai con mắt như hai ngọn đèn pha…
Kể xong, Tấn bỗng nhảy ùm xuống suối, tôi hốt hoảng:
– Mầy làm gì vậy?
– Tắm cho đỡ buồn.
Nhớ lại, tôi hỏi:
– Bây giờ còn tắm cho đỡ buồn nữa không, cha?
– Đêm nào mà không xối ào ào cho đỡ buồn.
– Vợ con tính sao?
– Thấy ai, gặp ai mà tính…
Mấy ngày sau, bản viết của tôi được trả lại kèm theo lời phê: “…Viết về thành tích khá sinh động, nhưng còn thiếu phần lý lịch. Phải viết rõ vì động cơ gì mà hành động. Không thể không bị bóc lột, không thể không căm thù đế quốc phong kiến. Điều này cần phải được đào sâu”.
Đọc xong tôi đổ mồ hôi trán. Thế là tôi bắt đầu hành hạ thằng bạn tôi:
– Nhớ lại xem. Mầy bị bóc lột như thế nào? Mầy căm thù đế quốc phong kiến ra sao? Kể lại cho tao viết.
– Tao thì mầy biết rồi, hỏi gì nữa? Nhưng có một thời gian mình xa nhau.
– Thì cũng vậy, mầy đi học, tao làm thợ mộc với ông già.
– Động cơ nào mầy đi theo cách mạng?
– Tới tuổi quân dịch, không đi để tụi nó bắt lính, cầm súng bắn lại bà con à?
– Được, được, nhưng phải nhớ kỹ, phải đào sâu thêm, bị bóc lột ra sao?
Tấn thở dài:
– Tao là lính, tao chỉ biết đánh giặc – còn mầy là thằng viết, mầy phải nghĩ, viết sao nghe được thì viết.
Thật đau đầu! A, tôi nhớ ra rồi. Hồi nhỏ cái đầu của nó hay bị u nhọt. Tôi viết, hồi nhỏ, gia đình bị bóc lột, nghèo khổ, không đủ ăn, nên thường hay bệnh hoạn. Nhớ nó hay đi chăn trâu, tôi viết, có lúc nó phải đi chăn trâu cho chủ, cơm ăn không đủ no, đêm phải ngủ ngoài chòi, mưa gió. Còn cái đoạn nó khéo tay làm ra khối tiền thì tôi xóa sạch.
– Cần đọc lại cho mầy nghe không Tấn?
– Khỏi. Tao có sao mầy cứ viết vậy là được !
Sau đó trong đợt bình bầu, Tấn được phong danh hiệu anh hùng.
Năm sau, tôi và bạn bè tình cờ đi qua đơn vị của nó. Tôi rủ:
– Ghé thằng bạn anh hùng tao chơi. Thằng điệu đời lắm.
– Nhắm có gì không, tụi tao đang đói.
– Tiệc tùng không dám hứa, nhưng ít nhất cũng có một con thịt, không nai cũng dộc, tệ lắm thì cũng một con cheo.
– Vậy thì đi!
Vào đến trạm gác đầu tiên, được tin Tấn đang họp. Từ trạm gác đến hội trường không xa lắm. Hội trường lợp bằng lá trung quân, không có vách, trống huơ trống hốc, đứng từ trạm gác nhìn vào tôi thấy Tấn ngồi trên hàng ghế chủ tịch đoàn. Vừa nhắn tin, tôi vừa đứng thấp thoáng cho Tấn thấy. Từ trên ghế chủ tịch đoàn, nó nhờ một người lính nhắn ra chờ.
Chúng tôi ngồi bệt xuống đất lưng dựa lên ba lô, hút thuốc, ngồi chờ. Hút hết điếu này lại mồi qua điếu khác, tôi chờ đến phát ngượng với bạn bè.
Một cái nhướng mày:
– Sao, chờ hay đi?
– Ráng chút.
Từ hội trường vang lên tiếng vỗ tay. Tấn bước ra:
– Tấn ! – Tôi như reo lên, rối rít giới thiệu Tấn, đây là phóng viên nhà báo, phóng viên thông tấn xã, và đây là nhà thơ.
– Chào các đồng chí !
Tấn hơi cúi người, bắt tay từng người, trong nháy mắt, tôi nhận ra sự khác lạ của anh qua phong cách. Trịnh trọng trong bộ quân phục thẳng thớm, lạ với con mắt của tôi, khó chịu hơn là sự trịnh trọng trong cách bắt tay từng người, trịnh trọng mà xa cách. Còn tôi thì anh như không thấy. Có lẽ anh sợ tôi vồ vập, sợ những cử chỉ thân mật quá của tôi.
– Các đồng chí đến làm việc với đơn vị? Cạnh bên anh lại có một chiến sĩ bảo vệ, với khẩu AK. Ba thằng bạn cùng mở tròn mắt dồn lên mặt tôi. Tôi ngượng đến muốn độn thổ.
– Sẵn đi qua, tụi này ghé thăm.
– Vậy hả? Tiếc quá, đơn vị đang họp.
Vừa lúc, trong hội trường có tiếng vỗ tay. Tấn vội cúi người chào:
– Các đồng chí ngồi chơi.
Lại cúi người trịnh trọng bắt tay, lần này thì Tấn không quên bắt tay tôi trước khi quay vào hội trường.
Từ đó, không đến nỗi giận, nhưng tôi buồn. Dù không tới lui hay thư từ, tôi vẫn nghe và dõi theo từng bước đi của Tấn. Từ trung úy thẳng lên đại úy, Tấn thường được các cơ quan mời đến báo cáo điển hình, đi đâu cũng tiền hô hậu ủng. Hội nghị nào có Tấn, Tấn cũng ngồi ghế chủ tịch, ngực lấp lánh huân chương. Nghe đến anh hùng Trần Đình Tấn là tiếng vỗ tay rộ lên.
Bẵng đi hơn năm, nhớ là mùa hè năm 1971, tôi đang bị say nắng dưới chòm cây tai nghé bên rìa trảng. Có tay ai đập khe khẽ trên đầu võng, giật mình mở mắt, tôi không tin, đưa tay dụi mắt.
– Mầy còn sống hở Quang?
– Nó, người bạn anh hùng.
– Chết cũng khó!
(Những năm chiến tranh ác liệt, gặp nhau, hỏi thăm người nào đó, không hỏi mạnh khỏe mà hỏi sống hay chết, thành thói quen).
– Dậy đi… – Nó vừa bảo vừa đưa tay rút dây võng bắt tôi phải bật dậy.
– Bếp đâu, củi đâu? Tao nấu nước. Trà củ măng, thuốc Rubi chiến lợi phẩm – Tấn vừa nói vừa mở thắt lưng treo lên chạc ba cây.
– Rượu đế với khô sặt. Chiều nay tao ở đây với mầy.
– Khô sặt ?
– Được không?
– Đâu mầy có?
– Bên vợ.
Tôi nói như hét:
– Mầy có vợ?
– Chẳng lẽ ở góa?
– Ai? ở đâu?
– Âấy, từ từ rồi tao kể.
Thằng bạn anh hùng của tôi, nó vẫn như xưa, vẫn là thằng Tấn, vẫn xuề xoà, vẫn cởi mở, tôi bỗng ước gì có mấy thằng bạn cùng đường năm trước cũng có mặt ở đây. “Tao nói có sai đâu, nó rất điệu đời mà!”.
Sau một tuần trà, vừa ném cái tàn thuốc, nó xề lại bếp lửa, đặt con khô sặt lên than hồng.
Ôi, chẳng biết bao nhiêu năm rồi tôi mới nghe lại cái mùi thơm của con khô quê hương. Chúng tôi lại nhắc đến mùa nước nổi, mùa giăng câu, mùa đặt lọp đặt lờ trên đồng nước.
Hai đứa hai chiếc võng mắc song song, giữa là chiếc bàn nhỏ được trải bằng chiếc ni lông màu lá. Trên bàn: bình toong rượu Tấn mang tới, hai cái chén mắt trâu, ba con khô sặt bằng bàn tay trên tờ bản thảo. Vài giọt nắng rơi qua kẽ lá, râm ran tiếng ve rừng, và tiếng rền rĩ ì ầm của phản lực quần đảo trên bầu trời.
– Mầy là nhà báo, nhà văn, tao nghĩ là mầy không giận tao. Mới nghe sẽ được tuyển làm anh hùng, thằng nào không khoái. Khi được phong anh hùng rồi, tao thấy khổ hơn làm dâu trăm họ. Có lúc tao nghĩ, tao không còn là tao nữa, tao như thằng nào vậy!
Tấn dừng lại, mở tròn hai con mắt. Tôi bỗng nhớ hai con mắt học trò của nó ngày xưa.
– Ngày thường, tao cười ha hả, thích thì cười, chẳng ai nói. Bây giờ tao cười như vậy thì có người nhắc nhở, anh hùng đừng cười như vậy. Vậy còn nhẹ, có người nói sau lưng: “Anh hùng gì mà cười nghe ha há”. Anh hùng phải cười ra sao, tao chẳng biết, nên có lúc tao chẳng dám cười. Trước đánh giặc xong về cứ chẳng biết làm gì, rủ nhau đi săn, nhậu, nói chuyện đời. Bây giờ có người hỏi, anh hùng mà nhậu nhẹt kia à! Thèm rượu muốn chết. Mình thì ăn mặc xốc xếch, quen rồi, bây giờ anh hùng phải giữ quân phong, quân kỷ. Trước, giận thì chửi thề, vui cũng chửi thề cho nó đã. Bây giờ- anh hùng mà sao mở miệng là chửi thề? Nhiều lúc, thèm chửi thề hơn thèm thuốc. Giận nhau thì mầy tao, bây giờ anh hùng rồi, nói năng, xưng hô phải gọi nhau là đồng chí. Đó, đại khái là vậy, cho nên lúc nào tao cũng cứng đơ như cây củi. Nghĩ cho cùng, chẳng qua là anh em thương mình, muốn cho mình bất cứ lúc nào, nhứt cử nhứt động luôn luôn là anh hùng. Thôi, cũng được đi. Chuyện này mới đau. Một hôm, một bầy trực thăng đảo qua chỗ đóng quân, thấy nó nghiêng cánh biết là nó sắp bắn, tao nhanh chân tọt xuống hầm. Sau đó tao nghe xì xầm: “Anh hùng mà nhát như cáy. Trực thăng mới liếc qua mà đã xón đái trong quần!”. Mấy lần sau, nó bắn, tao kênh mình đứng, xoay xoay theo gốc cây, may, đạn nó tránh.
Nghe nó nói mà thương, tôi nâng ly:
– Thôi bỏ. Tao hiểu. Nói chuyện vợ con nghe đi.
Khoan, mầy cho tao cởi cái áo, mặc cái quần cụt cho nó đã.
Quần áo nó ném lên cành cây, ngồi lại võng vừa lắc tới lắc lui vừa xé một miếng sặt đưa cho tôi:
– Vô đi, rồi tao kể.
Hai đứa cạn ly.
– Chuyện vợ con cũng gian nan, tưởng cưới cô này, té ra lại cưới cô khác. Mầy biết, nói theo miền Bắc, tao là con cả, lại là đứa con trai duy nhất. Ba má tao chỉ có cháu ngoại mà không có cháu nội. Năm rồi, tao móc gia đình lên thăm, ba tao có dẫn theo một cô gái cho tao coi mặt, tên Thảo, tuổi hăm hai, người cùng làng ở xóm Đình, nhưng hồi mình đi cô ta mới tám chín, không quen cũng không biết. Nếu hai người ưng nhau thì bên vợ cho phép làm đám cưới ngay tại rừng, không cần trở về hỏi han gì nữa. Mấy ngày ở chơi, Thảo lo cho tao đủ điều, lo cơm lo nước, vá quần vá áo. Tao ưng rồi, nhưng tất nhiên là phải báo cáo với đơn vị, với chi bộ. Không ai phản đối, nhưng chi bộ có một đề nghị: cần thẩm tra lại lý lịch. Nếu tao là chiến sĩ thường thì chẳng có gì phải thận trọng đến vậy. Với lại, Thảo là người trong vùng địch kiểm soát, lại nhằm lúc địch đang tung chiến dịch Phượng Hoàng, cần cảnh giác Thiên Nga chui vào hàng ngũ mua chuộc cán bộ. Cũng vừa lúc đơn vị lên đường hành quân, tao mới có dịp xin hoãn. Nửa năm sau, chi bộ nắm rõ được lý lịch bên gia đình bên gái, mới đồng ý cho. Tao liền nhắn tin về. Mỗi lần đi là mỗi lần sống chết, cho nên cả bên cha mẹ đồng ý cho Thảo theo bà má giao liên, một mình đi lên rừng lấy chồng, và theo chồng ở lại chiến khu. Còn sui gia thì nhậu với nhau, coi như mời nhau ăn đám giỗ. Trên đường, Thảo bị trực thăng bắn chết. Bà má giao liên về, vừa kể, vừa khóc. Bà má nhờ anh em trạm giao liên chôn cất cho.
Tôi bỗng nghĩ đến cô con gái, tiếng là đã có chồng, nhưng lại đời đời nằm lại dưới nấm mộ giữa cánh đồng hoang.
– Rồi sao? – Tôi hỏi sau phút ngậm ngùi.
– Nghe chuyện, ai cũng thương. Còn mình thì lao vào chiến đấu. Coi như đã có một đời vợ, lý lịch mình cũng ghi: Vợ – Lê Thị Thảo, hy sinh. Bất ngờ, sau một trận đánh trở về, đồng chí trung tá bí thư đảng uỷ gọi mình lên, bảo: “Đảng đã lo vợ cho đồng chí rồi. Không đâu xa, cô mật mã, con gái của đồng chí bên hậu cần của Bộ Tư lệnh. Mai đồng chí lên đường”. “Chào đồng chí anh hùng – Ông già vợ mình là người vui tính, chào mình như vậy – Lý lịch đôi bên không có gì phải lo, bây giờ chỉ còn có việc gặp mặt. Cứ tìm hiểu, ưng thì tuyên bố, không hợp nhãn thì là đồng chí. Con gái của bác là Nguyễn Thị Nương Nương, nhưng cứ gọi là Nương cho gọn… Là nhân viên mật mã, suốt ngày trong rừng sâu, chẳng mấy khi được tiếp xúc với ai, hơn cả đi tu, đã ba mươi, cũng muộn màng như mình. Vừa mới gặp mặt, mình đã nghĩ ngay: đây đúng là cái bến của mình, cái bến của một tay chèo đường dài quá mỏi mệt. Cắm sào thôi. Mình ở đó một tuần để tìm hiểu. Một tuần nhưng chỉ gặp nhau đôi lần. Công việc của mật mã hầu như chẳng được nghỉ ngơi. Khi nào Nương rảnh, hai đứa mới dẫn nhau ra chòi ngoài trảng. Ơở đó, mới nhìn thấy trời, thấy trăng sao. Rảnh rỗi, không biết làm gì, mình trổ tài làm mộc, đóng cho mỗi cô một cái bàn, cái ghế, đóng cho cơ quan một cái bàn dài để tiếp khách. Có một buổi chiều, hai đứa ngồi ngoài trảng, trời vừa sụp tối, mình đưa tay choàng qua vai cô, mầy biết cô ta phản ứng ra sao không? Cô ta hất tay mình xuống: ” Anh hùng mà làm vậy, người ta cười!”. Khổ không? Tao chẳng biết tỏ tình thế nào cho đúng là người anh hùng- thế là tao ngồi nghiêm,mắt nhìn thẳng lên một vì sao. Hết phép, tao về, cô ta hứa sẽ trả lời sau. Một tháng sau, tao làm đám cưới. Anh em cất cho tao một ngôi nhà lợp lá trung quân, dưới bóng cây cầy, bên bờ suối, thật thơ mộng. Dưới thềm là căn hầm chống bom B52, gọi là hầm bảo vệ hạnh phúc. Cha ơi! Cái đêm đầu của vợ chồng, vừa háo hức, vừa bối rối, vừa hồi hộp, chẳng biết tỏ lòng thế nào cho phải. Cô ta nằm cuộn tròn trong tấm vải dù pháo sáng, nằm thẳng như một cái gối. Còn tao thì nằm nghiêng. Chẳng có đứa nào ngủ, cứ trằn trọc cũng chẳng biết nói năng gì, chỉ nghe hơi thở của nhau. Cho đến gần sáng, nghe tiếng rền của phản lực, nghe tiếng bom dội lại từ xa, mình bỗng chợt nghĩ, nếu bom B52 rớt xuống, thì mình mang tiếng là có vợ mà chẳng biết gì. Nghĩ vậy, tao liền bật dậy như một người lính xung trận, “lên cò nổ liền mấy phát”. Sau đó, tao hoảng, không biết sẽ bị vợ trách thế nào đây. Không ngờ, cô ta ôm cổ tao, thì thầm: “Anh đúng là một anh hùng!”.
Tấn dằn ly rượu xuống bàn quay mặt, cười sượng sùng.
Sau ngày giải phóng, gặp lại, nó trách:
– Mầy làm hại tao quá Quang ơi!
– Chuyện gì?
– Cái bản báo công của mầy. Sau ngày vào thành phố, tao đang sắp xếp công việc để về quê thì ông già tao lên. Cha con gặp nhau tất nhiên là mừng nhưng mặt ổng lại hầm hầm, bảo tao: Bà con lối xóm nếu không tận mắt đọc, không tận tai nghe cái bản báo công của tao qua đài thì cũng nghe người khác kể lại. Mấy bà dì ông cậu đến mắng vốn ông già tao: “Hồi nhỏ nó qua chơi, nó thích đi chăn trâu thì chăn trâu, có ai thuê, ai mướn, ai bóc lột nó, hiếp đáp nó, để cho nó căm thù!”. Ông già tao ổng đưa tay vỗ bồm bộp vào ngực: Còn tao, thằng cha mầy, tao đâu có nghèo đến nỗi cho mầy ăn đói để mầy bị u bị nhọt. U nhọt thì thằng nhỏ nào không bị. Mầy nói thêm nói bớt để làm gì? Để làm anh hùng à? Đảng, Nhà nước nói, dân tộc mình là dân tộc anh hùng, mầy thấy chưa đủ sao? Thôi, mầy đừng có về, mầy về, bà con không ai nhận mầy đâu!”. Nghe ông già nói, tao đau quá, tao có khóc bao giờ, vậy mà nước mắt tao cứ chảy. Chẳng lẽ mình bị mất hết dòng họ với quê hương?
Tôi ngồi lặng, không ngờ cái ngòi bút của tôi lại gây ra một hậu quả nặng nề đến như vậy.
Sau, tôi lại gặp người cậu của Tấn, một nhà giáo từ Hà Nội về, ông cho tôi thêm một bài học qua giọng mắng nhiếc:
– Khi anh viết văn, anh muốn cho người ta bay lên trời hay độn thổ, muốn cho người ta mọc ba đầu sáu tay cũng không ai nói, còn báo cáo, báo công thì phải thật chứ!
Chuyện đã qua bao nhiêu năm nhưng mỗi lần chợt nhớ là mỗi lần thấy nhục cho ngòi bút của mình. Cái ngòi bút nhọn sắc như đâm vào tim tôi, nhói đau.
Nghe tin Tấn chuyển ngành, đang trở lại nghề cũ, đóng bàn ghế, tôi chưa kịp đến thăm anh thì anh đến thăm tôi, báo tin đã qua thời gian nan.
Ngày vào thành phố, với cương vị là trung tá trong ban quân quản, trong tay anh không biết bao nhiêu là nhà cao cửa rộng, nhưng anh lại chọn một ngôi nhà trong hẻm. Bây giờ bạn bè của anh, người cùng cương vị anh hoặc thấp hơn anh, nhờ ở mặt tiền, nhờ ở villa, chỉ cần cho thuê, cho mướn cũng đủ sống. Còn anh, lương trung tá, vợ chuyên viên hai, hai đứa con, đứa sinh trong rừng năm 1972, đứa trong bụng mẹ về thành phố, những năm củi quế gạo châu không đủ sống, phải sống nhờ gạo “viện trợ” của hai bên cha mẹ dưới quê.
Trước khi kéo quân lên biên giới đánh Pôn Pốt, Tấn về Đồng Tháp tìm lại ngôi mộ của Thảo, mang hài cốt Thảo về quê. Chắc anh là người tình nghĩa, bà con dòng họ không nỡ giận lâu.
Từ chiến trường Campuchia trở về, mất sức, anh xin chuyển ngành, về phụ trách tổ chức cho một xí nghiệp. Qua một năm, Tấn thấy công việc không hợp mình. Anh tự thấy mình không đủ sức hiểu người trên, người dưới và người chung quanh. Họ không dễ hiểu dễ nhận như những người lính của anh. Người ta tặng quà, anh không dám nhận, được mời đi tiệc tùng cũng e ngại. Anh thấy đằng sau những buổi tiệc linh đình là một cái gì đó sẽ đến với anh. Có được một bữa nhậu tình nghĩa thật hiếm hoi. Đã đến cái tuổi muốn thảnh thơi, anh xin hưu. Hưu sống sao đây? Vợ chồng anh sống sao cũng được, không đòi hỏi gì, chỉ thương hai đứa con bị thua thiệt muốn xem tivi màu phải xem nhờ hàng xóm, đi học thì nhờ bạn bè chở giúp. Vợ anh, thỉnh thoảng lại bị sốt rét rừng tái phát, vẫn xanh xao, mỗi ngày mỗi yếu, không xông xáo như chị em.Cũng may, nhà có được cái sân, anh che mát, làm trại mộc. Khởi đầu là sửa bàn ghế cho lối xóm, sau đóng bàn đóng ghế cho các quán cà phê, quán bia vỉa hè. Chỉ cần đóng ghế cóc thôi cũng đã có đồng ra đồng vào. Dần dần, khách đến đặt bàn, đặt tủ. Một mình làm không xuể, anh về quê, kéo lên những tay nghề đang thất nghiệp.
– Đến bữa nay thì vững rồi, tao muốn mày dẫn tao đi chơi một trận, xả hơi – Tấn vừa nói vừa đưa tay vỗ túi – Bữa nay tao có.
Nhìn cái vẻ hớn hở và xuềnh xoàng của Tấn, tôi ướm:
– Đi bia ôm?
Tấn trợn mắt nhưng miệng lại tủm tỉm:
– Thì cứ thử xem. Nè, tao nghe nói nhà báo tụi mầy ở đâu cũng có mặt, thiệt bụng là đi chơi, nhưng nếu có ai bắt bẻ thì nói là đi lấy tài liệu, phải không?
Tôi cười.
– Như tụi mầy sướng thật !
– Dám đi không?
– Ưừ thì đi. Đừng sợ tao hư!
Nói vậy chứ tôi đưa anh đến một quán khác, một cái quán quen, có nhạc lúc xập xình, lúc nỉ non, có các em son phấn tới lui, bưng rót, có khăn mát ướp dầu thơm, một cái quán sạch sẽ về nhiều nghĩa.
Tình cờ gặp mấy anh bạn nhậu làm xuất khẩu, những người bạn làm ăn khá giả. Thế là chúng tôi quây thành một bàn. Tấn đưa tay xuống bàn quèo tôi, biết ý tôi giới thiệu anh, thằng bạn tôi, chủ một trại mộc. Anh bạn làm xuất khẩu của tôi, một người bạn tuổi trên dưới năm mươi, khỏe mạnh, đầu hớt “cua” cũng vốn là con nhà lính, liền bưng ly đưa thẳng lại Tấn:
– Một ly làm quen!
Cả hai đều cạn trong một hơi, hai cái ly vừa đặt xuống thì hai cái “bốp” nổ cùng một lúc, trong ánh đèn màu, hai cô em xuất hiện từ lúc nào, đã bật nút hai lon Heineken và những cái ly màu vàng lại đầy bọt. Sẵn đà tôi giới thiệu về cái xóm mộc của làng tôi và tay nghề cha truyền con nối của anh. Anh bạn xuất khẩu của tôi như bắt được của:
– Mình nghe tiếng cái làng mộc của mấy anh từ lâu mà chưa có dịp tới, sẵn đây, để gọi là làm quen, anh có thể đóng cho tôi một bộ ghế cổ, có cẩn ốc, có chạm rồng, được không?
– Đó là nghề của gia đình tôi.
– Vậy thì ta ký tắt. Sáng mai tôi đến trại mộc của anh. Nếu đúng tiêu chuẩn xuất khẩu, tôi sẽ đặt anh dài dài… Mời!
Ra khỏi khách sạn, Tấn vừa đi vừa bảo:
– Mình không ngờ đi nhậu chơi mà được một hợp đồng ký tắt! – Tháng tới, thằng con tao có xe đi học rồi!
– Xe gì?
– Xe đạp.
– Tao tưởng mày nói Honda.
– Chưa, chưa đâu.
– Nếu đóng được hàng xuất khẩu dài dài thì tivi màu cho con đâu có khó gì?
Tấn gật gù:
– Tao cũng đang nghĩ. Nói mày đừng cười, đêm nay như là đêm đầu tiên tao bước vào đời.
Tấn không say, có lẽ anh đang vui nhiều hơn. Anh đi như cái dáng đi ngày xưa lúc là anh lính chăn bò ở Ba Vì, sau vài ly rượu, đi hơi lắc lư.
– Mầy thấy đêm nay vui không? – Tôi hỏi.
Tấn đáp một tiếng gọn:
– Đã.
1991
Tác Giả : Nguyễn Quang Sáng – Giọng đọc: Hùng Sơn