Truyện đêm khuya vov – Tác phẩm của nhà văn Hồ Thủy Giang giống như một bài thơ trữ tình đẹp giản dị tươi sáng, có thể không vừa lòng những ai luôn tìm kiếm sự phức tạp, đa thanh trong ngôn ngữ văn xuôi. Truyện cũng được ông viết từ mấy chục năm về trước, từ một tình huống có thật khi cô nhân viên bưu điện bỏ quên bản thảo của nhà văn trong hộc tủ, cô đã khóc vì ân hận. Về nhà, ông đã viết một mạch truyện ngắn này. Vì thế, có thể coi đây là món quà ý nghĩa mà cuộc sống đã dành tặng cho người viết..
Làm việc ở cái chi nhánh bưu điện miền núi heo hút này phải nói là rất buồn. Căn nhà lá, một gian làm nhà kho, một gian làm chỗ ở cho nhân viên, một gian để bán tem, phát báo, đánh điện… Cái hộp thư bằng sắt treo lòng thòng ngay cột hiên, lâu lâu mới lại lộp cộp mở ra, một lá thư lăn vào, rồi lại im lặng, quạnh quẽ. Hương ngồi xếp lại chồng báo. Cô xếp cẩn thận đến nỗi không một tờ giấy nào lệch ra ngoài (bởi cũng có việc gì để làm đâu). Xong xuôi, Hương lấy dao cậy những vệt hồ cứng trên mặt chiếc bàn đá. Nhưng rồi tất cả những công việc lặt vặt ấy cũng hết. Hương đành ngồi tựa lưng vào ghế, lơ đãng nhìn mấy chiếc khẩu hiệu, thông báo, hướng dẫn nghề nghiệp treo la liệt trên vách. Thật khó ngờ Hương lại phải đến làm việc ở nơi “xó rừng” này. Cô nghĩ, ra trường sẽ được phân công về bưu điện thành phố hoặc ít ra cũng ở một phòng bưu điện huyện nào đó. Vậy mà số cô thật hẩm hiu. Mấy hôm trước, xách va li tới đây, nhìn căn nhà lá xiêu vẹo, phía đầu hồi gắn một chiếc biển gỗ nhỏ ghi mấy hàng chữ: “Chi nhánh bưu điện Gốc Trám” Hương đã thấy rân rấn nước mắt. Chị nhân viên cũ ở đây đang chuẩn bị đồ đạc chuyển đi. Chị cầm tay Hương vẻ thông cảm:
– Hơi buồn đấy cô ạ. Hôm vào phòng tổ chức lấy quyết định điều động, chắc là cô bước chân trái rồi. Nhưng mà thôi, cố! Tôi cũng dăm năm ở đây rồi. Bao giờ có người thay thì lại được chuyển.
Một lời an ủi chân tình nhưng lại càng làm Hương thêm buồn.
Bỗng có tiếng bước chân nhè nhẹ bên ngoài. Hương nhỏm dậy, ngồi ngay ngắn trong tư thế làm việc. Cô thấy hồi hộp. Ô! Làm sao mà lại hồi hộp nhỉ? Ở các bưu điện lớn, khách ra vào nườm nượp. Bận nhưng mà vui, chứ không như cái chi nhánh vắng vẻ này, mỗi ngày có thể đếm trên đầu ngón tay từng người khách. Có phải vì thế mà sinh ra cảm giác hồi hộp chờ khách đến chăng?
Người khách bước vào cửa. A, một người con trai, trông dáng điệu rụt rè, chiếc mũ sờn, vành che khuất nửa khuôn mặt. Người khách tiến đến cạnh chiếc bục gỗ, khẽ úp chiếc mũ xuống. Nhìn Hương, anh hơi ngạc nhiên, có lẽ vì thấy cô là nhân viên mới.
– Chào chị.
– Vâng, chào anh.
Hương ngước nhìn lên. “À, vầng trán cao và đôi mắt sáng có thể bù được vào cái vẻ mặt cù mì kia đấy”. Hương mỉm cười trước ý nghĩ ngộ nghĩnh của mình.
Người khách tìm trong chiếc cặp da nhàu, rút ra một bọc bìa màu xanh.
– Chị cho tôi…
Hương liếc nhìn gói bưu phẩm anh ta định gửi. Những ngón tay lóng ngóng, hơi run của anh làm cô ngạc nhiên.
– Chị cho tôi gửi bảo đảm.
Hương nhẩm đọc hàng chữ ghi trên bì: “Người gửi: Quang Tuyền. Trường cấp II Bằng La… Kính gửi: Báo…” Tận ngoài rìa gói bưu phẩm có đề thêm mấy chữ “Truyện gửi đăng” rất nhỏ. “À, thì ra một nhà văn.” Như một cái máy, Hương ngẩng lên nhìn hình dáng “cũ kĩ” của người khách. Chà, nhà văn nhà thơ mà ăn mặc đến xuềnh xoàng!
– Anh là nhà văn? – Hương buột miệng hỏi.
Người khách nở nụ cười bối rối:
– Không, tôi mới chỉ tập viết đôi ba truyện. Chị cho tôi gửi bảo đảm nhé.
Hương đặt gói bưu phẩm xuống bàn và làm các thủ tục.
Xong việc, khách nhã nhặn chào Hương rồi bước ra ngoài. Hương nhìn theo hút chiếc mũ ngả màu xỉn xỉn của anh. “Ồ, hay đấy, người thì thế mà lại được đôi mắt kéo lại!”Căn nhà rộn lên được một lát thế, khách đi, lại trở nên im ắng. Hương cầm gói bưu phẩm, đọc những hàng chữ ngoài bì một lần nữa. Cô bỗng phát hiện ra gói bưu phẩm chỉ dán kín ba mặt, còn một mặt gấp thành gờ rồi úp lại. Cô lấy ngón tay khẽ hé mép giấy ra nhìn nhưng lại rụt tay lại. Làm nhân viên bưu điện mà tò mò như vậy là sai. Cô cầm gói giấy cất vào ngăn tủ rồi ngồi xuống ghế khe khẽ hát. Nhưng chỉ được một lúc, tâm trí Hương lại trở về với gói bưu phẩm “Truyện gửi đăng”. Hừ, không biết anh ta viết về cái gì đấy nhỉ? Truyện đăng trên mặt báo thì cô đã đọc nhiều rồi nhưng truyện gửi đi các báo như thế này thì cô chưa bao giờ thấy. Thuở học sinh, đọc những truyện trích trong sách giáo khoa, cô vẫn ngây thơ nghĩ rằng những dòng văn dòng thơ đó không phải do người bình thường làm nên. Nhà văn, nhà thơ phải ở tận đâu đâu chứ không thể ở ngay cạnh mình được. Thế mà vừa rồi chính cô lại làm thủ tục bưu điện cho một “nhà văn”. Một “nhà văn” rõ thật là xuềnh xoàng. Lời nói của anh ta lại còn tỏ ra e nể, ngượng ngùng đối với cô. Ô, mà cô lại còn trêu cả anh ta nữa chứ. Không hiểu anh ta viết câu chuyện gì nhỉ? Về cuộc đời của anh ấy chăng? Các nhà văn cũng hay tự lấy đời mình để viết lắm! Hương quay lại, cầm gói bưu phẩm trên tay. Cô chặc lưỡi: “Thì anh ấy bỏ ngỏ cơ mà. Bỏ ngỏ tức là không có ý định giấu giếm”. Nghĩ vậy, Hương liền “dũng cảm” cho tay vào phía trong rút ra một tập giấy. Ở ngoài tập giấy còn được bọc kĩ một lượt bằng túi ni nông mỏng. Hương cười: “Cẩn thận thế này đủ biết anh ta quý nó như thế nào?” Cô nhẩm đọc: “Kính gửi các đồng chí biên tập. Tôi gửi truyện này đến, chắc là nó còn non yếu lắm. Mong các đồng chí đọc và cho ý kiến. Nếu truyện quá ngớ ngẩn thì các đồng chí cứ vứt vào sọt rác hộ. Tôi xin cảm ơn.” Hương phì cười. Gớm, quý hóa đến mức bọc trong, bọc ngoài rồi lại bảo người ta vứt vào sọt rác hộ. Thật đến là kì quặc!
Hương lật thêm một tờ nữa. Tên truyện ghi đậm nét trên đầu trang giấy: “Tình yêu và cô gái”. Hương bật cười khúc khích. Cô ngó ngoáy suýt làm đổ lọ mực trên bàn. Trời ơi! Người thì lù khù thế mà lại viết về tình yêu mới “ác” chứ! Anh này chắc chưa có người “nâng khăn sửa túi” đây.
Hương bắt đầu đọc. Thoạt tiên cô đọc chỉ vì tò mò, nhưng càng về sau càng bị cuốn hút. Chuyện kể về một cô gái nông thôn đẹp, nết na. Nhiều người có địa vị, tiền tài muốn “đặt vấn đề” với cô nhưng đều bị cô từ chối. Cô đang chờ đợi một người ngoài tiền tuyến. Lúc anh về, bị mất một tay. Không chút băn khoăn, tính toán, họ cưới nhau.
Hương buông tập giấy xuống bản. Về văn vẻ, Hương không đủ trình độ để đánh giá, nhưng tình yêu cao cả của cô gái kia đã làm Hương xúc động. Cô bực tức nghĩ đến anh chàng người yêu của mình. Anh ta chỉ cần nghe tin Hương bị phân công lên nơi hẻo lánh này là đã biên thư dọa cắt đứt. Cắt thì cắt, cô chẳng cần. Đúng, tình yêu phải là một điều đẹp đẽ thiêng liêng, chứ đâu nhỏ nhen đê tiện như anh chàng người yêu của cô. Hương cẩn thận cho tập giấy vào bì đựng. Cô bỗng thấy có cảm tình với “người khách đầu tiên” – tự nhiên cô thầm đặt cho “anh nhà văn” cái tên như vậy.
*
* *
Hơn một tháng qua đi, ngày nào Hương cũng ngóng “người khách đầu tiên” mà không thấy. Cô buồn. Ô! Kia rồi! Anh ấy đang bước đến. Vẫn chiếc mũ sờn, vẫn vẻ mặt trầm tư và đôi mắt sáng.
– Chào chị.
– Vâng, chào anh.Hương vui vẻ, nhưng lần này sao tim cô đập rộn lên và nhìn kĩ sẽ thấy tay cô hơi run run.
– Anh lại gửi truyện đăng báo chứ ạ?
Người khách đến gần bục gỗ, đặt mũ xuống:
– Không, tôi chỉ mua cái tem thư thôi chị ạ. Gửi cho cô em gái tôi ở dưới quê.
– Em gái hay em nào? – Hương đùa, vì cô nghĩ mình đã là người quen của anh ấy.
Anh đỏ bừng mặt trước câu đùa hơi táo bạo của cô.
– Em ruột tôi chị ạ – Rồi như để chứng minh cho sự thật thà của mình, anh giải thích – Vì cô em tôi đã mấy lần viết thư lên bảo tôi hãy bỏ nơi đây để trở về sống dưới quê. Ở đấy, em tôi đã xin cho tôi về dạy tại một trường cạnh làng. Hôm nay tôi viết thư trả lời là tôi không muốn về.
Hương ngạc nhiên:
– Sao anh không muốn về? Rõ dại! Em mà được như anh thì em nhất trí cả hai tay.
– Vâng! Nhưng mà…
Người khách ngập ngừng không muốn nói thêm. Anh bỡ ngỡ nhìn vào cặp mắt đang ngỡ ngàng của cô nhân viên bưu điện trẻ. Có lẽ anh chưa gặp đôi mắt nào đẹp đến thế.
– Nào, chị lấy cho tôi cái tem.
Hương mở ngăn kéo, chọn chiếc tem đẹp nhất đưa cho anh.
– Truyện của anh lần trước được đăng báo chưa ạ?
Người khách lắc đầu, vành tai hơi ửng đỏ:
– Họ trả lời là không đăng được chị ạ. Truyện tôi viết còn non. Là tôi cũng mới chỉ tập cầm bút thôi mà.
Suýt nữa thì Hương buột miệng: “Truyện hay thế mà họ không đăng nhỉ!” Cô vội nói lảng:
– Thế anh in được mấy truyện rồi ạ?
Người khách mân mê chiếc phong bì trên tay:
– Tôi đã gửi đi mười ba truyện rồi nhưng chưa truyện nào được in cả – anh khẽ thở dài.
Hương ngây thơ kêu to:
– Ôi! Thế thì tiếc công quá anh nhỉ!
– Không tiếc, nhưng dĩ nhiên là… buồn chị ạ. Có nhiều người khuyên tôi không nên viết nữa. Cái việc này tốn nhiều công sức lắm mà có khi vẫn hoàn toàn trắng tay.
Người khách dán tem xong, mở thùng bỏ tọt bức thư vào. Hương khẽ mỉm cười: “Chỉ vài ngày nữa thôi, cô em gái của anh ở quê nhà sẽ cầm đọc bức thư kia và tha hồ oán trách ông anh trai lẩm cẩm, khờ dại.”
*
* *
Ngày ngày Hương vẫn đánh đi những bức điện báo, nhận bưu phẩm, bán tem… Bây giờ cô không còn thấy quá buồn như những ngày mới đến nữa… Thỉnh thoảng “người khách đầu tiên” của cô lại xuất hiện. Lần nào cô cũng chuyện trò vui vẻ với anh. Từ bấy đến nay anh đã gửi thêm ba truyện nhưng vẫn chưa lần nào được đăng. Sợ anh buồn, Hương không dám hỏi. Nhưng lần nào anh cũng nói lại với Hương bằng một giọng trầm trầm:
– Họ trả lời rồi chị ạ. Truyện lại hỏng.Hương muốn an ủi anh một câu nhưng không sao nói được. Bây giờ đã thành cái lệ, mỗi khi anh gửi truyện là không chút băn khoăn, Hương đều giở ra đọc một lần. Trong thâm tâm, cô vẫn nghĩ truyện của anh không được in nên sẽ không còn dịp cho cô đọc nữa. Thế là vô tình, chính cô là độc giả duy nhất của anh mà anh không hề hay biết.
Hương mở tủ xếp lại chồng thư. Bỗng cô phát hiện thấy một gói bưu phẩm quen quen nằm tận đáy tủ. Hương vội cầm lên đọc những hàng chữ đã bắt đầu trở thành thân thuộc ngoài bì: “Người gửi: Quang Tuyền, Trường cấp II Bằng La… Kính gửi: Tạp chí..” Mấy dòng chữ sau bị gián nhấm lỗ chỗ không đọc được hết. Nhìn lượt giấy bọc ngoài ố vàng, cô biết gói bưu phẩm đã nằm ở đây ít nhất một tháng rồi. Hương cắn môi. Mấy tháng trước cô có nhận được thư của anh chàng người yêu cũ. Anh ta đổ tất cả lỗi lên đầu Hương. Rằng tình yêu tan vỡ là do Hương. Rằng Hương không biết tôn trọng anh ta. Rằng Hương là một cô gái dại khờ và ương ngạnh… Hương đã dứt bỏ tình yêu với anh ta một cách dễ dàng, không luyến tiếc, nhưng dù sao cũng không tránh khỏi xót xa, nghĩ ngợi. Chính sự xót xa nghĩ ngợi, dằn vặt này đã làm gói bưu phẩm tội nghiệp kia phải trả giá… Trời, biết bao đêm anh ấy thao thức ngồi viết ra những trang này. Anh quý mến, nâng niu và hi vọng ở nó để rồi đến đây Hương bỏ quên trong đáy tủ.
Hương lấy khăn lau sạch những vết mốc trên gói bưu phẩm. Cô quyết định tìm gặp anh để lấy lại địa chỉ gửi đi, mong chuộc lại chút ít lỗi lầm. Hương hiểu rằng làm việc này có thể cô sẽ bị rầy rà vì đã vi phạm kỉ luật nghề nghiệp. Cô có thể chọn một cách khác rất nhẹ nhõm là ỉm gói bưu phẩm kia đi. Tuyền sẽ chẳng bao giờ phát hiện được. Anh đã có hàng bao nhiêu truyện không có hồi âm như thế rồi ấy chứ! Nhưng Hương không bao giờ nghĩ sẽ làm cái việc tồi tệ ấy.
Tới trường Bằng La, Hương mới biết là Tuyền bị ốm nằm viện đã gần một tháng nay. Không chút ngần ngại, cô lên huyện.
Hương bước đến sát giường bệnh. Tuyền nhỏm người lên, ngơ ngác. Có lẽ anh tưởng không phải Hương đến với anh.
Hương khẽ khàng ngồi xuống:
– Em đến tìm anh vì… vì… em có lỗi lớn.
Rồi Hương kể lại toàn bộ sự việc. Cô tưởng ít nhất sẽ được một bài học về tinh thần nghề nghiệp. Nhưng không, anh chỉ lắc đầu:
– Không sao đâu Hương ạ. Tôi cũng nhiều khi lú lẫn như thế.
Hương xin lỗi anh một lần nữa rồi lấy bút ghi địa chỉ đã bị gián nhấm trên gói bưu phẩm.
Khi Hương chào ra về, Tuyền ngập ngừng đưa cho cô một bức thư. Giọng anh ấp úng như sợ làm phiền:
– Hương chuyển giúp tôi bức thư này về trường Bằng La nhé. Là bức thư tôi gửi cho các em học sinh lớp tôi chủ nhiệm ấy mà…
Dường như không cố ý, anh đổi cách xưng hô với Hương. Anh tiếp:
– Mấy hôm trước tôi có nhận được một bức thư của tập thể lớp. Chẳng biết nghe tin ở đâu, chúng trách tôi sắp sửa chuyển về quê mà không bảo chúng. Cuối thư, chúng viết mấy chữ thật đậm nét: “Chúng em mong thầy ở lại!” rồi đóng khung cẩn thận như đóng khung đáp số bài toán. Thư này tôi viết trả lời là tôi sẽ ở lại đây mãi với các em. Nghề nghiệp của chúng tôi nhiều lúc lẩn thẩn thế đấy Hương ạ. Hương chuyển giúp tôi nhé, sợ gửi bưu điện hơi lâu.
Bằng một cử chỉ âu yếm, tự nhiên, Hương ghép lại mép chăn trên người Tuyền và mạnh bạo nhìn vào mắt anh, khẽ mỉm cười.
Lát sau cô trở về. Gió thổi mạnh. Cô ấp bức thư của anh lên ngực, nghiêng nghiêng người bước đi trong gió. Mấy tháng trong nghề, đây là lần đầu tiên cô chuyển một bức thư không mang con dấu bưu điện. “Ô, nhưng nó lại mang con dấu của… trái tim” – Cô thốt mỉm cười trước ý nghĩ quá văn vẻ của mình và thẹn đỏ mặt.
Sau ngày gặp Tuyền ở bệnh viện, Hương nghĩ một ngày gần đấy cô sẽ lại được gặp anh, khi anh mang đến trạm bưu điện của cô những bản thảo để gửi đi. Nhưng hơn hai tháng liền anh vẫn không trở lại. Từng ngày, từng ngày Hương ngóng trông và mong chờ. Nhiều lần cô định đến trường tìm anh nhưng không đủ can đảm.
Một buổi chiều, Hương đang buồn bã ngồi cậy những vết hồ trên mặt bàn đá thì cô nghe thấy tiếng ô tô ầm ì phía chân dốc. Qua trạm bưu điện, chiếc ô tô như đi chậm lại. Hương ngước lên. Trên xe có nhiều bàn tay đang vẫy cô:
– Thôi chào cô bưu điện nhé.
– Chào cô Hương nhé!
– Chào “con tem nhỏ bé” nhé!
Trên xe chật ních người. Đó là chuyến xe chở tân binh lên đường nhập ngũ. Những người vẫy chào cô chắc là những khách vẫn thường qua lại trạm bưu điện này. Họ biết Hương nhưng có thể Hương chưa kịp quen mặt họ. Hương vui vẻ bước ra đường, vẫy tay chào lại những người lính trẻ:
– Chào các anh! Chúc các anh…
Bỗng Hương sững lại, không nói được hết câu. Cô nhận ra Tuyền đứng ở cuối xe. Hình như cố ý chờ cho tất cả những lời chào của mọi người lắng xuống anh mới vẫy tay về phía Hương. Giọng anh gấp gáp, ngắt nhịp như muốn gửi gắm thật nhiều qua mấy câu ngắn ngủi:
– Hương ơi! Ở lại nhé. Công tác tốt. Hẹn gặp lại Hương.
Hương cứ đứng trơ trên vệ cỏ, tai ù lên. Sực nhớ, cô nhoài hẳn người ra phía trước, kêu to, giọng lạc hẳn đi:
– Anh Tuyền đi nhé!
Cô còn định nói: “Em sẽ chờ anh, chờ anh mãi mãi!” nhưng cổ cô đã nghẹn lại. Cô nhìn theo mãi bóng chiếc ô tô vòng vèo sau lớp bụi đường. Rồi Hương quay vào trạm. Dường như đã hết sức cố gắng nhưng cô vẫn không sao tiếp tục công việc được nữa. Hương muốn xua đuổi khỏi óc mình cảnh chia tay vừa rồi. Cô muốn coi đó chỉ là cái phút chia tay của những người bạn. Cô cố nghĩ rằng dẫu sao anh cũng chỉ là một người khách bưu điện bình thường lướt qua cuộc sống hàng ngày của cô như bao người khách khác. Nhưng cô không sao tự dối được lòng mình. Hình dáng của anh, đôi mắt của anh, chiếc mũ sờn, những dòng chữ nắn nót hiền lành trên những trang bản thảo (những bản thảo mà chỉ có mình cô là độc giả) cứ chập chờn hiện lên trước mặt cô. Một giọt nước mắt nóng hổi của cô bỗng lăn xuống mặt bàn đá lạnh ngắt. Lát sau, bình tĩnh lại, Hương thấy ngượng với chính mình. Cô thấy mình thật vô lí. Đúng là cô đã từng có những giờ phút ngóng chờ anh đến cháy lòng (bây giờ cô đã phải tự nhận với mình như vậy). Nhưng còn anh? Phải rồi, đối với anh, cô chỉ là một “cô bưu điện”. Quá lắm cũng chỉ là một – cô – bưu – điện – có – lòng – tốt (Vì một lần cô đã lặn lội tìm anh để lấy lại dòng địa chỉ, đã giúp anh chuyển một lá thư. Và anh cảm ơn cô. Thế là hết). Hương cố kìm giữ lòng mình cho thanh thản. Cô đi đến bên bàn, đóng dấu vào chồng thư vừa chuyển đến. Nhưng những tiếng lộp cộp của con dấu lập tức làm cô hoảng sợ. Hai bàn tay cô cứng đờ ra. Cô cứ quanh quẩn mãi trong căn nhà bé nhỏ. Rồi bỗng nhiên, cô ôm lấy mặt, khóc òa lên.
*
* *
Thế rồi mùa xuân lại về.
Đã hai năm Hương gắn bó với cái trạm bưu điện “Gốc Trám” vắng buồn này. Câu chuyện về Tuyền dẫu sao cũng đã nguôi ngoai.Hằng ngày, Hương lại mải mê đóng dấu bưu điện vào các chồng thư và mỉm cười tưởng tượng ra những dòng chữ ở phía trong những tấm phong bì trắng, xanh, hồng, tím… Đó chỉ là giấy trắng mực đen thôi nhưng đã biết bao mối tình tan, hợp cũng bắt đầu từ đó.
Hôm nay, chiếc ô tô thư đậu ngoài đường lại bấm còi inh ỏi gọi Hương ra lấy hàng.
Hương lễ mễ xách gói báo chí, thư từ trở vào trạm. Cô kiểm tra lại từng chiếc phong bì. Từ dạo Tuyền đi, mỗi lần kiểm tra như vậy, Hương vẫn thường hi vọng (dủ chỉ là một tia hi vọng quá mỏng manh) là sẽ nhận được một bức thư của anh gửi cho cô, nhưng cô luôn thất vọng. Cho dù ngày ra đi anh có nhắn “Hương ơi… hẹn gặp lại…” nhưng đó có thể vẫn chỉ là một lời chào của một chàng trai tốt bụng, vui tính đối với một cô gái trẻ mà thôi. Và tất cả cũng đã qua rồi. Đã có bao giờ anh ấy có ý định “hẹn gặp lại em” như anh nói đâu. Một bức thư thăm hỏi bình thường cũng không hề có. “Ôi, giá như em được chờ anh như cô gái trong câu chuyện tình yêu mà anh đã viết. Dù biết anh có thể mất một cánh tay, em vẫn cứ chờ” – Hương nhủ thầm.
Hương chuyển thư lên các ngăn trên tủ rồi quay ra xếp lại tập báo. Tay cô bỗng buông thõng xuống khi động vào chồng báo đầu tiên. Cô trân trân nhìn hàng chữ to trên trang nhất: “Cô bưu điện”, phía dưới là một dòng in nhỏ hơn: “Truyện ngắn của Quang Tuyền”. Và cạnh đó là hàng chữ in nghiêng: “Tặng Hương thân yêu”. Tim Hương như ngừng đập, cổ nghẹn tắc lại. Cố trấn tĩnh, Hương đọc tiếp những dòng chữ in khá đậm, đó là lời giới thiệu của tòa soạn báo: “Trước khi cầm súng, Quang Tuyền là một nhà giáo. Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, Quang Tuyền còn sáng tác văn học. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu tác phẩm đầu tay của anh”. Những dòng chữ cứ nhập nhòa trước mắt Hương. “Thế là anh đã có truyện ngắn được đăng rồi. Truyện ngắn ấy anh đã đề tặng em” – Hương nhoẻn cười trong ánh mắt rưng rưng.
Hương cứ đứng lặng người cầm tờ báo trên tay như vậy. Chưa đọc một dòng chữ trong truyện, những sao cô như đã hình dung ra tất cả. Cô bỗng nhìn thấy chiếc mũ sờn và đôi mắt sáng của anh, thấy những cử chỉ ngập ngừng chân thật của anh. Và lạ chưa, cô như nhìn thấy cả bóng hình mình nữa. Bên chiếc bục gỗ này đây, cô đã cười rộ lên để trêu anh, còn anh thì lúng túng. Và kìa, mái tóc xòa bay trong gió của cô khi cô ôm bức thư của anh trong ngực, bức thư đầy tình nghĩa đối với các em học sinh, bức thư làm cho cô cảm động một cách chân thành, làm cho cô sống đằm thắm hơn với cái trạm bưu điện nhỏ bé, quạnh vắng của mình. Vâng! Hẳn anh sẽ viết giống như em hằng nghĩ: Tình yêu phải là một cái gì cao đẹp, thiêng liêng, không hẹp hòi, ích kỉ. Thế là bước đầu anh đã thành công! Nhớ đến vô số những bản thảo bị hỏng của anh, nhớ đến nụ cười buồn mỗi lần anh báo tin “truyện lại hỏng rồi” Hương muốn kêu lên thật to.
Nhưng rồi cô vẫn đứng im, mặc cho những giọt nước mắt rơi xuống long lanh trên trang báo. Cô đứng yên, như sợ động đậy sẽ mất đi niềm cảm xúc đang cháy sáng trong lòng mình…
Ngoài kia, dòng suối mùa xuân đã bắt đầu tuôn chảy. Những triền rừng xanh đang nảy thêm lộc biếc. Mùa xuân đã đến rồi.
Tác Giả : Hồ Thủy Giang / BTV Anh Thư / Giọng đọc: Minh Nguyệt