Bài nổi bật

Lấy Chồng – Huỳnh Thị Thu Trang

Truyện đêm khuya VOV2 – Vẫn là câu chuyện gái lớn gả chồng vốn nhiều nỗi niềm nhưng ta không cảm thấy hơi hướng nặng nề, bí bách trong truyện ngắn này. Mạch chuyện tiếp diễn một cách tự nhiên, rõ nét, thể hiện sự tâm lý, hồn hậu của người viết, gieo vào lòng người đọc, người nghe những cảm xúc thật nhẹ nhõm. Từ hai định đề: sinh con một bề và gái lớn gả chồng, tác giả Huỳnh Thị Thu Trang đã biến tấu cho câu chuyện muôn đời trở nên gần gũi và khẳng định: là con gái và có con gái đều thật tuyệt.

Hạnh năm nay 18 tuổi, bỗng thấy mỗi sáng thức dậy tay chân như dài thêm ra. Mấy cái áo may hồi Tết năm rồi giờ ngắn cũn cỡn dù đã xổ hết lai. Đã vậy đi đâu cũng nghe những tiếng trầm trồ: Con nhỏ trổ mã trông xinh quá. Sắp gả chồng được rồi. Hạnh ghét ai nói mình như vậy. Hạnh không thích làm người lớn, càng không muốn bị “gả chồng”.
Ba má có vẻ hãnh diện khi nhìn Hạnh lớn vụt xinh xắn vượt hơn mấy chị. Người ta nói nhà có con gái như có hũ mắm treo giàn bếp. Huống chi nhà Hạnh có đến những 5 công nương. Năm cô con gái tuổi sàn sàn nhau, chưa ai có dấu hiệu gì hứa hẹn cái ngày được người ta mang trầu cau dạm hỏi, làm rỡ ràng họ hàng. Mỗi lần Tết đến, má rầu rầu bấm đốt ngón tay:
– Con Đoan 29, con Nguyệt 27, con Tú 25, con Hằng 23. Trong 4 đứa, đứa nào năm nay cho má được ăn cưới?
Chị Đoan nhướng mày sau cặp kính cận dầy cộp:
– Má biểu con Nguyệt, con Tú á. Con phải bảo vệ xong luận án thạc sĩ.
Chị Nguyệt đang dũa móng tay, lắc đầu nguầy nguậy:
– Con là người mẫu, lấy chồng có con sẽ hư phọt hết. Má biểu con Tú đi.
Chị Tú nguýt chị Nguyệt một cái, rồi phân trần:
– Con đang xin vô Airlines Việt Nam, người ta yêu cầu phải bảo đảm thời gian độc thân ít nhất là 5 năm. Thôi, để con Hằng.
Chị Hằng giẫy nẩy:
– Mấy chị kỳ quá vậy. Em còn con nít mà.
Lập tức ba bà chị “tập kích” vào chị Hằng. Người duy nhất trong bọn đã bán linh hồn cho… đàn ông.
– Mi con nít… quỉ thì có. Chứ không phải đã hẹn hò với thằng Phúc chờ nó du học về sao?
– Nó qua bên Tây không chừng mai mốt dẫn vợ đầm về cho mày thành… bà già leo cây.
Chị Hằng la lên:
– Mấy chị lo thân mình kìa. Bà nào bà nấy mắt xếp li, có mà ế dài.
– Ế kệ tụi tao. Còn hơn bị bồ đá.
Chị Hằng dậm chân:
– Má, con bị bồ đá hồi nào mà mấy chỉ nói vậy.
Má thở dài sườn sượt:
– Thôi, tui lạy mấy cô. Rần rần cãi vã suốt ngày, không sợ hàng xóm họ cười. Con gái con lứa gì… Mà má nói cho biết, học hành, công danh sự nghiệp quá, đàn ông nó sợ, nó tránh xa. Hồi đó má có cô tú, cô cử như tụi bây đâu, má mới 17 tuổi bà nội đã đem trầu cau dạm hỏi rồi.
Lập tức mấy cái miệng lao nhao:
– Ối, má ơi, đó là chuyện “đời xưa”, chuyện của thế kỷ trước. Bây giờ mà làm vậy là vi phạm luật đó, 17 là còn là vị thành niên, chưa tới tuổi trưởng thành.
– Với lại, khoa học người ta nói còn nhỏ quá mà sinh con thì sẽ bị ngu.
Má hờn mát:
– Vậy tao sinh tụi bây ra toàn một lũ ngu hết sao?
Chị Đoan vội vàng “đính chính:
– Không phải ý con là may mà tụi con thừa hưởng cái “gien” thông minh của ba má. Chứ như tụi con lỡ lấy ông chồng đần, thế nào cũng sinh ra một lũ ngu.
– Thôi mấy đứa cứ lấy chồng, đẻ con. Bao nhiêu con cái tụi bây, má nuôi dạy hết.
Lấy Chồng – Huỳnh Thị Thu Trang
 
Khi má đã kết thúc bằng “điệp khúc” như vậy thì mấy chị… không còn gì để nói nữa. Người nầy nhìn người kia rồi len lét. Hạnh thấy thương má, thương mấy chị. Ba má ngày càng có tuổi chỉ mong mấy chị thành gia thất, mong có cháu ẵm bồng cho vui nhà vui cửa. Còn mấy chị xem ra chưa ai nghĩ tới chuyện lấy chồng, ai cũng nêu lý do để lần lữa. Mà… cũng phải, lấy chồng có phải là chuyện bình thường đâu. Phải là người tâm đầu ý hợp yêu thương nhau, chứ không lẽ nói “lấy chồng”, là có người để lấy ngay sao? Vì vậy, trong khi nhà trên xóm dưới đám cưới đám hỏi rần rần, nhà Hạnh vẫn lặng trang. Mỗi khi có ai đó đến gửi thiệp mời, má rầu rầu suốt cả ngày. Nhất là khi có người làm như vô tình hỏi: “Sao, mấy cô cử, cô tú nhà chị chừng nào cho tụi tui ăn cưới?”. Nhiều đêm, Hạnh vô tình nghe má than vãn với ba: “Cũng tại mình ham con trai quá, cứ đẻ hoài, bây giờ 5 đứa con gái mà chưa lo được chuyện chồng con cho đứa nào”. Ba an ủi má: “Tại tụi nó chưa gặp được duyên phận. Hơi đâu mà bà lo”. Má cao giọng: “Không lo sao được. Tụi nó cũng xấp xỉ băm rồi”. “Tụi trẻ bây giờ họ lo công danh sự nghiệp vững vàng rồi mới nghĩ tới chuyện lập gia đình”. Má kêu lên: “Ối, đợi tới lúc già chát rồi làm sao mà đẻ đái được!”. Ba tặc lưỡi: “Thời nầy khoa học tiến bộ rồi. Không sinh đẻ được thì làm thụ tinh nhân tạo. Như mấy đứa con cậu Bảy nó đó”. Má giẫy nẩy: “Thôi thôi, tôi ớn mấy cái vụ nhân tạo nhân tiếc đó lắm. Cái gì tự nhiên vẫn hơn. Mà ông đừng có nói cái kiểu đó, tụi nó được mợi, không chịu lấy chồng. Phải hối thúc cho dữ vào”. Ba thở dài: “Chuyện chồng con là do gặp đúng đối tượng, rồi còn yêu thương nhau nữa, chứ hối thúc đâu có được bà ơi!”. Má kiên quyết: “Tui không biết, nhưng tui muốn năm nay nhà mình phải có một đứa được rước đi, chứ không thôi tui… tủi thân lắm. Con mình đứa nào cũng xinh đẹp giỏi giang mà mang tiếng ế, tui không chịu được”… Hạnh thấy thương ba thương má quá. Chiều chiều thắp nhang trên bàn Phật, Hạnh luôn van vái cho mình mau lớn, và lấy được… chồng cho ba má vui lòng.
*
Lời khấn nguyện của Hạnh vậy mà… linh nghiệm. Một bữa đi ăn giỗ về, má hể hả tuyên bố có một đám ngỏ ý kết sui gia với gia đình. “Người ta là gia đình trí thức. Bác Thuấn trước dạy chung với ba các con. Còn thằng Phong là giảng viên đại học, nhưng chuyện gia thất đều để cho cha mẹ định liệu. Họ rất muốn kết sui gia với gia đình mình. Bây giờ chỉ cần bàn xem trong mấy đứa con, ai sẽ ưng đám nầy. Má nói cho biết, lần nầy mà vuột nữa, đừng có đứa nào nhìn mặt tao”.
Mấy chị rúc vô phòng, bàn tán.
– Giảng viên đại học, tệ gì cũng xấp xỉ 30. Tuổi đó xứng với chị Đoan.
– Đại học đại hiếc gì mà để cha mẹ dẫn đi coi vợ, sao hợp với cá tính mạnh mẽ của tao. Coi bộ hợp với con Nguyệt.
– Thôi, thôi, em sợ mấy ông trí thức ôm cặp kính dày cộp lắm. Ngữ ấy suốt ngày lầm lì, chúi đầu vô mấy cuốn sách, sao hợp được với tính bô lô ba la như em.
Chị Tú mơ màng:
– Giảng viên đại học hả? Em chỉ mơ một chàng pilot thôi. Hay là để con Hằng.
Chị Hằng giẫy nẩy:
– Em đã nói là có hẹn với anh Phúc rồi mà.
Chị Đoan rầu rầu:
– Tụi bây đứa nào cũng quát ra, làm sao ăn nói với má đây. Thế nào má cũng bị chửi.
Chị Nguyệt than:
– Ớn quá! Chắc em phải xách va ly tới nhà nhỏ bạn “tị nạn” mấy bữa Tết.
– Mấy chị có cách gì không?
Chị Tú thì thầm:
– Hay là… bé Hạnh?
Mọi người cùng ngó ra hàng ba, nơi Hạnh đang ngồi ôm con mèo mướp, xem truyện tranh. Chị Đoan lắc đầu:
– Không được, nó còn nhỏ, tính tuổi năm nay mới tròn 18 mà.
– Nhỏ gì mà nhỏ. Nó cao hơn em gần một cái đầu.
Chị Hằng hưởng ứng:
– Em thấy con Hạnh lúc nầy ra dáng thiếu nữ lắm, hai má cứ đỏ au. Người ta nói má hồng hồng muốn…
Chị Đoan nạt:
– Chỉ nói tầm bậy. Ai lại đi gả đứa út trước. Nó mới tốt nghiệp phổ thông mà. Má hổng chịu đâu.
– Em nghĩ má chỉ mong có rể, gả đứa nào trước cũng được. Với lại bé Hạnh lấy chồng rồi học tiếp cũng được. Anh ta dạy đại học mà, chắc sẽ kềm cặp… vợ.
Chị Đoan có vẻ nghĩ ngợi. Chị Tú xúi:
– Hay mình cứ hỏi ý bé Hạnh xem.
Mấy chị xúm lại Hạnh:
– Hạnh à, em là đứa hiếu thảo nhất nhà. Chắc em không nỡ thấy ba má buồn phải không?
Chị Tú mắt rưng rưng:
– Mấy chị ai cũng… kẹt hết. Chỉ cònem thôi.
– Thà không có ai đánh tiếng, đằng nầy người ta bước tới mà hổng đứa nào chịu, phen nầy chắc mấy chị phải xách gói ra khỏi nhà.
– Bé Hạnh… cứu mấy chị được không?
Hạnh gấp quyển truyện tranh, nhìn mấy khuôn mặt đau khổ, van vỉ của mấy bà chị, rồi cúi xuống nhìn… con mèo mướp.
– Thôi được rồi, có gì đâu. Để em nhận lời cho.
Mấy chị có vẻ bất ngờ, rồi xô tới ôm lấy Hạnh.
– Hoan hô bé Hạnh!
– Bé Hạnh giỏi lắm.
Lấy Chồng – Huỳnh Thị Thu Trang
Ngày đàng trai tới coi mắt, nhà rộn rịp như Tết. Cảm cái ơn “hy sinh” của Hạnh, mấy chị ai cũng lo lắng hết mình. Nào là trang hoàng nhà cửa, làm bánh trái, lo cơm nước đãi khách. Má vui ra mặt. Chỉ có ba là không hài lòng khi biết Hạnh được coi mắt chứ không phải mấy chị.
Thoạt đầu, ba phản đối:
– Không được. Con Hạnh còn nhỏ quá.
– Nó cũng 18 tuổi rồi. Con gái có một thời. Để ế hết cả đám sao?
Ba vẫn cương quyết:
– Nhưng nó mới tốt nghiệp phổ thông mà, lại là đứa út, sao lại qua mặt mấy chị nó.
– Bên đó nghe nói thích cưới vợ trẻ. Có năm đứa con gái trong nhà như chứa bom nổ chậm. Gả được đứa nào thì gả, mấy đứa kia có đứa nào chịu lấy chồng đâu.
Ba đành nhượng bộ với điều kiện nếu “bên ấy” bằng lòng thì làm đám hỏi xong đợi Hạnh xong hai năm đại cương mới cưới. Má gật gù:
– Nó dạy đại học chắc sẽ kềm cặp con Hạnh học hành tới nơi tới chốn.
Đàng trai hẹn 9 giờ đến. Má thức từ sớm, giục mấy chị đi chợ rồi bày biện nấu nướng đãi khách quí. Mấy chị bảo nhau: Ai làm rể nhà nầy thiệt có phước, được má cưng hết biết luôn.
Má mắng yêu:
– Vậy thì mau mau kiếm rể về cho tôi đi.
Tám giờ hơn, má bảo Hạnh vào thay áo. Chiếc áo dài màu hồng phấn má tự tay chọn vải và dẫn Hạnh đi may để mặc trong dịp nầy. Mấy chị xúm lại, người đánh phấn, kẻ mắt tô môi, rồi xô Hạnh tới đứng trước gương. Hạnh không nhận ra mình nữa. Trong gương là một con bé lạ hoắc với mái tóc chải bồng, môi son, má đỏ đang ngó Hạnh chăm chăm. Chị Đoan ngắm nghía rồi đưa ý kiến:
– Tao thấy con Hạnh không cần make-up, cứ để tự nhiên mà đẹp hơn.
Công sức cả buổi trời của mấy chị được xóa sạch bằng chiếc khăn ướt. Hạnh trở lại là Hạnh với mái tóc dài chấm vai, đôi má hồng tự nhiên và cặp mắt tròn xoe ngơ ngác. Má ngắm Hạnh gật gù: Con gái út má là xinh nhất. Rồi dặn dò: Lát nữa ra chào, con nhớ đi đứng tự nhiên, thong thả, người ta hỏi gì thì dạ thưa đàng hoàng. Mấy hôm nay thấy cả nhà ríu rít chuẩn bị, Hạnh cũng thấy vui vui, nhưng bây giờ sắp xuất hiện trước những người lạ, trước những cặp mắt soi mói, Hạnh chợt thấy sợ. Lỡ mà họ… chê, lỡ họ không chịu… cưới? Ôi, lấy chồng, hóa ra không đơn giản như Hạnh tưởng chút nào.
Lấy Chồng – Huỳnh Thị Thu Trang
Chín giờ kém mười, có tiếng xe đỗ trước cổng. Chị Đoan gật gù: Họ đến sớm 10 phút. Chắc cũng nôn nóng muốn cưới vợ cho con.
Ba má ra mời chào khách. Chủ khách yên vị. Câu chuyện thăm hỏi qua lại nghe thân thiết, tâm đầu ý hợp. Má mặt tươi bước vô gọi Hạnh mang nước ra mời khách. Chị Nguyệt vội sắp sửa ly tách, chị Tú châm trà. Hạnh nói với chị Đoan:
– Sao em… run quá.
Chị Đoan nắm tay Hạnh, động viên:
– Bình tĩnh, cứ coi như em sắp bước vào… phòng thi. Chỉ một chốc là xong mà.
– Rủi… rủi người ta chê em?
Chị Đoan vuốt má Hạnh:
– Không đâu, em chị xinh như vầy, sao mà chê được. Bình tĩnh, cố lên em.
Hạnh bưng khay nước bước lên nhà trên. Mấy chị dặn vói theo:
– Nhớ không cười thì cũng bặm môi cho lúm hai đồng tiền để họ lác mắt chơi.
– Nhìn mặt chú rể kỹ kỹ, lát tả lại cho mấy chị nghen.
Hạnh ra. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía cô. Hạnh nghe tim đập thình thịch, hai má nóng bừng. Má nắm tay Hạnh động viên:
– Hạnh lại chào hai bác và anh Phong đi con. Đây là cháu út của tôi.
Hạnh được dẫn đến trước một ông ra vẻ đạo mạo, một bà mặt mũi trông phúc hậu và một… cặp mắt kính dầy cộp. Hạnh gật đầu hết bên nầy tới bên kia, mà không biết mình chào ai. Bà Thuấn ngắm Hạnh, vẻ hài lòng:
– Có phải cháu Út Tết năm kia đi với anh chị qua nhà tôi đó không? Chao ôi, mới đó mà nó lớn bộn rồi.
Má hể hả:
– Cháu vừa tốt nghiệp phổ thông, đang luyện thi đại học đó chị.
Câu chuyện xoay quanh việc thi vô đại học của Hạnh. Mọi người rôm rả nói cười. Mắt kính không nói gì, chỉ lặng lẽ ngắm Hạnh. Châm xong tuần trà, Hạnh xin phép vô trong phụ mấy chị lo cơm nước. Bác Thuấn tỏ vẻ hài lòng:
– Cháu Út giỏi giang quá!
Má được thể, khoe:
– Dạ, cháu dù đi học, nhưng mọi việc nấu nướng đều biết làm chị à.
Vừa bước ra khỏi phòng khách, Hạnh chạy ùa xuống nhà dưới. Mấy chị vây lấy Hạnh:
– Sao, sao rồi, Út?
– Sao là sao?
Chị Tú sốt ruột:
– Chú rể đó, anh ta ra sao, có nói chuyện với em không?
– Hổng thấy nói gì hết. Mà thôi, em đói bụng quá. Có gì cho em ăn đi.
Chị Đoan cốc đầu Hạnh:
– Mi con nít vậy làm sao mà lấy chồng đây trời!
Sau cái vụ xôn xao coi mắt, không thấy má đả động gì tới chuyện chồng con của mấy chị em. Hạnh vẫn hồn nhiên gạo bài, đọc truyện tranh và chơi với con mèo. Mấy chị đoán già đoán non: Chắc họ chê nhỏ Hạnh còn con nít. Thôi vậy cũng được, tại họ chê chứ đâu phải chị em mình không chịu lấy chồng. Má không có cớ để cằn nhằn tụi mình nữa.
Một hôm, má đi đâu về, đưa cho Hạnh la liệt túi xốp, mở ra nào váy ngắn, váy dài, đầm đủ kiểu, còn có mấy xấp vải may áo dài.
– Của con nè!
Hạnh ngạc nhiên:
– Nhưng… chưa tới Tết mà.
Má xoa đầu Hạnh:
– Con gái sắp lấy chồng phải ăn mặc cho tươm tất. Từ giờ, chiều thứ bảy anh Phong sẽ tới đón con đi chơi.
Mấy chị xúm lại nhao nhao:
– Là sao, là sao vậy má?
– Thì họ chấm con gái út của má rồi. Đàng trai sẽ làm lễ bỏ rượu. Chờ Hạnh tốt nghiệp đại học rồi cưới.
Hạnh ngơ ngác:
– Ủa, chứ hổng phải họ chê con hả?
Má vuốt tóc Hạnh:
– Con gái má xinh đẹp, ngoan ngoãn như vầy, ai mà chê được.
Từ hôm đó nhà vui như Tết. Chiều thứ bảy, mấy chị lại xúm nhau chọn váy áo, giày dép, cột tóc, cài nơ cho Hạnh, rồi núp sau rèm cửa nhìn Hạnh sóng đôi mắt kính bước lên chiếc xe hơi sang trọng. Thứ bảy nào cũng vậy, từ 5 giờ tới trước 8 giờ, mấy chị hồi hộp đợi tiếng xe hơi đỗ xịch trước cổng, tiếng chào hỏi lễ phép của Phong, là lôi tuột Hạnh vô phòng, tra vấn:
– Hôm nay đi đâu?
– Ăn kem.
– Rồi đi đâu nữa?
– Tới nhà sách.
– Hắn nói gì với em?
– Chuyện học hành.
– Rồi sau đó.
– Đi ăn tối, chỗ nhiều món ngon lắm!
Chị Nguyệt thì thầm:
– Nói nhỏ chị nghe, anh ta có nắm tay em, có… hôn em không?
Hạnh lắc đầu nguầy nguậy:
– Đâu có!
Chị Đoan kết luận:
– Sao chuyện tình cảm của 2 đứa này toàn là kem, sách vở với đồ ăn không vậy trời!
Má gật gù:
– Chứng tỏ nó là người đàng hoàng!
Không biết có phải việc hẹn hò (dù chỉ là kem, sách vở và đồ ăn) của Hạnh đã tác động tới mấy chị, hay như má nói do Hạnh có duyên… mở hàng, mà sau đó từng bà chị lũ lượt dắt bạn trai về ra mắt ba má. Ai cũng đặt chuyện cưới xin, làm má rối mù lên. Bây giờ, má không còn lo chuyện mấy hũ mắm treo trên giàn bếp nữa, mà vấn đề nan giải là phải sắp xếp cho ai cưới trước cưới sau.
Tết này nhà đúng nghĩa là vui như Tết!
Huỳnh Thị Thu Trang
(Tiền Giang)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số Xuân 2018

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *