Truyện ngắn “Như giọt chuông ngân” của tác giả Hồ Loan gây ấn tượng và sự xúc động cho người đọc, người nghe chính là mong ước chính đáng của nhân vật chính Lam Anh, cô hiến tạng cho ngành y, cứu những mạng người, mà theo cô đó là một việc cần làm. Nhân vật Lam Anh là một người cá tính và đầy khảng khái với cuộc đời. Cô thích tự do, thích bầu trời và những cung đường lạ. Bởi xuất phát từ những trăn trở khi chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm. Họ có thể là bất cứ ai trong cuộc đời, khiếm khuyết một phần cơ thể để rồi bất hạnh giáng xuống đầu những đứa trẻ tội nghiệp. Hình dung những đứa trẻ bơ vơ, cha hoặc mẹ chúng thoi thóp từng hơi thở yếu ớt chờ một phép màu. Và chúng ta sẽ là một phép màu cho một phần cơ thể chưa hoàn hảo của ai đó.Và những mong ước cống hiến: Hiến tạng, ấy là chúng ta tiếp tục sống một cuộc đời khác, trong một cơ thể khác, dưới một môi trường khác. Sẽ lại thở những hơi thở mới trong một lồng ngực lạ, sẽ đập những nhịp quen trên một cơ thể lạ. Chẳng phải thú vị lắm đó sao! Rác, người ta còn phân loại tái chế. Vậy tại sao cơ thể con người, nguồn tài nguyên vô giá lại bị vùi sâu dưới lòng đất khi không còn sự sống? Hãy chung tay lan tỏa vì một cuộc đời tươi đẹp hơn. Hãy làm những việc nhỏ nhất từ chính khả năng của mình để mang lại những giá trị đẹp đẽ. Hãy là giọt chuông ngân lên đời những thanh âm trong trẻo, là nẻo sáng cho lối về muôn dặm xa xăm…
Tôi rướn người uể oải, há mồm ngáp thật to chẳng buồn đưa tay che miệng duyên dáng như Lam Ngọc. Nó thì lúc nào cũng dịu dàng e ấp, lúc nào cũng bẽn lẽn rụt rè. Đến một cái ngáp thôi cũng chẳng thoải mái. Sống thế thiệt nhạt.
Đưa tay quờ tìm chiếc điện thoại theo thói quen, tay tôi cứ chạm phải thứ gì sần sùi, thô ráp, to tròn, lạ lẫm.
Mắt vẫn còn díp lại, miệng không thôi cơn ngáp. Tôi lại đưa tay quờ quạng trong bóng đêm. Vẫn là một khoảng không lạ lẫm. Tôi nhỏm dậy, bỗng chới với suýt ngã dụi. Mở choàng mắt. Một khoảng tối bao trùm hết cả không gian tĩnh mịch. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Ô hô, gì thế kia.
Là tôi đang ở trên cây, một ngôi nhà trên cây. Một ngôi nhà trên cây thật sao? Thú vị thật đấy. Xem nào, một ngôi nhà trên cây. Như trong thế giới cổ tích của Andesxen.
Tôi lần dò đôi tay, vịn vào các cành mà leo. Ơ hay, người tôi cứ nhẹ bẫng như mây ấy, thú vị thật.
Ánh trăng non chảy bạc xuống từng vòm cây, lọt qua từng kẻ lá một màu liêu trai huyễn hoặc.
Đêm yên ắng lạ thường. Đêm chừng như quên thở. Tôi lặng im lắng tai, nghe đêm thì thào trong lời lá lao xao, tiếng côn trùng rì rầm qua đôi cánh mỏng, thi thoảng đâu đó một thanh âm gõ vào đêm đều đặn như được mặc định. Ấy hẳn là một gã Cú đang phân định lãnh thổ với đồng loại theo cách của riêng mình.
Tôi lướt nhẹ trên đôi chân siêu hình. Cảm giác như tôi có thể bay được í. Tôi thử chạy thật nhanh, chạy trên những hàng cây, chạy băng qua các dãy chắn của bìa rừng, chạy lên cả những vạt cây thân gai tua tủa.
Đây đúng là một giấc mơ, một giấc mơ tôi vẫn thường gặp sau những buổi ăn chơi quậy phá, về nhà ngủ mớ, thấy như bị ai đó đuổi, cứ chạy thục mạng, chạy bán sống bán chết, chạy băng băng cho đến khi ngã dụi và bất lực. Mồm hét toáng lên kêu cứu, nhưng họng nghẹn lại, như thể có ai đó bóp chặt cổ, không thở được. Những chiếc bóng vô hình cứ rù rì thứ âm thanh lạ lùng ma quái. Tôi cố vẫy vùng hòng thoát khỏi cảm giác ngột ngạt kinh người.
Cố véo vào mình nhưng hầu như bất lực. Vẫn không chịu đầu hàng, đôi tay tôi chới với, miệng ú ớ, cổ họng khản đặc chẳng thể thoát ra được thứ âm thanh nào. Cho đến khi Lam Ngọc đánh bốp vào vai tôi mới được giải thoát.
Tôi hoàn hồn nhìn nó, hai tay dụi dụi mắt, miệng nó càm ràm:
– Không bữa nào được ngủ yên với mày.
Nói rồi nó quờ tay ôm gối đi, tôi vội chụp nó lại vật xuống giường.
Nó làu bàu thêm vài câu rồi hai đứa em lăn ra ngủ tiếp.
Tôi lượn qua một vườn hồng. Chẳng biết của nhà ai, lạ lắm. Từng búp hoa lóng lánh như được tô điểm bởi những hạt sương, căng tràn, sẵn sàng sớm mai bật nụ.
Bên kia, một chậu bông nằm cô quạnh nơi góc vườn. Tôi lặng lẽ quan sát. Như một tay họa sĩ nhặng xị, gã sâu với đôi mắt to gian manh cùng cái miệng tham lam đáng ghét. Gã vẽ lên cánh hoa từng nét tan vỡ tuyệt vời. Thật quá dễ dàng để ngăn chặn sự cuồng ngông của gã nhưng sao đôi tay bất động, ngực trái nhói từng cơn. Từng nét tan vỡ tuyệt vời được gã say sưa phát thảo. Cánh hoa vỡ òa run run trong gió, hoa như van tôi hãy cứu lấy sự trinh nguyên, cứu lấy nét trang đài mong manh vốn dĩ.
Thoáng chốc cả bông hoa trở thành bữa tối vui vẻ của gã. Tôi gớm ghiếc cái gã xảo quyệt ấy, thế nào sớm mai gã cũng thành buổi trưa ngon miệng cho chú gà Tồ nào đấy. Tôi nguyền rủa gã thế.
Tôi lang thang qua từng dãy núi, qua vài khúc cong. Lượn lờ trên các sườn dốc, nghe gió đêm thốc vào tóc mát rượi. Tôi ngồi vắt vẻo trên một cành cây. Gió biển tạt vào từng luồng chan chát. Mùi của rong rêu, mùi của đại dương bao la. Hẳn có cả mùi của một anh chàng thủy thủ đẹp trai nào đó. Tôi bật cười cho những suy nghĩ điên rồ của mình.
Văng vẳng trong thẳm xa, tiếng chuông chùa thả vào đêm vang vọng một thứ âm thanh thuần khiết, thánh thót, huyễn dụ.
Có tiếng gà gáy đâu đó xa lắm, tôi hình dung giờ này mẹ sắp dậy. Tôi hình dung cái lưng hơi khom đang lúi húi làm bữa sáng. Mái tóc rối bù chưa được chải. Chiếc tạp dề hoa có vài chỗ trổ đốm vì hứng dầu mỡ lâu ngày. Chiếc loa vặn hết cỡ với những bài nhạc đỏ hừng hực khí thế vót chông. Ối thế ai mà ngủ được. Tôi đưa tay bịt chặt tai rồi cuộn mình trong chăn ngủ tiếp.
Tôi lại tỉnh giấc. Hình như tôi đã đi chơi mãi mê thì phải. Tôi lại tìm về.
Căn nhà đóng im ỉm. Vài cành tử đằng rủ xuống mái hiên uể oải. Hình như các em ấy khát. Giống này dễ trồng nhưng đòi nước khủng khiếp. Ngày nào quên tưới là các em trở mặt ngay. Cả bụi hồng Maya cũng buồn rười rượi. Nguyệt quế phảng phất hương, vài cánh trắng dịu dàng e ấp sau tán lá. Lũ mười giờ xếp lá ngay ngắn từng vạt. Sớm mai khi bình minh rọi những tia sáng lung linh là các em lại khoe sắc sặc sỡ.
Nhà tôi hôm nay im ắng lạ thường. Không có tiếng piano dặt dìu nơi phòng khách với những bản sonat mơ màng, không cả ánh đèn leo lét nơi phòng ngủ của mẹ. Không cả tiếng thạch sùng tặc lưỡi trong đêm. Không cả một tiếng động nhỏ. Cả khu vườn như đông cứng trong cái tĩnh lặng mơ hồ.
Chợt có tiếng chó tru từng hồi dài, ngoắc ngoải.
Ối, là con Mực. Đồ khốn, ngay cả chủ mà mày còn tru tréo, trong khi nhà có khách đến mày cũng chỉ lủi vào gầm cầu thang mà nằm chả buồn sủa chào một tiếng.
Mày thật xứng đáng gả cho hàng lá mơ riềng sả.
Nhưng con Mực đang nhìn tôi như người xa lạ. Nó lại rướn cổ hú, mắt như hai đốm lửa trong đêm. Ôi ánh mắt vừa xa lạ vừa xua đuổi. Ánh mắt đằng đằng sát khí. Tôi chỉ muốn tán vào mặt nó một chiếc giày cho hả dạ. Đồ vô ơn.
Tôi chán ngán rời đi.
Tôi nghe như ai đó gọi tên mình, tru tréo, vật vã.
Tôi nghe tiếng gào khóc thảm thiết.
Tôi lại nghe tiếng rì rầm khấn nguyện.
Tôi nghe tiếng chuông chùa vọng vào đêm tĩnh mịch.
Tôi lần dò theo từng âm thanh vừa lạ vừa quen. Không lí giải được vì sao. Tôi cứ men theo, tìm đến.
Thứ âm thanh ấy dẫn tôi đến một nơi xa lạ, không phải nhà mình, không phải chỗ vui chơi, cũng không phải nơi thờ cúng.
Tôi nép mình vào cánh cửa kính.
Ba tôi, mẹ tôi, Lam Ngọc, rồi bà con nội ngoại. Họ túm tụm khóc lóc. Họ vật vã. Họ đau đớn kêu gào tên tôi. Ơ lạ nhỉ?
Tôi hét toáng lên:
– Mẹ ơi, ba ơi! Con đây mà!
– Lam Ngọc, mày điên rồi. Làm gì khóc như tao chết vậy?
Không ai nghe tiếng tôi. Họ mãi mê khóc, mãi mê vật vã. Đúng dở hơi.
Tôi lượn qua các phòng bên.
Dừng chân nơi có nhiều âm thanh phát ra. Cứ như bộ phim thời chiến. Tôi lần lượt xem từng phân cảnh nhỏ.
Bên kia là gã người “dân“ bị rớt từ trên cao xuống, tâm thần bấn loạn. Hắn hét inh ỏi, mồm nhai trầu phun tung toé, thứ nước nhừa nhựa đỏ lòm văng khắp nơi. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Hắn gào rú, gằn giật đôi tay đã bị trói chặt vào hai bên thanh giường. Đôi chân bất lực giãy giụa giữa mớ chăn ra đã ố bẩn… một cảnh tượng hãi hùng.
Phía trước là ông người mồm cũng không thôi la hét. Chứng nghiện rượu khiến gã bấn loạn tâm thần và lên cơn điên loạn. Chị vợ tiều tụy xác xơ bởi những trận đòn oan thiêng khi hắn say xỉn. Hai hố mắt chị trũng sâu vô hồn, đôi tay gầy chẳng thể ghì nổi gã chồng trong cơn khát rượu.
Ngay bên cạnh là cụ người đã quắt queo khô như cái cây lâu ngày không bón phân tưới nước. Làn da khô khốc xám xịt bọc lấy bộ khung khẳng khiu gầy còm. Chẳng có lấy một tí mỡ che chở những đường gân. Ôi từng búi gân to đùng như mớ dây điện chằng chịt nơi đầu phố. Ngoài da, xương và gân ra cụ còn một giọng kêu rên rất đặc biệt. Rất thống thiết, rất đều đặn, rất nhịp nhàng như thể đã được ghi âm không nhỡ một nhịp nào. Các con cụ dường như quen với khẩu độ rên la của cụ nên khá dửng dưng.
Thi thoảng, tôi còn nghe nơi cổ họng cụ phát ra thứ âm thanh lạ lùng, à không, một loại ngôn ngữ lạ lùng, mà hẳn khi người ta không kiểm soát được hành vi và lời nói thì nó thoát ra một cách tự nhiên dưới sự ngạc nhiên tò mò của rất nhiều người trẻ chưa kinh qua việc chăm người già ốm.
Chán quá, tôi lượn lại chỗ có ba mẹ và những người thân.
Chuyện gì thế nhỉ?
Lại có tiếng ai đó nhắc đến tên tôi. Mọi người bỗng nhổm hết dậy như có luồng điện chạy qua. Ba tôi cầm lấy tờ giấy rồi lao đi sau vài lời dặn dò của bác sĩ. Mẹ lại thấp thỏm. Ánh mắt van lơn tha thiết. Rồi người ta đưa mẹ vào một căn buồng đầy mùi sát khuẩn. Tôi lần dò theo sau. Mẹ khoác vào người chiếc áo vàng chạch, búi lại mớ tóc đã loà xoà, mắt mẹ sưng húp, đỏ mọng.
Mẹ run run bước lại bên một chiếc giường, gra phủ trắng toát. Hàng mớ dây nhợ máy móc lằng nhằng.
– Lam Anh con ơi!
Tiếng mẹ tôi nức nở.
Tôi khẽ chạm vào vai mẹ:
– Con đây mà, mẹ sao thế?
Mẹ chẳng buồn nghe tôi gọi khẽ, đưa tay chạm vào một hình hài đang bất động nào ấy. Mẹ sờ nhẹ lên từng ngón tay măng, mẹ chạm vào chiếc áo rộng xùng xình, mẹ nắn nót, mẹ đắng đót, nước mắt mẹ tuôn như mưa.
Ai thế nhỉ? Ai mà khiến mẹ tôi đau đớn vật vã thế kia.
Lẩn khuất trong đống dây nhợ máy móc kim tim. Tôi thấy con bé ấy cũng giống mình phết. Chết thật, lại một vụ nhầm lẫn gì nữa đây. Thời buổi này người giống người nhiều quá!
Cứ chui từ lò thẩm mĩ ra thì mắt mũi miệng cứ như sinh đôi sinh ba sinh tư í.
Nói đến vụ giống nhau tôi mới nhớ. Là hôm Hoàng nhắn tin rủ Lam Ngọc đi chơi.
Tôi với Lam Ngọc là cặp song sinh có khuôn mặt và vóc dáng giống nhau như tạc. Nhìn gương mặt khó ai phân biệt được đứa nào Lam Anh đứa nào Lam Ngọc. Đến giọng nói cũng giống, đúng là hiếm gặp. Duy chỉ tính tình là khác nhau. Tôi cắt tóc tém cá tính còn nó để tóc thề duyên dáng.
Nó là con bé hiền lành ngoan ngoãn. Nó sợ đủ thứ chả bù cho tôi.
Hôm nay ba mẹ về quê, nó muốn về thăm bà, lại đang có hẹn với Hoàng.
Tôi vừa tra cục sạc vào ổ cắm, vừa cầm điện lướt lướt, nó đã tranh:
– Mày cho tao mượn sạc trước. Điện thoại tao sắp hết pin rồi.
– Mày không về thăm bà à?
– Nay, tao có hẹn với Hoàng.
– Mày cứ về thăm bà. Hôm kia tao về bà nhắc mày đấy. Còn Hoàng hôm nay không gặp mai mốt gặp lo gì.
– Nhưng tao…
Nó vò vò gấu áo:
– Hoàng tới mày nói tao bận đột xuất nhé!
– Sao mày không nhắn tin mà bảo.
– Thôi tao không nói đâu, để Hoàng tới như thể có tao ở nhà.
Tôi trề môi ậm ừ:
– Mày tin Hoàng chứ?
– Tin gì cơ?
– Tình yêu ấy!
– Tao không biết.
– Tao thấy nhiều cô theo đuổi Hoàng lắm. Thế mày có cần tao đuổi hộ không?
– Thôi dẹp mày đi, để anh ấy yên.
Tôi nhếch môi:
– Dám thử thách không?
Ánh mắt giễu cợt cùng thái độ khinh khỉnh của tôi khiến nó bực bội:
– Mày thích làm gì làm.
Tiếng còi xe bim bim giục.
Nó vớ túi xách rồi chạy theo mẹ.
Tôi lục tung tủ quần áo của nó, lôi ra chiếc đầm hường dịu dàng, cái băng đô cũng hường nốt. Cả đôi giày cũng hường ráo trọi. Đúng là bánh bèo.
Tôi xớ rớ mang hết vào người rồi cười ngất.
Tôi xúng xính đi tới đi lui, đố ai nhận ra. Có chuông điện thoại réo rắt. Là Hoàng gọi. Con nhỏ này quên mang theo rồi. Tôi chẳng buồn bắt máy, kệ đi. Tôi còn mãi làm Lam Ngọc. À, trò chơi thú vị đây. Làm Lam Ngọc, sao lại không nhỉ? Chà, Hoàng sẽ nói gì nghĩ gì làm gì…
Tôi cảm thấy hứng thú với trò chơi này.
Phan ào đến, bất chợt như một cơn lốc sa mạc mang theo cơ man bụi và nóng bức của xứ Kỳ thành. Như bao bận, hắn mở tung chiếc cửa tủ lạnh tìm thứ nước uống quen thuộc. Ngửa cổ tu lấy tu để như vừa từ sahara về.
Tôi trân trân nhìn hắn, à không, đúng ra nhìn trái khế to bự đang chạy lên chạy xuống dưới yết hầu, cái cằm vuông lởm chởm râu, chiếc áo sơ mi ôm lấy body vạm vỡ. Chậc, tôi thấy thương chiếc áo quá đỗi.
Dừng uống, hắn đưa mắt nhìn tôi dò xét.
– Này, nhìn gì đấy?
– Chỉ là đang nghĩ đến nồi canh chua.
Tôi lém lỉnh đáp.
– Xời, anh còn bao trái khác hấp dẫn không chịu để ý, quan tâm khế làm gì?
Hắn đáp trả không kém.
– Có gì ăn được không nhỏ?
Vừa hỏi hắn vừa lục tủ lạnh, vớ cả cái bánh bông lan tống vào mồm.
– Gì cũng ăn được, trừ tui.
Tôi đáp tỉnh queo, mắt vẫn không rời chiêc màn hình điện thoại.
Phan làm bộ hóc vài lượt sau câu trả lời đanh đá của tôi. Với lấy chai nước ban nãy gã dốc cạn rồi thủng thỉnh:
– Công nhận nhà này gì cũng khó nuốt, đến cả cái bánh mềm mịn thơm tho là thế mà cũng hóc.
Tôi cười đểu:
– Biết thế thì tốt!
– Ê, mình đi chơi đi. Tôi rủ rê.
– Đi đâu?
– Tui thích đi đâu đó, hay mình ôm đèo. Lâu rồi không đi buồn chân lắm.
– Nhưng từ nay anh bận rồi.
– Gúm, nói chuyện cứ như người lớn ấy. Mà vụ đó ông tính sao?
– Xong cả rồi ,vừa mới lên phường về.
– Quyết y án à?
– Ừ.
– Thế mà ta lo hắn không thiếu gì, chỉ thiếu mỗi trách nhiệm.
– Ê cứ đùa.
– Không kháng án à?
– Không, khi đặt bút ký anh chỉ bảo có mỗi câu mà nó hờn bỏ về đấy.
– Câu gì mà trọng lượng thế cha?
– À anh chỉ nói thật, hồi trước thầy bói có bảo số anh hai vợ, em xem được thì kí nha!
– Trời, lạy á. Nó không hờn mới lạ.
Là chúng tôi đang nhắc đến cô bé bạn gái nó mới quen đi chơi chung vài hôm. Thế mà giờ chúng nó đưa nhau đi lĩnh cái bản án chung thân rồi, lẹ thiệt.
Chợt hắn nhìn tôi từ đầu tới chân:
– Gì trời, nay hường luôn. Má ơi má cởi gấp ra giùm con. Cái đầu thì đỏ choạch đỏ choẹt, nhìn bà hổng giống ai.
– Anh đã theo vợ bỏ cuộc chơi.
Tôi chán ngán tống hắn ra khỏi cửa.
– Ê, từ từ, chi đuổi dữ.
– Về mau, chạy theo con bé đi. Đồ ngốc xít.
Chúng tôi chơi thân với nhau từ lâu. Như cặp bài trùng. Cả hai đều mê phượt. Hắn đèo tôi qua không biết bao nhiêu cung đường. Không biết qua bao hẻm đá. Đến không biết bao nhiêu miền đất lạ. Mỗi nơi đi qua đều để lại trong tôi những cảm xúc mới lạ, khát khao.
Nhưng tôi là đứa cả thèm chóng chán. Không thích nuôi dưỡng cảm xúc. Cứ để nó tự đến tự đi. Phan nhiều lần ngỏ ý tán tỉnh nhưng đều bị tôi gạt phắt. Tôi không thích cái ủy mị của tình yêu. Tôi ghét sự ràng buộc. Tôi chỉ thích bay nhảy trên đôi chân mình. Thích tự do. Thích bầu trời và những cung đường lạ.
Tôi về phòng chọn mớ tóc giả đen mượt trùm lên mái đầu đỏ cũn cỡn của mình. Tôi có hàng mớ tóc giả chỉ để chụp hình nuôi phây.
Tôi soi mình trong gương. Một Lam Ngọc fake hoàn hảo. Ánh mắt thẳm buồn chứ không tinh ranh như mọi bận.
Hoàng đến, không quên mang theo bó hoa thạch thảo tím sẫm nao lòng. Nhỏ Lam Ngọc thế mà hay, cứ khù khờ ngốc nghếch thế lại có anh chàng đẹp trai galant lúc nào cũng sẵn lòng yêu thương chiều chuộng.
Tôi chỉ mỉm cười chào Hoàng mà không nói gì. Tự dưng trong tôi buồn mang mang. Ánh mắt thẳm sâu, và lòng như có bão. Tôi cố tránh ánh mắt Hoàng đang nhìn tôi đăm đăm.
– Em nay sao thế?
Tôi ấp úng môi, cố vờ như không có gì.
– Em có sao đâu, khùng quá!
– Lam Anh đâu?
– Nó về quê với ba mẹ.
Tôi nói chậm từng tiếng. Tránh để anh phát hiện.
– Mình đi chơi đi.
Nói rồi không đợi tôi đồng ý. Hoàng nắm tay kéo tôi ra cửa.
– Mượn tạm của Lam Anh nhé!
Anh chụp vào đầu tôi chiếc mũ bảo hiểm to đùng như nồi áp suất. Loại mũ bịt kín tai có gạt chắn của dân đi phượt mà tôi vẫn dùng.
Tôi khóa cổng rồi ngoan ngoãn lên xe Hoàng.
Hoàng không nói gì. Tôi không nói gì. Từng con phố hun hút phía sau vạt khói mỏng. Từng dãy nhà lùi lại phía sau. Từng hàng cây nghiêm ngắn lùi lại phía sau. Từng kỉ niệm vui buồn cùng Phan cũng lùi lại phía sau. Tôi đang đi trên một con đường mới, một cảm xúc mới, và tim cũng đang đập những nhịp mới, rời rạc, vụng về.
Tôi gạt tấm chắn lên. Nghe gió thốc vào mắt từng luồng cay xè. Gió vi vu hát, âm rin rít qua vành tai bị bịt cứng. Gió tạt vào mặt, gió vờn trên mớ tóc đen dài, gió xoắn xuýt hôn lên bờ môi đang bỏng khô. Tôi xúi Hoàng tăng tốc, theo bản năng. Hoàng mỉm cười, hỏi sao nay bốc thế?
Tôi im lặng cười nhẹ, muốn có một bờ vai quen để tựa lúc này. Muốn giải thoát mọi cảm xúc đang dồn nén. Muốn hét lên thật to. Muốn bay cao bay xa. Muốn bềnh bồng tan, như giọt sương đêm ngủ trên phiến lá, sớm mai thức dậy tan loãng giữa bao la đất trời.
Chiếc mũ ngột ngạt quá. Chiếc mũ như hai gọng kìm siết vào đầu nhứt buốt. Chiếc mũ nặng như hàng triệu vạn nỗi buồn được nhốt vào đấy. Cả mớ tóc dài loà xoà cứ bết vào cổ vào mặt. Một cảm giác vướng víu khó chịu. Tôi đưa tay tháo mũ, tháo luôn cả mớ tóc phiền phức. Qua kính chiếu hậu, Hoàng thất kinh khi thấy mái tóc đỏ rực của tôi. Anh ngoái đầu lại nhìn. Bỗng một âm thanh xé trời cùng lực va đập mạnh hất tôi văng xuống vực đường nhựa.
Tôi thức dậy sau một giấc ngủ dài vắt vẻo trên cây. Tôi lần tìm về theo tiếng chuông gọi hồn ai oán. Tôi lần tìm những người thân quen. Không ai nhận ra tôi. Không một ai nhìn thấy tôi. Mọi người mãi mê khóc với cái hình thù giống hệt tôi. Tôi lặng lẽ rời đi. Tôi lặng lẽ trở lại. Mọi người dường như kiệt sức. Hơi thở thoi thóp, mỏi mệt, suy kiệt. Tôi nhìn tôi. Ôi, không. Không phải chứ! Là tôi đó ư?
Là tôi sao?
Mẹ vẫn thoảng thốt gọi tên tôi mà đôi mắt chưa từng rời cái hình hài đó. Là tôi sao? Một khuôn mặt biến dạng không còn nhận ra đâu là miệng đâu là mũi. Một khuôn mặt biến dạng sưng vù với bê bết máu. Không, không thể là tôi. Không thể nào là tôi.
Tôi hét lên rồi ù té chạy.
Tôi chạy thục mạng. Tôi chạy như ma đuổi. Chạy trên những hàng cây, chạy băng qua các dãy chắn của hàng rào bệnh viện, chạy lên cả những vạt cây thân gai tua tủa. Tôi chạy. Tôi chạy.
Tôi lang thang trong vô vọng. Tôi lang thang trong chán chường. Tôi lang thang trong khoảng không bất tận.
Tôi gặp một vài người, họ cũng lang thang như tôi, không ai nói với ai lời nào. Lặng lẽ lướt bên đời, như gió thoảng, như mây trôi. Như những làn sương đêm mỏng mảnh, sáng mai khi ánh bình minh bừng lên lại nhẹ nhàng tan biến.
– Chắc em còn vương vấn nhiều thứ lắm? Một người phụ nữ xanh xao với mái tóc dài đen tuyền, đôi mắt trũng sâu nhìn tôi dò hỏi.
Không thấy tôi nói gì, chị lại tiếp:
– Xưa chị cũng vậy. Nhìn các con nheo nhóc chị không đành lòng, cứ vòng tới vòng lui. Bên này giục giã, bên kia níu kéo kêu gào. Chị cứ giùng dằng giữa đi và ở. Tim đau như ai bứt khỏi lồng ngực í.
– Sao chị không ở lại cùng các con. Chị không thương chúng sao?
– Thương lắm chứ em, ở đời này ai quan trọng bằng người sinh ra mình và người mình sinh ra đâu. Nhưng chị bị suy thận em à! Nhà không đủ điều kiện để thay. Chị chạy thận mấy lần đến khánh kiệt gia sản.
– Thế còn chồng chị đâu?
– Anh ấy bị tai nạn mất cách đây mấy năm rồi em.
Giọng chị bùi ngùi.
Tôi nghe đắng chát nơi cuống họng. Chị tiếp:
– Cũng may có mấy hội từ thiện cưu mang, không thì…
Mắt tôi cay xè, mặn chát.
– Người như chị nếu được thay thận sẽ sống thêm cả chục năm nữa ấy em à! Xưa mà biết thế này chị đã đăng ký hiến tạng chồng chị cho viện rồi. Tiếc là…
– Chị đủ bản lĩnh làm việc ấy sao?
– Xưa thì không, giờ ngộ ra thì muộn mất. Rác – người ta còn phân loại tái chế. Vậy tại sao cơ thể con người – nguồn tài nguyên vô giá lại bị vùi sâu dưới lòng đất khi không còn sự sống.
– Nhưng làm thế đau lắm chị.
– Mình ngưng thở rồi, đau chi nữa em. Hiến tạng, ấy là chúng ta tiếp tục sống một cuộc đời khác, trong một cơ thể khác, dưới một môi trường khác. Chẳng phải thú vị lắm đó sao.
– Thế thì bất tử rồi.
– Đúng vậy. Với chị, hiến tạng là bất tử. Em thấy thú vị không?
Tôi mỉm nhẹ môi. Nghe lòng mênh mang quá.
Tôi trở về tìm tôi. Tôi tìm tôi nhưng không đủ dũng cảm đón nhận mình. Tôi không chịu được một tôi với khuôn mặt biến dạng, tôi không chấp nhận mình với những vết vá chằng chịt.
Tôi lượn một vòng quanh. Hoàng nằm đó, hơi thở đều đều. Một cánh tay cuộn băng treo ngược dây quàng qua vai.
Chắc là anh ổn thôi. Hi vọng thế.
Ba cầm trên tay tờ giấy, nhìn cái hình hài đang nằm bất động trong mớ chăn gra, giọng run run:
– Ba xin phép con, mình hiến tạng con nhé! Ba biết con là đứa có chí khí, ba mẹ cũng không cam lòng mà để con ra đi thế này. Nhưng nay duyên trần đã cạn. Ba muốn con gái ba hạnh phúc, dù là trong hình hài nào, dù là ở hoàn cảnh nào. Con sẽ gieo duyên lành cho một mảnh đời không may nào đó, họ cần con biết mấy. Tuy con không ở cùng ba mẹ nữa nhưng linh hồn con vẫn đây, vẫn bên mẹ ba.
– Con về bên ấy gặp ông nội, gặp các bác. Ai cũng yêu thương con như ba mẹ thương con. Ba quyết định hiến tạng con, con nhé!
Ba quay mặt đi, khóc ồng ộng. Mắt ba ầng ậng nước. Tôi nhũn người trước nỗi đau của ba. Mẹ tôi sẽ ra sao với quyết định này? Mẹ có ngất xỉu không?
Tôi hình dung những đứa trẻ bơ vơ, mẹ chúng thoi thóp từng hơi thở yếu ớt chờ một phép màu. Và tôi sẽ là một phép màu cho một phần cơ thể chưa hoàn hảo của ai đó. Tôi sẽ lại thở những hơi thở mới trong một lồng ngực lạ, sẽ đập những nhịp quen trên một cơ thể lạ. Và sẽ sống một cuộc đời mới trong một hình hài mới dưới một môi trường mới. Tôi nhớ mẹ nhưng tôi sẽ tìm về. Nhất định thế. Ấy nghĩa là tôi bất tử thật rồi.
Bên kia, một vồng sáng heo hắt, vồng sáng tỏa ra từ một hang đá, lạnh buốt. Ánh sáng ma mị huyễn dụ. Tôi dè dặt bước. Có tiếng gọi thảng thốt của nội. Ôi nội ơi, con chỉ được thấy nội ngồi ngay ngắn, miệng luôn mỉm cười nhìn con triều mến, dù là lúc con nghịch ngợm lấy cây khèo đĩa chuối nhựa của nội xuống chơi đồ hàng. Nội vẫn cười như thế mấy chục năm nay rồi. Chỉ là da mặt nội ố vàng hơn thôi.
Những âm thanh rù rì, nghe như giọng kinh nơi cửa Phật. Tôi như nghe từng tiếng nói từ cõi vô vi vọng về.
Tôi nghe lời chị văng vẳng bên tai:
Hiến tạng, ấy là chúng ta tiếp tục sống một cuộc đời khác, trong một cơ thể khác, dưới một môi trường khác. Há chẳng phải thú vị lắm đó sao.
Tôi mỉm cười rời đi.
Văng vẳng trong thẳm xa, tiếng chuông chùa thả vào đêm vang vọng một thứ âm thanh thuần khiết, thánh thót, huyễn dụ.
H.L