Câu chuyện chúng ta vừa nghe xoay quanh những cảm xúc và tâm trạng của nhân vật chính mang tên Savale– một người đàn ông đã 62 tuổi. Truyện mở đầu ngay bằng nỗi buồn bã cô đơn của Savale bởi ông không vợ không con, không còn ai thân thiết. Ngẫm lại về cuộc đời mình từ thời trẻ cho đến nay, chính Savale cũng phải thừa nhận đó là một cuộc đời “nhạt nhẽo và vô tích sự xiết bao”. Tất cả mọi chuyện diễn ra trong sự bình lặng, đều đặn, thụ động, ngày này lặp lại ngày khác. Và đến bây giờ ông mới thấy tiếc, tại sao mình không sống một cuộc đời sôi nổi hơn. Nhưng có lẽ điều đáng tiếc nhất là, trong suốt cuộc đời của mình, ông chưa thực sự yêu ai. Có một tình yêu duy nhất thì lại là yêu thầm lặng, đơn phương, yêu mà không hề dám nói. Bây giờ, người phụ nữ ấy, ông phải gọi theo tên chồng của bà là bà Sandre, cũng đã 58 tuổi rồi. Và Savale mới thấy hối tiếc tại sao ông không thổ lộ tình cảm của mình khi hai người từng đi dạo riêng với nhau bên bở sông, bởi Sandre lúc đó đã tỏ ra rất mến ông. Một câu chuyện đã diễn ra cách đây mấy chục năm, bây giờ làm Savale khổ sở, vì ông muốn biết nếu lúc đó ông tỏ tình thì bà Sandre có đồng ý hay không. Vậy là ông quyết tâm tìm đến tận nhà Sandre để hỏi cho ra nhẽ. Than ôi, thời gian đã biến một nàng Sandre xinh đẹp thuở nào trở thành “một phụ nữ to béo sồ sề với hai má xệ xuống và tiếng cười oang oang, mấy giọt nước mứt lê chảy từ các ngón tay bà xuống đất”, còn đâu vẻ yêu kiều thanh nhã của cái ngày đi dạo bên bở sông. Và phũ phàng hơn nữa khi câu trả lời của bà Sandre càng khiến cho Savale hối tiếc đến đau xót, đúng như nhan đề truyện ngắn mà Guy đờ Mô pát xăng đã đặt tên. Truyện mở đầu bằng nỗi buồn vì sự cô đơn của Savale và kết thúc bằng những giọt nước mắt muộn màng khi ông ngồi xuống gốc cây liễu đã trụi lá. Âm hưởng câu chuyện gieo vào mỗi người đọc một chút buồn man mác, một chút ý vị hài hước nhẹ nhàng cùng không ít những suy tư. Phải chăng, thông điệp mà Mô Pát Xăng muốn gửi gắm qua thiên truyện, mỗi con người phải biết tận hưởng tuổi trẻ và tình yêu, phải dám sống là mình và hết mình, để sau này không phải ân hận vì những lỡ làng chẳng bao giờ sửa chữa được. Ai đó từng đúc kết: Có khi lỡ hẹn một giờ/ Lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm. Lỡ hẹn một lần cũng đồng nghĩa với việc chẳng bao giờ còn trở lại cơ hội ấy. Và một thông điệp nữa mà chúng tôi cảm nhận được qua truyện ngắn này, đó là con người không thể sống mà không có một tình yêu, dù khi đang ở độ thanh xuân hay đã xế chiều ngả bóng về già. Tôi chợt nhớ lại lời tâm sự của NSND Kim Cương trong giây phút tiễn đưa thi sĩ Bùi Giáng về nơi an nghỉ cuối cùng, xin được dùng để khép lại lời bình truyện ngắn này: “Tôi cám ơn ông Bùi Giáng đã cho tôi một bài học rằng, dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người đều phải có một mối tình chân thật để sống hết cuộc đời” (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)
Savale, mà cả vùng Mante gọi sau lưng là ông lão Savale, vừa mới ngủ dậy. Hôm ấy là một ngày thu ảm đạm. Lá cây rụng lả tả. Lá chầm chậm rơi trong mưa, và ta tưởng như có hai trận mưa đồng thời, chỉ có điều trận mưa thứ hai to hạt hơn và thong thả hơn. Savale không vui. Ông đi đi lại lại từ lò sưởi ra mé cửa sổ, từ cửa sổ về phía lò sưởi. Trong cuộc đời ai cũng có những ngày đen tối. Đối với ông thì sẽ không có những ngày khác thế nữa, ông đã sáu mươi hai tuổi. Ông sống một mình, không vợ con, không người thân thích. Thật khổ tâm khi cứ như thế này mà chết đi, trong cô độc, không ai gắn bó, cũng chẳng ai quan tâm.
Savale ngẫm nghĩ về cuộc đời xiết bao nhạt nẽo và vô tích sự của ông. Ông nhớ lại thời quá khứ xa xưa: thời thơ ấu, ngôi nhà bố mẹ, hai cụ thân sinh của ông. Rồi trường trung học, những bước đi đầu tiên ra cuộc đời, khoa Luật ở Pari. Sau đó là bệnh tật và cái chết của bố ông. Ông quay về ở với mẹ. Hai mẹ con ông sống êm ả, và cả ông, khi đó còn trẻ, cả mẹ ông, khi đó đã già, đều không cần gì hơn thế. Nhưng rồi mẹ ông cũng mất. Đến là buồn cái cuộc đời này!
Ông còn lại một mình. Chẳng bao lâu nữa sẽ đến lượt ông. Ông sẽ biến mất, và mọi chuyện sẽ kết thúc. Trên trái đất này sẽ không còn Paul Savale nữa. Thật khủng khiếp. Những người khác sẽ vẫn sống, yêu, cười đùa. Kỳ lạ quá đi thôi, làm sao người ta có thể cười đùa, vui vẻ, mừng rỡ, trong khi biết rằng rồi thể nào cũng chết? Giá như chỉ là xác suất, thì người ta còn có thể hy vọng gì đó, đằng này không phải thế – nó là tất yếu, cũng tất yếu như hết ngày lại đến đêm vậy.
Nếu trong cuộc đời ông có được dù chỉ là một cái gì- ông đạt được một điều gì đó chẳng hạn, hoặc ông có những chuyến phiêu lưu, hoặc ông được hưởng những niềm vui lớn, những thành công, những thích thú đủ kiểu, lại ra một lẽ!…Nhưng hoàn toàn không có chuyện ấy. Suốt đời ông chỉ có một việc: vào những giờ nhất định, ông dậy ăn, rồi lại đi ngủ. Và cứ như thế năm sáu mươi hai tuổi. Thậm chí ông không lấy vợ như những người khác. Tại sao vậy? Ừ, mà tại sao ông không lấy vợ nhỉ? Ông hoàn toàn có thể cho phép mình lấy một người phụ nữ chứ, vì ông có ít nhiều tài sản. Không có dịp chăng? Có thể như vậy. Nhưng dịp may đâu phải là cái để mà chờ đợi, để có dịp may, ta phải kiếm tìm. Không, chẳng qua tính ông quá thụ động. Thụ động là thiếu sót chủ yếu của ông, là thói xấu, là nỗi bất hạnh của ông. Nó đã làm hỏng cuộc đời bao nhiêu người! Có những bản tính làm việc gì cũng khó – dù là dậy khỏi giường, nhích khỏi chỗ, cất tiếng nói, hay là bắt tay vào làm một việc gì, tìm hiểu một điều gì.
Còn tình yêu? Ừ, cả tình yêu, ông cũng chưa bao giờ được nếm trải. Không một phụ nữ nào ngủ thiếp đi trong mê đắm tình yêu trên ngực ông. Ông chưa từng được cảm thấy nỗi xốn xang ngọt ngào của sự chờ đợi, cả sự hồi hộp thiên thần khi nắm lấy bàn tay đáng yêu, cả sự say sưa của niềm say mê đầy hứng khởi. Trái tim ta chắc hẳn tràn ngập một sự khoái lạc siêu đẳng khi đầu tiên cặp môi gặp cặp môi và vòng tay ôm hòa nhập hai con người cuồng nhiệt ham muốn nhau thành một niềm hạnh phúc vô biên!
Savale trong tấm áo choàng ngồi xuống bên lò sưởi và giơ chân về phía lửa. Rõ ràng là cuộc đời ông không ra sao, hoàn toàn chẳng ra sao cả. Vậy mà nghĩ cho kỹ, thì ông thấy mình cũng đã từng yêu. Ông đã yêu thầm lặng, đau khổ – và cũng như trong mọi việc, ông yêu một cách thụ động. Phải rồi, ông đã yêu bà Sandre, người bạn xưa kia của ông, vợ của ông Sandre, bạn cũ của ông. Thật tiếc, giá mà hai người quen biết nhau khi bà ấy còn là con gái. Nếu thế, nhất định ông sẽ cầu hôn bà. Nhưng họ lại gặp nhau quá muộn – bà ấy đã lấy chồng. Tuy nhiên, dù sao cũng có thể nói rằng ông đã mê luôn bà ấy ngay từ giây phút đầu tiên.
Savale hồi tưởng lại đã xúc động như thế nào khi gặp bà ấy, nhớ nhung ra sao khi chia tay và biết bao lần ông không ngủ vì hình ảnh bà ấy lúc nào cũng hiện rõ trong đầu ông. Nhưng buổi sáng, thức giấc, bao giờ ông cũng mê bà ít đi một chút so với tối hôm trước. Tại sao nhỉ?
Cái cô gái đáng yêu, hay cười, có bộ tóc quăn vàng óng ấy, thật là xinh đẹp. Còn Sandre? Họ đâu có xứng đôi! Bây giờ cô gái ấy đã là một bà năm mươi tám tuổi và hình như hạnh phúc. Chà, nếu hồi đó nàng yêu ông, nếu nàng yêu! Tại sao nàng lại không yêu ông nhỉ? Ông yêu nàng đến thế cơ mà! Giá như nàng đoán ra dù chỉ chút ít…Chả lẽ nàng không nhận thấy gì, không trông thấy gì, không hiểu gì cả? Nàng nghĩ gì về ông? Và nàng sẽ trả lời sao, nếu ông tỏ tình? Savale tự đặt cho mình hết câu hỏi này đến câu hỏi khác. Một lần nữa ông bồi hồi nhớ lại những chi tiết nhỏ nhất. Ông nhớ lại những buổi tối dài dằng dặc ngồi chơi bài ở nhà Sandre, khi cô vợ của bạn ông hãy còn trẻ trung và duyên dáng. Ông nhớ lại đã cùng nàng nói những chuyện gì, nhớ lại giọng nói trầm bổng của nàng, nụ cười lặng lẽ, nhưng ngụ nhiều ý nghĩa của nàng.
Ông nhớ lại những cuộc đi dạo tay ba trên bờ sông Seine và những bữa sáng trên cỏ – tất nhiên là vào các ngày chủ nhật, vì Sandre làm việc ở quận. Và Savale bỗng hình dung rất rõ một hôm, lúc ấy đã quá trưa, ông đi dạo cùng nàng, chỉ có hai người, ở cánh rừng dọc theo con sông. Ba người rời nhà đi chơi từ sáng, đem theo các gói thức ăn. Hôm ấy là một ngày xuân tuyệt diệu – một trong những ngày khiến ai cũng phải ngây ngất. Xung quanh tất cả đều thơm ngát, đều toát lên niềm hạnh phúc. Ngay chim chóc hót líu lo cũng vui sướng hơn và bay lượn cũng nhanh hơn bình thường. Họ ngồi ăn sáng dưới mấy cây liễu, ngay sát mép làn nước như đang thiu thiu ngủ trong nắng. Không khí ấm áp ngào ngạt hương thơm cây cỏ, cảm giác khi hít thở sao mà nhẹ nhõm. Một ngày đẹp vô cùng, đẹp hết chỗ nói!
Ăn xong, Sandre ngả lưng xuống ngủ. “Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi ngủ ngon đến thế!”. Về sau, ông thú thật.
Vợ Sandre khoác tay Savale, và hai người đi dọc theo bờ sông. Nàng nép sát vào ông và vừa cười, vừa nói:
-Em đang say, anh ạ. Em đang say lắm lắm.
Ông nhìn nàng, rạo rực, cảm thấy mặt mình tái đi, ông sợ cái nhìn của ông sẽ trở nên quá táo tợn và cánh tay run run của ông sẽ để lộ nỗi niềm thầm kín trong lòng. Nàng bện cỏ và bông súng thành một tràng hoa, đội lên đầu và hỏi:
-Anh có thích thế này không?
Ông im lặng, không biết trả lời thế nào, ông chỉ muốn quỳ xuống đất. Nàng cười, điệu cười pha chút hờn dỗi, rồi bực bội nói:
-Anh ngốc quá! Thì cũng phải nói một lời gì chứ!
Ông suýt bật khóc, nhưng rốt cuộc vẫn không mở miệng. Tất cả những cái đó bây giờ hiện len trong ký ức ông rõ ràng không kém gì lúc ấy. Tại sao nàng lại trách ông: “Anh ngốc quá! Thì cũng phải nói một lời gì chứ!”?
Savale nhớ lại nàng đã nép sát vào ông dịu dàng âu yếm đến mức nào. Lúc đi ngang qua một cái cây nghiêng mình xuống nước, ông cảm thấy tai nàng chạm vào má ông, ông vội né tránh: ông sợ nàng coi sự đụng chạm ấy là cố ý. Rồi nàng đưa mắt nhìn ông với vẻ kỳ lạ biết bao khi ông hỏi:
-Ta quay về chứ?
Đúng vậy, đúng vậy, cái nhìn của nàng trở nên rất đặc biệt. Lúc ấy ông không để ý, nhưng bây giờ ông nhớ lại rõ lắm.
-Tùy anh. Nếu anh đã mệt, thì chúng ta quay về.
Ông phản bác lại:
-Anh đâu có mệt, nhưng Sandre chắc là đã thức giấc.
Nàng nhún vai:
-À, nếu anh sợ chồng em thức giấc thì lại là chuyện khác. Ta về đi.
Suốt dọc đường, nàng im lặng và không lần nào tựa vào cánh tay ông. Tại sao nhỉ? Câu hỏi này, ông tự đặt ra cho mình lần đầu tiên. Ông có cảm giác ông đang loáng thoáng nắm bắt được một điều gì đó chưa bao giờ ông ngờ tới.
Chả lẽ lại thế?
Savale cảm thấy mình đỏ bừng mặt và trong cơn bối rối, ông bật dậy như thể ông trẻ lại ba mươi tuổi mà bỗng được nghe nàng nói: “Em yêu anh”. Liệu có thể như vậy không nhỉ? Điều phỏng đoán thoáng qua trong óc đã dầu độc tâm hồn ông. Chả lẽ ông đã không nhận thấy, đã không hiểu ra?
Ông đã bỏ lỡ hạnh phúc của ông?
Ông tự nhủ: “Ta phải biết chuyện này. Ta không muốn khổ sở vì hoài nghi. Ta phải biết!”. Không chậm trễ, ông vội vã mặc quần áo chỉnh tề. Ông nghĩ: “Mình đã sáu mươi hai, bà ấy đã năm mươi tám tuổi. Hoàn toàn có thể hỏi được rồi”. Thế là Savale bước ra khỏi nhà. Gia đình Sandre ở ngay bên kia đường, gần như đối diện nhà ông. Ông sang đó. Nghe tiếng gõ cửa, cô gái giúp việc chạy ra. Sự xuất hiện của ông vào lúc quá sớm khiến cô ngạc nhiên.
-Ông đấy ạ, ông Savale? Có chuyện gì thế ạ?
Ông đáp:
-Không, không có chuyện gì cả, nhưng nhờ cô báo với bà chủ rằng tôi có chuyện cần nói ngay với bà ấy.
-Bà chủ đang bận nấu mứt lê dùng cho mùa đông. Bà ở dưới bếp, bà cũng chưa ăn mặc tề chỉnh.
-Nhờ cô cứ báo giúp. Việc rất quan trọng.
Cô gái giúp việc đi vào bên trong, còn Savale hồi hộp sải những bước dài đi đi lại lại trong phòng khách. Nhưng ông không cảm thấy ngượng nghịu. Ông sẽ hỏi bà chuyện đó cũng đơn giản như hỏi về một công thức nấu ăn vậy thôi. Ông đã sáu mươi hai tuổi rồi còn gì!
Cuối cùng, cánh cửa mở ra và bà Sandre xuất hiện. Bây giờ, đây đã là một phụ nữ to béo xồ xề, với hai má sệ xuống và tiếng cười oang oang. Bà vừa đi vừa vung rộng hai cánh tay để trần tới tận khuỷu và nhớp nháp mồ hôi.
-Anh làm sao thế? Anh bị ốm à? – bà lo lắng hỏi.
Ông đáp:
-Không, tôi vẫn khỏe, nhưng tôi cần hỏi chị một điều rất quan trọng với tôi và rất tế nhị. Nhưng chị hứa phải nói thật đấy nhé.
Bà mỉm cười:
-Bao giờ tôi chả nói thật. Anh hỏi đi.
-Thế này, tôi đã yêu chị ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chị có biết không?
Bà cất tiếng cười vang, và giọng bà lại như giống hồi xưa:
-Anh ngốc quá! Tôi đã hiểu ngay như vậy mà.
Savale rùng mình lắp bắp:
-Chị có biết? Nhưng hồi ấy…
Và ông im lặng.
-Hồi ấy làm sao? – bà hỏi lại.
Ông nói tiếp:
-Hồi ấy…hồi ấy…Chị nghĩ thế nào? Nếu tôi hỏi, chị sẽ trả lời tôi ra sao?
Bà cười càng to hơn. Mấy giọt nước mứt lê chảy từ các ngón tay bà xuống đất.
-Tôi ấy à? Nhưng anh có hỏi tôi gì đâu. Mà tôi thì tỏ tình với anh sao được.
Ông nhảy lên một bước.
-Này…Chị hãy nói cho tôi biết: chị có nhớ cái hôm anh Sandre ăn sáng xong ngủ luôn trên cỏ, còn chúng ta…Hai chúng ta đi đến tận chỗ con đường rẽ ngoặt…
Ông chờ câu trả lời. Bà ngừng cười và nhìn thẳng vào mắt ông.
-Tất nhiên tôi nhớ.
Trong lòng hồi hộp, ông gặng hỏi tiếp:
-Thế…hôm ấy…chị sẽ xử sự ra sao, nếu tôi mạnh dạn hơn?
Bà mỉm cười như một người phụ nữ chẳng có điều gì phải luyến tiếc, rồi nói dằn từng tiếng bằng giọng hơi diễu cợt:
-Thì tôi sẽ chiều anh ngay.
Rồi bà quay gót luôn chạy vào nấu nốt nồi mứt.
Savale bước ra đường mà trong lòng bàng hoàng như vừa gặp một tai họa. Không nhìn xung quanh, không để ý đến đường đi, ông đội mưa sải những bước dài. Đến sông Seine, ông rẽ phải và đi dọc theo bờ sông. Ông đi mãi, như bị thôi thúc bởi một tình cảm gì đó rất bản năng. Quần áo ông ướt sũng, từ trên chiếc mũ đã rúm ró như giẻ rách của ông, nước mưa chảy xuống ròng ròng. Ông vẫn đi tiếp, đi tiếp, vẫn không để ý đến con đường dưới chân, và cuối cùng, ông đã đến chỗ họ ngồi ăn sáng trong cái ngày xa xưa mà bây giờ nhớ tới, trái tim ông tan nát.
Ông ngồi xuống gốc mấy cây liễu còn trụi hết lá và bật khóc.