Bài nổi bật

Thợ cả – Lê Ngọc Minh

Nhà văn xứ Thanh Lê Ngọc Minh-Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, ngoài sáng tác kịch bản phim, anh còn viết tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký và lý luận phê bình. Lê Ngọc Minh được đánh giá là cây bút với những truyện ngắn mang hơi thở dồn dập của đời sống hiện đại. Tuy vậy, những truyện ngắn để lại dấu ấn trong lòng người đọc người nghe hơn cả là những truyện anh viết về quá khứ, về kỷ niệm thuở học trò, về thầy giáo, bạn học cũ…những câu chuyện đó giản dị nhưng giàu tính nhân văn. Chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay xin được giới thiệu với các bạn một sáng tác như thế của nhà văn Lê Ngọc Minh. Đó là truyện ngắn “Thợ cả”

Hè năm ấy, lũ sinh viên năm thứ nhất chúng tôi có kỳ nghỉ hè vui chơi thỏa thích ở khu nghỉ dưỡng Sochi thơ mộng với hết những buổi tắm biển lại đi du thuyền tham quan trong vịnh Sochi, nước trong như kính, trông thấy cả rong rêu dưới độ sâu ba mươi mét và từng đàn cá he hiền lành bám theo đuôi sóng của du thuyền. Đang khi ấy thì có một ông người vùng Trung Á, đi xe chiếc Volvo màu trắng sang trọng đến nhà nghỉ dưỡng tuyển nhân công cho stroi otriad* đi làm chuồng trại nuôi bò, cừu ở vùng thảo nguyên Trung Á thuộc Kazakstane. Mức thù lao cho ngày công thật lý tưởng, bình quân toàn đội là ba mươi ruble một ngày. Ăn chia cho từng thành phần trong đội theo các bậc: Thợ cả, thợ chính, thợ phụ, phụ hồ, lao công và do nội bộ tự thống nhất. Thông thường tỷ lệ sẽ là: Năm, bốn, ba, hai, một. Cụ thể là thợ cả ăn năm phần, thợ chính bốn phần, thợ phụ ba phần, phụ hồ hai phần, lao công một phần. Ông tuyển quân còn nói, bên A sẽ bồi dưỡng miễn phí sữa tươi và áo quần chăn đệm chống nóng, chống lạnh. Lim ba mươi ruble là phần cứng, nếu stroi otriad làm năng suất đảm bảo kỹ thuật cao thì sẽ có thưởng hai phần trăm theo tổng kinh phí cho mỗi công trình. Nhẩm tính, chỉ cần đi làm phụ hồ mỗi ngày cũng bỏ túi được hai mươi ruble, gấp ba, bốn lần thù lao đi lao động trong nhà máy làm vòng bi xe cơ giới nặng nhọc, độc hại bảng B ở Mát. Chỉ mất độ chưa đầy ba mươi phút sau khi dùng loa điện quảng bá thương hiệu và thù lao, ông bên A đã có trong tay danh sách hơn năm chục sinh viên trẻ khỏe đến ứng tuyển. Tôi cũng tham gia ngay trong top đầu.
Khi chốt danh sách, có năm mươi tám sinh viên đa phần là người nước ngoài, trong số ngày có hai cô người Cuba. Ông tuyển quân hỏi, ai trong số chúng tôi có thể làm thợ cả. Chỉ có một người giơ tay, tự giới thiệu là Volodia, sinh viên Xô Viết đến từ thành phố Tsita, vùng Sibir. Anh nói anh đã có ba năm tham gia xây dựng đường sắt vạn lý xuyên Sibir – Baical – Amur. Ông tuyển quân  mời Volodia lên chỗ mình bắt tay và vỗ vỗ vào một bên cái vai dầy, to, chắc như bướu lạc đà của anh, khen: “Rất, rất tốt!”. Ông tuyển quân lại hỏi: “Có ai xung phong làm thợ cả nữa không?”. Tôi định liều giơ tay nhưng nhìn gần sáu mươi ông bà sinh viên ngoại quốc, các ông thì râu tóc xùm xòa, cổ to như cột đình, vai rộng năm bảy tấc, lưng chín mười thước cao và hai bà Cuba da nâu thì vòng ba cỡ chừng mét tư nên tôi chột ngay.
Thợ cả Volodia cảm ơn nhà tuyển quân. Do công việc cần gấp nên ông tuyển quân ứng ngay tiền mua vé tàu và ăn đường cho cả đội lên đường đến thảo nguyên Kazastane trong sáng hôm đó. Volodia thay mặt đội vào chào từ biệt nhà nghỉ dưỡng. Chúng tôi nghe một giọng nữ trong trẻo phát ra loa công cộng: “Ura các bạn sinh viên quốc tế đã hy sinh những ngày hè lý thú để tham gia  xây dựng đất nước Xô Viết giàu đẹp. Chúng tôi không muốn nói từ tạm biệt mà chỉ muốn từ hẹn gặp mới. Ura các bạn!”.
*
Những háo hức ban đầu của tôi đã bị đốt cháy bởi cái nóng ban ngày lên đến 420C trong lều và hơn 500C ngoài trời và cái lạnh khủng khiếp ban đêm, khi sau mười giờ tối, nhiệt độ từ từ hạ xuống dưới O0C. Vì thế, ngày cũng như đêm tụi tôi đều phải mặc áo đệm bông dày. Ngày – chống nóng, đêm – chống rét giá. Những ngày đầu là công việc tiếp cận vật liệu vào chân công trình và đào móng. Cái sức tuổi hai mươi, nặng năm chín kí, cao một mét sáu chín của tôi thật chả thấm tháp gì với sức của các bạn sinh viên nước ngoài. Để khênh một cái xà lớn, người Việt phải ba suất mới nhấc nổi một bên, còn bên đầu kia chỉ cần một anh Cuba hoặc Maly đảm nhiệm là đủ. Vì thế, tôi bị xếp vào chân phụ hồ khi việc xây dựng bắt đầu. Thợ phụ cũng là quá tốt với rồi, chỉ cần một tháng tôi sẽ có sáu trăm ruble, thừa sức mua một vé khứ hồi về phép thăm nhà và vẫn còn dư chín mươi ruble để sắm gần hai chục cái bàn là hoặc sáu bảy cái nồi áp suất chất lượng bền chắc nồi đồng cối đá làm hối đoái kinh tế. Nếu trụ được cả hai tháng sáu mươi ngày, tất nhiên là ốtrin khơrasô*, vì khi đó sẽ có trong tay ngàn hai trăm ruble, tương đương với hơn một tá chiếc xe đạp hiệu Sport, đang rất mode ở Hà Nội.
Nhưng khi xây móng lên tường thì gặp trục trặc. Những kiến thức về xây dựng đường sắt Baical – Amur của Volodia không hợp với cung cách xây chuồng cừu ở vùng Trung Á. Cái móng đá để lên bức tường chỉ cao độ một mét rưỡi không cần thiết phải gia cố nhiều đá, nhiều xi như thế! Lãng phí và cơ bản, nó không thẳng, không phẳng. Khu chuồng trại chăn nuôi đại gia súc này lại tọa trên mái đồi thấp thoai thoải trườn ra thảo nguyên ngợp cỏ xanh rì. Đến lúc anh thợ cả vừa vã mồ hôi hột vừa bổ trụ thì chỉ nhìn thoáng qua, tôi đã thấy anh không biết gì về quy trình xây móng lên tường. Anh chỉ mới lên được bốn hàng gạch thôi nhưng nhìn bằng mắt thường ai cũng dễ nhận ra, nó vừa nghiêng vừa rất không phẳng ở các bề mặt và mạch giao kết. Đang khi ấy thì người của bên A đi xe tải đến, chính là ông tuyển quân của chúng tôi. Ông chỉ huy cho những người đi theo ngồi ở thùng xe, khuân xuống hai thùng gỗ lớn có dán giấy bên ngoài, đó là sữa tươi. Ông vỗ vỗ hai tay mời tất cả chúng tôi giải lao và đến giải khát… sữa. Chúng tôi ùa lại phía ông và … sữa tươi, chỉ có mỗi thợ cả Volodia là vẫn loay hoay bổ trụ. Ông bên A múc một ca sữa đầy mát lạnh tự tay mang đến cho thợ cả. Chúng tôi vừa uống sữa vừa nhìn theo dáng ông đi về phía Volodia. Volodia uống ngon lành, còn ông bên A thì ngắm nghía cái móng, cái trụ đang bổ. Rồi nghe thấy tiếng ông ta quát tháo nhặng cả lên khác hẳn với sự thân thiện cách đó ít phút. Chúng tôi đều chạy bổ đến. Tiếng ông bên A oang oang đầy vẻ tức giận và khinh mạn: “Thế này mà anh dám đòi làm thợ cả à? Anh xây cái gì đây? Móng lô cốt? Chuồng lợn ở nhà quê Sibir của anh? Hức, tôi nghĩ anh đã từng trải kinh nghiệm BAM (Baical – Amur) thì phải ra hồn chứ? Anh làm ăn thế này là anh diệt tôi? Tôi biết trả lời với Xô Viết huyện sao đây? Volodia, anh xạo cuội tôi rồi!”. Volodia cố cười tươi nhưng lúng túng giải thích, nào anh làm cái móng cho vững vì thời tiết ở đây khắc nghiệt, móng to, tường dầy, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm, nào chỗ xây móng sẽ lấp đất đi, kỹ thuật và mỹ thuật ăn nhau ở phần nổi tức là những bức tường. Bên A không thông, ông lắc đầu xua tay ngăn thợ cả Volodia lại. Ông vẫn gắt gỏng nói, ông đã đầu tư xây dựng cả chục khu chuồng trại nuôi bò cừu  ở huyện này. Không ai xây móng kiểu như Volodia cả, tốn kém, ngoằn nghèo, u úc, chả có tiền đồ gì cho những bức tường thẳng phẳng lộ thiên sắp tới cả. Ông quyết định, cắt hợp đồng, phần phí tổn bên A chịu vì đã trót nóng vội chọn nhầm thợ cả. Bên A sẽ tài trợ tiền vé cho các thành viên trong đội trở lại nhà nghỉ dưỡng Sochi. Ông ta nhìn tụi tôi, hạ giọng xuống, có lời xin lỗi các bạn sinh viên quốc tế vì việc nói năng to tiếng vừa rồi cũng như việc ông đã chọn nhầm người thợ cả vô tích sự.
Mặt Volodia ỉu xìu xịu như bánh mì ngấm nước, còn tất cả tụi tôi thì thất vọng vì mất một khoản thu sộp nhỡn tiền. Cả lũ ngồi như rũ xuống nền cỏ thảo nguyên. Còn ông bên A cứ luôn miệng nhắc lại từ xin lỗi và các từ đáng tiếc, rất đáng tiếc.
Nhìn nỗi đau lòng của các bạn, tôi bỗng cứng cỏi lên, lễ phép nói với ông bên A như thưa với phụ huynh, thầy cô giáo: “Đồng chí Xô Viết bên A kính mến, đồng chí có thể gia ân ở lại ba mươi phút và chứng kiến xem tôi xây bổ trụ, nắn móng phẳng lì để tiếp tục lên tường được không ạ? Xin đồng chí hãy coi đây là lời kêu gọi Vô sản tất cả các nước liên hợp lại”. Câu cuối của tôi làm các bạn sinh viên quốc tế đều bật cười. Ông bên A cũng cười và bảo: “Ba mươi phút? Ba mươi phút mà thay đổi thay đổi hoàn cảnh này ư?”. Tôi tự tin: “Có lẽ cũng không đến ba mươi phút tính từ khi có cái gật đầu của đồng chí!”. Ông bên A nhìn đồng hồ và cởi mở nói: “Tôi cho anh một giờ! Được chứ?”. Tôi dùng từ cảm ơn lớn để tạ ông và hô các bạn thợ vào việc. Tôi chỉ vào một anh người Đức yêu cầu đi lấy cho tôi năm cây tre. Tôi chỉ tiếp sang một nhóm khác, yêu cầu khuân gạch xây và nhào lại vữa cho dẻo… Mọi người trố mắt ngạc nhiên và không hề có ý muốn hợp tác với tôi. Tôi nói khích mấy anh người Algieria: “Trông các cậu cũng to con đấy. Lao động đi chứ!”. Anh người Đức hỏi: “Mang tre đến làm gì? Cậu định làm thợ cả?”. Tôi đáp như ra lệnh: “Đúng! Thợ cả yêu cầu các bạn hãy đưa ngay công cụ lao động đến đây, khẩn trương!”. Một số bạn ngúng nguẩy bỏ đi. Tôi ra lệnh bằng tay cho nhóm gạch vữa. Họ cũng đi nhưng có người đưa một ngón tay vếch cánh mũi lên nhạo báng.
Tôi bỏ cái áo bông chống nóng ra, xắn tay áo, chọn trong đống rựa một con dài và sắc nhất. Trong khi tre chưa được mang đến, tôi rảo nhanh đến chỗ để vỏ bao xi măng rút ra ba sợi chỉ khâu nilon màu trắng, đem lại chỗ bổ trụ. Ông bên A  nhìn mọi hành sự của tôi với vẻ tò mò và thỉnh thoảng ngó vào đồng hồ. Khi có tre mang đến, tôi chọn một cây gióng dài, chặt lấy đoạn ngọn, khẩu độ chừng hai mét, tôi bổ đôi giữ lại hai mắt đầu còn phang hết các mắt ở khúc giữa, tạo thành một cái máng thông suốt. Tôi lại sai một bạn Cuba xách đến cho tôi can nước uống. Tôi đặt cái mang tre lên mặt móng mà thợ cả Volodia đã gia bất thành. Kê thật cân bằng hai đầu rồi tôi đổ nước vào máng và cân lại lần nữa cho thật chuẩn trước khi căng dây, đánh dấu. Sau đó tôi cho dựng cọc tre ở hai trụ rồi dùng dây nilon buộc vào một phần tư hòn gạch, câu lên ngọn cọc tre, rọi xuống đúng với điểm thăng bằng đã được lấy ở hai phía cột trụ. Tôi bổ trụ. Xây xong năm hàng bên này, tôi chuyển sang bổ trụ tiếp đầu bên kia và cũng xây đủ năm hàng. Tiếp tục, tôi đi một đường gạch xây nối hai trụ với nhau khá thẳng và phẳng khiến ông bên A phải reo lên: “Thật chuyên nghiệp! Hừ, đây mới thật là thợ cả!”.
Ông bên A tận mắt thấy hiệu quả kỹ thuật nên vui trở lại hệt như cái hôm ông đến Sochi tuyển quân. Ông kêu lái xe bê lại một vò rượu Kazac bự, rót đưa cho chúng tôi mỗi đứa một bát, bắt phải trăm phần trăm. Mọi việc trở lại tốt đẹp, Volodia liền quỳ một chân, quai chiếc mũ lưỡi trai theo hình cái dấu ngã nhường chức thợ cả cho tôi. Tôi vội chối từ nhưng tất cả sinh viên trong đội và ông bên A đều vỗ tay hô: “Thợ cả, thợ cả! Ura! Ura! Ura!”. Chờ cho hết tiếng ura vui nhộn, Volodia vẻ mặt tâm tư nói với tôi: “Anh đã rất ngoạn mục cứu chúng tôi một bàn thua sinh tử ở phút thứ 89 và 59 giây, rất, rất cảm ơn!”.
Như dòng chảy đã khơi thông. Tôi bổ liên tiếp sáu cái trụ, dạy cho các bạn sáng ý cách xây tường. Các bộ phận đào móng, chuyển đá, tập kết vật liệu khác cũng vào mạch trôi chảy cả, montage rất nét như cách nói của anh bạn người Đức, học ngành đạo diễn điện ảnh.
Công việc xong sớm hơn dự kiến hai giờ. Ai cũng mệt bã, người như teo tóp lại trong cái áo bông hai lớp ướt đằm mồ hôi sau một ngày ngày chang nắng nóng  45-500C ngoài trời. Khoảnh khắc chuyển ngày sang đêm diễn ra trong hai, ba giờ. Đó là lúc nhiệt độ dao động từ trên 400C trở về dưới 00C lúc đêm. Hai nữ lao công Cuba đã làm xong bữa. Chúng tôi có chèo kéo ông bên A ở lại liên hoan mừng động thổ thành công nhưng ông nháy mắt cười, bảo vợ trẻ không cho về muộn. Ông biếu đội vò rượu thứ hai rồi lên xe dông thẳng vào thảo nguyên mênh mông hun hút đến tận chân trời.
*
Đêm thảo nguyên, đã mười giờ rồi mà vẫn còn thứ ánh sáng ngày màu vàng như mỡ gà. Thời tiết lúc này đã giảm xuống dưới 200C mát mẻ và dễ chịu. Các đội viên đều lăn ra ngủ vì mệt, vì thứ rượu đậm lìm lịm uống vào nó ngấm khắp cơ quan đoàn thể như anh bạn người Nicaragoa hóm hỉnh nhận xét. Riêng tôi, cố ngủ mà đầu óc cứ tỉnh như sáo sành, vì tôi nhìn thấy thảo nguyên lúc ngày và đêm sắp giao nhau thật ảo diệu. Tôi đang hong hóng để chờ xem khoảnh khắc đó sẽ diễn ra như thế nào. Tôi đã đọc Thảo nguyên của Tsekhov, đọc Cây phong non trùm khăn đỏ của Aitmatov và nhiều thảo nguyên khác của các văn hào Nga, Xô Viết nhưng tôi chưa gặp một ấn tượng sách vở nào bằng cảnh sắc đang hiện hữu trước mắt tôi. Tôi ngồi dậy, khoác áo bông, quấn khăn giữ ấm cổ và để đầu trần đi vào thảo nguyên. Chừng được hơn cây số tôi chọn một vị trí thật thích hợp để quan sát cảnh mặt trời sắp chìm hẳn xuống chân mây và không gian đang từ màu vàng mỡ gà chuyển sang màu tím sâm sẫm.
“Thợ cả!”. Có tiếng gọi phía sau tôi. Tôi giật mình quay lại và thấy Volodia đã đến sát chỗ tôi rồi. Anh mặc bộ Jean mới, ngực áo phanh để lộ cả cái dây chuyền bạc trắng đeo hình Đức Chúa chịu nạn. Không để cho tôi kịp hỏi, Volodia giải thích luôn: “Em bé Cuba Phermandi hẹn ra thị trấn chơi nhưng thấy vắng thợ cả, tôi đi tìm anh.” (Từ lúc tôi được phong thợ cả, Volodia không gọi tôi theo kiểu bạn bè mày tao như trước nữa). Tôi không giấu cảm xúc, nói: “Thảo nguyên thật tuyệt vời, Volodia ạ! Chứng nghiệm cảnh này tôi hết mọi  ngạc nhiên khi các nhà văn lớn nhất của nước Nga đều có những trang viết rất hay về thảo nguyên”. Volodia ngồi xuống bên tôi, gật gật đầu nói: “Anh thật tâm hồn! Thợ cả này, chúng ta còn ở đây khoảng hai tháng nữa, anh sẽ còn nhiều lần khám phá thảo nguyên. Lúc này tôi muốn hỏi anh một câu được không?”. Tôi đáp ngay: “Sao Volodia xưng hô trịnh trọng thế? Anh học trước tôi hai khóa, là bề trên của tôi mà”. Volodia: “Không, anh là thợ cả. Điều đó quan trọng lắm nhưng quan trọng hơn, anh hãy cho tôi biết, tại sao mới hai mươi tuổi mà anh có tay nghề chói sáng đến thế?”. Tôi suýt bật cười khi Volodia phong từ chói sáng cho tôi. Nhưng nhìn thấy vẻ mặt chân thành của anh, tôi khẽ cười bảo: “Ở làng tôi, đứa trẻ mười ba mười bốn tuổi có thể gia móng, bổ trụ giỏi hơn tay nghề của tôi đã làm lúc sáng nay đấy”. Volodia trố mắt hỏi lại: “Thật chứ?”. Tôi gật đầu xác nhận và để Volodia tin điều tôi vừa nói, tôi kể cho anh nghe về một người thợ cả đã khai tâm cho tôi: “Ngày chiến tranh, quê tôi nghèo lắm. Trẻ con tám chín tuổi đã phải đi theo các gánh thợ lang thang kiếm cơm thiên hạ. Những ngày hè năm lớp bảy, khi đó tôi vào tuổi mười ba nhưng chỉ cao được dư mét hai và nặng ba mươi mốt cân chút chút. Do có người anh họ làm nghề thợ nề nên tôi được anh ấy cho bám gót nhằm đỡ miệng ăn ở nhà và hy vọng có chút tiền sắm sách vở cho năm học đầu cấp III trường huyện. Tôi được sung vào một đội thợ nề, xây các nhà lò sấy nguyên liệu thuốc lá hai tầng. Thoạt nhìn thấy vóc dáng khẳng khiu của tôi, ông thợ bị cụt một tay tên là Khàng lắc đầu, bảo: “Tay chân học trò thế này thì làm việc thổ mộc sao được?”. Anh họ tôi quảng cáo ngay: “Bé hạt tiêu, bác ạ! Gánh nổi năm chục ký đấy, siêng năng lắm!”. Ông Khàng vẫn lắc đầu: “Cố thì cũng được thôi. Nhưng quỵ ra đó, ai chịu trách nhiệm?”. Tôi hăng hái: “Thưa bác, bác cho cháu thử sức một tuần. Nếu cảm thấy sắp quỵ, cháu xin thôi ngay và cũng không dám đòi công sá!”. Ông Khàng thở dài nhìn tôi, giao nhiệm vụ: “Thôi thì phụ hồ vậy, đến cuối các buổi trong ngày có người khác thay để đi thổi cơm đun nước, cơm xong, rửa ráy bát đĩa. Có biết thổi cơm không?”. Tôi hăng hái thưa: “Cháu sẽ học thổi và hứa sẽ công tác tốt nhất ạ”. Ông Khàng gật đầu: “Rồi, ở đời, học được việc gì đều tốt cả!”.
Hăng hái là vậy nhưng khi vào cuộc thì mới thấy khiếp hãi làm sao! Buổi đầu phải  giả bộ không biết mệt là gì để thợ cả thấy tôi là người được việc. Nhưng đêm về, tôi đau khắp đầu mình và tứ chi. Cái đau mỏi như có kiến bò trong bắp tay, bắp chân và các khớp gối, sống lưng. Mệt mỏi nhưng tôi lại rất khó ngủ, khi thiếp đi thì liền ngáy hộc lên làm kinh động mọi người nằm quanh. Đến ngày thứ ba, tôi thấy oải lắm. Cuối ngày tôi chỉ ăn được nửa bát cơm, bưng nồi nước chè tươi nóng từ ngoài vào lán thợ, chân bước loạng choạng, suýt ngã, ăn quả bỏng nước sôi. Lúc mọi người đi nằm, tôi ra góc lán ngồi ngắm trăng hóng mát và tĩnh tâm lại để tính toán nên rút lui như thế nào cho trôi. Những hình ảnh nhọc nhằn trong ba ngày phụ hồ và lao công hiện lên cực chi tiết trước mắt tôi. Chỗ này ới gạch, chỗ kia đòi vữa, chỗ kia nữa cáu gắt um lên vì vữa tôi trộn bị khô, không ăn gạch… Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy mình vẫn còn gặp may. Bác Khàng thợ cả tuy nói năng nghiêm khắc lúc thâu nhận tôi nhưng trong công việc bác luôn có lời động viên, bảo tôi sẽ quen dần, nhắc tôi phải ăn khỏe vào thì mới có sức chiến đấu lâu dài được. Đặc biệt, bác Khàng là người vui tính hay pha trò, dường như chuyện gì dưới lăng kính của bác đều có nét hoạt kê phát lộ. Nghe loa công cộng buổi sáng bình luận về sự phản trắc của tập đoàn Lon Non đã đảo chính cướp quyền của quốc trưởng Campuchia, Sihanuk, bác hạ một câu: “Lon già chúng tao cũng không sợ nữa là Lon Non!”. Thế là cả đám thợ cùng cười tóa lên.
Tôi kể tiếp với Volodia, tôi còn thấy bác Khàng hay kể chuyện mưu lược trong sách Tam Quốc diễn nghĩa nhưng bằng sự hiểu biết của tôi về bộ sách này thì bác biết tích truyện là do nghe truyền khẩu chứ chưa đọc văn bản hoặc có đọc cũng chỉ lướt qua, vì các tình tiết, nhân vật có sự nhầm lẫn, lộn sau lên trước, lộn công tích của tướng nọ với soái kia. Nghĩ đến đó, tôi bỗng nhận ra lối thoát, ít nhất là thoát trong danh dự. Tôi có bỏ cuộc trong lần kiếm sống xa quê đầu đời này cũng sẽ để lại chút cảm tình với thợ cả. Tôi phấn chấn đi vào lán. Trong lán đám thợ đã đi ngủ. Riêng bác Khàng vẫn còn thức, vì tôi nhận ra ở chỗ bác, chấm sáng đầu điếu thuốc lá lúc tắt lúc hừng.
Tôi mạnh dạn đến bên bác. Bác Khàng bảo tôi: “Cu Ty ngủ đi, mai lên tầng hai, nhọc đấy”. Tôi vâng lời nằm xuống bên bác nhưng lại hỏi: “Bác cả vui tính thật! Chuyện gì nghe bác kể cũng toàn từ tức cười trở lên. Bác ơi, bác thích truyện Tam Quốc lắm phải không ạ?”. Bác Khàng: “Ui, nhất, nhưng chữ nghĩa ít, bác đọc vất lắm. Nghe Tam Quốc bác có thể quên đói luôn!”. Bác Khàng ôm lấy tôi như bắt được vật quý: “Cu Ty kể được à?”. “Vâng!” Tôi đáp và tự tin xem kể chuyện đó nhẹ nhàng như uống một cốc nước mát ngày hè vậy. Tôi bắt chước giọng giảng bài rủ rỉ đầy truyền cảm của thầy dạy văn lớp bảy triển khai ngay chương đầu: “Tiệc vườn đào, anh hùng kết nghĩa/ Chém Khăn vàng, hào kiệt lập công. Thế lớn trong thiên hạ cứ tan lâu rồi lại hợp hợp lâu rồi lại tan…” Tiếp tục nhẩn nha lên bổng xuống trầm hồi lâu, tôi đi một mạch hết chương một và mắt buồn ngủ díp lại. Tôi thưa với bác Khàng, sáng mai lúc uống nước để ra công trình tôi sẽ phục vụ bác tiếp chương hai nhưng bác Khàng đang cơn phê, giục tôi kể tiếp, tôi kể và ngủ quên lúc nào không biết. Sáng hôm sau, lúc tôi tỉnh dậy đã thấy mọi người ngồi quanh bàn chè thuốc chuyện trò um lên về chuyện đảo chính ở Campuchia có Lon Non, Lon già trong khói thuốc lào. Tôi thất kinh vì dám bỏ bê nhiệm vụ lao công, ngủ vùi trước mắt thợ cả và các thợ đại ca khi ngày làm việc thổ mộc mới sắp bắt đầu. Tôi đến chỗ bác Khàng để nói câu xin lỗi mà miệng lúng búng không phát ra lời được. Bác Khàng nhìn tôi đầy vẻ thông cảm, bảo: “Cu Ty, rửa mặt rồi ăn sáng đi. Hôm nay mua ngô luộc đổi món không phải đun nấu gì”. Tôi lý nhí đáp “vâng” rồi chạy ra ngoài vốc nước rửa mặt qua loa. Lúc tôi trở vào, mọi người bắt đầu lục tục đi ra công trình. Tôi đút vội bắp ngô luộc vào túi quần. Bác Khàng bảo, cứ ăn sáng thoải mái, hôm nay nhiều việc, phải tuần tự mà làm, đừng có cuống.
Bác nói thế nhưng tôi vẫn ăn rất vội vàng và cũng vội vàng thu dọn chỗ bày biện trà thuốc cho gọn. Lúc tôi chạy ra công trình thấy cối vữa đã đánh xong rồi. Tôi tròn mắt ngạc nhiên và sợ hãi. Bác Khàng vẫy tôi lại nghiêm nghị bảo nhỏ: “Cu Ty hôm nay lên giáo (giàn giáo)!”. Tôi hoảng, có phải vì tôi bỏ bê việc hồ vữa mà bị bác cảnh cáo bằng kiểu này chăng. Tôi định nói lời thanh minh và xin lỗi nhưng bác Khàng hất hàm bảo tôi đi theo bác. Tôi vừa đi vừa run. Khi lên giáo tầng hai, bác Khàng nhìn tôi có vẻ thân tình và vận vào một câu Kiều, lẩy: “Trông gương trong bấy nhiêu ngày/ Thấy công cũng đặng, thấy tài cũng thương”. Rồi bác dạy tôi cách bổ trụ, cách chăng dây, cách đổ vữa, cách đặt hòn gạch, cách chỉnh hòn gạch cho thẳng và phẳng… Tôi vô cùng ngạc nhiên, vì cứ nghĩ bác Khàng chỉ còn một tay thì khó đụng vào thước, vào dao được nhưng bác đã đi những đường mạch thoăn thoắt, không hề bị rớt tí vữa nào ra ngoài… Lát sau, khi tự cho đã quen việc, tôi hứng lên, khoe mẽ ta đây, xây nhanh nhưng miết vữa gắn mạch không đều, bác Khàng nghiêm mặt lại, bắt tôi dỡ ra, lau sạch từng viên gạch, xây lại đoạn tường vừa bị bóc gỡ từ đầu…”
Tôi dừng, nhìn Volodia bảo: “Thế đấy! Nhờ có bác Khàng mà trong buổi sáng hôm đó, khi mới mười ba tuổi, tôi đã làm được công việc của một người thợ xây chuyên nghiệp. Sau này lớn lên, tiếp tục lặn lội kiếm sống trong những cuộc mưu sinh mới, tôi luôn được coi là một tay thợ có nghề, tỉ mẩn chịu khó. Rồi khi đi lính, tôi từng tham gia xây dựng doanh trại, công sự nhưng chưa bao giờ làm thợ cả đâu. Thợ cả ở quê tôi phải lĩnh hội nhiều phẩm chất như bác Khàng ấy!”.“Thợ cả!” Volodia ôm lấy bàn tay tôi bằng cả hai nắm tay to tướng rất công nhân của anh và thốt lên tiếp: “Thợ cả chính hiệu! Anh là thợ cả của tôi và chúng tôi. Nhìn thấy anh ra mấy chưởng nghề lão luyện như phù thủy, Volodia xin chịu cúi đầu, cúi đầu!”. Volodia bỗng đứng lên làm động tác như các kỵ sỹ vừa từ trên mình ngựa nhảy xuống, tay cầm mép mũ kỵ binh đi một đường hình dấu ngã thành kính. Tôi chưa kịp ngăn anh thì thấy xa xa có nhiều ánh đuốc lập lòe đang xô đến chỗ chúng tôi.
Hai chúng tôi ngạc nhiên và cả sợ nữa. Cái gì thế này ? Tsekhov đã từng viết, những thứ hoang dã và nguy hiểm nhất luôn có thể xảy ra trong thảo nguyên huyền bí.
Những ngọn đuốc vẫn tiếp tục lao đến chỗ chúng tôi mỗi lúc một gần, huơ huơ, chập chờn, biến ảo.
Khi đến gần hơn, gần hơn, những ngọn đuốc đó hình thành một cánh cung lửa lay động chấp chới, chấp chới.
Rồi có tiếng gọi to: “Thợ cả! Thợ cả ơi!”.
Nghe thế, Volodia bật máy lửa giơ lên. Anh cũng gào to đáp lại: “Thợ cả ở đây! Ở đây…ây!”.
Cái cánh cung lửa dồn sít lại hơn và dừng lại trước hai chúng tôi. Tôi nhận ra ngoài đám stroi otriad tụi tôi còn có ông trưởng bên A. Ông vỗ vỗ tay rồi tiến lên một chút, trịnh trọng nói: “Thợ cả! Nghe chiến công của đồng chí, đích danh chủ tịch Xô viết huyện, đồng chí Vaxili Vaxilievist kính mến đã đến tận stroi otriad chúc mừng đồng chí và úy lạo cả đội. Mời đồng chí về đội để nhận vinh dự hiếm có này. Đồng chí chủ tịch đang đợi”.
Tôi chưa kịp đáp thì ông trưởng bên A và tất cả thành viên stroi otriad đã công kênh tôi lên vai chạy tốc hành trong thảo nguyên cùng với điệp khúc reo hò: Thợ cả! Thợ cả! Ura.Ura! Ura! Ura!
Tôi bỗng nhớ đến bác Khàng và câu nói của bác hôm nhận tôi làm phụ hồ: “Ở đời học được việc gì đều tốt cả!”.
_______
* Stroi otriad (tiếng Nga là đội xây dựng)
** ốtrin khơrasô (rất tốt!)

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *