Bài nổi bật

Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ – Higashino Keigo

Là cuốn tiểu thuyết thứ 2 ra đời vào năm 2015 ghi dấu 30 năm cầm bút, Ngôi nhà của người cá say ngủ tiếp tục đánh dấu sự tìm tòi, thử nghiệm của tác giả Higashino Keigo trên chặng đường sáng tạo văn học. Ở đó, người đọc vẫn nhận ra một Higashino Keigo hết sức nhạy cảm trước thời cuộc. Nhưng hơn cả, độc giả còn phát hiện, một Keigo tiên sinh đi sâu hơn tới cấp độ tế bào xã hội – cấp độ gia đình, từ đấy, khắc họa những xúc cảm cá nhân tinh tế, đặc biệt là các bậc làm cha, làm mẹ.
Cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội
Trước hết, cần phải khẳng định một điều rằng, Ngôi nhà của người cá say ngủ không phải tiểu thuyết trinh thám. Vì thế cuốn sách này không chứa đựng những vụ án liên hoàn, hành trình lý giải những bí ẩn hóc búa như Phía sau nghi can X hay Bạch dạ hành. Tác phẩm cũng rất khác với các sáng tác mang yếu tố kỳ ảo trước đấy Keigo tiên sinh đã viết như Trước khi nhắm mắt hay Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya.
Trọn vẹn Ngôi nhà của người cá say ngủ là những vấn đề hết sức đời thường nhưng chưa bao giờ hết nhức nhối trong xã hội: chuyện gia đình, chuyện tình yêu, lòng trắc ẩn hay xa hơn, thiết thực hơn là câu chuyện y học cùng định nghĩa “sống” trong cuộc đời. Tuy nhiên, đời thường nhưng không có nghĩa là thiếu đi những mâu thuẫn. Đời thường mà vẫn chứa đựng muôn vàn tình huống ngặt nghèo đặt con người ta vào hoàn cảnh đặc biệt, buộc họ phải lựa chọn. Để từ đó, tác giả dần bóc tách đến tầng sâu nhất các mối quan hệ giữa con người với bản thân, con người với người thân trong gia đình và con người với toàn xã hội.
Gia đình nọ đứng trên bờ vực của sự tan vỡ, hai vợ chồng đã định ngày ly hôn khi con gái đầu lòng của họ lên lớp 1. Nhưng ngày nọ, cô bé gặp tai nạn đuối nước và bị tiên lượng chết não. Hai người phải đối mặt với quyết định quan trọng: hiến tạng con gái, chấp nhận cuộc kiểm định chết não từ phía bệnh viện hay tin tưởng cô bé còn sống, một ngày nào đó em sẽ khỏe lại mà chấp nhận chăm sóc em dưới dạng sống thực vật? Hai vợ chồng, dẫu tình cảm chẳng còn vẹn nguyên như xưa nhưng đã ngồi lại bên nhau, tiếp tục ở cạnh nhau, cùng cố gắng vì một mục tiêu, một niềm tin của người làm cha mẹ. Hai con người, dẫu có thể đã cạn tình mà vẫn còn đó bao ân nghĩa, vẫn còn đó sợi dây nối kết là cô con gái nhỏ như một người cá mãi say ngủ.
Hoàn cảnh đặc biệt buộc người ta chỉ được chọn lựa giữa đúng – sai, tiếp tục – ngừng lại mặc cho sự dị nghị của người đời. Hoàn cảnh mang tính cá biệt song đồng thời, cũng chứa đựng tính phổ quát. Quả thực, không phải lúc nào cũng có một cô bé chết não song ngoài kia, có bao gia đình vẫn tiếp tục bên nhau bằng thứ ràng buộc như còn mãnh liệt hơn cả hai tiếng tình yêu đôi lứa. Đó là kỉ niệm, là nghĩa tình nặng vơi, là thứ trách nhiệm đặt lên vai họ khi họ gọi nhau bằng hai tiếng “gia đình.” Mà chẳng phải, chính bởi thứ ràng buộc đấy đã giúp duy trì “cấp độ tế bào của xã hội” suốt bao năm qua sao?
Tuy nhiên, tác phẩm của Keigo tiên sinh chưa khi nào chỉ dừng lại ở một vấn đề. Ông luôn có sự mở rộng đề tài tới mọi chiều kích, để đưa cho độc giả cái nhìn đa chiều, toàn cảnh nhất về cuộc sống muôn màu. Ngôi nhà của người cá say ngủ cũng vậy. Từ bối cảnh của một gia đình, các sự kiện gần như xoay quanh không gian hẹp, không gian ngôi nhà cô bé Mizuho ngủ say mà bối cảnh, không gian dần mở rộng tới toàn xã hội. Hoạt động hiến và cấy ghép tạng, nhất là ở trẻ em. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật góp phần phục vụ an sinh xã hội. Đặc biệt, là định nghĩa “sống” đối với một sinh thể.
Sống tức là tư duy và hoạt động. Nhưng sống cũng mang nghĩa bạn tồn tại như thế nào trong ánh nhìn, trong ký ức những người xung quanh. Bởi, con người sống trên cuộc đời đâu chỉ biết tới bản thân mà còn được đặt cùng các mối quan hệ, ràng buộc khác. Lần nữa, những ràng buộc xã hội như một thước đo của việc người đó đã sống và sống như thế nào.
Tình thương và lòng ích kỷ của bậc làm cha mẹ
Với dung lượng hơn 400 trang sách, có thể nói Ngôi nhà của người cá say ngủ bao chứa một hệ thống nhân vật khá đồ sộ đủ mọi ngành nghề từ bác sĩ tới giám đốc, từ giáo viên tới học sinh, từ kỹ sư tới tình nguyện viên…; đủ mọi lứa tuổi từ những đứa trẻ tuổi nhi đồng tới các chàng trai, cô gái tuổi thành niên hoặc những người đàn ông, phụ nữ tuổi trung niên hay đã xế chiều; và đủ mọi cá tính, tâm lý khác nhau… Các cá nhân đó, bằng cách này hay cách khác mà có những giao tiếp xã hội, qua đấy thúc đẩy tình tiết câu chuyện phát triển. Và giữa hệ thống nhân vật khá đông đảo đấy, nổi bật lên bóng hình những ông bố, bà mẹ mang hai khía cạnh tưởng chừng mâu thuẫn, đối lập trong cùng một nét tính cách: tình thương và lòng ích kỷ.
Điển hình nhất, không thể không nhắc tới cặp vợ chồng Kazumasa và Kaoruko. Họ thương con, cũng ích kỷ vì con tới tận cùng. Đó không đơn thuần chỉ là việc họ níu giữ lấy chút hi vọng mong manh về ngày cô bé Mizuho tỉnh lại mà còn là mọi cách, họ tìm để Mizuho được sống trước mặt mọi người. Giúp cô bé thở, giúp cô bé vận động, thậm chí, giúp cô bé cử động được biểu cảm trên gương mặt. Họ ích kỷ tới mức, gạt bỏ đi cảm xúc cá nhân để ràng buộc những người xung quanh, tất cả, vì người con gái bé bỏng.
Mặc cho người đời phán xét, mặc cho ai nấy bàn tán, mặc cho những ánh nhìn xa lánh từ những người xung quanh. Họ tin Mizuho còn sống, họ chấp nhận ích kỷ với người khác và với chính bản thân, vì niềm tin như đã thành thứ chấp niệm đấy. Cả hai, đều như đại diện cho hình ảnh những bậc làm cha, làm mẹ. Với bóng hình người đàn ông như trụ cột cáng đáng việc lớn trên vai, dù có từng lầm đường lạc lối cũng không bỏ rơi người thân, sống vì hai chữ “trách nhiệm”; còn người phụ nữ đa đoan, sâu sắc, ở phía hậu phương chèo chống, giữ lửa gia đình. Để ta nhận ra, là thương yêu hay ích kỷ, dẫu có giây phút hoài nghi, dẫu có chừa lại đường lui cuối cùng, thì tất cả, đều xuất phát từ sự hi sinh vô bờ của những đấng sinh thành. Mà chẳng phải, chấp niệm với máu mủ, hi sinh con cái không màng một ngày hồi đáp, vẫn luôn là cha, là mẹ hay sao?
Bên cạnh bóng hình gia đình nhà Kazumasa, Ngôi nhà của người cá say ngủ còn lưu dấu hình ảnh những bậc làm cha, làm mẹ khác. Gia cảnh gia đình họ có thể khác nhà Kazumasa nhưng tất cả đều gặp nhau mở một điểm chung: họ sẵn sàng làm tất cả để bảo bọc cho đứa con mà sinh mạng, mỗi lúc như ngọn đèn trước gió. Như chính Kaoruko đã nói: “Khi chăm lo cho Mizuho, em có cảm giác mình đang bảo bọc sinh mệnh chính mình đã sinh ra. Em hạnh phúc lắm. Người ngoài có thể thấy em là một bà mẹ tham lam nhưng mà… […] Thế gian này có những thứ tham lam mấy cũng không thể bảo vệ nổi. Và tham lam vì con cái của mình thì chỉ có thể là người làm mẹ.”
Và trong bối cảnh nước Nhật thời hiện đại, khi những giá trị cội gốc ngày một mai một, tình cảm giữa những người thân thuộc máu mủ ngày càng trở nên xa cách thì Ngôi nhà của người cá say ngủ, như tiếp một phát chuông thức tỉnh tâm hồn con người gìn giữ lấy những gì là nguyên sơ nhất của tình cảm. Tác phẩm có ngọt bùi, có đớn đau, có nghiệt ngã nhưng tới cuối cùng, vẫn ám áp một chữ tình làm trăn trở trái tim bạn đọc như vậy đó.

Xem thêm đề xuất

Mật Mã Tây Tạng – Quyển 3

RadioVn.Com – Giáo sư Phương Tân hét lên mấy tiếng vào miệng hố, không nghe thấy …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *