Các bạn thân mến, cây cũng như con người có cuộc đời của nó. Từ một hạt giống nhỏ bé cây phát triển thành cây con, cây trưởng thành, cây đại thụ. Một cây dại ven đường, một cây hoa trong nhà, một cây cổ thụ trong rừng già đều có thể trở thành một câu chuyện gắn với con người. Cái chết của một cái cây đã mang đến nhiều nỗi niềm cảm xúc cho nhân vật tôi. Cái cây được trồng để tưởng nhớ cô Nụ, người phụ nữ đã bị giặc Pháp giết hại. Dường như hình bóng của cô Nụ đã hóa thân vào cái cây, trở thành một phần không thể thiếu của xóm làng. Cái cây trở thành nhân chứng lịch sử chứng kiến đổi thay của đất nước qua chiến tranh, trở thành nơi đặt niềm tin của con gái cô Nụ, nơi tâm tình của cháu gái cô Nụ. Ba người phụ nữ, ba thế hệ trong một gia đình gắn kết với nhau xung quanh cái cây. Với nhân vật tôi, cây không chỉ là vật vô tri vô giác mà cũng đầy cảm xúc, biết lắng nghe, an ủi nỗi đau như một con người. Cũng như mẹ cô trước đó từng cầu nguyện trước cái cây để mong cho chồng an bình trong chiến tranh thì giờ đây nhân vật tôi mỗi khi buồn vui cũng ra tâm sự với cây. Đời người và đời cây như hòa quện với nhau bao nỗi tâm tình cuộc sống. Trải qua thời gian cây đã chứng kiến hạnh phúc và cả nỗi buồn, sự sống và cái chết của người thân. Và rồi chính cái cây cũng không chống lại được sự khắc nghiệt của thời gian. Một mầm non xuất hiện từ gốc cây khô minh sức cho sức sống mãnh liệt. Truyện ngắn viết về cuộc đời của cây thể hiện những quy luật tự nhiên. Mầm cây là mầm của sự sống, là niềm tin của con người vào tương lai phía trước. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Cái cây ấy lẽ ra là phải chết từ lâu rồi, từ cái lần bỗng nhiên sau một trận bão, một cành cây to bị gió đánh cho đứt lìa. Từ chỗ ấy, vết thương cứ mãi rỉ ra rồi ăn sâu vào thân cây. Rất nhanh, những cành khác bị sâu ăn gãy lả tả xuống sân để lại độc cái thân thẳng đuỗn, trơ trụi và bị sâu đục cho rỗng ruột. Có lẽ vì không nỡ nhìn cái cây chết dần chết mòn, người ta mang cưa xẻ ngang thân cây ở chỗ vết thương chưa chạm tới, cách mặt đất tầm nửa mét. Vết cắt ấy để lại một cái gốc tròn trịa, gần 40cm đường kính, đủ để tạo thành chiếc ghế. Những người khách qua đường thường hay chọn vết cắt ấy để ngồi lên. Lâu ngày vết cắt ấy được những chiếc quần mài nhẵn thín, bóng loáng như được đánh véc ni.
Tôi rất thích gốc cây đó. Mỗi chiều đi làm về, tôi thường mang ghế ra ngồi, lấy gốc cây làm bàn nước. Mà kể cũng lạ, người ta đốn cây nhưng lại để lại cái gốc khô khốc. Chắc bởi nếu đào cái gốc ấy lên có khi sẽ làm hỏng mặt đường vì những chùm rễ có vẻ ăn sâu vào lòng đất. Khi thành phố quy hoạch vỉa hè lát gạch, tôi trả thêm tiền cho mấy người thợ để họ xây riêng cho gốc cây một khung vuông bằng gạch bảo vệ nó, thành ra cái gốc cây ra dáng một tác phẩm nghệ thuật hơn là một cái gốc cằn cỗi, khô khốc.
Thực ra từ khi còn trẻ, cái cây ấy khiến tôi tò mò hơn là thích thú bởi nó mọc chềnh ềnh ở một vị trí lẽ ra không ai trồng cây bao giờ. Nó mọc ngay đối diện với khung cửa sổ hướng ra đường của nhà tôi. Khung cửa sổ ấy là nguồn ánh sáng duy nhất của ngôi nhà hình ống, và là con mắt để nhìn ra đường. Cái cây ấy tuy không mọc trên đất nhà chúng tôi, nhưng tán cây lại xòe to vào đến tận khung cửa sổ và che đi nguồn ánh sáng vào nhà. Ngày cái cây đổ gãy, mấy cụ già trong ngõ buồn ngẩn ngơ suốt mấy tuần liền vì mất đi chỗ tụ tập râm mát để chơi cờ tướng. Hồi ấy nhìn các cụ tôi chỉ nghĩ người già phức tạp thật. Có hàng nghìn, hàng triệu cái cây đổ xuống mỗi ngày trên trái đất, thêm một cái cây gãy ngọn thì có làm sao. Người ta buồn vì mất con gà, con chó hay con mèo chứ mấy ai buồn vì một cái cây già bị bão đánh gãy. Nhưng sau này khi hỏi bà nội, tôi mới hiểu rằng thực ra xung quanh cái cây ấy có rất nhiều câu chuyện thú vị.
2.
Trước khi thành phố quy hoạch lại đô thị thì đây là trục tỉnh lộ duy nhất dẫn về ba xóm An Trung, An Nguyên và An Bình, thuộc khu vực Phú Khánh, ngoại thành của tỉnh Thái Bình. Lòng đường vừa đủ cho hai chiếc xe bò tránh nhau. Lề đường cỏ mọc lút đầu người và cái cây chưa từng mọc ở đó.
Bà nội tôi kể rằng ở xóm An Nguyên có một người quả phụ thắt đáy lưng ong rất đẹp, niềm ao ước của các chàng trai của ba xóm. Thật không may người chồng mất khi cô vừa tròn tuổi đôi mươi. Việc cô góa chồng khiến những người đàn ông sớm tối lượn lờ xung quanh nhà. Những người lính Pháp cũng trong số đó. Người đàn bà ấy không chỉ đẹp mà còn có biệt tài nấu ăn. Món cá kho vùi đống rấm của bà ngon nức tiếng trong vùng. Khi những lọn khói vừa tan, chiếc niêu đất được lôi ra, phủi sạch lớp bụi, mùi cá kho tỏa ra, bay từ xóm An Nguyên qua hết cả ba xóm. Người người muốn ăn cá kho của người đàn bà đẹp. Những cụ già đã rụng hết răng thì sống chết gì cũng chỉ ăn cá kho “cô Nụ” nhừ tan và thơm phức.
Cô Nụ kiếm sống từ những niêu cá kho, người ta bảo thế. Người ta cũng đồn rằng, cô Nụ kiếm tiền từ những tên lính viễn chinh. Hằng đêm, khi những ngọn đèn tắt ở trong xóm, ở nhà cô Nụ tiếng cười sẽ thâu đêm. Chả thế mà tên đồn trưởng dù biết cô Nụ kinh doanh món cá kho rất lời nhưng chưa bao giờ hắn bắt ne bắt nẹt cô Nụ. Lần nào giáp mặt cô Nụ ngoài đường, hắn cũng khẽ cúi đầu chào cô. Thái độ nhũn nhặn của hắn càng khiến lời đồn thêm mùi vị. Và hình như điều đó càng khiến đặc sản cá kho của cô Nụ thêm đặc biệt. Tiếng lành đồn xa, bếp ăn nhà cô Nụ tấp nập những bước chân ra vào và tiếng cười của cô Nụ càng thêm rổn rảng.
Nhưng cô Nụ cũng ma lanh lắm. Cô không cho không, biếu không ai cái gì. Tính cô vốn rạch ròi. Một xu một khúc cá, bốn xu năm khúc, cứ thế mà bán. Ai có tiền thì ăn, không có tiền thì đừng mơ ăn cá cô Nụ. Vậy mà cửa hàng nhà cô lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào. Cô Nụ càng cười rổn rảng thì bọn lính càng có vẻ nể phục cô. Chúng biết kiểu gì cũng không tơ hào của cô được một khúc cá miễn phí. Cũng không hiểu cô có ma lực gì mà ngoài tên đồn trưởng thỉnh thoảng buông lời ong bướm, những gã đàn ông khác chỉ dám đứng nhìn cô từ xa chứ chưa nói gì đến việc ăn quỵt của cô khúc cá.
Nhưng nếu cứ ăn với giá cắt cổ như thế thì tốn quá, vậy là chúng nghĩ ra trò mới. Chúng gọi cô Nụ lên đồn, ép cô phải nhận lời làm đầu bếp cho chúng. Chúng sẽ mang cá đến tận nhà cô, cô chỉ việc kho và chúng trả tiền công. Cô Nụ như cá nằm trên thớt, cố quẫy đến đâu cũng chỉ có thể ngoi ngóp thở. Vậy nên dù ma lanh, cô Nụ cũng không đủ sức mạnh để từ chối yêu cầu của đồn trưởng. Thực ra cô Nụ thấy công việc đầu bếp cũng không phải là việc xấu. Cô có việc làm, con cô có cái ăn. Hơn nữa nấu ăn cho bọn Pháp ít nhất cô được an toàn. Sống ở đời ai biết đâu được, đàn bà một thân một mình, ghen tức luôn rình rập chưa kể những gã đàn ông vẫn âm thầm thèm muốn thân xác của cô. Đấy chẳng gì cả xóm đồn cô lẳng lơ. Thôi thì kiểu gì chả mang tiếng.
Bà nội tôi vừa kể vừa thở dài. Đời người đàn bà cái thời ngày xưa khổ lắm. Một cổ mà bao nhiêu tròng, nào gia đình, nào xã hội, lại còn phải chống trả định kiến. Ai không ma lanh thì không sống được. Cô Nụ lại là gái góa, một thân một mình nuôi con thì càng khốn khổ. Mấy ai đủ từ tâm để thương cô.
Nhưng rồi, đứa con của cô còn chưa kịp lớn thì cô Nụ đã bị xử án.
Một buổi sáng, xóm An Nguyên bừng tỉnh. Bọn lính Pháp kéo đến nhà cô, đi đầu là lão đồn trưởng. Mặt lão đỏ gay như người vừa uống rượu. Lão quát nạt bằng giọng nói ồm ồm với thứ tiếng Việt bập bõm:
– Đánh chết con mụ Việt Minh cho tao!
Bọn lính Pháp lao vào trói quặt hai cánh tay của cô Nụ ra phía sau, chúng lôi cô xềnh xệch ra lề đường chỗ đông người qua lại vào buổi sớm nhất. Lão xóm trưởng đứng ra luận tội:
– Nguyễn Thị Nụ phạm tội tham nhũng tài sản của nhà nước bảo hộ để nuôi Việt Minh. Từ lâu mụ ta đã bớt thức ăn của quân lính để nuôi lính phản quốc. Lẽ dĩ nhiên tội phản quốc sẽ bị xử tử.
Bản án chỉ vỏn vẹn có vài từ, không một tòa án nào được dựng lên, cũng chẳng có pháp luật nào rõ ràng để định nghĩa tội trạng của cô Nụ. Lão đồn trưởng đứng nhìn lão xóm trưởng luận tội người phụ nữ vẫn thường nấu ăn cho hắn với vẻ hả hê của một kẻ không chơi được hoa thì phải bẻ cành. Và sau tiếng “bùm”, một làn khói nhẹ bay lên, cô Nụ gục xuống bên lề đường, khuôn mặt nhẹ tênh hướng về xóm An Nguyên, trên môi của cô nụ cười dường như vẫn rổn rảng.
Xác của cô Nụ bị phơi nắng bên lề đường ba hôm đến bốc mùi. Một buổi tối, những người đàn ông trong xóm rình lúc bọn lính mất cảnh giác đến lấy xác và làm lễ an táng cho cô.
Bà nội tôi vừa kể vừa nhìn về phía hư vô. Đàn bà mấy ai được như cô Nụ, rõ mỏng manh thân cô thế cô mà dám một mình lao vào hang cọp. Cô Nụ nấu ăn chỉ là cái cớ. Hàng ngày mớ cá kho cho bọn Pháp được cô cắt khúc rồi chọn những khúc ngon để vùi đống tro, những khúc còn lại cô cho vào niêu vùi vào đống rấm dành cho lính. Bọn lính đến lấy niêu cá kho chẳng sờ vào tro bếp bao giờ mà biết được bí mật của cô Nụ.
Bây giờ thì người xóm mới hiểu những người khách sùm sụp nón mũ đến từ phương xa dáng vẻ nghi ngại ấy là những người lính Việt Minh mà cô Nụ nuôi từ bấy lâu nay bằng cá của đồn trưởng.
Cô Nụ không còn nữa, những bữa cơm của đồn trưởng trở lên nhạt nhẽo vô vị, hắn như con thú buộc phải ăn những đồ uế tạp để sống. Xóm An Nguyên cũng mất dần những lọn khói bay lên và mùi thơm của cá kho. Về sau, ở chỗ cô Nụ gục xuống, dân làng An Nguyên trồng một cái cây để tưởng nhớ cô.
Cái cây theo thời gian lớn lên. Tán cây xòe rộng trổ những mắt lá tinh nghịch gọi bầy chim về làm tổ ríu rít bốn mùa. Người xóm An Nguyên bảo rằng đó là tiếng cười của cô Nụ. Tiếng cười hóa thân trong tiếng chim hót. Cô Nụ sống nô lệ nên khi cô mất, ông trời hóa kiếp cho cô thành loài chim để cô hưởng trọn kiếp tự do.
Tôi không phải là kẻ mê tín, nhưng từ ngày nghe bà nội kể chuyện, tôi thường ngồi dưới tán cây để nghe tiếng chim hót. Và tôi không rõ trong câu chuyện của bà nội có bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng đúng là cái cây cô Nụ chưa khi nào ngừng tiếng hót của bầy chim, và hình như những mắt lá cũng rất lung linh. Thân cây vươn thẳng về phía bầu trời tua tủa những cành mơn mởn lá xanh. Trong những cây mọc ven đường thì có lẽ cái cây cô Nụ là nơi có nhiều loại chim tụ tập nhất.
Bà nội tôi lại kể, ngày cha tôi còn nhỏ, hằng ngày đi học qua cái cây, cha tôi cùng lũ trẻ của ba xóm thường víu cành cây đánh đu. Ở chỗ thân cây nơi có chạc ba chẽ ra, bọn trẻ theo chạc cây leo lên đến ngọn để bắt chim. Và đó là hoàn cảnh để cha mẹ tôi gặp nhau.
Lần ông leo theo tiếng chim leo ra đến đầu cành thì cành cây bỗng cựa mình kêu rắc, cha tôi rơi xuống. Khi cha mở mắt đã thấy mẹ đang đứng trước mặt trong tay cầm một tổ chim non. Mẹ không nói gì mà nhìn cha cười khoe hàm răng trắng ngần. Cha tôi chỉ biết đỏ mặt lí nhí một vài từ rồi chạy biến. Mẹ tôi mang con chim non về chăm sóc cho đến khi nó ra ràng và trả nó về với cái cây. Cha tôi thôi bắt chim từ độ đó.
Cuộc gặp mặt tuy ngắn ngủi nhưng đã buộc họ vào với nhau trọn một kiếp người. Một tháng trước khi cha tôi nhập ngũ, bà nội tôi mang trầu cau sang nhà mẹ tôi xin cưới. Năm đó mẹ tôi vừa tròn mười tám, một cô gái mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Xóm An Nguyên gọi mẹ là Nụ Bé bởi mẹ tôi giống hệt mẹ của mình cả về hình dáng lẫn tính nết. Mẹ hưởng từ cô Nụ, bà ngoại tôi, nụ cười rổn rảng, cái eo thắt đáy lưng ong, khuôn mặt xinh xắn cùng cá tính ma lanh. Cuộc sống của đứa trẻ mồ côi chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng tiếng cười của Nụ Bé chưa bao giờ tắt. Nụ Bé giống như cái cây non đủ nắng, đủ gió âm thầm trổ lá và ra tán thách thức mọi trận bão giông. Giống như cái cây, Nụ Bé âm thầm lớn, kiên cường và dịu dàng.
Khi đám rước dâu theo tỉnh lộ đi qua gần chỗ cái cây thì trời bỗng nhiên nổi gió. Cái cây cô Nụ rung rinh tán lá vi vu những âm thanh trầm bổng. Người dân xóm An Nguyên bảo đó là hồn cô Nụ hiện về chúc phúc cho đám cưới của con gái. Cô Nụ thiêng lắm, khi sống cô bảo vệ đất nước, khi mất đi cô bảo vệ Nụ Bé. Cha tôi lặng người ôm mẹ vào lòng.
Cha vào chiến trường được một tháng thì bặt tin sau một trận đánh. Sau một thời gian chờ đợi không có tin tức, mẹ tôi tình nguyện tham gia Thanh niên xung phong với hi vọng tìm ra tin tức của cha. Chừng nào chưa có giấy báo tử của cha thì chừng đó mẹ còn nuôi hi vọng. Bà nội lại thêm một lần xót xa cho thân gái mỏng manh xông pha trận mạc. Làng xóm thương cảm, lại thêm một đời cô Nụ.
Mẹ tôi đi được hai năm thì giải ngũ trở về mà vẫn chưa tìm được cha. Mẹ xin phép bà nội dựng một ngôi nhà ven tỉnh lộ cách cái cây vài mét. Mẹ bảo ngày ngày nghe tiếng chim hót, mẹ ngỡ như được thì thầm cùng cha, tiếng chim xoa dịu nỗi cô đơn của mẹ. Bà nội khuyên mẹ tôi đi bước nữa, tuổi xuân có hạn và cha tôi không chắc sẽ trở về. Mẹ chỉ cười, nụ cười ướt át.
Cái cây bây giờ đã trưởng thành và bắt đầu trổ hoa. Nụ Bé đã thành người vợ bặt tin chồng trong cuộc chiến. Trong ngôi nhà liêu xiêu cạnh tỉnh lộ, dáng một người đàn bà đơn côi dựa vào cái cây qua mùa giông bão.
Bà nội tôi thở dài, những người đàn bà như cô Nụ, như mẹ tôi yêu những người đàn ông bằng tất cả trái tim. Họ giống như cái cây, đã trồng xuống một lần thì mãi mãi bén rễ ở nơi đó. Những cái cây ấy nếu bị đánh đi nơi khác, chúng sẽ không thể sống được.
Mẹ tôi vẫn ngày ngày ra cái cây cầu khẩn cô Nụ che chở cho cha tôi. Và rồi lời cầu khẩn ấy đã chạm được tới trời xanh. Một ngày mùa hè rực rỡ, cha tôi đã trở về, dù không còn nguyên vẹn. Trí nhớ của ông đã thay đổi, hậu quả của trận đánh năm đó. Mẹ tôi lại tỉ mẩn chăm cha như người ta chăm một cái cây non. Cha tôi dựa vào vai mẹ học đi như một đứa trẻ. Nhìn cảnh mẹ tôi chăm cha, người già xóm An Nguyên bảo họ lại thấy bóng dáng của cô Nụ năm nào, tỉ mẩn và khéo léo.
Tôi được sinh ra khi bố mẹ đã ngoài bốn mươi. Một đứa con gái trắng trẻo, xinh xắn. Xóm An Nguyên mừng cho cha mẹ tôi lập kì tích, một kì tích mà đến bây giờ vẫn có người thán phục. Bà nội tôi thở dài khi nghe người già bảo tôi giống cô Nụ như hai giọt nước.
4.
Năm tôi mười tám, Tuấn đến trọ ở xóm An Nguyên. Giống như trong câu chuyện cổ tích, những hoàng tử thường xuất hiện khi các cô công chúa vừa kịp lớn. Tuấn xuất hiện vào khi tôi đang ngồi thẩn thơ ngắm đường ở gốc cây cô Nụ. Thân hình của Tuấn nở nang rắn rỏi, giọng nói mượt mà, ấm áp. Tuấn giống cái cây suốt ngày líu lo tiếng chim hót. Từ cửa sổ nhìn ra, tôi thấy được tấm lưng vững chắc của Tuấn. Chiều chiều tiếng hát của Tuấn vọng vào nhà tôi qua khung cửa da diết. Tuấn thường chọn chỗ cái cây bởi đó là nơi duy nhất tôi có thể nhìn thấy Tuấn và nghe giọng nói của Tuấn.
Trục tỉnh lộ đã mở mang thành quốc lộ. Ba xóm An Trung, An Nguyên và An Bình giờ đã lên phường và sáp nhập vào thị xã, người tứ xứ đổ về đây kiếm sống. Cái gốc cây khô khốc bỗng nhiên trở thành trung tâm của phố nơi tập trung của người già, trẻ nhỏ, của thanh niên, đàn ông và phụ nữ. Ngôi nhà của chúng tôi trở thành ngôi nhà mặt phố rổn rảng tiếng cười của Tuấn.
Tôi lại nhớ về cái cây khi nó còn tươi tốt, từng tán lá phủ xuống che kín một góc đường. Những cành cây cuồn cuộn đua ra như thân hình một người con trai vạm vỡ. Ngày xưa khi tôi còn nhỏ, những đôi trai gái thường hẹn hò nhau dưới gốc cây, tiếng cười hạnh phúc của họ cũng từng vọng vào phòng khách nhà tôi. Một ngày sau khi cơn giông tràn qua làm cái cây trở lên xác xơ, tôi đã bật khóc. Chưa bao giờ tôi thấy thương cái cây đến thế. Vốn dĩ cái cây luôn hiện hình trong tôi xanh mướt và rắn rỏi, không một trận cuồng phong nào có thể quật ngã. Mỗi lần nằm trong vòng tay của Tuấn, tôi nghĩ về cái cây. Những ngón tay của Tuấn cọ vào lưng tôi dịu dàng như những cái vuốt ve của lá, giọng nói của Tuấn cũng dịu dàng như tiếng gió đùa vào lá và ánh mắt của Tuấn nhìn tôi cũng giống như những chiếc lá xanh mướt, dịu dàng.
Tuấn ngồi ở chỗ gốc cây, ánh mắt mơ màng xa xôi, từng cử chỉ trở nên yếu ớt. Căn bệnh ung thư phổi đang bào mòn chút sức lực cuối cùng của Tuấn. Tôi đã dừng khóc từ khi Tuấn không thể tự mình làm những công việc yêu thích hàng ngày. Bây giờ tôi muốn Tuấn dựa vào tôi giống như ngày xưa cha tôi dựa vào mẹ để học đi, tôi muốn Tuấn ngả đầu vào ngực tôi mỗi khi cơn đau ùa về hành hạ cơ thể hanh hao của anh. Tuấn hứa sẽ trở về bên tôi sau đợt hóa trị liệu. Tuấn muốn cùng tôi xây dựng lại ngôi nhà và chăm sóc cha mẹ và chăm sóc cho gốc cây. Tuấn rất thích gốc cây đó. Trong đầu của Tuấn chan chứa những dự định về cuộc sống của tôi. Tôi hiểu rằng tôi cũng yêu cái cây như tôi yêu Tuấn.
Người ta bảo với tôi rằng, đời cây dài hơn đời người nên cây ghi nhận được mọi buồn vui, sướng khổ của con người. Người đau, cây đau. Nỗi đau của người hằn lên thành nếp nhăn, nỗi đau của cây ngấm vào từng thớ gỗ và xếp thành vân gỗ, và vì thế nên đôi khi những mắt lá cũng sũng nước.
Tôi không còn nhớ nổi mình đã ngồi lặng lẽ gặm nhấm nỗi đau của Tuấn ở gốc cây bao nhiêu lần. Những lần nhìn Tuấn nghiến chặt hàm răng để không bật khóc khi cơn đau tràn về, tôi lại tìm ra gốc cây, vuốt ve từng thớ gỗ, cầu khẩn cô Nụ chở che cho Tuấn như ngày xưa mẹ tôi khẩn cầu cho cha.
5.
Chiều qua, từng đàn chim sẻ nháo nhác. Hình như chúng cảm nhận được cơn bão sắp tràn qua. Không khí ngột ngạt. Những cái cây ven đường ngả nghiêng theo hướng gió, xơ xác, già nua.
Ngồi ưỡn bụng trước hiên nhà, tôi cảm nhận được cơn siêu bão đang tràn qua. Từng cơn đau co thắt bủa vây. Những chiếc lá theo cơn lốc táp vào mặt cắt cứa. Tôi gồng mình theo tiếng gọi của mẹ, tiếng răng rắc của cành cây, tiếng ù ù của gió, tiếng chim nháo nhác gọi bầy…, và tiếng hát của Tuấn. Đã có lúc tôi tưởng sẽ buông xuôi vào những âm thanh hỗn tạp ấy, nhưng chính tiếng hát của Tuấn đã đưa tôi trở lại.
Tôi tỉnh dậy khi đứa trẻ rúc vào bầu ngực chóp chép chiếc miệng xinh xắn tìm những giọt sữa. Khuôn mặt của Tuấn, chiếc miệng của Tuấn, sự dịu dàng cũng của Tuấn. Mẹ tôi ngồi kế bên, đôi mắt ầng ậc nước đưa những ngón tay sần sùi lên lau những giọt nước mắt cho tôi. Tôi vừa trải qua cơn siêu bão một mình.
Tuấn sẽ không trở về.
Tuấn đã từng bảo tôi, một cái cây muốn ra quả ngọt cần hai lần hạ thổ. Tuấn khiến tôi cười bởi những triết lí vớ vẩn. Cái cây trước cửa nhà của chúng tôi là minh chứng cho những gốc rễ bền bỉ nhất. Phải chăng tôi đã quá ngây thơ khi nghĩ rằng tất cả mọi cái cây đều chỉ bén rễ một lần, nếu vì một lí do nào đó, chúng bị bứt gốc đi nơi khác, chúng sẽ cằn cỗi và khó để tốt tươi trở lại. Vậy nên bây giờ Tuấn đã bén rễ ở một nơi nào đó mà tôi sẽ không bao giờ được biết. Ở nơi đó liệu Tuấn có biết từ cái mầm rễ anh để lại, một cây non đã mọc lên.
Đứa trẻ ngước đôi mắt nhìn tôi, đôi mắt lung linh như hình của chiếc lá. Tôi thấy như mình vừa được nghe lại tiếng chim hót, giọng hát của Tuấn, nụ cười rổn rảng của Tuấn và cả hơi thở dịu êm của Tuấn.
Ngày Tuấn đi xa, tôi ôm gốc cây khóc nấc từng hồi. Mẹ bảo tôi, đó không phải là sự biến mất vĩnh hằng, cuộc đời của vạn vật là những vòng tuần hoàn tái sinh. Không cuộc đời nào tự nhiên sinh ra, không cuộc đời nào tự nhiên biến mất và cũng không có cuộc đời nào chết hai lần. Chỉ có sự tái sinh sang một dạng vật chất khác, một dáng hình khác, một cuộc đời khác.
Tuấn chưa từng được biết cái cây khi nó còn là cây cô Nụ. Tuấn xuất hiện khi cái cây chỉ còn là cái gốc khô khốc nên Tuấn không tin nhiều về sự tái sinh dù sâu thẳm Tuấn vẫn mơ về một sự hóa kiếp. Có lần tôi nói với Tuấn về ước mơ của mình, tôi ước khi hóa kiếp, tôi sẽ được sống đời cây để được trường tồn với mảnh đất nơi tôi sẽ cắm rễ. Tuấn mỉm cười bảo tôi, nếu thật sự có sự tái sinh, Tuấn mong sẽ được gặp lại tôi, Tuấn sẽ nguyện là mảnh đất để tôi bén rễ.
Đứa con của tôi bây giờ đã biết đi. Nó dò dẫm từng bước ở trước cửa nhà, rồi ra bám vào cái gốc cây hanh khô ấy trước khi quay lại nhìn tôi cười thích thú. Hàng ngày mẹ tôi vẫn cần mẫn xách ra từng chậu nước gạo để tưới vào gốc cây. Đã có lúc tôi bảo mẹ, người ta chỉ chăm những cây còn sống, chẳng ai như mẹ lại đi chăm một cái gốc cây chết khô. Mẹ cười tựa như mẹ vẫn cười khi chăm sóc cha.
Cha tôi bây giờ đã già, nhưng cơ thể của ông vẫn khỏe mạnh cho dù những vết thương cũ thỉnh thoảng tái phát và hành hạ ông. Những lúc đó tôi chợt nhận ra, chính sự chăm sóc ân cần của mẹ đã giúp cha bình an trở lại. Với cha, mẹ tôi giống như cái cây rợp bóng mát để cha ngả vào lúc khó khăn. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao tôi yêu cái cây đến nhường ấy.
Một buổi sớm mùa xuân, từ cái gốc cây khô cằn ấy, gần chỗ vết cắt mọc lên một chồi xanh. Ánh mắt của mẹ rạng rỡ, mẹ bảo vậy là cái cây đã hóa xong một kiếp và hồi sinh.
Đứa con nhỏ của tôi bắt đầu biết cầm bút vẽ. Trong những bức hình của nó, hình ảnh của Tuấn luôn ở đó. Khi là cái cây cho tôi tựa vào, khi lại là tán lá đang ve vuốt khuôn mặt của tôi. Mỗi khi mệt mỏi, nó ngả đầu vào người tôi lần sờ từng lọn tóc giống như Tuấn từng vuốt ve từng chiếc lá trước khi đưa lên mũi hít hà.
Bây giờ, cái cây đã mọc cao vài mét, từng đàn chim rủ nhau đến chuyền cành rồi ở lại luôn trong những tán cây. Đứng nhìn từ xa cái cây thật buồn cười. Từ chỗ cái mầm nẩy lên vút cao một thân cây mới bớt sần sùi hơn cái thân cây cũ, cũng có thể bởi nó còn non nên trông nó nhẵn nhụi hơn. Đứa con nhỏ của tôi đã lớn và mang hình hài của Tuấn. Tôi thường ra ngồi trên mặt cắt của thân cây cũ, ngả lưng vào thân cây mới, nhắm mắt và tưởng tượng về cái cây cũ. Tán của nó cũng từng xòe rộng như tán của cái cây mới này, những mắt lá cũng biếc xanh, những cành cây tua tủa đua lên nền trời xanh như chưa bao giờ tuyệt vọng…
Q.G