RadioVn.Com – Khi bắt gặp nụ cười run rẩy trên môi đứa con gái, chị cảm thấy tức thì về cuộc sống hiu hắt của mình, cảm giác rõ ràng như đang đêm mà ngọn đèn duy nhất trong nhà tắt phụt.
Đó là lúc nó, con Thảo lẫm chẫm của mười tám năm trước, lấn qua lối gặt của chị, bàn tay tháo vát túm một lượt hai bụi lúa rồi xiết một đường hái ngọt xớt, để lại trên đầu rạ vết cắt không bình thường, lởm chởm hàm chó.
– Độ rày trời mau tối quá chừng!
Nó nói, cái giọng rụt rè mà như lưu ý chị. Quả thời tiết cuối năm còn chịu ảnh hưởng của tháng mười chưa cười đã tối, nhưng lúc con gái chị đứng sững lên băn khoăn nhìn trời thì chiều còn roi rói.
Truyện đêm khuya – Trên Mái Nhà Người Phụ Nữ
Một buổi chiều như mọi buổi
chiều khô ráo trong mùa gặt. Cánh đồng bỗng hực vàng xối xả, không trung lả tả chim lá rụng và chân trời sau ven lá dừa nước bên kia sông lựng đỏ như một mẻ than khổng lồ. Chung quanh bốc lên mùi nồng ngái muôn thuở của rơm rạ, mặt đất se se dưới chân mát rượi màu xanh của rau đắng đồng, rau bợ và vài thứ cỏ linh tinh khác mọc len lỏi giữa những hàng lúa. Kéo khăn rằn trùm đầu xuống cổ, nghe hơi gió mát lạnh mang tai, chị biết nước sông đang rong bờ và lục bình đang nao nao đổ vào cái eo vịnh cong như sợi dây cung bên xóm.
Hai Mật nhận thấy đôi tay quán xuyến của con gái cũng có cái gì đó nao nao. Một chân chồm hẳn qua bên chị, nó thâu tóm về mình một lối lúa có tới mười lăm buội. Chiếc áo bà ba màu khói đã cũ dán vào lưng hằn một đường eo chắc lẳn hồng hồng. Hai cánh tay thon thon vung vẩy khéo léo và hấp tấp như đang múa. Tiếng hái ăn rạ ròn khướu như tiếng trâu ăn cỏ. Lát lát nó ngẩng mặt lên nhìn vạch chấm hết lối gặt là cái bờ mẫu với những cụm bông mắc cỡ tím rưng rưng chen bên những bụi cỏ đuôi gà. Phải chật vật lắm chị mới theo kịp con dù nó chỉ dành cho chị một lối lúa hèm hẹp. Chưa bao giờ chị thấy con quyết liệt và bồn chồn như vậy. Khi đặt nắm lúa cuối cùng xuống. Khi đã không quên dùng hái khoèo những bông lúa vung trên bờ mẫu để tránh chân người, nó ngoảnh nhìn chị, ánh mắt chờ đợi và thăm dò. Chị thử làm thinh. Không giấu nổi sốt ruột, nó buột miệng:
– Nữa hay về, má?
Chị nheo mắt kín đáo quan sát con. Đầu nó cúi thấp, miệng nhấm nhá một cách vô bổ cọng rạ trong trong, chót mũi rám nắng lấm tấm mồ hôi hột, cả người nó căng thẳng trong sự chờ đợi khổ sở. Chị chợt hiểu và cảm thấy hoảng sợ với ý nghĩ không bao lâu mình sẽ làm bà ngoại. Đã trù tính hết mọi chuyện nhưng khi nó đến chị lại bị bất ngờ như là nó ập đến. Thời gian mới nghiệt ngã làm sao! Chị thì vẫn trinh nguyên mà con gái chị sắp không còn con gái nữa. Nếu là người dứt ruột đẻ ra nó chắc hẳn chị đã vui mừng và lo âu trước sự bắt gặp này. Ngược lại, trái tim son rỗi của chị bỗng dưng đập những nhịp đập đồng cảm bạn bè với cô con gái.
– Về thôi, con.
Vừa nghe mệnh lệnh hào phóng
ấy. Thảo vứt ngay cọng rơm, mỉm cười và bước né qua mặt chị, cái lưỡi hái trên tay quạt ràn rạt trên đầu rạ. Không thể vù chạy vì có chị nên dáng đi của nó gây tức cười trong vẻ cố ý nghêu ngao. Đáng nói là nụ cười của nó, nụ cười run rẩy như một đoá quỳnh xoè nở, nụ cười không giấu nổi cái hạnh phúc trinh nguyên, nụ cười thú nhận sự chuyển hoá từ cái nụ bỗng dưng thành cái bông nở ra kỳ hết, nụ cười thú nhận cái vẻ phụ nữ trọn vẹn của mình. Đứa con gái cứ đi và cứ cười, còn người mẹ thì lủi thủi theo sau và cứ hiểu theo cách hiểu của một người đã trải qua cả tâm trạng ấy.
Trong đời người phụ nữ ai cũng có ít nhất một lần cười cái nụ cười của Thảo đang cười. Đó là lúc cô ta được giải thoát khỏi công việc và trong đầu ngợp những hình ảnh về cuộc gặp gỡ với cái người đang thập thò ở chỗ hẹn nào đó. Lần đầu tiên ấy, lần đầu tiên thôi, cô gái là một đoá quỳnh trong đêm giao thừa của đời mình.
Hai Mật nhớ lại thời trẻ, cái thời chính mình cũng cảm thấy sự tươi mát của mình, cái thời chị để tóc chấm chôn áo bà ba và kẹp nó bằng cái kẹp ba lá sáng trưng như mọi cô gái miệt nầy. Chị yêu thầm một anh bộ đội có gương mặt của cậu học sinh thành đạt; trên đó, khi vui hay buồn đều toát ra vẻ thanh cao thơ trẻ. Hai người thường bắt gặp cái nhìn của nhau, không phải ánh mắt đắm đuối mà là sự tò mò ngờ nghệch, mỗi lần như vậy, cả hai đều hốt hoảng quay đi, người rúm lại như bị phỏng lửa.
Cứ khoảng một tuần, đơn vị của Cường lại báo về đóng quân trong xóm của Hai Mật. Anh là người sức vóc trong tiểu đội nên hay giành phần cầm chèo, chị biết vậy vì mỗi khi xuồng cập bến bao giờ anh cũng xuất hiện trước cửa nhà chị với cây trung liên và cái ba lô xề xệ một bên vai, còn vai kia là đôi chèo với bộ quai đánh rất bóng bằng dây chuối xiêm khô. Anh chỉ trao cho chị cái nhìn ngập ngừng rồi quay sang nói năng và mỉm cười dạn dĩ với má chị. Vì vậy, nếu không có buổi chiều lập cập ngoài ruộng thì mối tình ấy mãi mãi là một bí mật thiêng liêng chỉ riêng chị biết.
Đó là một buổi chiều yên tĩnh,
chiến tranh chỉ lảng vảng ở đâu đó bên ngoài cảm giác của trái tim đang yêu. Lúc ấy đang mùa thu hoạch lúa, những đợt tấn công mùa khô của ta vào quân địch đã bắt đầu liên tục. Tranh thủ thời gian máy bay giặc ngừng hoạt động, nông dân hay ở lại trên ruộng cho tới tối mịt, những đêm có trăng họ còn thức suốt ngoài đồng. Đang xúc vô bao mớ lúa do chính mình đập lấy, Hai Mật bỗng thấy cả người bồn chồn, linh cảm đó ngày nay người ta gọi là hiện tượng thần giao cách cảm. Chị biết đơn vị của Cường đang trên đường đáo lại
xóm chị.
– Về má ơi! Chị kêu lên, bàn tay xoắn không chặt nuộc lạt trên miệng bao.
– Cái con nhỏ nầy! Má chị trách nhẹ.
Sau đó chị làm ộc lúa trong bao ra đất nẻ và cuối cùng thì bỏ béng mớ lạt dừa ở đâu đó nên chị bị mắng thực sự.
– Vìa thì vìa! Bộ đói bủn rủn hết rồi ha?
Chị vụt cười, nụ cười run rẩy sung sướng. Má chị ngạc nhiên nhìn chị, nhìn đến độ khi bà hiểu lờ mờ cái gì đó rồi mới buông tha chị. May thay, bà chỉ phán một câu thật xứng đáng là một bà mẹ chiến sĩ, đúng như chức vị của bà hồi ấy.
– Thế nào tối nay tụi nó cũng
đáo vìa. Thôi, vô cơm nước sơm sớm! Kiếm cái gì nấu cho tụi nó ăn giờ, Mật? Chèo sút mồ hôi mà tới nơi còn phải đào hầm đào hố.
Chị xốc gọn hơ bao lúa hai giạ lên vai và đi như chạy vô mí vườn. Chị gặp Cường tại bờ bến, trong ánh hoàng hôn chập choạng, chị nhìn thấy ánh mắt tỏ tình ngượng ngập của anh. Chị đáp lại bằng nụ cười của một đoá quỳnh trong khoảnh khắc bừng nở. Từ giờ phút đó, kể như chị đã từ giã những niềm vui vô tư để bắt đầu thời kỳ đau khổ của hạnh phúc.
Một tuần sau, đơn vị của Cường lại đáo về, nhưng người xuất hiện trước cửa nhà chị với cây súng và cái ba lô của Cường, với cả cây chèo thon thon bằng cây đước mun bóng không phải là Cường. Bằng sự từng trải của người goá bụa, má chỉ an ủi chị một câu:
– Chiến tranh mà! Rồi nó qua thôi con!
Dĩ nhiên rồi nó sẽ qua, chiến tranh và những nỗi khổ. Ký ức chị lưu giữ hình ảnh một anh Cường với gương mặt phúng phính lông tơ, nụ cười vụng về và ánh mắt mát lành như buổi sớm…
Hai Mật nhìn thấy con cúi xuống cái bồ đập lúa hình chiếc loa, tay ôm xốc lên một mớ rơm, chắc là để cho bầy vịt rỉa lúa sót. Nó như nhỏm chạy vô mí vườn, chỗ hàng dừa bao ngạn bắt đầu tập họp bóng tối dưới những tàu lá bề bộn. Nó đang đi con đường tâm trạng của chị hồi đó. Đợi nó là ai kia? Có thể lắm là cái cậu thầy giáo đã để lại chiến trường biên giới một bàn chân ấy. Ngoài tiếng ghi-ta trữ tình và nhiều nội tâm, cậu ta còn có một phong thái trầm tĩnh tự nhiên và thái độ sống tận tâm hiếm có. Mới chuyển về xóm Vịnh thay cho tay thầy giáo có cái lưng dài hơn cặp chân, vị thầy mới đã đứng ra sửa trường, chấm dứt cảnh trùm áo mưa trong giờ dạy. Nhưng, chính vị thầy giáo tật nguyền đó hay người khác bây giờ không phải là việc chị nữa. Chị sẽ ngồi đúng chỗ mà con Thảo đặt.
Ừ, ngay cả việc chọn lựa đó nó cũng có vẻ giống chị. Nó đã khá giống chị từ hồi chị mới nhận nó về. Hồi ấy, trong nhà đã có ba đứa nhỏ. Một đứa gái lên bảy, con của chị cán bộ phụ nữ tỉnh. Hai đứa trai lên năm, con sinh đôi của chị cán bộ địch hậu. Thảo là con chị y sĩ có tiếng trong tỉnh. Lúc đầu, thấy các chị các cô bồng chống con cái lòn xòn theo, mấy bà má trong Hội mẹ chiến sĩ đã nghĩ ra cách nhận lũ nhỏ về nuôi giúp. Dù rất ái ngại, những người phụ nữ có nhiệm vụ thoát ly gia đình cũng phải chấp nhận và cho đó là kế sách hết sức nhân nghĩa, là lối ra táo bạo cho hoàn cảnh ngặt nghèo của họ. Những năm đó, con người còn bám ruộng vườn được, miếng cơm manh áo không nan giải lắm. Má con chị đã làm ruộng, đã trồng khoai ở bất cứ khoảnh đất trống nào trong vườn nhà, đã xúc tép bắt cua, đã chằm lá mướn để nuôi bầy trẻ lóc nhóc. Những gia đình làm việc nầy như gia đình chị đều chung một ý thức hồn nhiên rằng: đây cũng là cách góp sức mình cho cách mạng.
Má của Thảo chuyển Thảo qua tay chị ngay cái ngày dứt sữa cho nó. Người mẹ bặm môi nhịn khóc ra đi. Cũng ngay đêm đó, lúc đi đỡ sanh cho một cán bộ khác ở cữ, má nó lọt vô ổ của tụi biệt kích và hy sinh. Đêm đêm con Thảo cứ khóc thét lên từng chập, ánh mắt khắc khoải nhìn chị, nhưng khi chị ẵm nó lên, nó lại không chịu áp đầu xuống vai chị, vừa khóc rưng rức nó vừa ngoảnh nhìn dao dáo ra bóng tối ngoài cửa. Đúng như má chị tiên đoán, khi bén mùi chị thì nó vượt được cơn sốc bí ẩn trong nó. Vào thời kỳ bập bẹ tập nói, tự dưng, chưa ai kịp dạy, nó đã kêu được tiếng má rành rạnh, khi kêu, nó nhìn đúng chị và cùng với tiếng nói đầu tiên, nó gửi tới chị ánh mắt long lanh vui sướng. Cảm thấy vừa hạnh phúc vừa bất hạnh, Hai Mật bỗng rùng mình trước cái chức má mà chị không hề mong đợi. Ngay sau đó, một niềm vui cao quý bùng dậy, dập tắt cái cảm giác kỳ lạ ban đầu, chị lao tới ôm chầm lấy nó, để lại trên khắp mặt mũi nó những vệt nước nóng hổi.
Đã có một đơn vị khác chuyển tới vùng chị thay cho đơn vị của Cường vừa nhổ lên vùng trên. Chị lại yêu một anh bộ đội. Tại sao chị cứ chọn đối tượng này, điều đó cũng khó giải thích như bản thân tình yêu và không ai định giải thích làm gì. Nhưng quả tình, cuộc sống của họ có cái gì đó khiến các cô gái dù tính toán thiệt hơn đến mấy rồi cũng không cưỡng nổi sự hấp dẫn của họ. Đó là cuộc sống quy củ dung dị, là sự chân thành trong thái độ cư xử và trên cùng là cái chất sống hiên ngang khoáng đạt của họ.
Lần này, trái tim đã đằm thắm của chị gặp được một người thâm trầm. Mở đầu cuộc gặp gỡ được má chị cho phép, anh nói trang trọng:
– Anh hiểu em Mật à. Chuyện đó không có gì quan trọng hết. Anh sẽ coi con Thảo như con anh.
Chị muốn bật cười, nhưng dưới ánh trăng thanh mảnh lọt qua kẽ lá vú sữa hai màu, chị cảm thông sâu sắc vì gương mặt trắng tái đi bởi xúc động chân thành. Không có vẻ cao thượng của kẻ biết hy sinh, cũng không có vẻ khổ sở của kẻ cảm thấy mình thiệt thòi, điều anh nói ra giản dị như mọi sự giản dị khác của anh. Chị im lặng, định dành cho Tráng sự bất ngờ trọng đại khi chị thuộc về anh.
Quả con Thảo càng ngày càng có vẻ giống chị như con đẻ. Cũng nước da bánh ít và gương mặt nhẹ nhõm, phúc hậu, cũng giọng cười giòn rụm hết mình và tướng đi lẹ làng, nhanh nhẹn như làn gió. Cũng cái thần thái phảng phất vẻ buồn buồn thường thấy ở những người sớm chịu đựng mất mát lớn lao. Ngoài sự phát hiện đó, chị còn nhận thấy sự thú vị khác ở chị, rằng chị chưa bao giờ cho người ngoài xóm biết Thảo là đứa con nuôi bất đắc dĩ vì chị cảm thấy không nỡ. Lời thú nhận đó sẽ làm cho tình thương ngậm ngùi trong chị không còn trọn vẹn và thiêng liêng.
Lần đầu tiên chị biết được cảm giác run rẩy khi người đàn ông chạm tới lúc con Thảo vốn nghịch ngợm đã cầm ngón tay ám khói của Tráng dí vào cái bớt lọ trong mái tóc mai của chị.
– Đó! Cậu chùi đi! Con chùi hoài mà nó không chịu sạch!Nó cười khăng khắc, một chân dậm đồm độp trên giường, cánh tay tròn như ống chỉ cầm chắc tay của cậu Tráng mà miết tới miết lui bên tai chị như điều khiển cái bàn chải.
– Đố Thảo biết sao má có cái bớt này? – Anh nói, hơi thở gần đến mức chị muốn choáng váng. Tại vì hồi mới sanh má, ngoại trét lọ chảo lên đây để làm dấu nè nghe!
– Sao phải làm dấu hả ngoại? Con bé kéo cổ má chị vào cuộc.
Bà chỉ cười, nụ cười mãn nguyện rồi lặng lẽ quay lại với bếp lửa.
– Làm dấu đặng để dành cho cậu mà!
Anh nói hể hả và cười hệch hạc. Từ chiếc áo màu lá cây của anh toát ra cái mùi kỳ lạ làm đầu óc chị chao đảo. Phải huy động hết sức mình chị mới nhấc nổi tay lên chạm vào vùng ngực ấy để đẩy anh ra. Anh lùi xa chị vài bước và nhìn chằm chặp vào mặt chị bằng ánh mắt trêu trọc, còn chị thì bủn rủn đứng lên cười mếu máo.
Trên Mái Nhà Người Phụ Nữ – Dạ Ngân
Chị còn có những buổi chiều xao xuyến một đời. Đó là những lúc sông Nước đục duềnh lên trong tiếng dào dạt của dầm chèo, đoàn quân đi dưới cái bóng âm thầm của rừng lá dừa nước dày như bức tường thành ven sông, hoàng hôn vãi xuống giữa dòng một dải lụa ửng tím. Vài cánh cò chểnh mảng trên không trung nghi ngút màu lam, màu trắng nuột nà trên đôi cánh trở thành điểm sáng riêng tư lãng mạn giữa trời chiều. Tiếng bần rụng thảng thốt trong biển lá, từ đó vọng ra tiếng chim bìm bịp âm trên mặt sông như tiếng vỗ khắc khoải trên mặt ống. Ngồi trên cây dừa nhoai ra mép nước, Hai Mật nhìn thấy tất cả họ, khi đoàn xuồng cắt ngang dải lụa để từ doi lá bên kia đi chéo sang doi lá bên nầy. Họ giống nhau lạ lùng, cái khổ người chắc nịch, cái vành nón tai bèo chấp chới, cái gương mặt bất động trên những chiếc xuồng xôn xao lá nguỵ trang. Ai cũng có thể là anh Tráng của chị, nhưng chỉ mỗi mình anh mới dễ dàng nhận ra dáng ngồi trông ngóng của chị trên cây cầu dừa. Trong chiến tranh, được nhìn thấy nhau như vậy cũng là hạnh phúc. Đó là những buổi chiều đỏ bầm, như tứa máu, là những khúc ca bi tráng không nguôi trong ký ức. Có khi đoàn quân bất ngờ đảo lại xóm chị vào lúc nửa đêm và anh Tráng của chị cũng bất ngờ xuất hiện với nụ cười tươi tỉnh. Rồi một hôm, vào lúc hừng đông, sông Nước đục mù mịt sương tưởng có thể múc được bằng nón, họ trở về xóm chị, mình mẩy người nào cũng bốc mùi thuốc đạn. Trên chiếc xuồng Tráng thường đi bỗng trống trơn, chỗ anh vẫn ngồi vần vũ màu sương tang tóc. Mới nhìn thấy cái khoảng trống ấy, chị cảm thấy được ngay cái khoảng chống chếnh không sao bù đắp nổi trong cuộc đời mình, như giông bão vừa cuốn phăng bóng cây vững chãi trên mái nhà chị.
Dĩ nhiên rồi nó sẽ qua, chiến tranh và những nỗi khổ.
Bằng tất cả tiềm lực man dại của nó, giặc bình định ác liệt vùng chị. Chúng quẳng vào mảnh đất bằng bàn tay ấy bảy mươi ba tiểu đoàn. Má con chị bồng chống bốn đứa nhỏ lóc nhóc ra tá túc trong vườn dừa của người bà con gần chợ Vị Thanh. Nhà đông miệng ăn, chị phải tập tành mua gánh bán bưng. Đầu đội chiếc nón lá thâm kim, một mình giữa những thúng gạo, vừa nhấm nhá gạo sống, chị vừa tự an ủi: rồi nó sẽ qua, chiến tranh và những nỗi khổ. Dù cực đến mấy, chị nghĩ, mình sẽ cầm cự được cuộc sống mong manh nầy để làm cho trót lời hứa với ba má bọn trẻ con trong nhà, nếu như má chị không bị bắt. Trong khi theo dõi chị cán bộ binh vận, má của hai đứa nhỏ sinh đôi, địch đã phát hiện ra đường lui tới của chị. Chúng đã bắt luôn bà má, trong khi Hai Mật đi vắng. Lại một lần nữa, nhờ sự bao bọc của bà con chỗ chị tản cư tới, sau khi gom được bốn đứa nhỏ, chị bồng chúng lên Cần Thơ vừa để rộng đường lẩn tránh vừa để gần nhà lao giam má chị. Ở tại thành phố trung tâm này, chị đã làm mọi việc: giặt ủi, gánh nước mướn và cả việc rửa chén cho các quán nhậu.
Sau hiệp định Pa-ri, giặc chưa kịp thực hiện việc trao trả tù nhân thì má chị đã chết trong khám. Chị đưa bốn đứa trẻ trở về mảnh vườn không còn một cây đứng, công việc đầu tiên là dựng cái chòi trên nền cũ lởm chởm gốc sậy và đóng ngay cái bàn thờ phập phình bằng cây mí bái.
Mấy đứa nhỏ lần lượt được ba má đón đi. Chị cán bộ phụ nữ tỉnh đến xin Hai Mật cho nhận con lại, bảo là cuộc chiến đã dễ thở, chị có thể mang nó bên mình được. Hai đứa sinh đôi được má cho người đem lên chiến khu Đ, để theo đường Trường Sơn ngược ra Bắc học vì mẹ chúng đang ở ngoài kia sau đợt trao trả tù đầu tiên. Còn bé Thảo, nó cũng được đón ba nó trong căn chòi của chị. Anh hay tin vợ chết lúc còn học ở trường chính trị trong rừng miền Đông. Sau đó anh được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, mãi đến sau này anh mới biết được địa chỉ tạm trú của con.
Khi chị bảo với Thảo lần thứ ba rằng người đàn ông ấy là cha nó, đôi mắt kinh ngạc của nó ánh lên vẻ gan góc của sự vâng lời. Nó bỡ ngỡ ngã vào lòng anh, ngượng nghịu né tránh những cái hôn nhám râu của anh. Chỉ vài giờ sau nó đã thật sự tin anh là ba nó. Nhưng khi anh móc từ trong bóp ra tấm ảnh ố vàng của người đàn bà và bảo đó là má nó, lập tức nó giẫy nẩy phủ nhận và gắng sức giẫy khỏi vòng tay anh rồi từ xa, nó đứng sững nhìn anh bằng con mắt hoài nghi tội nghiệp.
Đêm đó, nó nhất định không chịu ngủ với ba. Khi anh kéo nó vô cái mùng của mình trên nền đất trong chòi, nó cự tuyệt đến mức anh nổi giận. Lúc đã lên được mùng của chị thì nó bật cười hăng hắc:
– Ba nói là ba của con sao ba không ngủ với con với má? Bộ ba hổng thương con sao?
Câu cuối cùng nó nghiêm túc một cách bất ngờ, bất ngờ đến mức cả hai người lớn đều lúng túng. Sau đó nó giở trò nằn nì anh, không được nó bèn khóc ầm lên, buộc anh phải lên giường với má con nó. Chị còn nhớ rõ, khi cánh tay bồi hồi của anh giở mí mùng lên để chui vào, chị đã ngồi bật dậy, hai tay ôm đầu gối, người rúm ró trong cơn sốt điêu đứng. Nhưng con Thảo không để chị yên, nó buộc chị và anh nằm xuống và loay hoay thu xếp công phu sao cho khi nó nằm giữa thì hai người không ai gần hoặc xa nó quá. Chỉ một lúc sau nó đã ngủ yên trong tư thế thanh thản của thiên thần, lâu lâu nấc khẽ lên như một đứa trẻ oan ức điều chi. Chị rón rén đưa tay lau nước mắt trên mặt nó và đụng phải bàn tay anh, bàn tay trắng xanh với sợi dây đồng hồ màu đen giản dị mà sau nầy, mỗi khi nhắm mắt lại, chị như nhìn thấy nó hiện ra bồn chồn bên cái mí mùng động đậy. Lần này, người bật dậy chính là anh, anh chui ra khỏi mùng như một kẻ bỏ chạy. Suốt đêm đó, chị nhìn thấy đóm thuốc lập loè từng chập trên cái bàn bên kia vách chòi.
Sáng ra, trước khi khom người chui qua mái lá, với ánh mắt băn khoăn, anh nhìn chị cái nhìn thật sâu và buông một câu thòng ý tứ:
– Tui tính đưa con Thảo về cho bà nội nó ở ngoại ô Cần Thơ. Nhưng, giờ tui để nó lại làm gánh nặng cho cô.
Anh lùi lũi bước, đôi vai xuôi xuôi như bị sức níu vô hình từ mặt đất. Hai má con chị bấu vào tay nhau nhìn theo mút mắt. Bỗng Thảo chạy theo anh và khóc ngất lên, nhưng anh vẫn không lần nào dám dừng lại. Chị lao theo níu nó trở về, vừa mừng như thoát được cái gì vừa như giận dỗi, cái cảm giác quái quỷ chính chị cũng phải rủa thầm. Chị đã chờ nhưng anh không bao giờ trở lại nữa. Thêm một lần, giông bão chiến tranh cuốn mất cái bóng cây trên mái nhà của chị.
Số phận đã gắn chị với số phận đứa con gái mồ côi.
Chị đặt bên cạnh lư hương của
bà và má mình cái lư hương thứ ba dành cho anh ấy. Thực tình, đêm đầu chị cắm lên cái lư hương đó hai cây nhang nhưng nó đã làm cho con Thảo thắc mắc khổ sở. Sau đó, Thảo luôn giành phần thắp nhang và chê chị đếm không rành, ba liệt sĩ thì ba cây nhang chứ sao lại bốn. Nhìn con, chị càng thấy không nỡ nói ra sự thật. Cái tâm trạng cảm thấy mình mồ côi phân nửa sẽ khác nhiều tâm trạng mồ côi hoàn toàn. Dĩ nhiên nó sẽ chịu đựng được tất cả nhưng nói ra thì chính chị cũng là kẻ mồ côi vì Thảo đã thành nơi nương tựa tinh thần của chị. Họ đang cần cho nhau như một sự tổn thương cần được bù trợ sau mất mát.
Nhưng có sự thật nào nằm yên trong bọc được. Hôm ấy, nó đã chạy vù về nhà và chỉ kịp hỏi một câu cần hỏi rồi úp mặt vào lòng tay lắc đầu nguầy nguậy như bảo rằng nó không tin, nó không thể tin điều đó. Khi nó ngẩng lên, chị bỗng sững nhìn, vẻ thiếu nữ trên mặt nó đã biến mất.
Càng lớn, tình thương của Thảo với chị càng đằm thắm. Vừa rồi, nó xin phép chị cho nó về thăm bà ngoại, cái người đã mấy lần xuống thăm má con nó và nói tránh là bạn thân của ngoại quá cố nên nó phải kêu là ngoại.
Giờ đây, nó đang đứng trước mặt chị, trưởng thành trọn vẹn trong bộ bà ba đen tươm tất, mái tóc cắt hình chiếc lá túm hờ sau lưng không phải bằng cây kẹp ba lá của chị ngày xưa mà là cây kẹp bằng nhựa in một bông hồng trinh bạch.
– Gấp thì đi đi! Ở nhà má nấu cơm ăn trước chứ gì!
Suýt nữa nó sẽ mỉm cười nếu như không chợt nhận thấy trên mặt chị ngưng đọng vẻ hiu hắt và rắn rỏi của hoàng hôn. Người phụ nữ trong nó bỗng hiểu: Chính vì vậy mà má nó hay mở mắt thao láo nhìn lên mái nhà, ở đó, đêm đêm, cuộc chiến tranh vẫn chưa hề nguội lạnh. Lập tức trong đầu nó hiện ra những khuôn mặt đàn ông mà nó có cảm tình. Có người nào trong số họ hợp và có thể làm nơi nương tựa vững chãi cho má con nó không? Nó nao lòng khi nhìn thấy con đường nghiệt ngã của thời gian và chiến tranh đi qua đầu má nó, đó là lằn tóc rụng theo vết kẹp xĩa, cây kẹp hai mươi năm của chị để lại trên mái tóc đã thưa một con đường thu úa. Nhưng má nó vừa quay lưng vô bếp, chắc để tránh ánh mắt bàng hoàng của nó, vừa thúc hối:
– Sao lần chần vậy? Gấp thì đi đi con!
Lúc đó, chị nghe trong không gian nhoè tối có tiếng ghi-ta bập bùng.
Tác giả: Dạ Ngân – Người thực hiện: Hoàng Yến
Từ khóaDạ Ngân Hoàng Yến nghe đọc truyện đêm khuya vov
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …