Bài nổi bật

Kỷ Nguyên Giếng – Hạo Nguyên

Truyện đêm khuya – Nhân vật Z – một ký tự lạ lùng trong truyện ngắn này thực sự gây ngạc nhiên cho người đọc, người nghe chính là cách mà anh ta đối diện với chính mình và thực tại. Anh ta liên tục sa xuống những cái giếng của chấp mê bất ngộ, của sự lầm lạc giữa chân như với thế giới của hình sắc. Thực và mộng chập chờn, gợi cho chúng ta suy ngẫm về sự u mê của con người, về những nỗi niềm hoang hoải….

Không hiểu vì sao dạo ấy Huế có nhiều giếng đến thế. Đi ra đường, gặp giếng. Lên giảng đường, gặp giếng. Vào café, gặp giếng. Đến quán rượu, gặp giếng. Về nhà trọ, gặp giếng. Trong giấc ngủ cũng gặp giếng.

Kỷ nguyên giếng

Minh họa: Nhím

Những cái giếng như những cột mốc biên giới, phân định lãnh thổ cuộc đời tôi. Trong lãnh thổ ấy, tôi học, ăn, đi vệ sinh, nhậu nhẹt la đà, suy tư và tủi nhục, yêu đương và tự phỉ nhổ mình.
Đó là giai đoạn tôi mới quen biết Y.
Y: mái tóc dài như ca sĩ nhạc rock.
Y: đôi mắt hoang hoải như qua cả trăm cuộc tình bẩn thỉu.
Y: những bức tranh chết.
– Thằng người nào cũng có nhiều kỷ nguyên suốt cái sống của mình. Chúng ta tạm gọi kỷ nguyên này của mày là Kỷ nguyên giếng, Z nhé!
Y rót đầy rượu vào hai cái ly, ra hiệu bảo tôi uống. Tôi nốc cạn thứ chất lỏng cay xé ấy, ruột gan bốc lửa, nước mắt trào ra.
Quán rượu nhỏ bên sông Như Ý chỉ có hai thằng tôi. Bà chủ quán ngồi thiu thiu ngủ. Từ chiếc máy cassette hiệu Sony cũ mèm, nữ ca sĩ nào đó đang rên rỉ một bản nhạc vàng.
Tôi rít thuốc, nhìn nắng bợt bạt trên mặt sóng.
Kỷ nguyên giếng. Ừ, cũng hay!
2.
Cái giếng tôi gặp đầu tiên là ở Phú Thượng.
Hồi đó tôi trọ trong một căn nhà ba gian, xung quanh là đồng ruộng. Làng thưa người. Nhiều buổi đi ra đường chỉ gặp chính mình.
Chủ nhà chỉ có người con trai duy nhất, tên Lưu. Vừa tốt nghiệp đại học thì quy y. Tôi gọi là thầy Lưu. Mẹ thầy ở nhà một mình. Hằng ngày, o gánh cơm hến đi bán dạo.
Tôi tình cờ gặp thầy Lưu trong một quán cơm chay. Sau một hồi nói chuyện, thầy giới thiệu tôi về ở với mẹ thầy cho vui nhà vui cửa.
Tối đó trăng sáng. O đã chuẩn bị xong gánh hàng sáng mai nên đi ngủ sớm. O ngủ ở nhà dưới. Tôi ngủ ở căn ba gian nhà trên. Ở giữa là bàn thờ. Bên trái là sạp ngủ của tôi. Bên phải là chiếc tủ đứng và bàn học.
– Z đi ngủ nhớ đóng cửa nghe con.
Tôi dạ rồi đứng lên bật điện bàn thờ, tắt điện gian chính và quay lại bàn, đọc tiếp cuốn sách của Nikos Kazantzakis, cuốn “Cám dỗ lần cuối”.
Đọc một hồi mỏi mắt và thấy thèm thuốc lá, tôi tắt đèn bàn, ra ngoài sân. O không cho hút thuốc trong nhà.
Con còn nhỏ rứa, nạp chi vô người mấy thứ độc hại đó. O trách. Tôi cười giả tảng. O ơi, đời còn nạp vào con nhiều thứ khốn nạn và độc hại hơn khói thuốc nhiều. Thứ này thì nhằm nhò gì.
Tôi đốt một điếu thuốc và đi dạo đoạn ngắn trên con đường trước nhà. Ếch nhái râm ran. Mấy con đom đóm lạc bầy nhấp nháy gọi nhau giữa ruộng.
Đang vừa đi vừa rít thuốc vừa nghĩ về Kazantzakis thì giật thót người. Chưa kịp phản ứng đã thấy mình rơi xuống một cái giếng.
3. 
– Làm thế quái nào mà mày lại rơi xuống giếng được? Chẳng lẽ tự dưng mọc ở đâu ra một cái giếng?
Y thắc mắc. Nghe giọng hắn, tôi biết hắn nghĩ tôi đang bịa chuyện.
– Thì tao cũng tự hỏi như thế. Con đường đó, ngày nào tao cũng đi. Tao thuộc từng cái ổ gà trên đường.
Thế nên khi bị rơi xuống giếng, tôi cứ tự hỏi ai làm gì mà đào cái hố này. Và đào khi nào mà nhanh thế. Vì mới hồi trưa đi học về vẫn không thấy.
Tối om, tôi rít điếu thuốc cho sáng rực lên để quan sát. Cái hình trụ tròn này có vẻ là một cái giếng chứ không phải cái hố. Một cái giếng khô. Ngước nhìn lên, chả thấy gì ngoài một màu đen kịt. Cứ như vầng trăng vừa mới vằng vặc trên kia đã hết nhiệm kỳ.
Tôi đứng dưới giếng một hồi lâu, suy tính cách trèo lên. Nhưng bám vào thành giếng thì chỉ thấy vách đá trơn tuột, mò mẫm mãi không thấy một điểm tựa nào khả dĩ.
– Thế mày không gọi ai cứu à?
Có. Tôi đã hét khản cổ. Nhưng như đã nói, làng thưa người. Các nhà ở cách khá xa nhau. Đêm lại khuya, mà tôi lại gọi từ đáy giếng. Thật khó có ai có thể nghe được.
Gọi một hồi rát cả họng, tôi lại im lặng nghĩ cách. Với thành giếng này thì việc trèo lên là bất khả thi. Thôi thì đành ngồi chờ đêm qua, để sáng ra hẵng tính. Ban ngày chắc chắn mọi việc sẽ đơn giản hơn.
Đứng được một lát, mỏi chân quá, tôi buộc phải ngồi xuống. Thế là ngồi tựa lưng vào thành giếng ngủ luôn một mạch. Lúc đó tôi không lấy gì làm quá sợ hãi, vì đinh ninh trời sáng sẽ có người đến.
4.
Khi tôi tỉnh giấc thì trời vẫn còn đêm. Lạ, đã ngủ cả một giấc đẫy, thế mà đêm vẫn chưa hết.
Tôi đứng dậy, vươn vai cho đỡ mỏi. Lại bắt đầu mò mẫm. Nhưng vô vọng. Mò mẫm chán, lại ngồi xuống, tựa lưng vào thành giếng.
Nếu không ai đến thì sao? Chẳng lẽ cuộc đời mình sẽ kết thúc một cách tầm phào thế này? Ý nghĩ thoáng qua ấy khiến tôi hoảng hốt. Nhưng rồi tôi tự trấn an. Thôi nào, chỉ là rớt xuống một cái giếng khô. Sáng ra người ta sẽ đến. Chắc ai đấy đang đào giếng mà bất cẩn quên che chắn thôi. Sáng mai họ sẽ đến đào tiếp. Lúc đó tha hồ mà nổi cáu.
Ngồi mãi mà vẫn không thấy trời chuyển sáng, tôi bắt đầu sợ hãi thật sự. Đến lúc đó, tôi mới nhận ra một điều là từ khi rơi xuống dưới này, không nghe một tiếng động nào từ mặt đất trên kia. Ếch nhái đang râm ran thế mà không lọt bất cứ một âm thanh nào xuống đây. Cũng chả nghe tiếng gió rít qua miệng giếng như lẽ ra phải thế. Ngoài ánh sáng phát ra từ điếu thuốc đang cháy, chả có gì nhấp nháy để tôi còn tin rằng mình vẫn thuộc về mặt đất.
Dần dà, ý nghĩ sẽ không có ai đến cứu mình khiến tôi quẫn trí. Tôi đốt thuốc liên tục. Hết đứng lên mò mẫm trong tuyệt vọng rồi lại ngồi xuống cầu may mắn. Trong cái đêm dài đằng đẵng ấy, cái đêm kinh khủng nhất đời ấy, tôi đã hiểu ra một lẽ rằng, dù sống với ai, ở đâu, với bao nhiêu người, thì tôi vẫn luôn cô độc. Và trong những tình cảnh khốn nạn nhất, trong những thời điểm bi đát nhất, luôn chỉ có một mình tôi chống chọi lại tất cả.
– Y ạ, trong đêm đó, tao đã chết. Không, ý tao là có một cái gì đó trong tao đã chết. Đến khi thoát khỏi cái giếng, tao không còn là chính tao trước đó nữa, mà chỉ là một thứ phó bản u tối.
Y không nói gì, im lặng rót rượu. Tôi cũng im lặng. Nắng đã nhạt trên sông. Bà bán hàng choàng tỉnh, ngơ ngác nhìn hai thằng tôi.
5.
Đó là thời kỳ Y đang mê Gustav Klimt như điếu đổ. Tôi nói vậy đã chính xác chưa nhỉ? Hắn ăn với Klimt, ngủ với Klimt, uống rượu với Klimt. Không, đúng hơn là với tranh của Klimt. Y gọi là Kỷ nguyên Klimt.
Y không tuyệt đối thần tượng một danh họa nào. Mỗi giai đoạn hắn lại nghiên cứu phong cách một người. Và hễ nghiên cứu danh họa nào là hắn lại như si tình với tranh của họ. Theo cách gọi của hắn, đó là các kỷ nguyên.
– Các danh họa, Z ạ, chỉ là con số không. Tao chẳng mê thằng cha nào. Nếu không có tranh của hắn, nhân loại chả ai nhắc đến hắn.
– Ơ, thằng này nói hay nhỉ. Danh họa mới làm ra các bức tranh chứ?
– Hèn gì mày rơi xuống giếng hoài. Y nhếch mép. Chính các bức tranh mới làm nên danh họa. Khi Picasso hay Dali hay Klimt chết, nhân loại không khóc thương cho bọn họ, mà khóc thương cho những bức tranh chưa được họ tạo ra, những sinh linh huyền diệu chưa chào đời đã chết ngay trong bào thai vì con mẹ khốn nạn của nó không chịu sống để sinh đẻ nữa.
Tôi im lặng. Những ý tưởng có vẻ tà đạo của Y khiến tôi cứng họng.
– Họa sĩ, Z ạ, tự nó không là gì cả. Định mệnh khiến nó xuất hiện để nó thực hiện nhiệm vụ mà định mệnh đã giao: hiến dâng cho nhân loại những gì nhân loại cần có, phải có, đáng có, để nhân loại xứng đáng là nhân loại hơn, nghĩa là tiến gần đến khái niệm “người” hơn. Các họa phẩm, đặc biệt là các kiệt tác, không phải là do họa sĩ tạo ra, mà là chính tạo hóa tạo ra và ký thác vào tâm khảm bọn họa sĩ. Bọn chúng chỉ việc tái hiện lại mà thôi.
Y nhìn tôi như định nói nữa, nhưng thấy vẻ mặt chán nản và u tối của tôi, hắn vừa thương hại, vừa mất hứng:
– Mà thôi, nói chuyện đó cũng chả để làm gì. Chuyện những cái giếng của mày có vẻ dễ nghe hơn.
Tôi không muốn tâm trí rối thêm vì thứ triết học nghệ thuật hỗn tạp của Y. Đời tôi, không có thêm những thứ đó, cũng đã đủ lùng nhùng rồi.
6. 
Năm đó, năm 1999, Huế bị một trận lụt lịch sử, một trận lụt mà sau này nhắc lại ai cũng rùng mình, hệt như trận lụt năm Giáp Thìn 1964 ở Quảng Nam.
Vùng Phú Vang là một trong những vùng ngập lụt nặng nhất. Trước đó hầu như chưa có lụt, và nếu có thì cũng không đáng kể. Vì vậy o tôi không biết chi về việc chuẩn bị khi lụt đến. May là tôi sinh ra và lớn lên ở vùng rốn lũ nên không thiếu kinh nghiệm.
Chỉ có hai o con lo dọn dẹp nhà cửa nên khá vất vả. Nhưng cuối cùng thì mọi thứ cũng ổn. O đem hết gạo mắm muối và nước uống lên gác. Tôi kê mấy cái ghế, rồi đưa cái bàn lên đó cho cao hơn. Hai o con khệ nệ bê cái cũi nhốt con lợn đưa lên cái bàn đó. Con lợn này o dự định cuối năm sẽ bán để lấy tiền sắm Tết.
Nước lên rất nhanh và ngâm suốt cả tuần. Đến ngày thứ ba, cái cửa chính bị sóng đánh gãy chốt, cứ đong đưa theo sóng như một ả dở hơi.
Đêm đó đang ngủ trên gác thì nghe một tiếng ùm. Hai o con bật dậy. Trong ánh đèn dầu, thấy con lợn đang lóp ngóp dưới nước. Không hiểu vì sao nó húc được cánh cửa của cái cũi để lao ra. Tôi thoáng ngần ngừ. Đương nhiên là tôi phải nhảy xuống để đưa con lợn lên lại. Nhưng suốt ba ngày vừa rồi cứ lội lên lội xuống nên áo quần ướt hết cả. Mưa suốt, và cũng không có chỗ phơi phóng nên tôi không còn quần áo khô nào ngoài bộ duy nhất đang mặc trên người. Tôi bảo:
– O nhắm mắt lại nghe. Con hết đồ khô rồi.
O cười rồi quay lưng lại. Tôi cởi hết áo quần ra, trần truồng lao xuống mặt nước lạnh giá. Con lợn lóp ngóp ra gần đến cửa chính, tôi vội lội tới. Nó ra được ngoài sân thì mệt chuyện. Ngoài đó nước sâu hơn, và không có ánh đèn. Không mấy khó khăn để tôi tóm được con lợn. Và ngay khi tôi vừa định lôi nó trở vào thì tôi giật thót người.
Cả tôi và con lợn lại rơi xuống một cái giếng khô.
7. 
– Rồi làm sao mày lên được, cái lần đầu bị rớt giếng ấy?
Y nhìn tôi háo hức hệt như sắp được nghe một công thức pha chế màu hoàn toàn mới.
– Thì leo lên.
– Leo? Y hồ nghi. Mày nói là vách đá trơn tuột mà?
Đúng, vách đá trơn tuột, không có chỗ bấu víu. Tôi ngồi chờ mãi không thấy trời sáng. Mà lúc đó tôi không còn tin là trời sẽ sáng nữa. Có lẽ cả mặt trời cũng đi tự tử rồi. Tôi đã đốt đến điếu thuốc cuối cùng. Và cùng với điếu thuốc đó, mọi hy vọng cũng cháy nốt.
Cuối cùng, tôi quyết định trèo lên. Dù đó là quyết định vô vọng.
– Và mày trèo lên được? À, đương nhiên là thế, nếu không thì làm sao ngồi đây mà kể.
Phải, tôi đã trèo lên được. Không hiểu bằng cách nào đó, tay chân tôi mọc ra những cái móc, giống hệt như chân kiến. Thế là tôi bò lên.
– Quái nhỉ?
Y nhìn tôi hoang đường. Tôi gật đầu xác nhận. Đúng là hoang đường và điên rồ khi tay chân một thằng người bỗng dưng mọc ra những cái móc, và hắn bò lên vách giếng, như con sâu cái kiến tìm cách thoát khỏi thân phận hèn mọn của mình.
Thế là tôi trèo lên, à không, tôi bò lên khỏi cái giếng khốn nạn đó. Cuối cùng cũng lên được mặt đất. Tôi nhìn xuống. Điều này mới là tận cùng của sự khốn nạn. Chẳng có cái giếng nào cả. Tôi đang đứng trên mặt đất, ngay trên con đường trước nhà, xung quanh rất bằng phẳng. Ếch nhái vẫn râm ran. Trăng vẫn vằng vặc. Và chẳng có cái giếng nào cả, như trước đó đã từng.
Đầu óc mụ đi, tôi mệt mỏi lê thân vào nhà. Tay chân tôi cũng chả có cái móc nào như cách đó chỉ vài phút. Tôi bước vào nhà, đóng cửa lại. Giọng o ngái ngủ từ nhà dưới:
– Z ngủ đi con, khuya rồi.
Tôi dạ rồi lên giường. Nhưng làm sao ngủ được?
Tôi nằm đó, nghĩ lại cú rớt giếng vừa rồi. Nghĩ mãi, nghĩ mãi đến mức tủi nhục.
Và tôi nằm đó. Trên giường. Trong bóng tối. Một mình. Nghiến chặt răng để không khóc.
8.
Y thuê trọ trên tít Kim Long. Xa nhưng yên tĩnh và đẹp. Một chỗ hợp để hắn suy tư và vẽ vời. Thi thoảng tôi lên chơi. Hai thằng sẽ loanh quanh đâu đó rồi đi uống rượu, hoặc mua rượu về phòng trọ. Hoặc khi cả hai hết tiền thì pha trà ngồi uống suông, nghe hắn thao thao bất tuyệt về tranh các danh họa mà hắn đang si mê.
Y có rất nhiều sách về hội họa, chất từng đống trong các góc phòng. Một cái tủ kính nhỏ chứa những lọ gốm bé tí xinh xắn. Trên tường chỉ treo mỗi một bức tranh. Đóng khung gỗ tốt hẳn hoi. Bức tranh tông nền xanh lam. Một cô gái đứng bên bờ vực, dường như đang chờ đợi điều gì dưới đó, bóng chiều nhòa khuôn mặt, chỉ thấy ánh mắt phản chiếu cái thăm thẳm của vực sâu.
– Mày vẽ đấy à?
Y gật đầu.
– Chỉ được một bức thế thôi à?
Lần đầu lên phòng Y, tôi ngạc nhiên hỏi.
– Nhiều chứ.
Y trìu mến nhìn bức tranh, rồi chậm rãi châm thuốc.
– Đâu cả rồi? Sao chỉ mỗi bức này?
– Chết cả.
– Chết?
Tôi trố mắt nhìn. Hắn gật đầu. Nom không cà rỡn chút nào.
Y không nói gì, chỉ tiếp tục trìu mến nhìn bức tranh và thả khói lên trời. Tôi chăm chú nhìn bức tranh. Cảm giác buồn thương hết sức. Hèn gì ánh mắt của Y trìu mến đến vậy. Tôi nhìn, tự hỏi cô gái trong tranh bao nhiêu tuổi, dung nhan thế nào, cô chờ đợi điều gì từ hố thẳm?
Hết nhìn bức tranh tôi lại nhìn Y, tự dưng thấy thằng bạn mình là một cõi bất khả tư nghị. Điều đó khiến tôi nhói lòng. Sự hiện diện của Y trong kỷ nguyên này của tôi chỉ để giúp tôi phác họa rõ hơn nỗi cô độc đời mình.
9. 
Trở lại đêm lụt năm 1999. Khi tôi vừa định lôi con lợn trở vào thì cả hai rơi thõm xuống một cái giếng khô.
Ngay giữa nhà. Ngay giữa trận lụt. Một cái giếng khô.
Tôi cay đắng nhìn lên. Vẫn y như cái giếng lần trước. Vách đá nhẵn thín. Vòm đêm đông đặc.
Lần này thì tôi không cuống cuồng như trước. Thế nào rồi cũng lên được. Vấn đề ở chỗ là khi lên rồi, sẽ giải thích thế nào với o về việc bỗng dưng biến mất với con lợn ngay trong nhà. Và thêm nữa, giờ này o đang ở trên gác, sự biến mất của tôi và con lợn chắc chắc sẽ khiến o hoảng hốt. Tôi cầu mong sự cố quái quỷ này qua nhanh. Vì o mà thôi.
Tôi ngồi bệt xuống, tựa lưng vào thành giếng, chờ đợi. Điều duy nhất có thể làm lúc này là chờ đợi, đến khi nào tay chân tôi mọc ra những cái móc.
Con lợn ướt át nằm bên cạnh tôi, thở phì phò.
Ai mà thấy cảnh này chắc không nhịn được cười. Một thằng thanh niên, trần truồng, bất lực, ngồi bó gối nhìn lên, bên cạnh là một con lợn (tất nhiên không mặc quần áo) nằm thưỡn bụng. Nhận thức được tình cảnh trớ trêu đó, bất giác tôi phì cười.
– Cậu cười cái gì thế?
Tôi thót cả tim. Nhìn quanh. Ai? Ai vừa nói?
Bóng đêm giấu kín mọi thứ khỏi tôi. Không thấy được gì. Chỉ chạm tay mới biết con lợn nằm bên.
– Là tôi đây.
Tôi hoảng. Ngồi lùi lại. Nhưng sau lưng là vách giếng, không có chỗ để lùi. Ai? Ai đấy?
Tiếng nói vẫn vang lên, ngay sát tôi:
– Tôi đây mà. Ngoài tôi và cậu, còn ai rơi xuống dưới này?
Tôi điếng người. Con lợn đang nói chuyện với tôi ư? Chẳng lẽ tâm trí tôi bệnh nặng đến thế, hoang tưởng đến thế?
– Lẽ ra cậu nên để tôi đi. Làm đời con lợn, khốn nạn lắm.
Tôi á khẩu. Không bao giờ, kể cả trong mơ, kể cả khi say rượu bét nhè nhất, tôi lại nghĩ tới việc mình nói chuyện với lợn.
– Đời chúng ta, tất thảy, đều khốn nạn như nhau.
Con lợn dừng một lát, rồi phì cười:
– Và chúng ta, tất thảy, đều ngu như nhau, u mê như nhau. Loài người các cậu thường nói là “ngu như lợn” ấy mà. À, mà sao các cậu lại nghĩ ra được cái thành ngữ ngu xuẩn như thế nhỉ?
Tôi mường tượng ra hình ảnh con lợn lắc đầu ngán ngẩm khi nói như thế. Tôi cố trấn tĩnh lại. Xem nào, không chỉ là mình đang nói chuyện với một con lợn, mà còn đang nghe nó mắng mỏ loài người. Cái cuộc đời tôi là cuộc đời thế nào mà đến nông nỗi này hả trời?
– Z ạ, tôi nói sự thật này, cậu đừng xem là tôi cố tình xúc phạm nhé. Thật sự, nhiều lúc, tôi thấy con người thật đáng thương hại. Các cậu u mê và luôn tham vọng. Các cậu, điều này tôi chắc chắn đấy, là loài u mê và tham vọng bậc nhất trong chuỗi thức ăn của tạo hóa. Ấy thế mà suốt ngày ra rả chửi mắng chúng tôi, nào là ngu như lợn, ăn như lợn, ngủ như lợn.
Con lợn im lặng một giây như để dò thử thái độ của tôi, rồi tiếp:
– Các cậu không thấy loài chúng tôi sống một cuộc sống vô sở cầu. Các cậu nghĩ như thế là ngu xuẩn, là chưa tiến hóa. Các cậu thấy chúng tôi chấp nhận được nuôi để đưa lên lò mổ và các cậu yên lòng với quan niệm rằng chúng tôi là động vật bậc thấp, là nấc thang ở dưới trong chuỗi thức ăn. Các cậu sai rồi. Càng ngày loài người các cậu càng sai rồi. Triết học và nghệ thuật không cải hóa nổi sự u mê định mệnh của loài người.
Con lợn thở dài:
– Sự hy sinh của giống loài chúng tôi, và nhiều giống loài khác, cho con người, qua lịch sử, đã được chứng minh là vô ích.
Tôi câm như thóc nghe con lợn giảng lại về thuyết tiến hóa. Hẳn các nhà sinh vật học, khi nghe điều này, sẽ điên tiết cầm ngay dao bầu cho con lợn này một phát, để nó biết thế nào là tiến hóa, thế nào là tiết canh lòng lợn.
– Mà thôi, cậu đừng để bụng. Những điều tôi vừa nói chỉ là trải lòng thôi. Chỉ là để chờ qua những phút giây vô vị dưới đáy giếng này. Nào, đứng lên đi.
Đứng lên? Con lợn ra lệnh cho tôi đứng lên? Để làm gì?
– Đứng lên. Tôi sẽ đưa cậu lên khỏi cái giếng này. O đang chờ chúng ta đấy. Nhanh lên.
Tôi đứng dậy. Cảm giác mình ngoan ngoãn nghe lời con lợn khiến tôi cáu tiết. Nhưng tôi biết làm gì? Chửi mắng nó? Đánh đập nó? Làm vậy có cải thiện được phẩm giá của tôi sau những lời nó nói vừa rồi?
Vậy là tôi đứng dậy.
– Các cậu không bao giờ tự cứu chuộc được đời mình. Bao giờ cũng mong cầu vào một thứ gì khác bên ngoài mình. Tôn giáo. Nghệ thuật. Triết học. Mê tín dị đoan. Toàn những thứ vớ vẩn và phù phiếm. Nhớ nhé, Z, kẻ cứu cậu khỏi cái đêm khốn cùng này là một con lợn đấy.
Con lợn nói thế, rồi ngoạm lấy cổ tôi, như một con lợn mẹ tha con lợn con, rồi cứ thế nó phóng lên thành giếng, như một con quái thú trong bộ phim giả tưởng nào đấy.
Cái giếng đóng lại. Tôi và con lợn đang ở giữa nhà. Nó thở phì phò như quá mệt. Ở trên gác, o nhìn xuống:
– Nhanh lên kẻo lạnh con. O đang nấu cháo đây. Nhốt nó vào rồi húp miếng cháo cho ấm. Khổ thân, coi chừng cảm con ơi.
10.
Hằng tháng, cứ đến rằm và mồng một là tôi chở o lên chùa, nơi thầy Lưu đang tu hành. Những ngày đó, o không đi bán. O ở chùa suốt ngày, cúng dường, làm công đức, và chăm thầy Lưu. Tôi biết, nhiều đêm o khóc vì thương nhớ thầy.
Thầy Lưu thường cảm ơn tôi, vì nhờ có tôi mà o đỡ hiu quạnh. Tôi cười, con còn chưa cảm ơn thầy và o vì đã cho con ở nhờ, sao thầy lại đi cảm ơn con. Thầy cũng cười, cuộc đời chúng ta trói buộc lẫn nhau bởi những ơn nghĩa, và cũng có khi là những thù hận. Điều đó đáng buồn lắm Z ạ, nhưng nghĩ thật kỹ thì thấy nó đẹp. Đẹp sầu não. Không có những điều đó, đời chúng ta vô nghĩa.
Một bữa, sau khi ăn trưa, tôi và thầy Lưu ra gốc khế sau chùa hóng mát. Thầy hỏi tôi về gia đình ở quê, chuyện học hành, chuyện bạn bè. Tôi kể về Y và triết lý nghệ thuật của hắn. Thầy chăm chú lắng nghe, ra vẻ thú vị.
– Cuối cùng cái gì là đúng hả thầy? Họa sĩ tạo ra danh tác hay tác phẩm tạo ra danh họa?
Thầy nhẹ nhàng:
– Thầy không am hiểu về nghệ thuật nên không biết điều đó đúng hay sai. Chỉ có điều thế này, thầy biết, chính sự từ bi mới làm nên Đạo Phật, tạo ra Đức Phật, chứ không phải ngược lại.
11.
– Tao thích con lợn của mày quá.
Y nhìn tôi, cười đểu giả. Tôi chỉ muốn đấm vào mặt hắn. Thấy tôi lầm lì, Y đổi giọng:
– Sau đó thì sao?
– Cái gì sao?
– Thì đêm đó, o có hỏi gì về việc bỗng dưng mày mất tích trong phút chốc cùng con lợn không? Và số phận con lợn thế nào?
Không. O không hề hỏi gì. Cứ như tôi chưa từng rơi xuống giếng cùng con lợn. Nghĩa là cái khoảng thời gian dưới giếng nằm bên ngoài thời gian thông thường, chỉ mình tôi biết đến, không chiếm dụng thời gian thông thường. Còn con lợn, suốt thời gian sau đó, tôi lén theo dõi nó, thậm chí đã từng thử nói chuyện với nó, nhưng nó lại trở về đúng nghĩa một con lợn, cứ ủn ỉn lúc no và ồn ào lúc đói. Cuối năm, nó vẫn được bán như những con lợn bình thường khác. Và tôi nhớ là nó cũng chẳng lên tiếng để phản đối việc đó.
Sau Noel, tôi chuyển chỗ ở. O có một người cháu gái từ Sài Gòn về lấy chồng mà chưa có nhà nên vợ chồng họ đến ở nhà o. Tôi phải đi tìm chỗ khác. Dù o một mực bảo tôi cứ ở lại, để o thu xếp. Nhưng rõ ràng tôi không thể làm phiền gia đình. Vả lại tôi cũng muốn chuyển đi để không phải rơi xuống những cái giếng đó.
Lần này tôi thuê một phòng trọ trên đường Trần Phú, gần nhà thờ Phủ Cam. Ngay đêm đầu tiên ở chỗ mới, đang ngồi đọc cuốn “Zorba Hy Lạp” của Kazantzakis thì tôi lại rơi vào một cái giếng khác. Vẫn như mọi khi, vẫn giếng cạn, vách đá trơn tuột, nhưng lần này có người ở dưới đó.
12.
– Đến giờ thì mày đã sưu tập được bao nhiêu cái giếng rồi?
Y vừa vẽ vừa hỏi chuyện.
– Nhiều lắm.
– Và làm thế nào mà mày lên khỏi những cái giếng đó được?
– Nhiều cách. Không nhớ nổi. Nhưng lần nào cũng tơi tả.
Tôi pha bình trà, hút thuốc ngồi nhìn Y vẽ. Tôi đã quá quen với những cái giếng ấy, hệt một con trâu cày, trơ lì với những cú roi quất mạnh của tay nông dân cục súc, không còn oán thán thở than gì nữa, cứ vậy cắm đầu mà rơi xuống những cái giếng rồi tìm cách thoát ra để lại rơi xuống những cái giếng khác. Cú rơi nào cũng bất thình lình một cách tàn nhẫn. Và quá trình thoát khỏi luôn bào mòn của tôi một cái gì đó mà bản thân tôi cũng không rõ.
Y ngừng vẽ, chiêu một ngụm trà. Rồi bảo:
– Chắc sẽ đến lúc những cái giếng của mày khép lại.
– Sao mày biết?
– Không có kỷ nguyên nào là vĩnh viễn.
Ừ. Không có gì là vĩnh viễn. Hy vọng điều đó cũng đúng với tôi.
– Và mày cũng nên hy vọng là kỷ nguyên giếng sẽ khép lại trước khi mày chết.
Tôi cười mệt mỏi. Nếu vậy thì phân kỳ làm gì cho nhọc xác?
Y lại chiêu một ngụm trà, vỗ vai tôi:
– Tao đùa thôi. Kỷ nguyên giếng của mày sẽ kết thúc, một ngày không xa nữa đâu. Cũng như kỷ nguyên Klimt của tao đã kết thúc.
Thế à? Tôi đặt chén trà xuống, nhìn Y. Hắn cười, vẻ mặt trịnh trọng và tinh quái:
– Xin tuyên bố với quý vị, bây giờ là khởi điểm của Kỷ nguyên Y. 
13. 
Tôi không ngờ lại gặp thầy Lưu trong hoàn cảnh trớ trêu thế ấy. Thầy bật lửa, châm nến. Tôi muốn hỏi vì sao thầy cũng rơi xuống cái giếng này, nhưng nhìn khuôn mặt nghiêm nghị của thầy, tôi lại thôi.
Mãi một lúc lâu sau, thầy Lưu lên tiếng:
– Z ạ, không phải là thầy rơi xuống giếng với con, như con đâu. Thầy ở đây là vì con, là vì biết rằng con đang ở đây.
Dừng một lát, thầy tiếp:
– Và thầy biết sẽ còn nhiều cái giếng nữa. Không thể khác được.
– Thầy đến để đưa con lên, phải không?
– Không. Không phải vậy đâu Z. Đây là những cái giếng của con, của riêng con. Thầy không thể làm gì để đưa con lên được.
Tôi chán nản ngồi bệt xuống, tựa vào thành giếng. Vậy thì thầy đến đây làm gì?
– Thầy đến để chỉ cho con cánh cửa.
– Cửa? Cửa nào?
– Cửa ở khắp mọi nơi, Z ạ. Con hãy tìm rồi mở ra.
Không chờ tôi hỏi thêm, thầy nhìn đồng hồ trên tay tôi, rồi bảo:
– Thôi, gần đến thời kinh khuya rồi. Thầy phải về chùa đây.
Tôi hoảng hốt níu áo thầy.
– Thầy đưa con lên với.
Nhưng thầy Lưu đã tay chắp trước ngực, khẽ A Di Đà Phật. Và biến mất. Còn lại mình tôi với ngọn nến.
Tôi ngồi mãi, suy nghĩ về những điều thầy Lưu vừa nói. Nhưng không sáng tỏ ra được chút nào. Vì sao thầy biết tôi ở đây? Những điều thầy nói có giúp tôi tìm ra cách thoát khỏi cái giếng này, và những cái giếng khác? Cánh cửa mà thầy nói, nó ở đâu? Làm thế nào để tìm ra nó?
Phút giờ lê thê trôi qua mà tôi vẫn không biết sẽ thoát ra khỏi cái giếng này bằng cách nào. Cho đến một lúc, bả vai bên phải của tôi bỗng mỏi nhừ. Tôi đưa tay trái lên bóp cho đỡ mỏi thì “bụp”, bàn tay trái đã lôi tuột cánh tay phải ra khỏi bả vai.
Tôi đớ người nhìn cánh tay phải đang lủng lẳng trong bàn tay trái. Nó đã rời khỏi cơ thể tôi. Và những ngón tay phải ngọ nguậy như ra hiệu.
Tôi hoảng hốt buông cánh tay phải xuống. Thế là nó, như một loài bò sát, từ từ bám vào thành giếng, và bò lên.
Tôi thất thần nhìn theo. Cánh tay phải bò một cách thuần thục lên thành giếng, như bẩm sinh nó không phải là một cánh tay, mà là một loài bò sát ký sinh trên cơ thể tôi.
Cứ thế nó bò lên mãi và trườn ra khỏi miệng giếng.
Một lát sau, một sợi dây thừng được thả xuống. Tôi dùng cánh tay trái bám vào. Lực kéo trên miệng giếng khá yếu nên cánh tay trái và cả cơ thể tôi phải dùng hết sức mới có thể nhích lên từng tí khỏi đáy giếng
Cuối cùng cũng lên được mặt đất. Cái giếng khép lại. Cánh tay phải của tôi nằm thõng thượt trên mặt đất, mồ hôi ướt đẫm. Tôi nhặt nó và lắp lại vào bả vai rồi mệt quá, thiếp đi.
Khi tỉnh dậy thì tôi vẫn đang ngồi trên bàn, với cuốn tiểu thuyết của Kazantzakis trước mặt.
14.
Một buổi chiều thứ bảy, Y đến chỗ trọ của tôi. Nhìn hắn xơ xác như cây bằng lăng sau bão. Tôi mới nhận học bổng nên túi rủng rỉnh, bèn ra đầu ngõ mua một chai rượu rum và mấy cây xúc xích.
Y không nói không rằng, cứ thế rót rượu ra uống. Mắt hắn tối om như đêm ba mươi.
Gần hết nửa chai rum, người tôi đã phừng phừng. Không thể im lặng mãi, tôi cất tiếng:
– Mày có chuyện gì à?
Y gật đầu, rồi lại rót rượu. Tôi giằng chai rượu ra khỏi tay hắn.
– Mày nói được không? Uống mãi cũng không giải quyết được gì.
Y nhìn tôi ngơ ngác. Một chặp lâu sau, hắn mới mở miệng được:
– Nàng chết rồi.
Hả? Tôi trợn mắt. Chết? Nàng nào chết?
Y lắc đầu, lại nốc cạn ly rượu.
– Bức tranh màu xanh lam đó. Nàng chết rồi, Z ơi!
Nước mắt chảy ràn rụa trên mặt Y. Tôi không hiểu mô tê chi hết. Chết? Một người con gái trong bức tranh chết? Rồi tôi nhớ lại có lần hỏi Y những bức tranh của hắn đâu, hắn bảo chết cả rồi. Tôi không biết làm gì, im lặng rót rượu vô ly, ngồi chờ hắn khóc.
Chừng lâu sau, đã dịu cơn đau, Y lại cầm ly rượu, nốc cạn. Hắn nhìn tôi dò chừng, rồi kể:
– Tao vẽ nhiều lắm. Vẽ như bị ma ám. Nhưng không bức tranh nào sống được lâu. Chắc mày không hiểu đâu. Tranh tao vẽ ra có sự sống thực sự. Tranh của tao ấy, nó thở được, nhân vật trong tranh của tao nói chuyện được.
Nhìn vẻ mặt của tôi, Y tiếp:
– Cũng giống như chuyện cái giếng của mày, mới nghe chả ai tin. Nhưng thực sự chuyện những bức tranh của tao là thế. Vì có sự sống nên cũng có thể chết. Mà tranh tao toàn chết yểu. Có bức dăm ngày, có bức nửa tháng. Riêng bức đó là lâu nhất, gần nửa năm nay rồi. Tao cứ nghĩ nàng sẽ sống lâu hơn. Nhưng không. Hôm qua nàng chết. Tao đau đớn và bất lực đứng đó, nhìn nàng chết mà không cứu được.
Tôi e dè hỏi với tất cả sự nhẹ nhàng và cảm thông có thể:
– Vậy… chết là sao? Tức là những bức tranh của mày chết như thế nào?
Y châm một điếu thuốc, lắc đầu:
– Không giải thích cho mày được. Chỉ đơn giản là những bức tranh đó ngừng thở. Ánh sáng tắt hết. Màu phai hết.
Hắn ngừng lại, rồi nặng nhọc phát âm:
– V…à…c…h…ế…t.
Đúng là tôi không thể hiểu được. Tôi ước tôi có đọc tí chút gì đó về nghệ thuật hội họa để hiểu những điều Y nói.
– Sau khi những bức tranh đó chết, tao mang đi hỏa táng. Sao? À, là mang đi đốt. Chắc mày không để ý, mấy cái lọ gốm trong tủ kính ở phòng tao là để chứa tro cốt của các bức tranh đó.
Tôi tự rót rượu và nốc cạn. Tất cả những chuyện này chỉ khiến tôi muốn uống say thật say.
– Để tao đi lấy rượu thêm.
15.
Đó là lần rơi giếng dịu dàng duy nhất của tôi. Và cũng là lần để lại cho tôi nhiều đau đớn nhất. Bây giờ nỗi đau ấy vẫn y nguyên.
Sau cơn say, tôi nằm ngủ, bỏ luôn cơm tối. Y đã loạng choạng đạp xe về, mặc tôi ngăn cản.
Tôi ngã ra giường, nôn thốc nôn tháo chỉ toàn rượu rum và mật xanh mật vàng. Cố ngồi dậy vớ cốc nước thì ngã nhào xuống một cái giếng. Tôi gượng ngồi dậy, tựa vào vách giếng thì một bàn tay dịu dàng nắm lấy tay tôi.
Tôi giật mình, tỉnh rượu hẳn. Trời ạ, là con gái, bàn tay con gái, mùi hương con gái. Tôi thốt lên, giọng nồng sặc mùi rượu:
– Là ai?
Một ngón tay đặt lên môi tôi, ra hiệu im lặng. Người con gái khuất mặt ấy ôm tôi vào lòng, chầm chậm vuốt tóc tôi. Tôi nhắm nghiền mắt. Trong bóng tối, tôi cảm nhận sự mềm mại của cơ thể nàng, sự sống động khó tin của mái tóc nàng, mùi hương thoát tục của da thịt nàng và nhịp đập dịu dàng của trái tim nàng.
Nàng nâng khuôn mặt tôi lên, rồi áp môi nàng vào môi tôi.
Nụ hôn!
Tôi run run đón nhận. Đôi môi nàng dịu mát trên môi tôi nóng rực. Toàn thân tôi buông lỏng một cách dễ chịu. Trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, tôi cảm nhận được nụ hôn của nàng không hề có chút gì xác thịt. Nàng như đang cố khai thị cho tôi điều gì đó, bằng một nụ hôn. Và tôi đã đón nhận bí tích ấy từ nàng.
Mãi đến giờ, trong tôi vẫn chưa khai mở được gì từ bí tích nụ hôn ấy.
16.
Mấy ngày sau, tôi đạp xe lên phòng Y, định bụng sẽ kể hắn nghe về chuyện cái giếng và người con gái ẩn mặt. Nhưng khi lên đến nơi thì nghe bà chủ nhà bảo Y đã chuyển đi nơi khác.
Tôi bần thần đứng trước phòng Y, không hiểu vì sao hắn chuyển chỗ ở mà không báo trước một tiếng.
Lúc quay đầu xe ra thì thấy ngay góc sân trước phòng Y có một đống gốm nát vụn. Tôi nhìn kỹ. Là những lọ gốm, như Y nói, đựng tro cốt những bức tranh của hắn bị hỏa táng.
Nhưng không thấy những tàn tro.
17.
Kỷ nguyên giếng, như lời tiên đoán của Y, cuối cùng cũng khép lại. Nhưng cùng với sự mất tích của Y, Kỷ nguyên Y không bao giờ mở ra như lời tuyên bố của hắn.
Sau này, thi thoảng tôi vẫn mơ thấy mình ngồi trong một cái giếng cạn, tít phía trên kia, Y và một người con gái ẩn mặt cúi xuống nhìn tôi.
Những cái nhìn im lặng.
(SH324/02-16)
Tác giả: Hạo Nguyên – Giọng đọc: Hùng Sơn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *