Bài nổi bật

Cô Thuần Chợ Ngọc – Nguyễn Hiền Lương

RadioVn.Com – Ngày tôi còn bé, khi ấy mẹ bán hàng xén ở chợ Ngọc, tôi thường theo mẹ sang chợ, khi thì ngồi xem mẹ bán hàng, khi thì tha thẩn rong chơi, ngó nghiêng khắp chợ. Tôi thích thú, mê mẩn nhìn những thứ hàng bày bán la liệt ở chợ và cảnh kẻ bán người mua tấp nập, mời chào đon đả. Chợ có đủ các loại hàng hóa, từ hàng để ăn, để mặc đến để chơi. Với tôi lúc ấy, chợ Ngọc là nơi hấp dẫn nhất, vui vẻ nhất như là những ngày Tết vậy. Nhưng Tết thì mỗi năm chỉ có một lần, còn chợ Ngọc mỗi tuần một phiên nên nó đem lại cho tôi niềm vui sướng, háo hức quanh năm.
Sạp hàng xén của mẹ tôi ở ngay giữa chợ, cạnh đấy là hàng bánh rán của cô Thuần, có cái bếp kiềng, mỡ trong chảo lúc nào cũng sôi sủi tăm, mỗi lần cô Thuần thả bánh vào chảo lại phát ra một tiếng “Xèo” nghe đã thèm ăn. Bánh rán cô Thuần ngon nhất chợ Ngọc, cô lại xởi lởi, nên hôm nào cũng hết hàng sớm. Cô Thuần rất quý trẻ con, đặc biệt là tôi. Hễ tôi sang chợ là thể nào cô cũng đến xoa đầu, hôn má tôi chùn chụt rồi cho tôi ăn bánh rán đến no. Mẹ tôi không cho ăn thì cô bảo: “Chị cứ để cho cháu nó ăn, cái bánh rán có đáng là bao, vả lại em quý cháu nó. Không biết bao giờ em mới có được đứa con như thế này?”. Mẹ tôi cười, bảo: “Thì cô cứ lấy chồng đi rồi khác có con”. Cô Thuần đang vui bỗng thở dài, ngao ngán: “Chị cứ nói thế, em thì lấy được ai…!”.
Tôi rất ngạc nhiên về câu trả lời của cô Thuần. Không hiểu tại sao cô lại chưa có con nhỉ. Cô chỉ kém mẹ tôi độ vài tuổi là cùng, trong khi đó mẹ tôi đã có 3 anh em chúng tôi rồi cơ mà. Cô lại xinh đẹp và luôn tươi cười, tôi chưa thấy cô cáu gắt với ai bao giờ. Người như thế sao lại chưa có gia đình, con cái? Tôi mang điều ngạc nhiên ấy hỏi mẹ, không biết do mẹ bận bán hàng hay không muốn trả lời mà mắng át đi:
– Dào ôi, trẻ con biết gì việc người lớn mà hỏi.
Bị mẹ mắng tôi tức lắm. Tôi đã học đến lớp 3 rồi kia mà, còn học hơn hẳn mẹ những 2 lớp mà vẫn bị coi là trẻ con ư? Giận mẹ tôi bỏ đi chơi với mấy đứa bạn cùng lớp. Trưa không thấy tôi, mẹ tưởng tôi bị lạc hay bị ai bắt cóc, nhờ người quen trông hàng, rồi hớt hải chạy đi tìm. Cô Thuần cũng bỏ cả chảo bánh rán đấy để giúp mẹ tìm tôi. Mỗi người đi một ngả. Tìm khắp chợ không thấy, mẹ tôi hoảng hốt, đang định về nhà báo cho bố tôi biết thì cô Thuần đã dẫn tôi về. Cô đã tìm thấy tôi ở đám chơi khăng ngoài bãi sông. Mẹ mừng hơn tức nên không mắng lại còn cho tôi sang ăn bánh rán của cô Thuần.
 
Mãi sau này mẹ mới bảo cho tôi biết, cái nhà cô Thuần ấy xinh đẹp, nết na là thế mà mãi không lấy được chồng là vì cái tiếng con nhà mõ. Làm cái nghề mõ là mạt hạng lắm, bị cả làng, cả tổng từ người già đến trẻ con coi thường, kinh rẻ. Con cái nhà mõ rất khó dựng vợ, gả chồng. Người ta vẫn bảo “Lấy vợ xem tông, lấy chồng em giống” mà, chẳng ai muốn làm thông gia với nhà mõ, kể cả là hạng cùng đinh. Mà nhà cô Thuần lại có đến ba đời làm mõ. Mõ gia truyền rồi nên cô càng khó lấy chồng. Năm 17 tuổi, cô theo bà cô cũng không có chồng bán xới quê cha, đất tổ dưới đồng bằng lên mạn ngược kiếm kế sinh nhai cũng là muốn chạy khỏi cái tiếng con nhà mõ, mong được mở mày, mở mặt. Hai cô cháu lang thang nhiều nơi rồi cuối cùng trôi dạt về chợ Ngọc mở quán bánh rán. Bà cô già chết, cô Thuần ở một mình, vẫn giữ nghề làm bánh rán. Cũng có nhiều đàn ông, chưa vợ cũng có, vợ chết cũng có tìm đến với cô nhưng khi tìm hiểu, biết rõ lai lịch nhà cô thì họ đều chạy làng cả. Sau có một ông, chẳng cưới xin gì nhưng đến ở với cô như vợ chồng. Ông này tên là Củng, vóc người to cao, ăn nguồm ngoàm, nói oang oang, uống rượu không rót ra chén bao giờ mà tu cả chai, tính khí thì coi trời cũng chỉ bằng cái vung. Lão Củng làm nghề chở bè thuê cho các lái gỗ đã mấy chục năm. Càng thuần thục với nghề bao nhiêu thì càng lênh đênh trên sông nước bấy nhiêu, thỉnh thoảng mới đảo qua nhà, vất cho vợ một cục tiền rồi lại đi biền biệt. Bà vợ thì lửa tình hừng hực, lão Củng quả là đáp ứng được việc ấy nhưng thỉnh thoảng mụ mới được một bữa no nê. Lão Củng đi rồi, mụ lại thèm thuồng không chịu nổi cảnh ngủ một mình. Cánh thợ sơn tràng ở trên rừng cả tháng mới về chợ Ngọc một lần để giao gỗ và mua đồ ăn, biết chuyện ấy liền thay nhau mò đến nhà mụ, cả lão hàng xóm góa vợ cũng thi thoảng sang tòm tem. Mụ Củng ngủ ở buồng, có cái cửa ngách thông ra hiên sau, cánh cửa luôn khép hờ, chỉ cài then khi lão Củng về nhà. Con chó lão Củng mua để canh nhà, mụ bảo sợ nó bị dại nên giết đi. Nhân tình của mụ, đêm mò đến cứ việc lách cửa mà vào. Việc ấy diễn ra bao lâu chỉ có ma biết. Mãi đến khi mụ vợ lão Củng thích cánh thợ sơn tràng vạm vỡ, dai sức hơn lão hàng xóm góa vợ hom hem, không đã cơn nghiền, cấm cửa lão, khiến lão tức đến muốn nổ mắt, trả thù mụ bằng mách cho lão Củng biết việc vợ lão đón trai vào nhà. Lão Củng rình bắt được quả tang, đánh cho tay thợ sơn tràng một trận tơi bời và bắt nếu còn muốn sống thì phải bán xới khỏi vùng chợ Ngọc, lão mà còn trông thấy thì chỉ có nước chết. Có điều lạ là lão không đánh mụ vợ hư hỏng cái nào, chỉ tuyên bố cắt đứt ngay từ tối hôm đó. Gọi hàng xóm sang làm chứng rồi lão ra khỏi nhà ngay. Lão không lấy bất cứ một thứ gia sản nào, cho mụ vợ tất, chỉ mang hũ rượu ngâm bộ tam xà ra tu đến cạn rồi đập vỡ bình. Có lẽ đấy là lần đầu tiên lão bị say rượu. Say đến mức bước đi loạng choạng rồi ngã vật xuống đường như chuối đổ. Chỗ ấy lại gần ngay ngõ nhà cô Thuần. Thấy có tiếng gì đổ đánh huỵch, cô Thuần vội chạy ra xem, nhận ra Củng nằm bất tỉnh, thở khò khè, sợ lão ấy bị cảm lạnh mà chết, cô dìu lão vào nhà, xoa dầu, đánh cảm. Sáng hôm sau lão Củng mới tỉnh. Hôm ấy cô Thuần cũng nghỉ bán hàng hôm đó. Thế rồi họ trở thành vợ chồng.
Ngày ấy, chợ Ngọc không chỉ bán mua các loại hàng tạp hóa và nông sản mà còn là một cái chợ gỗ lớn nhất vùng. Gỗ nứa từ các cửa rừng trong vùng đều tập kết hết về bến Ngọc sát gần với chợ. Cái bến thành một cái cảng gỗ. Thương lái gỗ tứ xứ đều tập trung về đây chọn mua hàng rồi thuê thợ đóng thành bè để mang về xuôi theo đường thủy. Bè về đến xuôi phải qua 3 con sông. Đi hết sông Chảy, nhập vào sông Lô, đến Việt Trì lại nhập vào sông Hồng. Suốt cả đoạn đường dài mấy trăm cây số, qua 3 con sông ấy, cam go, hiểm nguy nhất vẫn là qua Thác Bà sông Chảy. Muốn qua được Thác Bà, bè dài phải cắt ra thành từng trạo một chổ qua được. Qua hết rồi mới đấu lại thành bè để đi tiếp. Chỉ có những tay sào giỏi, dũng cảm, mưu trí và giàu kinh nghiệm mới dám chổ bè qua Thác Bà. Trước khi qua Thác phải lại còn phải có ván xôi gà, chai rượu lên thắp hương, xin đài ở Miếu thờ Thần Thác, có được nhất âm, nhất dương mới dám đi. Nghề lái bè qua Thác nguy hiểm nhất nhưng tiền công lại rất cao, nên cánh lái bè mới đặt ra câu:“Còn tiền chợ Ngọc, chợ Ngà/ Hết tiền ta lại Thác Bà, Thác Ông”. Trong mấy chục tay sào sông Chảy có số má thì lão Củng nổi tiếng tài giỏi nhất. Sau khi bỏ vợ, lão Củng ở nhà với cô Thuần cả tuần, đã bắt đầu thấy nhớ sông nước, đã không chịu nổi cái cảnh suốt ngày nằm ườn, chui ra chui vào cái nhà vừa chật vừa thấp. Nên khi lão lái Thả – một lái gỗ có tiếng vùng chợ Ngọc bấy giờ, mua được một lô gỗ quý, toàn Đinh, Sến, Táu theo đơn đặt hàng của một cai thầu tận Hưng Yên – tìm đến, hứa sẽ trả công cao nhưng với một điều kiện, không để mất gỗ và phải đi cả ban đêm để kịp ngày giao gỗ. Việc ấy với lão Củng chẳng khó khăn gì nên nhận lời ngay. Bè về đến Thác Bà, trước khi qua thác, cả toán thợ bè bắt lão Củng phải khao một chầu rượu vì lão mới lấy được cô vợ đẹp. Cánh thợ bảo lão đúng là vất con tu hú để lấy con chim khuyên, mõ thì mõ sợ cái cóc gì, cứ đẹp là được. Chén chú, chén anh, rượu nhập, ngôn xuất, toàn những lời khích bác, thách đố. Chúng bảo, lão Củng ở cả tuần với cô Thuần xinh đẹp lại là “mạ già ruộng ngấu” thế chắc còn gì hơi mà đưa bè qua được Thác. Lão Củng tức quá, ngửa cổ tu hết chai rượu, rồi đuổi mọi người lên bờ để mình lão lái bè qua Thác cho coi. Cả giận mất khôn, lão quên cả việc mang xôi gà rượu lên miếu thắp hương như mọi khi. Lần ấy, không hiểu thế nào mà lão Củng không đánh được bè lọt vào cửa Sinh, lại cứ nhằm thẳng vào hòn Thuồng Luồng mà lao vào khiến bè vỡ tan tành. Gỗ bị chìm hết, lão Củng cũng mất tăm, phải mất mấy hôm mới thấy xác lão nổi tận mãi Đầu Lô. Cô Thuần hay tin, vật vã đau xót rồi về nhận xác lão, thuê người chôn cất tử tế ngay ở tha ma chợ Ngà.
Lão Củng bị chết, người thì bảo vì lão coi thường Thần Thác, không lên thắp hương, xin đài; mụ vợ cũ của lão thì lu loa lên là lão bị ám khí đàn bà nhà mõ mà dám qua cửa Thần nên bị Thần vật chết, chứ ở với mụ lão có sao đâu. Nguyên do cái chết của lão Củng chả biết hư thực thế nào, chỉ làm tăng thêm tiếng xấu cho cô Thuần. Rồi cô Thuần có chửa. Cô đẻ ra thằng con trai thân hình khỏe mạnh, dài rộng như lão Củng nhưng không đen đúa như lão mà trắng trẻo, xinh xắn như cô Thuần. Dù cũng bị lời ong, tiếng ve của thiên hạ và sự chì chiết, móc máy của vợ cũ lão Củng song cô Thuần mặc kệ, cô vui lắm, vui ra mặt. Ước mơ làm mẹ của cô dầu sao cũng đã thành, cô quý thằng con có với lão Củng còn hơn cả vàng.
Rồi ở Chợ Ngọc bỗng nhiên xuất hiện một người đàn ông lạ. Lão này chạc ngót bốn mươi, người cũng cao to như lão Củng, lại có râu quai nón. Không ai biết lão ta từ đâu tới. Hỏi quê quán thì lão bảo đến cha mẹ cũng chẳng biết thì biết quê ở đâu. Hỏi tên thì lão bảo là Bân, còn họ thì không. Hỏi có vợ con chưa, lão chỉ cười hì hì, rồi lắc đầu. Thấy chợ nhiều rác quá, lão xin với mọi người cho được làm chân quét chợ. Lão bảo không lấy tiền công, chỉ cần ai bán gì thì cho lão xin cái ấy, một chút vừa đủ cho một mình lão ăn là được. Trông tướng mạo lão Bân có vẻ dữ dằn, mọi người có vẻ ngại, bảo nhau cứ cho lão làm thử, nếu thấy được thì đồng ý, đỡ phải cắt cử người luân phiên quét dọn. Được nhận việc quét chợ, lão Bân vui sướng lắm, lão quét dọn một cách chăm chỉ, miệt mài, vui thú như người làm một công việc gì trọng đại, lớn lao, ý nghĩa vậy. Cả cái chợ rộng thế mà chỗ nào cũng sạch như nhau. Đúng là lão không thu tiền hay sách nhiễu ai cả. Thậm chí ai nhờ lão bốc hàng, dọn hàng lão cũng vui vẻ giúp. Người nào bán rau thì lão cho mớ rau, bán gạo thì cho lão bơ gạo, bán bánh thì cho tấm bánh…Cho nhiều lão cũng không lấy, cho tiền, lão bảo không biết tiêu. Mẹ tôi bán hàng xén với thuốc lào thì lão chỉ xin thuốc lào. Tối lão ngủ ngay ở quán chợ. Thế là lão được nhận làm chính thức và có cái tên mới là lão quét chợ.
Lão Bân về quét chợ Ngọc đã được 3 năm, tôi cũng đã học xong cấp I, lên cấp II rồi nên ít sang chợ. Bỗng một hôm mẹ tôi đi chợ về nói với bố tôi: “Cô Thuần lại lấy lão quét chợ rồi đấy mình ạ”. Nghe thấy thế tôi liền nấp vào cánh cửa, nghe lỏm câu chuyện của bố mẹ tôi.
Thì ra hồi trận bão lốc tháng trước, làm nhà cửa của dân và cây cối ở khu chợ Ngọc đổ gần hết. Quán chợ của mẹ tôi cũng bay mất tăm. Hôm ấy, lão Bân đang ngủ say, đến lúc mưa như quất vào mặt mới tỉnh. Lão ngơ ngác nhìn nhà cửa, lều quán, cây cối đang bị cuốn bay theo gió. Thừ người ra một lát rồi bỗng nhiên lão chạy thục mạng thẳng đến nhà cô Thuần. Lão đã biết nhà cô, vì một lần cô Thuần đã nhờ lão đến dọi hộ cái mái bị dột. Đến nơi, nhà cô Thuần chỉ còn là một đống đổ nát. Chả thấy mẹ con cô Thuần đâu. Lão gọi toáng lên, không thấy có tiếng đáp lại, liền chạy vào cái đống đổ nát ấy bới tìm. Thấy cô Thuần bị cả mái nhà đổ đè lên người, cô nằm úp mặt, người mềm nhũn, không biết gì. Thằng con nằm cạnh, úp mặt vào bụng mẹ đang dãy dụa, khóc không ra tiếng. Lão Bân vội hất tung cả cái mái nhà đổ, bế thốc cả hai mẹ con ra ngoài. Vừa chạy được mươi mét, cây thị cổ thụ ở gần đấy bị bão giật trốc rễ đổ ập xuống ngay chỗ mẹ con cô Thuần vừa nằm. Lão hú hồn, hú vía bế cả hai mẹ con cô chạy một mạch đến hiên nhà Cửa hàng mậu dịch chợ mới thả xuống, nhờ mọi người cấp cứu. Vậy là nhờ có lão Bân mà mẹ con cô Thuần thoát chết đận ấy. Rồi chính lão lại giúp cô dựng lại cái nhà đổ. Cô Thuần bảo lão làm thêm một gian. Lão hỏi để  làm gì? Cô Thuần bảo cứ  làm xong rồi khác biết. Thì ra gian nhà cô bảo làm thêm là để dành cho lão Bân. Từ đấy lão Bân hết cảnh ngủ ở quán chợ. Mặc cho nhiều người lời ra, tiếng vào, cô Thuần vẫn quyết sống chung với lão Bân. Cô bảo vừa là trả ơn cứu mạng, cũng là trời xui, đất khiến để kẻ bất hạnh đến với nhau thành một gia đình. Lão Bân thì không còn gì sướng bằng thế nên cô Thuần bảo sao lão nghe vậy, không cãi nửa lời. Cô Thuần cũng không cho lão quét chợ nữa mà ở nhà xay bột và phụ bán hàng cho vợ. Thành chồng cô Thuần, trông lão Bân thay đổi hẳn, quần áo lúc nào cũng tươm tất. Tâm tính lão cũng khác hẳn đi, nói năng thưa gửi đàng hoàng, mạnh bạo, tự tin. Đấy là nhờ cô Thuần dạy cho lão cả. Lão lột xác đến mức không ai còn nhớ tới cái tên lão quét chợ nữa mà đều gọi là ông Bân, bác Bân. Cánh đàn ông trước đây chê bai, dè bửu cô Thuần là thế bây giờ thấy lại thấy tiếc đã bỏ mất món bở. Thậm chí thấy cả hai vợ chồng lão Bân ngày càng trơn lông, đỏ da, còn nói: “Đúng là Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”.
Cô Thuần đẻ liên tiếp ba năm đôi cho lão Bân một trai, một gái nữa. Gia đình cô lúc này cả thảy đã có 5 người, đủ bố, đủ mẹ, đủ nếp, đủ tẻ, có hộ khẩu ở xã đàng hoàng. Con cô đứa nào cũng theo gien mẹ xinh đẹp, giỏi giang, ngoan ngoãn, chăm chỉ, theo gien bố to lớn, khỏe mạnh. Nhiều nhà bề thế, giàu tiền, lắm của nhìn vào đàn con nhà cô cũng phải phát thèm. Thời đại mới nên cũng chẳng còn ai để ý đến cái lai lịch con nhà mõ với quét chợ nữa. Cô Thuần còn xin được làm em kết nghĩa của mẹ tôi và nhờ tôi bảo ban mấy đứa con cô học hành. Mẹ tôi vui vẻ nhận cô làm em. Mấy đứa con cô thích lắm vì từ đây chúng cũng có anh em, bác bá, họ hàng.
Những ngày chợ Ngọc cứ thế êm đềm trôi đi cùng tuổi thơ của tôi. Học hết cấp III dưới Phủ Bình, tôi được gọi nhập ngũ, rồi vào chiến đấu trong Nam biền biệt đến hơn cả chục năm. Khi trở ra Bắc thì chợ Ngọc đã không còn. Nhà nước làm Nhà máy Thủy điện Thác Bà nên chợ Ngọc xưa đã thành đáy hồ. Nhà tôi chyển ra ngoài thành phố. Trong số những người quen cũ ở chợ Ngọc tôi hỏi thăm đầu tiên là cô Thuần. Mẹ tôi bảo nhà cô chuyển vào ở trong Cảm Nhân rồi, cũng có nhiều người chợ Ngọc chuyển vào đấy ở. Cuối đợt nghỉ phép, tôi tranh thủ lên Cảm Nhân thăm gia đình cô Thuần. Đi bằng ca nô từ Cảng Hương Lý. Tôi leo lên boong tàu, nhìn mặt hồ nước mênh mông sóng vỗ, hỏi những người cùng đi, chợ Ngọc xưa bây giờ ở chỗ nào? Theo tay họ chỉ, tôi nhận ra chỗ ngày xưa là chợ Ngọc, nhưng nhìn xuống chỉ thấy loang loáng nước. Tôi cũng nhận ra cả núi Con Voi và núi Chàng Rể. Tôi lại nhớ những lần vào núi Con Voi chặt củi, ăn no dâu da với vải guốc đến nỗi bị say lảo đảo. Kỷ niệm tuổi thơ và chợ Ngọc cứ dần dật chảy về trong tôi.
Vì đã nhận được nhắn tin của mẹ tôi nên ba mẹ con cô Thuần ra tận bến ca nô Cảm Nhân đón tôi. Tôi nhận ra cô ngay. Chỉ hai đứa trẻ là thay đổi nhiều quá. Chúng lớn thành chàng trai, cô gái cả rồi. Tôi hỏi anh cả đâu, chúng bảo anh em cũng mới đi bộ đội, đang huấn luyện bên Thái Nguyên. Cả nhà cô Thuần đón tiếp tôi niềm nở thân tình. Ai đến nhà, cô cũng hả hê đầy vẻ tự hào giới thiệu: “Đây là thằng cháu, con bà chị ngoài ngoài thành phố, cháu nớ mới ở chiến trường ra đấy”. Lòng tôi lúc đó cũng vui sướng lắm. Tôi cũng thấy cô chú với các em như là ruột thịt của mình vậy. Nhìn cơ ngơi nhà cô cũng thấy toát lên sự no ấm, và cuộc sống gia đình hạnh phúc, vui vẻ.
Tôi hỏi cô:
– Bây giờ cô làm nghề gì?
Cô cười bảo:
– Thì cô chú vẫn làm bánh rán bán ở chợ Ngọc thôi.
Tôi ngạc nhiên:
– Làm gì còn chợ Ngọc hả cô, chợ bị ngập hết rồi cơ mà.
– À – Bỗng ánh mắt cô Thuần ánh lên điều gì khó tả lắm – Đúng là chợ Ngọc ngày xưa bị ngập rồi cháu ạ. Nhưng dân chợ Ngọc chuyển vào đây ở vẫn nhớ cái chợ ngày xưa của mình lắm nên xin với ủy ban xã cho mở lại chợ Ngọc ở đây. Xã cũng đồng ý cho bà con dùng cái tên xưa đặt cho chợ mới. Lát nữa cô đưa cháu đi xem chợ. Tuy chẳng đông vui, sầm uất bằng ngày xưa nhưng cũng đủ các loại hàng cháu ạ.
Tôi thật bất ngờ với việc cô Thuần nói và thấy vui vui. Chợ Ngọc của tôi thuở ấu thơ vẫn còn. Dân chợ Ngọc xưa vẫn yêu quý và tự hào về cái chợ của mình. Điều tôi ngạc nhiên là cô Thuần không phải dân chợ Ngọc gốc. Cô cũng có một hoàn cảnh có thể nói là rất éo le, sóng gió vậy mà sao cô lại yêu quý chợ Ngọc đến thế. Tôi hỏi thì cô bảo: “Cô chẳng sinh ra lớn lên ở đấy nhưng chợ Ngọc đã cho cô tất cả, gia đình, con cái và những người thân tình như gia đình cháu. Không có chợ Ngọc làm sao cô có được ngày hôm nay hả cháu. Cô mang ơn chợ Ngọc, mang ơn người chợ Ngọc lắm cháu ạ. Ơn ấy cô sống để dạ, chết mang đi”. Nói đến đấy mắt cô Thuần đã rơm rớm nước. Quay sang tôi, cô bảo: “Chợ Ngọc mới bây giờ cũng có nhiều đồ ăn đặc sản lắm, cháu thích ăn gì để cô đãi”. Tôi bảo: “Vậy thì cô cho cháu món bánh rán cô nhé. Đi khắp trong Nam, ngoài Bắc cháu chưa thấy ăn bánh rán ở đâu ngon như của cô”. Nghe tôi nói vậy cô Thuần cười rất tươi tắn và sảng khoái. Cô bảo: “Tưởng gì, bánh rán thì lúc nào chả có, nhưng bánh của cô quê lắm”. Tôi để ý trông cô tuy có già đi so với trước đây nhưng nét duyên dáng, mặn mà thì chẳng phai lạt đi là bao.
Rồi tôi ra quân, chuyển về công tác ngoài thành phố. Mỗi bận về nhà tôi đều hỏi thăm gia đình cô Thuần. Ba đứa con cô đều đã trưởng thành. Thằng cả vẫn ở bộ đội, hai đứa em nó đều tốt nghiệp đại học. Đứa là kỹ sư, đứa là giáo viên đều công tác ở ngoài thị xã cả và tất nhiên là đều có gia đình êm ấm, chẳng đứa nào ba đào như đời mẹ nó. Tôi đến thăm, hỏi sao các em không đón bố mẹ ra ngoài này để tiện chăm sóc. Chúng bảo mẹ em nhất quyết không đi. Mẹ em bảo sẽ sống hết đời ở chợ Ngọc và cũng muốn được chết, được chôn  ở chợ Ngọc anh ạ. Mẹ em chỉ nghe anh thôi, anh xem nói với mẹ giúp chúng em một câu để chúng em đón ông bà ra ngoài này. Nghe các em nói thế, chính tôi lại muốn bảo các em hãy đừng bắt bố mẹ ra ngoài phố nữa.  Chao ôi! Dù chỉ là cái chợ Ngọc mới, dù chỉ còn cái tên cũ thôi mà cô Thuần yêu nó đến thế kia ư? Yêu như thế sao mà bỏ đi được. Tôi bảo với các em: “Mẹ em muốn thế là bà có cái lý của bà. Các em cũng nên tôn trọng ý của mẹ. Đành thường xuyên về thăm mẹ, hay cho đứa cháu nào vào ở với ông bà cho vui”.
Sau này, vì cô Thuần kiên quyết không ra ngoài thị xã nên anh con cả khi ra quân đã về ở với bố mẹ và tham gia công tác xã. Cô Thuần tuổi đã cao nhưng vẫn kỳ cạch làm bánh rán. Cô bảo, chẳng cần lời lãi gì, chỉ làm cho vui tuổi già thôi, với lại cô mà bỏ nghề thì chợ Ngọc cũng chẳng còn hàng bánh rán nào, bọn trẻ con trong này sẽ chẳng còn biết thế nào là bánh rán quê.
Mới đây, sau chuyến đi công tác nước ngoài dài ngày về, tôi mới biết cô Thuần đã mất. Tôi vội lên viếng cô. Anh con cả đưa tôi ra mộ mẹ. Tấm bia trên ngôi mộ chỉ có một dòng chữ ngắn ngủi: “Cô Thuần, Chợ Ngọc”. Tôi hỏi con trai cô:
– Sao em không khắc quê quán, ngày sinh, ngày mất trên bia cho mẹ mà chỉ ghi thế này?
Anh con trai cả cô bảo tôi:
– Mẹ em bắt làm thế đấy anh ạ. Bà dặn em từ khi còn sống là phải ghi trên bia đúng như thế, chúng em không dám trái lời mẹ.
Tôi không còn biết nói gì hơn, cũng không dám khuyên các con cô làm trái ý của người đã khuất. Tôi thắp cả bó hương lên mộ cô rồi chắp hai tay, lầm rầm khấn: “Cô Thuần ơi! Cháu là thằng Hiền ngày xưa mà cô rất quý đây. Bây giờ cháu mới về được chợ Ngọc để thắp cho cô nén hương. Cô ơi, lẽ đời sống gửi, thác về, dẫu có là bể khổ thì cô cũng đã hoàn thành tâm nguyện ở cõi đời này rồi, mong cô về cõi Tiên thật thanh thản. Bây giờ cháu cũng mới hiểu hết tấm lòng cô với chợ Ngọc ngày xưa. ở đời này đã mấy người làm được như cô. Chính cô mới là người dạy cháu rất nhiều về lẽ đời …”.
Tôi vừa khấn đến đấy bỗng có một cơn gió ào về. Những thẻ hương đang âm ỉ đỏ, tỏa khói nghi ngút bỗng bốc thành ngọn lửa cháy dần dật. Anh con trai cô Thuần reo lên: “Ôi, bát hương mẹ em hóa rồi anh ạ, chắc mẹ em về, bà vui khi thấy anh…”.
Tôi nhìn vào ngọn lửa hương cháy mà thấy loang loáng hình ảnh cái quán bánh rán của cô Thuần có cái bếp kiềng, cái chõng tre, tay cô thoăn thoắt gắp từng cái bánh đã chín vàng, đặt lên hai hai thanh tre gác ở miệng chảo cho ráo mỡ, rồi gói vào lá dong còn xanh, buộc lạt lại cẩn thận mới đưa cho khách mua. Khi nhận tiền của khách, vội đến mấy cô cũng nói câu: “Em xin ạ!”. Tôi bảo với anh con cả cô: “Sau này làm giỗ cho mẹ thể nào các em cũng phải có món bánh rán đấy nhé”, rồi vái cô lần nữa để về. Trên đường về tôi rẽ vào chợ Ngọc mới, nhìn lại cái quán bánh rán của cô Thuần lần nữa, kẻo ít bữa nữa mọi người phá nó đi mất.
Tác giả: Nguyễn Hiền Lương – Thực hện: NSUT. Việt Hùng

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *