Truyện đêm khuya – Qua một trăm ngày của mẹ, chị Cả tôi ở lại nhà thêm mươi hôm nữa, rồi vội trở lại Mỹ, do tình trạng bệnh tật của anh Thuyên. Tôi thật không thể ngờ một người to lớn, lại rất mạnh khoẻ như ông anh rể của nhà tôi, mà lại chóng suy sụp đến thế. Cách đây vài năm, khi xem cuốn băng vidéo lễ cưới của thằng Huy, tôi đã thấy anh Thuyên có vẻ xuống phong độ lắm rồi nhưng vẫn nghĩ không đến nỗi nào. Chẳng rõ hồi lấy chị Cả, anh Thuyên ra làm sao, chứ từ ngày tôi lớn lên và có hiểu biết đã thấy tính khí của anh ấy cứ buồn cười như thế nào ấy. Bà nội tôi bảo: “Ra dáng như là dở hơi, chứ mà khôn ra phết đấy nhé!”. Bố tôi thì độp luôn: “Khí cục”.
Chị Cả tôi tuổi ngọ. Mẹ tôi vẫn hay ca cẩm: “Cái số nó thế. Thân con ngựa, thảo nào chẳng long đong”. Chị làm vợ anh Thuyên chưa tròn hai mươi năm mà có nhứng mười một đứa con, chết yểu mất hai. Ngày trước anh Thuyên đi lính, đeo đến lon thượng sĩ là hết. Chỉ đóng quân quanh quẩn gần nhà vì là lính truyền tin. “Sao anh chị lắm con thế?”. Có lằn tôi hỏi và chị gạt phắt ngay: “Mày biết gì? Lương con to lắm đấy. Người khác trông đẻ được như tao. Đẻ nhiều để rồi kiếm lương nữa chứ!”. Tôi cười: “Thế thì chị giỏi” nhưng lại thấy ấm ức trong bụng bởi giỏi đâu chẳng thấy, chỉ thấy một bầy lếch thếch với lại lôi thôi. Nhà cửa bừa bãi và bộn bề quanh năm suốt tháng. Chín đứa con nhà anh Thuyên, ngày bé, nhìn ngán lắm cơ! Đứa nào đứa nấy đã loắt choắt lại thêm cái nỗi nhếch nhác, chẳng còn ra làm sao, thế mà đến lúc lớn lên, chẳng phải xấu một đứa nào đâu nhé! To cao, đẹp trai, đẹp gái mà sáng giá nhất là cái anh cu Huy, lấy vợ ở Houston và có gửi về biếu bà ngoại cuốn băng đám cưới, mấy năm trước. Mẹ tôi vốn mộ đạo. Con đông, cháu nhiều. Con thì ổn hết. Trai, gái đều lấy người có đạo hoặc theo đạo hẳn hoi. Còn một bầy cháu. Cháu gần, cháu xa. Cháu ở Việt Nam, Mỹ, Nhật. Thôi thì đủ cả và cũng đã lớn tướng. Nếu như ngày trước thì vợ chồng cả rồi nhưng bây giờ chúng nó có mà chịu hối cho đấy. Thế thì tùy. Lấy sớm, lấy muộn sao cũng xong, miễn là có đưa nhau vào nhà thờ, có lễ hôn phối hẳn hoi, nghĩa là không bỏ đạo là cụ mừng lắm rồi. Một cuốn băng đám cưới, hiệp lễ chiếm đến hai phần ba, phần còn lại dành cho các thủ tục khác. Xem mỏi mắt, chán cả người vì chỉ loanh quanh trong khuôn viên nhà thờ, thế mà mẹ tôi thích lắm. Vừa xem vừa cười, còn đọc kinh, còn đáp ca theo cha ở trong băng nữa chứ. Cũng may các cháu tôi ở nước ngoài nhưng đều lấy vợ người Việt và làm lễ hôn phối ở nhà thờ của các cha người mình, chứ không, có mà mẹ tôi chịu chết, chứ làm sao mà theo được. Xem cuốn băng đám cưới của thằng Huy cũng thế. Mẹ tôi làm công việc của cụ và tôi… xốn xang trong người, vì cái sự lọm khọm của anh Thuyên, mỗi khi trên màn hình có anh ấy xuất hiện.
Ngẫm ra anh Thuyên lấy chị Cả tôi cũng là cái sự… ngẫu nhiên. Ngày ấy gia đình tôi mới chuyển từ Đà Nẵng vào Quãng Ngãi. Nhà ở khu gia binh Rừng Lăng. Khổ lắm! Bố tôi làm lính Bảo an và đóng quân ở mãi Ba Tơ, Trà Bồng. Mẹ tôi trong một lần lên thăm, nẩy ra ý mua bán trên ấy, hầu thêm cập đồng ra đồng vào để nuôi mẹ, nuôi con. Vào Nam, bố mẹ tôi đưa cả bà nội theo. Bà nội đâu có muốn vì tiếc cơ ngơi ruộng đất, ao cá, vườn na… ở ngoài quê nhưng thương bố, thế là theo. Ở trong này những năm đầu cuộc sống còn rất bấp bênh, chật vật. Thế là bà cáu, đòi về Bắc và cứ réo mẹ tôi ra mà chửi. Lục đục mẹ con mãi. Bất bình bà bỏ lên Kon Tum ở với gia đình chú thím Út. Từ đấy mẹ tôi đâm hãi chuyện nghèo, sợ cảnh túng. Cũng may việc mua bán của mẹ ở Trà Bồng rất phát đạt và thế là nhà ở trại gia binh chị Cả phải trông nom, quán xuyến. Chị Cả học đã kém lại thấy cảnh nhà nheo nhóc nên bỏ tắt, khi vừa xong cấp một và xin đi học may. Về, để cái bàn máy ở phía trước. Làm hàng cho các bà, các cô ở trong trại, đã kiếm được tiền chợ lại quản được các em. Bố mẹ tôi có sáu người con. Ai cũng ngoan ngoãn, dễ dạy ngoại trừ ông anh đầu. Anh ấy “gấu” phải biết. Trêu chòng tất cả mọi người, chăng trừ một ai và người anh ấy trêu tợn nhất lại là chị Cả. Mẹ đi vắng nhưng chị đã quen nếp. Lúc nào trong nhà cũng có vại dưa, vại cà muối. Đó là hai thứ chị cho chúng tôi ăn thỏa thuê. Phải cái chị muối khí mặn, nên có muốn ăn nhiều cũng không được chứ thịt kho, muối vừng thì đã có tiêu chuẩn. Thịt kho chị cắt như thể đúc khuôn, nên chia đều từng miếng hết sức công bằng. Còn muối vừng thì đã có muỗng cà-phê và chị đong đều tay phải biết. Cứ thế chị giúp bố mẹ lo cho các em chu toàn. Cứ thế, bữa cơm nào chị cũng bị ông anh đầu của tôi nỗi khùng, vì thức ăn ít. Anh ấy sừng sộ, đốp chát chị ra trò và lần nào chị cũng cười đến lả cả người ra mới thôi. Chẳng là chị bị cái bệnh cứ tức lên là cười. Tự trong người nó phát ra cười. Làm thế nào cũng không ngừng đi được. Chỉ có cách là người ngoài giúp cho chị hạ cơn uất, cơn giận xuống là chị bớt cười dần dần rồi tắt hẳn.
Đấy, nghe kể lại, cũng do cái bệnh cười mà anh Thuyên để ý đến chị và nhờ người đánh tiếng. Chẳng là gần nhà tôi ngày trước có con sông Trà Khúc chảy qua và cả trại vẫn ra sông để tắm giặt mỗi ngày. Chị và mấy cô bạn thường chọn vào lúc trưa vì vắng người. Các chị cởi áo ngoài và nhảy ùm xuống sông lặn hụp, dỡn đùa với nhau thoả thích. Trưa ấy lên bờ thấy mất có mỗi một cái áo, lại là áo của mình. Chị Cả biết ngay thủ phạm là thằng em kề và vội dáo dác kiếm tìm. Khi nhìn lên cây sung gần đấy, chị thấy ông anh đầu của tôi đang nằm vắt vẻo trên một cành cao, không quên phẩy phẩy cái áo của chị để chòng ghẹo. Quá uất chị không sao mở mồm ra được để nói. Chị mở mồm ra để cười – cười quá thể –. Các bạn chị xúm lại, làm mọi cách cũng không dứt chị ra khỏi cơn cười. Vừa khi ấy anh Thuyên đi ngang. Thấy một cô gái tóc tai, quần áo ướt sũng, mặc có mỗi cái áo lót, nên phải vòng tay lại che ngực và cười đến rũ cả người ra. Xinh xắn, hay hay… Thế là để ý. Đợt ấy anh Thuyên đang đóng quân ở Qui Nhơn, về trại gia binh Rừng Lăng để thăm một người chú. Ngay tối ấy anh Thuyên lại nhà. Gặp lúc chị đang chia thức ăn cho các em trong bữa cơm và bị ông anh đầu của tôi trổ gấu. Lại tức, lại cười. Anh Thuyên đứng ở ngoài nhìn vào, thấy thích quá. Người đâu mà lúc nào thấy cũng là đang cười. Cười là vui mà người có vui thì nhà mới vui, đời mới vui. Rồi lần sau về, anh Thuyên nhờ người chú sang đánh tiếng và lần sau nữa thì cưới. Đám cưới chị bố tôi không có mặt. Mẹ thu xếp về và ở hẳn lại nhà. Kinh tế gia đình cũng khá hơn và mẹ đưa các con rời trại gia binh, lên phố thuê một căn nhà ở cầu Hàng Bố. Còn chị thì theo anh Thuyên vào sống ở Qui Nhơn.
Từ đấy anh Thuyên là chồng chị. Là rể đầu của bố mẹ tôi. Bà nội tôi gặp anh lần thứ nhất không thích. Lần sau cũng không. Các lần sau lại càng không nốt. Còn bố tôi xem chừng không vừa lòng anh Thuyên về đủ mọi chuyện. Trước hết là cái nết ăn. Anh Thuyên ăn uống rất dung tục, khác hẳn với bố tôi. Bố tôi ăn uống nhỏ nhẹ và rất là ít ỏi. Thêm nữa anh Thuyên là chúa ăn vặt. Còn bố tôi tịnh không. Sau hai bữa cơm chính, ăn tráng miệng quả chuối, đấy đã là ăn hàng của bố. Trong khi anh Thuyên chỉ cốt có cái bỏ mồm, nhai cho đỡ buồn. Cũng vì chuyện này mà mấy chục năm chung sống với nhau, chị Cả tôi cứ vặc anh mãi. Vặc từ chuyện ăn mía ngọt đến chuyện ăn khế chua. Vặc từ chuyện húp bát canh rau đay sùm sụp, đến chuyện nhai cái bánh đa nướng rôm rốp… Chẳng là chị cả tôi lúc nào cũng tất bật với một lũ con, cả đống cả thiên chuyện nhà và việc mua bán. Vất vả như thế nên những khi chạy hàng, giao mối, ra chợ… mà có khát thèm cũng chỉ dám dừng lại ở một cái xe nước mía nào đó, uống lấy vài ba hơi “ực”, “ực” cho hết cả ly nước đầy, để rồi lại tất tả quáng quàng với công việc luôn ngập mặt, bù đầu trong khi anh Thuyên vào mùa mía, thèm, cứ việc đủng đỉnh ra chợ, đủng đỉnh lựa lấy từng cây mà nào có phải mua ít để mà lựa ít. Đây cả bó mía lại còn đủng đỉnh trả treo. Khiếp, cái khoản này của anh Thuyên thật chẳng thua kém gì đàn bà. Ấy mới chỉ là công đoạn đi mua, còn tới công đoạn róc và rít hết đẫn này đến đẫn khác, hết cây này đến cây kia, mới thêm phần sốt ruột chứ! Đó là chuyện ăn ngọt. Còn chuyện ăn chua, anh cũng đâu có từ. Ổi, cóc, xoài, me… phải mất tiền mua, anh còn có phần lưỡng lự. Chứ khế á? Ngay sân sau. Vào mùa chỉ một loáng đã có cả rổ to. Anh trèo lên cây hái và bảo chị Cả: “Bán cho trẻ con được đấy”. Chẳng là ở phía trước nhà, chị có mở một cái hàng bán đủ thứ. Từ viên thuốc cảm cho đến que kem, nên có bỏ rổ khế bán lẻ, cũng là chuyện rất phải. Nhưng bán cho trẻ con thì ít mà bán cho anh Thuyên mới rõ là nhiều. Cứ đi làm về cởi bỏ được đôi giày bốt, bộ quần áo nhà binh nặng nề, cởi trần trùng trục là anh sà ngay vào rổ khế và bát muối ớt. Tay thoăn thoắt gọt, cắt, chấm và mồm nhanh nhảu nhai. Hết múi này đến múi khác, quả này đến quả kia trong khi chị Cả thì luôn tay với việc bán buôn. Vừa đong xong xị rượu thuốc, lại tiếp đến lít dầu hôi. Cân cho mau mấy ký than, để còn vội đi lấy bịch xà phòng… Bận túi bụi mà thấy cảnh chồng nhẩn nha rít mía ngọt với lại háo hức nhai khế chua như thế, bảo sao vợ không khỏi xốn mắt, ganh lòng và phát cáu lên cơ chứ!
Nhưng điên tiết nhất, theo chị, vẫn là vào mùa hè mà bánh đa lại hết ngay giữa giấc trưa và chị phải gồng người ra ngồi nướng, dưới mái tôn phả hơi nóng xuống và bếp lửa xông hơi nóng lên. Cái nóng – nắng cứ là hừng hực và người như phát sốt lên vì bức bối, trong khi ngồi cách ra một quãng là anh Thuyên: áo cởi nút, phanh ngực trước cái quạt máy gió ào ào, bẻ bánh đa vừa mới nướng xúc đường, điềm nhiên… ăn và luôn chặc lưỡi: “Bánh đa nướng là phải ăn ngay, lúc vừa nhấc ra khỏi lửa. Giòn lắm cơ! Mà phải có tị đường. Béo béo, thơm thơm, ngọt ngọt… Hay ra phết. Mẹ cái Dung không ăn thử một miếng?”. “Thử? Một mình ông thử đủ rồi. Con này còn phải nướng, để mà có cái cho ông thử nữa chứ!”. Chị bảo có hôm không chịu được, thì quát lên một câu như thế, cho đỡ uất. Có hôm chả hơi nào và tủm tỉm cười: “Rõ thật. Chẳng hợp được chuyện gì. Nhất là chuyện ăn”. Có lẽ vì không hợp, nên về chung sống với anh ngày nào, là chị khỏi cơn bịnh cười ngay ngày ấy. “Ở với cái ông này, tức anh ách suốt. May mà khỏi, chứ không, cứ phải cười mãi, có mà chết vì vỡ ngực ra ấy chứ!”. Chị bảo thế và anh Thuyên lắc đầu: “Thế là nhà không vui. Đời không vui. Tưởng rằng cười tự nhiên, té ra, bằng cười có tật. Hiểu sai. Cưới nhầm. Hỏng to!”.
Hỏng thế nào? Anh Thuyên mà không cưới chị Cả nhà tôi, có mà nên nỗi hối ra đấy. Bởi lẽ mọi sự trong nhà, từ hồi nào đến giờ, đều một tay chị Cả tôi quán xuyến, làm lụng, chỉ bảo…. Khiếp, sao mà chị giỏi thế và sao mà ông anh rể của tôi lại có thể khủng khỉnh đến thế chả biết. Anh Thuyên không hề có đồng nghiệp, hàng xóm, bạn bè. Chả ai ưa được anh và anh cũng chả ưa nổi ai. Anh ấy không thích nhờ cậy một ai và cũng chẳng muốn ai nhờ cậy mình. Cứ thế cả đời. Chắc vậy. Cả đời khéo ông anh rể của tôi, chưa hề cho ai mượn một món đồ gì. Mẹ tôi có lần chứng kiến người hàng xóm sang mượn cái ống bơm xe đạp, thấy anh Thuyên đáp dến bốp một cái “không”, vội nhỏ nhẹ nhắc:
– Sao thế hả con?
– Ối giời! Thì mẹ tính. Con đang đứng ở đây. Ngay trước cửa này, lại phải đi vào nhà vác cái ống bơm ra, rồi lại vác vào, rồi lại đi ra đứng trước cửa. Có phải là phí bao nhiêu thời gian không nào?
Kịp lúc chị Cả đi chợ về, nghe ngứa tai, thế là phản ứng ngay và anh Thuyên tắc tị. Vẫn có cái lệ như thế ở trong nhà của anh chị. Chị Cả tôi luôn ở tư thế áp đảo anh Thuyên. Cũng may mà anh ấy còn mặc cho chị… chỉ huy, để đở được bao nhiêu là những chuyện quái gỡ. Chứ cứ một cái cách như anh, thì có nước cả nhà phải đi ra đảo hoang, mà ở với… khỉ mất thôi. Bà nội tôi, khi còn sống, vẫn hay mỉa mai: “Người ta dễ thường mất nết ăn còn nết ở. Không được chuyện đi đứng, thì cũng cố để được chuyện nói năng. Đây ông rể đầu nhà này. Rõ là… dơ dáng”. Của đáng tội, bà tôi nói như thế, xem ra là không phù hợp lắm với lẽ công bằng. Tuy anh Thuyên chẳng được nết ăn ở, không phải chuyện nói năng, chứ còn cái kiểu đi đứng bề thế cộng với vóc dáng to lớn của mình, đã mấy ai trong họ hàng nội, ngoại nhà tôi sánh bằng.
Giải phóng. Anh bỏ bộ quân phục lính cộng hoà, trở về làm người dân thường và sống lè phè để vợ nuôi. Cửa hàng ở nhà, trông chẳng ra làm sao, thế mà bán đắt ra phết. Do biết tùng tiệm, chị Cả tôi cũng xoay trở lo được cho chồng con một cuộc sống đàng hoàng. Chị vẫn thế. Tất bật từ sáng sớm cho đến tận khuya và anh áng chừng như ăn vặt nhiều hơn vì quá rỗi. Bên cạnh chuyện ăn lại phát sinh thêm một tật mới nữa ở anh Thuyên, là chuyện nói – nói xàm – . Anh nói suốt, ngoại trừ lúc ngủ ra. Anh công kích mọi người. Anh nói xấu chính quyền, tôn giáo. Anh chê bai người sống. Anh chỉ trích người chết. Anh chế giễu người thường chưa đủ, anh còn lôi cả Chúa, Phật ra để bỡn cợt. Mẹ tôi vốn là một tín đồ Thiên Chúa giáo rất ngoan đạo, đã nhiều phen giận anh đến độ phải thốt lên: “Không lẽ lại đi từ rể, thì còn ra gì cái thể thống của gia đình. Chứ ai đời. Con nhà đạo nòi mà ăn với lại chả nói… Thật chẳng còn ra làm sao! Phát biểu linh tinh như thế, nhỡ hàng xứ người ta nghe được, thì cha cố nào cho vợ, con, bố, mẹ cất bước đến nhà thờ cơ chứ!”. Nghe mẹ tôi lải nhải mãi về anh Thuyên, bố tôi cũng chỉ kết thúc lại bằng hai từ gọn, chắc: “Khí cục”.
Năm 1990, gia đình chị Cả tôi sang Mỹ theo diện đoàn tụ. Từ lúc giấy tờ bảo lãnh gửi về đến lúc lên máy bay, mất tròn ba năm. Chị Cả và các cháu tôi, có vẻ mừng vì sự chậm trễ này. Phần chị còn bao nhiêu là công việc vướng mắc, chưa giải quyết xong. Mấy đứa nhỏ ở Việt Nam đã có bạn trai, bạn gái nên bịn rịn, vương vấn lắm. Chỉ có anh là trông ngóng chuyện ra đi và chỉ có anh là sốt ruột. Anh bảo sang Mỹ ai làm gì thì làm. Còn anh, cứ cho anh ngồi bên cái tủ lạnh suốt ngày là đủ sướng cái đời rồi. “Ăn. Cứ ăn. Chả việc gì…”. Câu anh nói, không ngờ, làm chị tôi phát cáu, thế là mát mẻ ngay: “Chứ còn ở đây, ông làm chắc? Khiếp! Ở đâu ra cái giống người lạ thế chẳng biết. Nói nghe mới đến là hay, nhỉ?”.
Ở Mỹ, chị vẫn là người dễ thích hợp với hoàn cảnh, môi trường sống. Còn anh vẫn cứ là người… khí cục. Đấy là nói theo cách của bố tôi. Ăn thì đã đành một nhẽ và muốn ăn, thì có thiếu gì thứ để mà ăn. Nhưng ở chung nhà, trong khi tất cả mọi người đều ăn kiêng, chỉ có duy nhất mỗi một anh Thuyên là ăn tạp, thấy nó chẳng còn ra làm sao. Cứ gọi là trúc tra, trúc trắc thế nào ấy. Đấy là đối với chị và các cháu. Chứ còn anh, thì: “Chả việc gì…”. Không cần ngồi sát bên cái tủ lạnh nhưng anh vẫn có thể nhai suốt ngày và anh ăn ngọt, thôi cứ gọi là phát khiếp lên được. Anh bỏ đầy túi nào kẹo, chocolate… và mồm không lúc nào ngơi. Đấy là lúc các cháu tôi phải đi làm. Còn lúc chúng nó đã về nhà, thì bên cạnh cái chuyện ăn, lại kèm thêm ở anh cái nỗi chửi – chửi con – mới đến là rách việc chứ! Chị viết thư, bảo: “Cũng giỏi cho chuyện chịu đựng bố của chúng nó, chứ cái lủ trẻ trẻ ở Mỹ, không thể như thế được đâu”. Nhân có đứa con chị, trong một lần về Việt Nam thăm ngoại, tôi có tò mò đem việc này ra hỏi. Nó cười: “Thì cứ như bị buộc phải nghe cái CD vừa dở lại vừa vấp. Thế mà hôm nào cũng phải nghe mới khổ chứ! Mà thôi cũng phải đành chịu, chứ dì bảo chúng cháu còn biết phải làm gì?”. Năm 93 bố tôi mất, chị không về được, cứ ân hận mãi. Nhưng sau đấy chị cũng còn kịp gặp mẹ tôi được vài bận, trước khi anh Thuyên ốm đau luôn và chị chẳng thể nào rời được anh ấy. Anh Thuyên mắc phải bệnh tiểu đường và ra vô bệnh viện suốt. Cũng may có quĩ xã hội đài thọ, nên các con anh chả phải tốn đồng nào. Chỉ thương cho thân anh! Khổ sở đến quắt quay với chế độ ăn uống do bác sĩ qui định. Chúng tôi viết thư sang thăm. Chị gọi điện trả lời, bảo: “Anh vòi ăn như trẻ con ấy và có mà kiêng hối cho đấy. Chị cứ phải canh chừng, chứ hở ra một tị, là… Thương quá thể. Là người háu ăn mà phải chịu cảnh như thế. Bảo sao… Xót. Xót lắm”. Tôi nghe ở những từ sau, chị thốt ra không những cho anh, mà là cho cả mình, với tình yêu chồng ắp đầy và đau đáu bao nỗi ngậm ngùi thương thân.
Rồi anh ốm nặng hơn. Một phần bởi di chứng của bệnh tiểu đường. Một phần lại bị xơ cứng các động mạch, do lười tập luyện nên bị liệt và mất hẳn tiếng nói. Anh nằm bệnh viện có đến nửa năm trời. Chị vào ở hẳn trong ấy để được gần gũi với anh. Chỉ là gần gũi, chứ còn chăm sóc và tất tần tật mọi thứ, đã có người của bệnh viện lo rất là chu đáo. Mình chả phải mó tay vào một việc gì. Chị rỗi, buồn, lẻ loi, ngơ ngác… giữa những người không cùng màu da và tiếng nói. Không hiểu được mình và mình cũng chẳng thể trao đổi được gì với họ. Chị chỉ có mỗi một mình anh. Anh lại nằm bất động. Không cười, không chửi và cả nữa không ăn. Mà anh Thuyên nhà chị không ăn, sao còn có thể là anh Thuyên được đây cơ chứ! Vào những lúc như thế này, chị mới nghiệm ra con người ta mà mất đi cái sự hứng thú của đời mình, như chị là làm việc và anh Thuyên là ăn uống, thì cuộc sống thật là mất hết mọi ý nghĩa. Ở Mỹ, chị không thể làm được gì, ngẫm ra, còn có cái lý do chứ anh Thuyên ở cái xứ đồ ăn, thức uống cứ gọi là phát ngốt lên mà không được phép đụng đến, mới thật là phi lý và chị thèm quá thể được nhìn thấy anh ăn. Ăn từ một thứ ra tấm ra món như bát bồ câu hầm đến một món vớ va vớ vẩn như miếng cùi dừa, quả na… Chị mong muốn được thấy anh uống. Uống từ lon bia đậm sánh đến cốc trà đá nhạt phèo. Khiếp! Cái cách anh ăn uống. Nom sao mà thương đến thế chả biết. Cứ háo hức, hăm hở, hùng hục… như là trẻ con ấy. Ừ! Mà anh, đối với chị, không là trẻ con thì là gì đây chứ! Là người lớn chắc. Phải đấy, người – lớn – dở – hơi. Chị cứ ngồi thần người ra, ngẫm nghĩ hết chuyện nọ lại xọ đến chuyện kia, trong khi ngắm nhìn anh hết giờ này đến giờ khác, hết ngày rồi lại chuyển qua đêm. Đêm dài quá! Đêm ở nước Mỹ, trong một bệnh viện ở Chicago. Đêm yên lặng quá và anh nằm bất động. Chị khát thèm được nghe anh húp bát canh, rít đẫn mía, nhai rôm rốp cái bánh đa, rau ráu miếng dưa muối… Bởi vậy những lúc cô hộ lý bơm thức ăn cho anh, chị nào có dám nhìn vì sợ mình phải khóc. Sống với anh lâu, thương anh nhiều. Chị như nghiện cả cái sự khua – động, tự những âm thanh phát ra bởi việc ăn uống của anh, nhưng các con nhà anh thì khó chịu ra mặt. Chúng nó bảo: “Ở đất nước này, chẳng có ai ăn uống kiểu như bố. Trông chẳng văn minh một tị nào”. Chị cay mắt khi nghĩ: từ giờ trở đi, anh đâu muốn ăn uống văn minh mà vẫn cứ là… được! Đấy là những lời chị kể cho chúng tôi, khi thư về.
Anh ra viện, trở lại nhà với đôi chân nhúc nhắc đi được nhưng vẫn không thể nói, ăn như một người bình thường. Chị ngày mấy bận hầm nấu đủ thứ, xay nát và đút cho anh. Chị bảo anh ăn nhiều, ra hiệu đói bụng luôn. “Thươnglắm cơ!…” và cười. Rõ là thương! Cho cả anh lẫn chị. Bệnh tật của anh cũng có thuyên giảm, dẫu chậm. Giá như khí hậu ở Chicago ấm áp như Cali thì anh đã đỡ nhiều. Đằng này quá rét. Chị không thể đưa anh ra ngoài để tập đi và anh ốm như thế nên chị bận rộn lắm nhưng chẳng hề nghe thấy một tiếng than van nào. Chị thì không nhưng mẹ tôi thì có. Cụ rền rĩ mãi: “Cái số chị chúng mày thế, nên vất vả cả đời. Tao chưa được thấy nó sướng lấy một ngày. Cả lúc ở nhà với mẹ đến lúc đi lấy chồng. Độc chuyện khổ. Rõ thương”. Rồi một ngày mẹ tôi ốm rất nặng. Gục xuống, khi đang ăn cơm trưa và hôn mê ngay. Suốt khoảng thời gian mẹ cận kề với cái chết, bệnh anh Thuyên cũng tái phát và phải nhập viện trở lại. Giọng chị luôn tắt nghẹn và đẫm đầy nước mắt những khi gọi về. Vậy là chị Cả tôi đã không thể thực hiện được điều mà mình luôn ao ước từ ngày sang đất Mỹ: lúc mẹ ốm kiệt, được trở về nhà cùng với các em lo liệu cho mẹ vẹn toàn. Tôi như cảm thấu hết những nỗi đau ứ ngập, chỉ chực vỡ ra mà đành phải nén lại, đã khiến cho chị quắt quay đến dường nào, từ những cuộc gọi như thế. Đêm. Những khi ngồi trông mẹ, ngắm nhìn mẹ, nghe mẹ thở và biết mẹ sắp ra đi mãi mãi rồi lại hình dung ra người chị thân yêu của mình, ở một bệnh viện mãi bên Mỹ. Cũng ngồi như thế này, bên cạnh người chồng nằm bất động với nhiều nỗi niềm trắc ẩn… Tim tôi cứ nhói lên từng hồi và lòng tôi cứ thắt lại, từng cơn. Khi tình trạng của mẹ nguy kịch hơn, chị gửi về một trang fax. Tôi đọc và cố gắng để nước mắt không làm nhòa từng con chữ: “… Mẹ ơi! Con là đứa con bất hiếu của mẹ. Con lấy chồng sớm lại con đông, nên chỉ biết cặm cụi lo cho chồng, cho con đến cạn sức, cạn lòng. Nào có biết nghĩ gì cho mẹ, cho cha. Giờ mẹ sắp ra đi. Con lại ở nơi đất khách quê người với cảnh ngộ như thế này. Mẹ ơi! Mẹ tha lỗi cho con. Mẹ ơi! Làm sao con nắm được tay mẹ. Ôm mẹ. Hôn mẹ. Làm sao… mẹ ơi! Cho con xin vĩnh biệt mẹ…”.
Rồi mẹ tôi mất mấy ngày sau đó. Suốt khoảng thời gian cùng những người thân lo tang lễ cho mẹ, lòng tôi luôn nghĩ đến các anh chị và các cháu mình ở phương xa và người mà tôi nghĩ đến nhiều nhất, vẫn là chị Cả. Hôm đưa mẹ đi, trời mưa dầm. Tôi đứng bên huyệt mộ. Muốn nói với mẹ một câu mà sao không thể. Chỉ bật lên từ trái tim tôi, câu gọi cũ quen: “Mẹ ơi!” rồi “Chị ơi!” quặn thắt. Trong phút chốc tôi thấy mình nhỏ bé biết bao và mong manh biết bao. Tôi ước ao có chị Cả, để được dụi đầu vào lòng chị và khóc nấc lên như mình đang còn rất trẻ con. Như những ngày còn bé, hể bị các anh chị trong nhà hay đứa nào đó trêu, là lại đi mách chị. Bóng dáng của chị, bỗng chốc lớn hẳn lên trong tâm hồn và đời sống của tôi, kể từ sau khi mẹ tôi không còn.
Chị đã tưởng không về được, vì anh rể tôi lại trở ốm nặng và thêm một lần nữa, phải vào bệnh viện. May sao có đứa con dâu của chị vừa được chồng bảo lãnh sang, chưa có việc làm. Thế là có người để mà gửi gấm. Cũng an tâm được đôi phần. Xuống máy bay, chị đón xe khách ra: “Cứ để chị tự lo, đừng đưa rước làm gì”. Dù chị đã nói thế nhưng vợ chồng tôi vẫn đèo nhau tới đợi ở bến. Chồng tôi đòi kêu xe tắc xi nhưng chị cản: “Em chở cái Út, gọi cho chị cái xe ôm là được rồi”. Tính chị vẫn đơn giản như tự hồi nào và thế là hai cái xe gắn máy chở chị em chúng tôi song song bên nhau. Trên đường về nhà, gặp chỗ vắng, chị đưa tay ra với về phía tôi. Tôi vội nắm lấy tay chị, ứa nước mắt và hình như chị cũng vậy. Chúng tôi không dám nhìn vào mắt nhau.
Chị ở nhà không được bao ngày. Những lần trước, chí ít, cũng được trên cả tháng. Lần này, chị mong mỏi và ước ao trở về, chỉ để xin lỗi mẹ lấy một câu cho lòng mình thanh thỏa. Chị bảo: “Rời anh phút nào là chị nóng lòng, nóng ruột phút ấy. Không đành được. Anh như thế… Chắc không thể nào chị còn có thể về đựơc nữa rồi. Thôi! Cái nghĩa vợ chồng… Chỉ mong chị có thêm sức mạnh, để được đi trọn vẹn cùng anh”. Chị nói câu ấy rất nhiều lần. Nói cả vào hôm đi và lần nào cũng cười…/.
Tác giả: Nguyễn Mỹ Nữ/ Giọng đọc: NSƯT Hoàng Yến
Từ khóachị cả đọc truyện đêm khuya Hoàng Yến truyện đêm khuya truyện online
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …